Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 12 - 13 - 14

12 - NỬA SAU ĐỜI HOÀNG ĐẾ LÝ THÁI TÔNG

Trải 26 năm làm vua (1028 - 1054), Lý Thái Tông đã có nhiều cống hiến lớn, được sử sách trân trọng ghi lại. Trong nửa sau của thời gian trị vì, vua Lý Thái Tông đã làm được ba việc trọng đại.Một làvào năm Nhâm Ngọ (1042) Thái Tông đã tổ chức biên soạn xong bộHình thư là bộ luật thành văn đầu tiên của nước nhà, lịch sử pháp quyền nước ta bước vào một thời kì hoàn toàn mới.Hai là, vào năm Giáp Thân (1044), nhân thấy được mùa lớn, Thái Tông tuyên bố: “Nếu trăm họ đã no đủ, trẫm lo gì không no đủ.” Nói xong liền hạ lệnh xá một nửa tiền thuế cho cả nước. Đó là việc làm điển hình của sự khoan sức dân và niềm tin ở dân.Ba là,vào tháng 10 năm Kỉ Sửu (1049), Thái Tông cho dựng chùa Một Cột ở Thăng Long. SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 2, tờ 37 - a) chép rằng:

“Trước đây, Vua chiêm bao thấy Phật Quan âm ngồi trên tòa sen và dắt Vua lên tòa. Tỉnh dậy, Vua đem việc ấy nói với bầy tôi. Có người cho là điềm chẳng lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên Vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa ao, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt lên trên cột như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng lượn chung quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu (kéo dài cõi phúc, tức kéo dài tuổi thọ).”

Lời bàn:Soạn đượcHình thư,Thái Tông đã tạo được khuôn phép cho cả một thời, lối cai trị theo tập tục tùy tiện đến đấy kể như cáo chung, nước có luật bắt đầu từ đó.

Từng nghe triều đình xưa miễn giảm thuế cho dân mỗi khi có thiên tai địch họa hay mất mùa đói kém, chứ chưa từng nghe nhà nước miễn thuế cho dân vì thấy được mùa lớn bao giờ. Thái Tông quả là đã để đức lớn cho con cháu và dân trăm họ vậy.

Dựng chùa Một Cột, Thái Tông đã in dấu ấn ngàn năm cho kinh thành Thăng Long. Muôn đời sau, nói đến Thăng Long là nói đến chùa Một Cột, và hễ nói đến chùa Một Cột là nói đến sự tinh tế tuyệt vời của Lý Thái Tông. Cổ kim dễ đã có mấy ai làm được như vậy. Một trong những người sống mãi với non sông là Lý Thái Tông đó thôi.

13 - ĐỨC ĐỘ CỦA VUA LÝ THÁNH TÔNG

Lý Thánh Tông (1054 - 1072) tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Thái Tông, mẹ là Kim Thiên Thái hậu họ Mai. Năm Thiên Thành thứ 1 (1028) Nhật Tôn được sách phong Đông cung thái tử, Thái Tông băng, bèn lên ngôi báu. Ông là vị vua rất mộ đạo, giàu đức từ bi và từng cho xây cất rất nhiều chùa chiền. Lòng lành của Lý Thánh Tông tỏa đến cả tù nhân trong ngục tối. SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 3, tờ 1 - b) có chép một mẩu chuyện xẩy ra vào năm Ất Mùi (1055) như sau:

“Mùa Đông, tháng 10, trời giá rét lắm. Vua bảo các quan tả hữu rằng: Trẫm ở trong cung cấm, nào lò sưởi ngự, nào áo hồ cầu (áo lông cáo) mà còn rét như thế này, huống chi là tù nhân trong ngục, thân khổ vì gông cùm, gian ngay chưa rõ, vậy mà cơm ăn không no bụng, mặc áo không kín thân, khốn khổ vì gió rét, có kẻ chết không đáng tội... Trẫm rất lấy làm thương xót. Vậy, lệnh cho hữu ti phát chăn chiếu và cấp cơm ăn ngày hai bữa.”

Sau khi chép lại sự kiện này, các tác giả sáchKhâm định Việt sử thông giám cương mụcđã thẳng thắn phê ngay một câu rằng: “Còn dân lành thì sao?”

Lời bàn:Đại Việt sử kí toàn thưchépthiếu, có lẽ sách Khâm định Việt sử giám cương mụccứ theo sự không đầy đủ ấy mà chép lại nên mới ngỡ là vua Lý Thánh Tông chỉ mới nghĩ đến tù nhân, chưa nghĩ đến dân lành. Xem sách Đại Việt sử lược(tác phẩm khuyết danh, viết vào đầu thế kỉ XIII, quyển 2 tờ 10 - b) thì thấy còn có một câu ở ngay cuối đoạn văn trên. Câu ấy như sau: “Vua ban cho dân trong cả nước một nửa số tiền thuế năm đó.”

Thế là đã rõ.

Hiển nhiên, Lý Thánh Tông hay bất cứ ông vua nào thuở xưa, dù nhân đức bao nhiêu thì cũng là người bóc lột. Song, điều đáng nói ở đây là người bóc lột ấy đã biết chăm lo đến đối tượng bóc lột của mình, ấy là dân. Mà dân muôn đời chắc cũng mong được như vậy.

14 - CHUYỆN CON KỲ LÂN

SáchĐại Việt sử lược(quyển 2, tờ 10 - b) cho biết là vào năm Đinh Dậu (1057), vua Lý Thánh Tông nhân bắt được hai con thú lạ, bèn sai viên ngoại lang là Mai Nguyên Thanh đem sang biếu nhà Tống, nói đại rằng đó là hai con kì lân. Sự kiện này được sáchĐại Việt sử kí toàn thưvà sáchKhâm định Việt sử thông giám cương mụcchép lại và bổ sung thêm nhiều chi tiết khá độc đáo. SáchKhâm định Việt sử thông giám cương mục(chính biên, quyển 3, tờ 22) viết như sau:

“Đem con thú lạ sang tặng nhà Tống, nói gạt là con lân. Khu mật sứ của nhà Tống là Điền Huống nói rằng:

- Đó chỉ là con thú lạ, chứ không phải con lân.

Tư Mã Quang nói:

- Nếu quả là con lân thực mà xuất hiện không đúng lúc cũng không phải là điềm lành. Nếu là con lân giả thì chỉ tổ làm cho người phương xa cười thôi.

Thế rồi nhà Tống tặng quà và đưa tiễn rất ưu hậu, bảo sứ giả về.”

Lời bàn:Không biết là con thú gì mà cũng nói đại là con lân, lại còn cả gan đem sang biếu thiên triều, các quan nhà Lý lúc ấy quả là liều lĩnh có một không hai. May thay, người lòa lại gặp người mù. Quan nhà Tống là Điền Huống khẳng định rằng đó chỉ là con thú lạ, không phải con lân, thì cũng là liều không kém. Còn như Tư Mã Quang, khôn khéo có thừa mà tri thức cũng chẳng hơn ai, đừng tưởng nói không mất lòng ai là được việc. Mới hay, Mai Nguyên Thanh, Điền Huống, Tư Mã Quang cùng triều thần hai bên gặp nhau ở đây là phải lắm.

Chuyện kì lân lại hóa thành chuyện kì cục. Kẻ hay đàm đạo những điều mà mình không biết, hãy nên lấy đó làm gương.