Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 41 - 42 - 43

41 – LỜI QUAN HOẠN PHẠM BỈNH DI

Năm Quý Hợi (1203) vua Lý Cao Tông dốc tiền của để xây cất thêm một lúc đến gần hai chục cung điện và thềm, gác, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Trong số những công trình kiến tạo vào năm này, có gác Kính Thiên. Gác vừa xây cất xong thì cũng có ngay một mẩu chuyện, tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm xôn xao cả triều đình. SáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 1 - b) chép chuyện này như sau:

“Lúc trước, khi gác Kính Thiên mới làm xong, có con chim bồ các đến làm tổ ở trên đó mà đẻ ra chim non. Quần thần nhân việc đó mà can Vua rằng:

- Xưa, Ngụy Minh Đế mới xây gác Lăng Tiêu, có con chim bồ các đến làm tổ, Cao Đường Long nói rằng,Kinh Thicó câu "chim bồ các làm tồ, chim tu hú đến ở.” Nay cung thất mới làm xong mà chim bồ các đã đến làm tổ, thần ngu hèn cho rằng có họ khác đến ở đó. Thần xin bệ hạ xem lời nói của Cao Đường Long, trước cốt sửa mình tu đức, sau hãy khởi công xây dựng mới là phải.

Vua nín lặng hồi lâu rồi hỏi hoạn quan là Phạm Bỉnh Di.

Phạm Bỉnh Di nói:

- Gác mới làm mà chim bồ các đến làm tổ đẻ con, đó là điềm trời ban cho bệ hạ được dòng dõi trăm đời.

Vua được đẹp lòng, sai sửa sang điện gác mau chóng, trăm họ vì thế mà khốn khổ.”

Lời bàn:Triều thần xót việc Cao Tông xài tiền của như nước nên mới mượn tích cũ trong Bắc sử và mượn lời Kinh Thiđể can Vua đó thôi. Song, chút lương tâm quá ít ỏi trong con người Nhà vua chỉ mới đủ để Vua đứng nín lặng trong chốc lát. Vua hỏi Phạm Bỉnh Dị thì nào có khác gì tự hỏi mình, bởi kẻ đã cam phận làm hoạn quan để suốt đời phò Vua, có khi nào dám nói khác ý Vua đâu.

Đã hoạn rồi thì hết sinh con. Hết sinh con rồi mới biết thấm nỗi đau của mình. Hẳn Phạm Bỉnh Dị lấy việc tự do sinh đẻ nhiều để có con dòng cháu giống như con chim bồ các kia làm điều thèm thuồng nên mới sẵn lòng nịnh Vua mà nói rằng đó là điềm phúc đức.

42 – NỖI NHỤC BẠI TRẬN CỦA ĐỖ THANH VÀ PHẠM DIÊN

SáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 15 - a) chép rằng:

“Mùa thu, tháng 7 (năm Quý Hợi, 1203) quan coi châu Nghệ An là Điện tiền chỉ huy sứ Đỗ Thanh và bọn châu mục là Phạm Diên dâng thư về triều nói rằng:

- Chúa nước Chiêm Thành là Bố - trì, bị chú là Bố - do đuổi đi, bèn đem hơn 200 chiếc thuyền Bị - lan chở vợ con đến ở cửa biển Cơ La (tức Kỳ La, nay là cửa Nhượng, thuộc Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh - ND) muốn cầu cứu ta.

Tháng 8, Vua sai bọn Phụ quốc Thái phó là Đàm Dĩ Mông, Khu mật sứ là Đỗ An đi bàn bạc công việc này. Dĩ Mông đến Cơ La, Đỗ An bàn rằng:

- Bố - trì có 200 chiếc thuyền, cái dã tâm của con lang không thể tin cả được. Ngạn ngữ có câu rằng, một lỗ kiến có thể làm vỡ đê, một tấc khói có thể làm cháy nhà. Nay quân của Bố - trì há chỉ là lỗ kiến, tấc khói hay sao? Xin ông hãy suy nghĩ kĩ.

Dĩ Mông lấy lời đó nói với Thanh và Diên, bảo họ phải phòng bị. Thanh và Diên nói rằng:

- Kẻ kia vì gặp nạn mà đến cầu cứu ta, ta nên có lòng thành thương xót, chứ tỏ ý nghi ngờ như vậy, chẳng là không nên sao?

Dĩ Mông giận dữ, bèn dẫn quân về. Thanh và Diên nói với nhau rằng:

- Lũ ta đã trái ý Phụ quốc (chỉ Đàm Dĩ Nông - ND), tất có hậu hoạn, chi bằng hãy đi đánh Bố - trì để làm kế tự toàn.

Mưu đó tiết lộ ra, Bố - trì biết được, sợ hãi mà nói với quân lính rằng:

- Lũ ta gặp nạn mà phải đi cầu cứu nước lớn, nó đã không có tình nghĩa thương xót láng giềng, lại toan bắt tù ta, thật đau đớn biết chừng nào.

Thế rồi (Bố - trì) nhân lúc sơ hở để dụ Thanh và Diên. Thanh và Diên sai người Nghệ An buộc thuyền vào thuyền Bị - lan của Chiêm Thành để coi giữ. Ban đêm, người Chiêm Thành đem những bó đuốc tre ở trong có giấu gậy nhọn, để vào thuyền. Một đêm, quân canh gác mỏi mệt nên không phòng bị mà nằm ngủ quên mất. Quân Chiêm nhân đó đốt đuốc ném vào thuyền của ta. Lính canh sợ hãi tỉnh dậy, không biết làm thế nào, số bị quân Chiêm Thành giết, số nhảy xuống nước rồi chết đuối, tổng cộng hơn 200 người. Quân của Thanh và Diên tan vỡ, còn Bố - trì thì thống suất lính tráng và tay chân chạy trốn về nước nó.”

Lời bàn:Đàm Dĩ Mông và Đỗ An là bậc đại thần, nhận mệnh vua đi xét việc Bố - trì đến xin cầu cứu. nhưng chưa bàn đã nghi kị người, ấy là lỗi khó bỏ qua. Phàm ở đời hễ chưa bàn chuyện với người mà đã mất lòng tin ở người thì thà đừng bàn còn hơn. Cảnh giác và mất lòng tin là hai khái niệm khác nhau, trộn lẫn để rồi nhầm lẫn thì chỉ lâm vào chỗ khốn.

Đỗ Thanh và Phạm Diên lúc đầu lòng thành có dư, nhưng khi thấy quan trên giận dữ bỏ về thì không còn giữ được bình tĩnh nữa. Hóa ra, hai ông sợ quan trên còn hơn sợ giặc ngoài! Dân gian có câu:

Thứ nhất sợ kẻ anh hùng.

Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân.

Bố - trì lúc ấy cũng có thể coi là kẻ cố cùng liều thân vậy. Song, quân pháp nhà Lý bấy giờ nghiêm đến mức nào mà đến cả chuyện hệ trọng như vậy cũng bay đến tai Bố - trì ngay? "Trong nhà chưa tỏ. ngoài ngõ đã tường" là đấy chăng? Đỗ Thanh và Phạm Diên bị đại bại nhục nhã, kể cũng dễ hiểu!

43 - NGUYỄN BẢO LƯƠNG TRẢ THÙ ĐÀM Dĩ MÔNG

Khi Đàm Dĩ Mông đã đường đường là bậc đại thần, tước Phụ quốc Thái phó, thì Nguyễn Bảo Lương chỉ mới là một viên quan nhỏ trong triều Lý Cao Tông. Vua Lý Cao Tông ăn chơi hoang phí, đổ tiền của xây cất có khi đến hàng chục cung điện và thềm, gác một lúc. Bấy giờ, Nguyễn Bảo Lương được sai trông coi việc xây gác Thánh Nhật. Đàm Dĩ Mông cậy quyền cậy thế, lại thích nịnh vua, nên bắt các quan trông coi thợ xây cất phải đốc thúc sao cho mọi việc hoàn thành đúng hạn định. Thế rồi chẳng may, nhóm thợ xây gác Thánh Nhật do Nguyễn Bảo Lương chỉ huy làm việc trễ nải. Để thị uy, Đàm Dĩ Mông nhân danh phép nước, bắt trói Nguyễn Bảo Lương và đánh cho một trận nên thân. Đánh xong, Đàm Dĩ Mông còn quát tháo Nguyễn Bảo Lương phải mau dậy ra trông coi và đốc thúc thợ làm. Nguyễn Bảo Lương tức lắm, vờ nằm mãi không dậy, than rằng:

- Đau thế này làm sao dậy được?

Rồi mọi chuyện cũng qua. Điều làm Đàm Dĩ Mông không dè là Nguyễn Bảo Lương căm thù Đàm Dĩ Mông đến tận xương tủy. Đến năm Quý Hợi (1203), Nguyễn Bảo Lương được thăng đến chức Thượng tướng, vây cánh trong triều đã lớn hơn người, bèn kiếm kế rửa mối hận xưa với Đàm Dĩ Mông. Ông liên kết với quan Lại bộ Thượng thư là Từ Anh Nhĩ tâu Vua rằng: "Dĩ Mông mọt nước hại dân quả là quá lắm.” Lời tâu tuy chẳng có bằng cớ gì nhưng thấy bè đảng của Nguyễn Bảo Lương mạnh, Vua cũng xuống chiếu giáng chức tước của Đàm Dĩ Mông, từ Phụ quốc Thái phó xuống tuột đến tận hàng Đại liêu ban.

Chuyện trên tóm lược từ sáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 15 - a và tờ 15 - b).

Lời bàn: Thời Lý Cao Tông, chỉ có kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, phép nước chẳng ai coi ra gì cả. Khi Đàm Dĩ Mông đang giữ quyền cao chức trọng thì ý Đàm Dĩ Mông là ý vua, sau đến lượt bè đảng Nguyễn Bảo Lương mạnh thì ý Nguyễn Bảo Lương cũng là ý vua vậy.

Phép nước suy thì luật giang hồ thịnh. Đàm Dĩ Mông đánh Nguyễn Bảo Lương cho rõ quyền uy, có biết đâu sau này Nguyễn Bảo Lương cũng muốn làm mọi cách để bắt Đàm Dĩ Mông rõ quyền uy của mình. Không thời nào đáng sợ bằng thời mà ở đó chức quyền trở thành phương tiện để báo ơn trả oán.Quả vậy!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3