Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 18 - 19 - 20

18 - LÝ THƯỜNG KIỆT VỚI BÀI THƠ “NAM QUỐC SƠN HÀ”

Cuối năm Bính Thìn (1076), nhà Tống ồ ạt đưa quân sang xâm lược nước ta. Quân đội Đại Việt lúc bấy giờ do Lý Thường Kiệt chỉ huy, tuy đã chủ động chuẩn bị đối phó từ trước, vẫn chống cự một cách rất khó khăn. Giặc tràn xuống bờ Bắc sông Cầu và đội quân tiên phong của chúng đã bước đầu chọc thủng được chiến tuyến Như Nguyệt. Chiến tuyến vỡ, một mảng quan trọng trong niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của quân sĩ ta cũng theo đó mà tan vỡ. Muốn giành lại được thế chủ động, trước phải đập tan đội quân tiên phong của giặc, mà muốn đập tan đội quân tiên phong này, trước phải tìm cách lấy lại và kích động mạnh mẽ tinh thần của quân sĩ. Nhận rõ điều đó, Lý Thường Kiệt đã bí mật đang đêm cho người vào đền thờ Trương Hát ở ngay bên bờ sông Cầu, đọc to bài thơ không đề sau đây:

Namquốc sơn hàNamđế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

(Sông núi nước Nam, vuaNamở

Rành rành ghi rõ ở sách trời.

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).

Binh sĩ nghe lời thơ, tinh thần phấn chấn hẳn lên, ai ai cũng cố sức đánh giặc. Đội quân tiên phong của nhà Tống bị đập tan, chiến tuyến sông Cầu cũng mau chóng được hàn lại. Giặc từ đó bị giam chân ở bờ Bắc sông Cầu, tiến thoái lưỡng nan. Đến đầu năm Đinh Tị (1077), chúng bị Lý Thường Kiệt mở trận quyết chiến chiến lược ở Như Nguyệt, đánh cho tan tành.

Ấy là bài thơ không đề, nhưng vì câu mở đầu phiên âm Hán - Việt làNamquốc sơn hà Nam đế cư nên người đời thường gọi đó là bàiNam quốc sơn hà,lại cũng vì bài ấy được đọc lên lần đầu tiên ở trong đền thờ Trương Hát nên người đời cũng gọi đó là bài thơ thần.

Lời bàn:Giữa lúc trận mạc hiểm nguy, sống chết cận kề mà vị tổng chỉ huy là Lý Thường Kiệt vẫn ung dung làm được bài thơ tuyệt vời này thì quả là vô cùng đặc biệt. Thơ đã tuyệt mà cách phổ biến thơ lại còn tuyệt hơn. Binh sĩ một lòng tin chắc rằng thần linh sông núi đang đứng về phía họ, sách trời cũng minh chứng cho đại nghĩa của họ, bảo họ không phấn khích làm sao được. Cơ trời huyền diệu, chỉ có thần nhân mới biết được, vậy thì thơ ấy, đọc ở thời điểm ấy, đọc ngay trong đền thờ ấy… tất cả đều hợp lẽ vô cùng. Hậu thế coi đó là bài thơ có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà, kể cũng phải lắm thay.

19 - VỤ ÁN LÊ VĂN THỊNH

Năm Canh Tuất (1070) vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu ở ngay thủ đô Thăng Long. Nho học bắt đầu có địa vị trên vũ đài chính trị và tư tưởng của nước nhà kể từ đó. Đến năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) cho mở khoa thi nho học đầu tiên ở nước ta. Đó là khoa minh kinh bác học, người có vinh dự đỗ đầu kì thi này là Lê Văn Thịnh.

Khởi đầu, Lê Văn Thịnh được vào giảng học cho vua, sau ông được giữ chức thị lang bộ binh rồi thăng dần lên đến chức thái sư của triều đình, quyền uy một thời lừng lẫy thiên hạ. Nhưng đến tháng 3 năm Bính Tý (1096), Lê Văn Thịnh phạm tội, bị bắt đi đày (có sách nói là ở Phú Thọ nhưng cũng có sách nói là ở Thanh Hóa ngày nay). Vụ án này thoạt nghe cứ như là chuyện đùa nhưng lại là một vụ án có thật, được sáchKhâm định Việt sửthông giám cương mục(chính biên, quyển 4, tờ 1 và 2) ghi lại như sau:

“Trước, Văn Thịnh có một tên gia nô người nước Đại Lý (vùng VânNam, Trung Quốc ngày nay). Tên này có pháp thuật lạ, nhân đó, Văn Thịnh manh tâm mưu sự khác. Bấy giờ, nhà vua chơi hồ Dâm Đàm (Hồ Tây, Hà Nội), đi chiếc thuyền con xem đánh cá. Bỗng nhiên hồ nổi sương mù, rồi có chiếc thuyền từ trong đám sương mù ấy lao tới, sát đến thuyền ngự. Nhà vua cầm giáo phóng tới thì đám sương mù tan đi, trong thuyền hiện ra một con hổ. Mọi người sợ hãi. Ông chài Mục Thận quăng lưới chụp lấy thì té ra lại là thái sư Lê Văn Thịnh. Nhà vua cho rằng Văn Thịnh là bậc đại thần có công lao nên không nỡ giết, chỉ bắt đi an trí ở trại Thao Giang (vùng Phú Thọ). Vua thưởng quan tước cho Mục Thận và ban cho đất Dâm Đàm để làm thái ấp.

Lời bàn:Tháng 3 ở Hồ Tây, sương mù bỗng chốc xuất hiện cũng là điều dễ hiểu. Nay hiện tượng này vẫn có huống chi là ngót ngàn năm trước, quanh hồ cây cối còn hoang vu. Giữa đám mây mù, vua quan nhìn gà hóa cuốc, Văn Thịnh bởi thế mà mang tội trong chỗ không ngờ chăng?

Dân gian kể rằng ông biết hóa hổ từ hồi còn là học trò và đã có lần mẹ ông chết ngất khi thấy ông hóa hổ ở ngay trong phòng học. Lê Văn Thịnh khác người ở chỗ giỏi hơn người, vì thế mà ông mang tội cũng phải khác người chăng? Không thấy sử chép là ông đã nói gì khi bị bắt, nhưng chắc là khó nói, bởi ý vua đã quyết, có nói cũng bằng thừa thôi.

20 - CHUYỆN GIÁC HOÀNG

Ở thời thịnh trị, muôn vạn binh hùng tướng mạnh của ngoại bang ồ ạt tràn đến, triều chính chưa dễ đã lung lay nhưng ở thời chính sự suy vi, có khi chỉ một đứa bé cỏn con cũng đủ sức để làm cho ngai vàng nghiêng ngửa. Chuyện cậu bé Giác Hoàng xảy ra vào đầu năm Nhâm Thìn (1112) được sáchĐại Việt sử lược(quyển 2, tờ 21 a - b) ghi lại sau đây, có thể coi là một ví dụ tiêu biểu:

“Tháng 2 (năm 1112), người ở Thanh Hóa nói rằng, ven biển nơi ấy có đứa bé lạ, mới ba tuổi mà ai nói gì cũng hiểu, tự xưng là con vua, hiệu Giác Hoàng (nghĩa là Phật, người đã giác ngộ hoàn toàn). Phàm Vua làm gì, nó cũng đều biết trước. Vua sai quan trung sứ đến hỏi, thấy những điều nó nói đều đúng, bèn đón về, cho ở tại chùa Báo Thiên (Hà Nội). Vua thấy nó linh dị nên yêu quý lắm. Bấy giờ, Vua không có con trai, định lập nó làm thái tử, nhưng quần thần cho là không nên, bèn thôi. Vua sai bày trai đàn ở trong cấm đình, muốn sai Giác Hoàng đầu thai làm con mình. Có vị sư tên là Từ Lộ (hiệu là) Đạo Hạnh ở núi Phật Tích nghe tin đó, không bằng lòng, bèn bảo với người chị là Từ thị đi dự hội. Đạo Hạnh ngầm đưa vài hạt châu đã làm phép, nói với chị rằng, khi tới cuộc hội, nhớ đem giắt vào mái nhà, đừng để cho ai biết. Từ thị làm đúng lời dặn. Giác Hoàng bỗng nhiên mắc bệnh sốt, nói với mọi người rằng, hắn thấy khắp trong nước đều có chăng lưới sắt, không còn đường để vào thác sinh ở trong cung. Vua sai tìm kiếm khắp nơi thì bắt được mấy hạt châu của Từ thị giấu. (Vua) sai bắt Lộ trói ở hành lang Hưng Thánh, toan xử tử. (Bấy giờ) Sùng Hiền Hầu (em Vua) vào chầu. Lộ kêu than rằng, xin Hiền Hầu cứu bần tăng, nếu may mà bần tăng thoát chết thì (sau sẽ) xin làm con của (Hiền) Hầu để báo đền ơn đức. (Hiền) Hầu nhận lời. Vào chầu vua để cứu Lộ, Hầu nói, Giác Hoàng nếu thực sự có sức thần mà bị Lộ làm phép yểm được, thì Lộ rõ ràng là giỏi hơn Giác Hoàng. Thần cho rằng, chi bằng hãy cho ngay Từ Lộ thác sinh. Vua bèn tha tội Lộ.

Giác Hoàng bị bệnh rất nguy, trăng trối lại rằng, sau khi chết, hãy dựng tháp ở núi Tiên Du mà thờ y.”

Lời bàn:Bậc xuất chúng có tài bẩm sinh, thời nào cũng có. Giác Hoàng cũng chỉ là một trong số những người ấy. Song, hành trạng Giác Hoàng thực hư lẫn lộn, trăm sự chẳng qua cũng bởi sự sùng Phật thái quá của người đương thời. Thiên tài phải một phen hú vía vì vua bắt đầu thai thác hóa, phát sốt mà thành bệnh nguy kịch cũng phải.

Từ Đạo Hạnh là bậc tu hành, tự nói có pháp thuật cao cường, song thói tục đời thường xem ra vẫn còn nặng lắm. Từ Đạo Hạnh dùng bùa phép để hãm hại Giác Hoàng là bậc đồng đạo, ấy là thói ghen ghét vẫn còn chất chứa. Từ Đạo Hạnh lại muốn chính mình được đầu thai thác hóa để kiếp sau được làm vua, ấy là hòng tham quyền thế còn rất nặng nề. SáchĐại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3 tờ 16 - a) chép rằng, về sau, Từ Đạo Hạnh thác hóa làm con của Sùng Hiến Hầu (em vua Lý Nhân Tông), ấy là Lý Dương Hoán. Nhân Tông không có con trai nên truyền ngôi cho Lý Dương Hoán, đó là Lý Thần Tông (1128 - 1138).