Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 29 - 30 - 31
29 - CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN QUỐC DĨ
Nguyễn Quốc Dĩ (cũng có sách chép là Nguyễn Quốc) vốn người có tài, từng nhận mệnh vua Lý Anh Tông đi sứ sang nhà Tống. Tuy nhiên, con người vốn có tài ấy lại chết một cách tức tưởi vào năm Mậu Dần (1158). SáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 6 - a) chép rằng:
“Viên tạ ti Nguyễn Quốc Dĩ đi sứ nhà Tống về. (Ông) tâu vua:
- Thần đến nước Tống, thấy ở giữa sân (triều đình) có cái hòm bằng đồng để thu nạp những tờ sớ của bốn phương. Thần xin bệ hạ phỏng theo cách đó (mà làm) để thấu rõ được dân tình.
Vua lấy làm phải, sai làm hòm để ở trước triều đình và lệnh rằng;
- Ai muốn nói việc gì thì làm giấy bỏ vào hòm đó.
Khoảng chừng một tháng, các thư sớ đã đầy hòm, trong đó có một tờ sớ nặc danh, bỏ trộm vào hòm, viết rằng: “Thái úy Đỗ Anh Vũ định đem binh vào cung làm loạn.” Kẻ nhận thư bèn đưa cho Anh Vũ. Anh Vũ nói:
- Ông hãy vì ta mà tâu vua xin xét việc đó.
Đến khá lâu sau vẫn không tìm ra kẻ viết thư, Anh Vũ bèn tâu vua rằng:
- Thư ấy tất do người đề xướng việc làm hòm viết ra.
Vua lấy làm phải, sai bắt Quốc Dĩ và em gái là Nghi giao cho quan xét xử, bày đặt buộc tội cho Quốc Dĩ rồi đày Quốc Dĩ lên trại Quy Hóa. Được ít lâu, vua tính triệu Quốc Dĩ về, Anh Vũ sai người đem thuốc độc cho Quốc Dĩ và nói:
- Uống thuốc này thì có thể tránh được chướng khí. Quốc Dĩ biết rằng không thể thoát được, bèn uống thuốc độc mà chết.”
Lời bàn:Nguyễn Quốc Dĩ muốn bắt chước thiên triều nên mới tâu xin vua đặt cái hòm bằng đồng ở giữa sân rồng. Nhưng ở thời quyền thần lũng đoạn và vu hãm lẫn nhau, vua thì bạc nhược và u mê, thử hỏi cái hòm kia phỏng có ích gì? Xót thay, cái hòm ấy chỉ để chôn Nguyễn Quốc Dĩ với những ý định tốt đẹp của ông mà thôi!
30 - THÁI TỬ LÝ LONG XƯỞNG BỊ PHẾ
Lý Long Xưởng sinh năm Tân Mùi (1151) là con trưởng của vua Lý Anh Tông, được Anh Tông cho lập làm Đông cung Thái tử. Với Thái tử Long Xưởng, ngôi vị Hoàng đế Đại Việt tương lai kể như đã cầm chắc trong tay. Thế nhưng, từ khi được lập làm thái tử, Lý Long Xưởng chỉ lo hoang chơi.
Sự thể quả đúng là “giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, vua Anh Tông cũng nổi tiếng ăn chơi một thời. TrongViệt sử tiêu án,sử gia Ngô Thì Sĩ đã phải thốt lên rằng: “Ơn trạch của họ Lý đến đây tiêu ma hết cả.” Thế nhưng, kẻ nổi tiếng ăn chơi này cũng phải chào thua con mình. Long Xưởng hơn hẳn vua cha ở chỗ, không chỉ ăn chơi mà còn hoang dâm vô độ, đến nỗi bất chấp cả sự loạn luân. Năm Giáp Ngọ (1174), Long Xưởng thông dâm với cả cung phi của Anh Tông. SáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 8 - a) chép rằng:
“Long Xưởng có tính hiếu sắc, trong cung có những cung nữ được vua yêu dấu, Long Xưởng đều tư thông với họ. Vua lại ghét Long Xưởng vô lễ. Bà Nguyên phi Từ thị được Vua yêu, Hoàng hậu bèn sai Long Xưởng ngầm giở ngón tư tình để mê hoặc Từ thị, muốn cho bà Từ thị đó bị Vua nhạt tình. Từ thị đem hết việc đó tâu vua, Vua nhân đó mà giận dữ, phế Long Xưởng đi.”
SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 4, tờ 15 - b) còn cho biết thêm là Long Xưởng bị phế làm thứ dân và bị bắt giam một thời gian. Sau, đến đời vua Lý Cao Tông, vào năm Tân Sửu (1181) Long Xưởng ra tù, lại tụ họp bọn bất lương cướp bóc bừa bãi.
Lời bàn:Thời Tiền Lê có Long Đĩnh, thời Lý lại có Long Xưởng, đất nước phải hai phen kinh hoàng. Nhưng, khác hẳn với thời Tiền Lê, thời vua Lý Anh Tông quả là vô cùng khéo góp: Vua cha hoang chơi, Thái tử hoang dâm, Hoàng hậu thì vì chút lợi riêng mà đang tâm xúi con mình làm điều vô đạo. Cha ấy, mẹ ấy thì con ấy, nào có lạ gì đâu. Vua Lý Anh Tông phế Long Xưởng xuống hàng thứ dân, thế là trong cái sai, còn có thêm cái sai nữa, bởi vì làm thứ dân mà thất đức cũng không thể làm nổi.
31 - LÝ LONG TRÁT ĐƯỢC LẬP LÀM THÁI TỬ NHƯ THẾ NÀO?
Sau khi Lý Long Xưởng bị phế, ngôi Đông cung Thái tử của triều Lý vẫn còn tạm để trống, hoàng tộc cũng như triều đình Lý Anh Tông đều lấy đó làm mối lo. Bấy giờ, Lý Anh Tông tuy chưa đầy bốn mươi tuổi, nhưng sức khoẻ lại quá yếu, sống chết chưa biết thế nào.
Đang khi Anh Tông buồn giận thì bà Đỗ Thụy Châu (mẹ đẻ của hoàng tử Lý Long Trát) sai bà nhũ mẫu bế Long Trát tới. Bấy giờ, hoàng tử Long Trát mới được hơn một tuổi, trông bụ bẫm và rất kháu khỉnh. Chính sự ngây thơ trong trắng của vị hoàng tử tí hon này đã lấy lại sự quân bình cho nhà vua. SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 4, tờ 16 - a) chép rằng:
“Bấy giờ có nội nhân ẵm Long Trát ra. Long Trát thấy vua đội mũ, liền khóc đòi đội. Vua chưa kịp tháo mũ đưa cho thì càng khóc to hơn. Vua bèn tháo mũ đội cho, Long Trát cả cười. Vua càng lấy làm lạ, bèn quyết ý lập Long Trát làm thái tử.”
Thực ra, ý định lập Long Trát đã có từ trước. Cũng sách trên (tờ 15 - b) chép:
“Một hôm, vua gọi tể tướng đến bảo rằng: Thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn cho Long Trát nối giữ nghiệp lớn, nhưng nó còn nhỏ tuổi, sợ không đương nổi, mà đợi nó lớn thì trẫm đã già yếu, biết làm thế nào?”
Có lẽ lời ấy đã bay đến tai bà Đỗ Thụy Châu nên mới có sự sắp đặt khôn khéo như đã kể trên chăng?
Lời bàn:Vua Lý Anh Tông một đời nhu nhược, hoang chơi và lầm lỗi. Phế Long Xưởng để lập Long Trát thì nào có khác gì đổi sự đau khổ này lấy sự bất hạnh khác? Song, cái gọi là giềng mối chính thống của hoàng tộc vốn đã bó buộc tư duy cả một thời, Anh Tông không lập Long Trát cũng khó mà yên được. Vua cha còn không giữ được sự sạch sẽ cho ngai vàng huống chi là Long Trát sau này lên ngôi lúc chỉ mới được ba tuổi. Xem ra, đời con còn có chỗ hơn đời cha, Lý Long Trát (tức Lý Cao Tông) chẳng những làm dơ ngai vàng mà còn làm dơ cả những trang sử cuối của triều Lý. Kẻ phải chịu đựng sự dơ bẩn ấy, bao giờ cũng chỉ có dân mà thôi!