Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 15 - 16 - 17
15 - SỰ TÍCH ĐỒNG BÔNG Ở TỪ LIÊM (HÀ NỘI)
Mãi đến năm bốn mươi tuổi mà vua Lý Thánh Tông vẫn chưa có con trai nên lòng những lo lắng vì không biết rồi sẽ để ngai vàng lại cho ai. Nhà vua vốn đã mộ đạo, nhân vì chuyện này lại càng chăm đi cầu tự khắp mọi chùa chiền. Duyên kì ngộ bởi vậy đã đến với nhà vua. SáchKhâm định việt sử thông giám cương mục(chính biên, quyển 3, tờ 26) viết rằng:
“Khi đến làng Thổ Lỗi (tức làng Siêu Loại, Bắc Ninh - ND), có người con gái hái dâu đang tựa vào khóm cỏ lan, Nhà vua thấy lạ, cho vời vào cung, lập làm Ỷ Lan Phu nhân.”
Nhưng Ỷ Lan vào cung một thời gian khá lâu mà vẫn chưa sinh hạ Hoàng tử. Lý Thánh Tông lại tiếp tục đi cầu tự. Có lúc Nhà vua đích thân đi, nhưng cũng có lúc Vua ủy cho quan lại đi thay mình. Năm Quý Mão (1064), Chi hậu nội nhân là Nguyễn Bông được sai đi làm việc này. Sách Đại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 3, tờ 3 - a) viết:
“Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương cầu đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa (chết và cho hồn đầu thai ngay vào kiếp người khác - ND), Bông nghe theo. Việc ấy bị phát giác, Vua sai chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa (Thánh Chúa) ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, Đồng Bông ở phía Tây trước cửa chùa, nay hãy còn.”
Lời bàn:Nguyễn Bông đã tận tụy làm những gì chức phận phải làm, cũng có thể gọi là trung. Vua Lý Thánh Tông một đời nhân đức, sao mà lúc này lại đang tâm giết chết Nguyễn Bông, cũng có thể gọi là tàn bạo. Thuật đầu thai thác hóa mà nhà sư chùa Thánh Chúa truyền dạy cho Nguyễn Bông quả là thuật... bợm. Nguyễn Bông chết trong oan uổng và mãi đến hai năm sau, Ỷ Lan mới sinh hạ Hoàng tử là Càn Đức, chẳng lẽ linh hồn Nguyễn Bông gian nan vất vưởng lâu đến thế hay sao?
Cái tên Đồng Bông còn đó với thiên thu, hễ ai trong hậu thế mà tập nhiễm sự thèm khát con trai kiểu Lý Thánh Tông, sự bịp bợm kiểu nhà sư ở chùa Thánh Chúa hay sự trung thành mê muội có pha chút tham vọng của Nguyễn Bông, xin hãy đọc kĩ chuyện này.
16 - CHÚT SĨ DIỆN ĐÁNG YÊU CỦA VUA LÝ THÁNH TÔNG
Đầu nửa sau của thế kỉ XI, quan hệ bang giao giữa Đại Việt với nhà Tống trở nên rất căng thẳng. Bấy giờ, nhà Tống ráo riết chuẩn bị xâm lăng nước ta. Để góp phần thực hiện kế hoạch nguy hiểm này, chúng đã tung sứ giả đến nhiều lân bang, xúi giục họ phối hợp tấn công, quấy phá Đại Việt. Chiêm Thành là nước đã nghe theo lời xúi giục này. Hai gọng kềm quân sự to lớn đã xuất hiện, một ở phía Bắc là nhà Tống và một ở phíaNamlà Chiêm Thành, cả hai đã sẵn sàng để bóp nát Đại Việt. Trước tình hình ấy, triều Lý chủ trương lần lượt bẻ gẫy từng gọng kìm để rồi cuối cùng, đập tan toàn bộ mưu đồ xâm lăng của nhà Tống. Mục tiêu đầu tiên của Đại Việt là gọng kìm phíaNam. Đầu năm Kỉ Dậu (1069), vua Lý ThánhTông đích thân cầm quân vàoNam. Khi đi, Thánh Tông giao quyền điều khiển chính cho Ỷ Lan (lúc này đã được sách phong là Nguyên phi, tức người đứng đầu hàng thứ hai của vợ vua, sau Hoàng hậu). Chiêm Thành tuy không lớn nhưng có địa thế hiểm trở, thắng được cũng không phải là dễ dàng. SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 3, tờ 4 - b và tờ 5 - a) chép sự kiện này như sau:
“Trận này, Vua đánh Chiêm Thành mãi không được, bèn rút quân về. Đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa, hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi bà là Quan Âm. Vua nói: “Nguyên phi là đàn bà mà còn làm được như thế, là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?” Bèn quay lại đánh nữa. Thắng được.”
Lời bàn:Năm ấy, vua Lý Thánh Tông đã bốn mươi sáu tuổi. Cứ chữ mà suy thì thiên tử nghĩa là con trời, song, các bậc thiên tử ở độ tuổi này thường rất hay coi trời bằng vung. Vậy mà rốt cuộc, cũng đã có lúc ông trời con là Lý Thánh Tông chợt thấy mình thua kém. Thua kém ai còn được, thua vợ mình thì còn ra thể thống gì nữa. Thánh Tông vì sĩ diện mà quyết đánh đến cùng. Chiêm Thành thua, gọng kìm phía Namtan nát và sau đó đến lượt nhà Tống cũng đại bại. Chút sĩ diện ấy đáng yêu biết ngần nào. Câu sau cùng này có lẽ xin dành riêng để tâm sự với các đấng mày râu, rằng ở đời, ta có thể thua bà hàng xóm hay một người phụ nữ nào đấy, nhưng chớ để thua kém vợ mình. Mỗi đấng mày râu cố một chút, nhất định xã hội sẽ được nhờ, các bà cũng nhân đó mà được nhờ hơn nữa. Thử mà xem.
17 - DƯƠNG THÁI HẬU VÀ 76 THỊ NỮ BỊ GIẾT HẠI
Tháng 1 năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Càn Đức bấy giờ mới sáu tuổi lên nối ngôi, đó là vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127). Thái tử Càn Đức là con đẻ của Ỷ Lan Nguyên phi, nay Càn Đức lên ngôi, Ỷ Lan được tôn phong là Linh Nhân Thái phi, còn Hoàng hậu họ Dương thì được tôn phong là Dương Thái hậu. Lễ xưa quy định, hễ hoàng đế lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi thì thái hậu được quyền buông mành giữa triều đình để ngồi ở phía sau mành mà nghe quần thần tâu bày chính sự, ấy gọi làthùy liêm.Chỉ thái hậu mới được quyền buông mành nhưng Dương Thái hậu lại không phải là mẹ đẻ của Lý Nhân Tông, điều đó khiến Linh Nhân Thái phi căm tức. Năm Quý Sửu (1073), một vụ tàn sát bi thảm đã diễn ra mà nạn nhân chính là Dương Thái hậu cùng bảy mươi sáu thị nữ (cũng có sách nói chỉ có bảy mươi hai thị nữ mà thôi). SáchĐại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 7 - a) chép rằng:
“Linh Nhân có tính hay ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với Vua rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý thì người khác hưởng, vậy con để mẹ già vào đâu?” Vua bèn sai giam Dương Thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương rồi bức phải chết, cho chôn theo lăng của Thánh Tông.”
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết Thái hậu, hãm hại người vô tội đến mức tàn nhẫn như thế? Ấy vì ghen là tính thường có của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với Vua. Bấy giờ, Vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích mà không biết là lỗi to…”
Lời bàn:Dương Thái hậu buông mành điều khiển chính sự, ấy là bởi quy định của điển lễ xưa, âu cũng là bổn phận phải làm vậy. Linh Nhân Thái phi buồn vì sự đời bất như ý, từ đó đâm ra ghen tức, ấy cũng là sự thường của người lòng dạ hẹp hòi, đàn ông đàn bà gì cũng thế mà thôi. Một đời Linh Nhân có biết bao cống hiến, sử sách ghi đầy đủ, nhưng một lần Linh Nhân tàn sát hơn bảy chục người, sử sách cũng không quên. Bởi việc tàn sát này mà nhân tâm li tán, kẻ thù lợi dụng, thử hỏi lúc đó nếu không có Lý Thường Kiệt thì vận mệnh nước nhà sẽ ra sao?