Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 26 - 27 - 28

26 - TỪ VĂN THÔNG ĂN HỐI LỘ

SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 3, tờ 41 - b và tờ 42 - a) có chép một mẩu chuyện xẩy ra vào tháng 9 năm Mậu Ngọ (1138), khi vua Lý Thần Tông đang hấp hối như sau:

“Trước kia, Vua đã lập Thiên Lộc làm con nối ngôi. Đến đây Vua đau nặng, ba phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập Thái tử khác, mới sai người đem của đút cho tham tri chính sự Từ Văn Thông, nói rằng có vâng mệnh để thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận lời. Đến khi Vua đau nặng, sai soạn di chiếu, Văn Thông tuy vâng mệnh Vua nhưng nhớ lời của ba phu nhân nên cứ cầm bút mà không viết. Lát sau, ba phu nhân đến, khóc lóc thảm thiết thà nói rằng:

- Bọn thiếp nghe rằng, đời xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi thì người mẹ tất sẽ tiếm lấn, sinh lòng ghen ghét làm hại, như thế thì mẹ con bọn thiếp tránh sao cho khỏi nạn.

Vua vì thế xuống chiếu rằng:

- Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn Thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương.”

Lời bàn: Phàm người quang minh chính đại, hễ thấy điều gì hợp với đạo nghĩa là làm, không qụy lụy van xin bất cứ ai. Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh đem vàng hối lộ Từ Văn Thông, ắt hẳn là muốn dùng vàng để che khuất chỗ bất chính của họ. Nước mắt của ba phu nhân là nước mắt thương xót người sắp lìa đời chăng? Tất không phải. Chẳng qua, đó chỉ là chút đưa đẩy cuối cùng, cốt lung lạc cho bằng được Nhà vua đang lúc hấp hối mà thôi. Từ Văn Thông sao lại phải chần chờ? Của đút đã làm vỡ nghiên cong bút mất rồi, bảo viết ngay làm sao được. Cả đời Thần Tông hầu như chẳng quyết đoán được việc gì, huống chi là lúc sức tàn lực kiệt.

Ôi, vua nhu nhược ấy, bề tôi gian tà ấy, hoàng tộc chia bè kết cánh ấy… gặp nhau là phải lắm. Rốt cuộc là tất cả họ, nào có ai mất gì, chỉ có nước nhà là mất thời thịnh trị mà thôi.

27 - LÝ CÔNG BÌNH MẤT CÔNG TRẠNG

Đầu năm Mậu Thân (1128), nghĩa là ngay khi vua Lý Thần Tông vừa mới lên ngôi, nước ta bị Chân Lạp, đem quân đến quấy phá. SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 3, tờ 30 a - b) cho biết rằng, ngày Giáp Dần (tức ngày 29 tháng 1), hơn hai vạn quân Chân Lạp tiến vào đánh phá ở bến Ba Đầu của châu Nghệ An. Vua Lý Thần Tông sai quan Nhập nội Thái phó là Lý Công Bình cầm quân di đánh giặc. Ngày Quý Hợi (tức ngày 3 tháng 2), Lý Công Bình đã đánh bại quân Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được cả chủ tướng của chúng và rất nhiều quân lính. Thắng trận xong, Lý Công Bình lập tức cho người đưa thư về triều báo tin. Cũng sách nói trên (tờ 31 - a) chép rằng:

“Thư báo tin thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư. Ngày Mậu Thìn (tức ngày 15 tháng 2 - ND), Vua ngự đến hai cung Thái Thanh và Cảnh Linh cùng các chùa quán trong thành để làm lễ tạ ơn Phật và Đạo đã ngầm giúp cho Công Bình đánh được người Chân Lạp.

Lê Văn Hưu nói: 'Phàm việc trù tính ở trong màn trướng đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp vào cướp ở châu Nghệ An và sai người báo tin thắng trận, Thần Tông đáng lẽ phải làm lễ cáo thắng ở Thái Miếu rồi xét công ở triều đình để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc, đàng này lại quy công cho Phật và Đạo đi các chùa quán để lạy tạ, như thể không phải là cách để ủy lạo kẻ có công và cổ vũ chí khí của quân sĩ.”

Lời bàn:Lý Công Bình vui nhận mệnh vua mà đem tướng sĩ đi đánh giặc, cũng có thể nói là trung thần Công Bình xuất quân chỉ mới được mấy ngày đã có tin thắng trận báo về, cũng có thể nói rằng ông là người có tài làm tướng. Thưởng người có công, trị người có tội là lệ thường của mọi thời. Tiếc thay, Lý Công Bình chẳng được hưởng sự công bình, bởi vua u mê, cái gì cũng cho là trời Phật làm nên chứ chẳng phải sức người. Sau, đến năm Đinh Tị (1137), ông lại phải thêm một phen cầm quân đi đánh Chân Lạp ở Nghệ An, nhưng cũng chẳng thấy sử chép Nhà vua thưởng gì cho ông, Lý Thần Tông mất năm 1138, thọ hai mươi hai tuổi. Diễn đạt theo cách nghĩ của chính Nhà vua lúc sinh thời, thì cũng có thể coi đó là điềm lành cho xã tắc vậy.

28 – VỤ ÁN ĐỖ ANH VŨ

Đỗ Anh Vũlà quan thái úy phụ chính thời Lý Anh Tông. Vua Anh Tông lên ngôi năm 1138, lúc chỉ mới được hai tuổi, chính sự trong nước vì thế mà gần như đều doĐỗ Anh Vũquyết đoán cả. Phụ hoàng của Lý Anh Tông là Lý Thần Tông mất lúc mới hai mươi hai tuổi, bởi thế, các hoàng hậu và phi tần phải chịu cảnh góa bụa lúc còn quá trẻ.Đỗ Anh Vũmuốn nhân cơ hội đó tư thông với các bà hoàng, gây chuyện dâm loạn trong cung đình. Vì việc này mà một vụ án lớn đã xẩy ra vào năm Canh Ngọ (1150). Năm ấy, vua Lý AnhTông mười bốn tuổi. SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 4, tờ 7 a - b) đã chép về vụ án này như sau:

“Trước đó, Vua còn trẻ thơ, mọi việc chính sự lớn nhỏ đều ủy thác choĐỗ Anh Vũcả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ Thái hậu, nhân đó mà tư thông với Lê Thái hậu (mẫu hậu của Anh Tông), và vì thế mà càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người liếc nhau chứ không ai dám nói. Quan Điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ (Cát) Đái, chức Hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, chức Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi, chức Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh Vương, Bảo Ninh Hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh... cùng hợp mưu bắt giam Anh Vũ. Bàn tính xong, bọn Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to lên rằng:

- Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều điều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau.

(Vua) bèn xuống chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ, trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh và giao cho đình úy xét việc. Thái hậu sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng vào đồ đựng thức ăn để đút cho Vũ Đái và các người canh giữ. Hỏa đầu đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói:

- Các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng cứ giết trước đi cho khỏi tai họa về sau.

Nói rồi, cầm giáo định đâm. Đô Tả Hưng (Thánh) là Đàm Dĩ Mông ôm Dương, cướp lấy giáo, nói ngăn rằng:

- Điện tiền bảo Anh Vũ tội đáng chết nhưng còn phải đợi mệnh vua, không nên tự tiện.

(Nguyễn) Dương giận, chửi rằng:

- Điện tiền Vũ Cứt Đái chứ chẳng phải Vũ Cát Đái (hai chữCát Đáiđọc theo âm chữ Nôm làCứt Đái). Hắn sao mà tham của đút đến quên cả mạng mình!

Nói xong, tự biết không khỏi chết, bèn nhảy xuống giếng tự tử.

Bấy giờ, Vua xử án Anh Vũ, đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi (tức là đày đi là người cày ruộng cho nhà nước ở vùng Cảo Xã, nay thuộc đất Từ Liêm, Hà Nội). Thái hậu lo buồn, cố nghĩ cách để phục hồi chức tước cho Anh Vũ, bèn mở hội lớn nhiều lần để Vua ân xá cho tội nhân, mong rằng Anh Vũ cũng được dự vào đấy. Anh Vũ sau nhiều lần được ân xá tội lại giữ chức thái úy như cũ, càng được yêu dùng hơn, do vậy càng làm oai làm phúc, sát hại mọi người, lúc nào sự thù hằn cũng lộ rõ ra ngoài. (Hắn) còn sợ bọn lính đi bắt bớ thi hành lệnh không được như ý, mới dâng vua hơn một trăm thủ hạ, lập làm đô Phụng Quốc Vệ, hễ ai phạm tội cũng giao cho lính ở đô Phụng Quốc Vệ đi bắt. Anh Vũ tâu Vua rằng:

- Trước kia bọn Vũ (Cát) Đái tự tiện đem cấm quân xông vào tận cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường trước được.

Vua chẳng biết gì cả, bèn y lời tâu. Anh Vũ sai đô Phụng Quốc Vệ đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. (Vua) xuống chiếu giáng Trí Minh Vương làm tước hầu, Bảo Ninh Hầu làm tước Minh tự, Bảo Thắng hầu làm Phụng chức, nội thị là bọn Đỗ Ất gồm 4 người bị “cưỡi ngựa gỗ” (đem đóng đinh lên ván, bêu ở chợ rồi sau mới tùng xẻo da thịt), bọn Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi gồm 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn Điện tiền đô chỉ huy Vũ (Cát) Đái gồm 20 người bị chém bêu đầu ở các bến sông, bọn Phò mã lang Dương Tự Minh gồm 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành,khao giáp... quả y như lời nói của (Nguyễn) Dương.”

Lời bàn:Vũ Cát Đái và những người đồng mưu bắtĐỗ Anh Vũchẳng qua chỉ vì muốn giành những gì béo bở mà địa vị củaĐỗ Anh Vũcó thôi. Có thế họ mới thản nhiên ăn của đút, bất chấp cả sự giận dữ của Nguyễn Dương. Ôi, vua nhỏ tuổi, thái hậu dâm loạn, quyền thần gian tà thi nhau lũng đoạn, phép nước chẳng còn ai lưu tâm tới nữa... nước chẳng có giặc mà thực là như đang có giặc, nguy lắm thay!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3