Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 44 - 45 - 46

44 - CHUYỆN ANH PHƯỜNG TRÒ VŨ CAO CAN NGĂN VUA

SáchĐại Việt sử lược(quyển 3 tờ 16 - b) mô tả nhân cách của vua Lý Cao Tông như sau:

"Vua rất ham của cải lợi lộc, lấy việc bán quan buôn ngục làm chính sự. Hai người nào mà tranh nhau ruộng đất hay sản vật hễ có một người đem của dâng nạp trước rồi thì Vua chẳng hỏi tình lí phải trái thế nào, đều thu mà sung công cả, vì thế mà kho đụn của nhà nước của cải chất như núi, còn bách tính thì kêu ca, oán thán, giặc cướp nổi lên như ong.”

Vì nước đại loạn nên từ năm Bính Dần (1206) trở đi, vua Lý Cao Tông chỉ tổ chức những cuộc vui chơi quanh quẩn trong kinh thành chứ không dám đi xa. Mặc dù thế, mức độ hoang phí cũng không hề giảm bớt. Cũng sách trên (tờ 17 - a) đã kể một câu chuyện xảy ra trong lúc Vua rong chơi như sau:

“Năm đó, trong nước đã loạn lạc mà Vua thích rong chơi. Đường sá ngăn trở, không đi xa được, Vua bèn sai làm hành cung Ứng Phong và Hải Thanh ở ao Ứng Minh, hàng ngày đem bọn cận thần, cung nữ đi chơi bời làm vui. Lại lấy thuyền to làm thuyền ngự, lấy các thuyền bé chia làm hai đội, sai bọn cung nữ, phường tuồng chèo thuyền, Vua dẫn bọn tả hữu bắt chước nghi vệ như khi Vua ngự đi chơi đâu vậy. Lại lấy sáp ong bọc những tấm lụa và các thứ hải vật thả xuống ao rồi sai người lội xuống mò lên, giả làm đồ dưới long cung đem dâng. Quần thần thấy Vua rong chơi vô độ đều sợ hãi không dám nói. Có tên phường tuồng là Vũ Cao nói dối Thượng phẩm phụng ngự là Trịnh Ninh rằng:

- Có hôm Cao qua chơi bên bờ ao, đến trước gốc cây muỗm, thì thấy có một người lạ cầm tay dắt đi vòng bờ ao rồi dẫn Cao đi xuống nước. Cao sợ chết đuối nên không dám tiến. Một lát, nước ao tự dưng rẽ ra, Cao bèn đi xuống. Đi đến một nơi, thấy cung điện nguy nga, thị vệ nghiêm chỉnh. Cao hỏi đó là chỗ ai ở, người đó bảo rằng đó là chỗ ta ở để cai quản ao này. Người đó bèn sai dọn mâm cỗ, cùng Cao uống rượu. Rượu rồi, Cao tạ ơn xin về Người đó đưa tặng cau và tiễn ra tận gốc cây muỗm. Đến đó, bỗng người đó biến mất, mà cau cầm trong tay thì đã hóa ra đá.(Từ đó) Cao mới biết trong ao có thần.

Ninh lấy làm kinh dị, bèn tâu Vua. Vua nghe nhưng không sợ hãi gì cả mà sai lấy sắt để yểm thần.”

Lời bàn:Cả một triều đình quan lại lớn nhỏ cũng bằng thừa, chỉ có anh phường trò Vũ Cao là nói lời đáng nói. Là phường trò, anh chỉ có thể bịa chuyện để gián tiếp nhờ người hầu cận can vua. Và thế cũng là quý lắm rồi.

Bất chước Khuất Nguyên xưa, người kể chuyện cũng xin gõ bút xuống bàn mà hát rằng:

Hôn quân say hề ngao du đó dây.

Tiền của dân hề tan như khói mây,

Trăm quan lặng hề an thường thủ phận.

Chỉ Vũ Cao hề ấm ức dạ này.

Gánh nịnh nặng hề hai vai đại thần,

Câm điếc mù hề là đấng chăn dân,

Phường trò xót hề mặc phường trò xót

Thần dưới ao hề cứ mặc kệ thần.

45 - CHUYỆN BẠO GAN NÓI LÁO CỦA TRẦN TÚC VÀ NGUYỄN DƯ

Vua Lý Cao Tông có hai tên cận thần xiểm nịnh và nói láo rất nổi danh, đó là Trần Túc và Nguyễn Dư. Trong cùng một năm Bính Dần (1206) cả hai tên cận thần này đã nói hai câu để đời và cả hai câu đều được sáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 17 - b) ghi lại.

Câu thứ nhất là của Trần Túc. Bấy giờ, Cao Tông muốn phung phí tiền của vào những cuộc ngao du đó đây, nhưng rồi vì đất nước loạn lạc, Nhà vua chỉ có thể cùng đám cận thần và thị nữ đi rong chơi quanh quẩn trong kinh thành mà thôi. Một trong những địa điểm Nhà vua hay đến là ao Ứng Minh, nơi Nhà vua đã cho xây cất hai hành cung là Ứng Phong và Hải Thanh. Nhưng, ao Ứng Minh vừa nhỏ lại vừa nông, đến mùa đông thì nước ao thường khô cạn. Cao Tông nói với tả hữu rằng:

- Ai có thể làm cho nước sông dâng đầy ao được thì ta sẽ hậu thưởng.

Trần Túc nghe vậy liền tâu vua:

- Thần có thể làm được.

Vua bằng lòng, sai Túc làm phép cho nước sông dâng vào đầy ao. Nhưng kết quả là ao khô vẫn hoàn ao khô.

Câu nói láo thứ hai có lẽ còn láo hơn câu thứ nhất một bậc nữa. Câu này của Nguyễn Dư. Cũng sách trên chép rằng:

“Vua tính sợ sấm, mỗi khi sấm động thì sợ hãi. Có tên cận thần là Nguyễn Dư nói rằng hắn có phép giáng sấm. Gặp khi có tiếng sấm nổ, Vua sai Dư giáng sấm. Dư ngẩng mặt lên trời đọc chú nhưng tiếng sấm lại càng lớn hơn. Vua căn vặn việc đó, Dư nói:

- Thần răn nó đã lâu, nào ngờ nó còn cường bạo như thế đó.”

Lời bàn:Trần Túc và Nguyễn Dư, mỗi người để lại một câu nói láo đạt tới trình độ không tiền khoáng hậu. Đúng là gan cùng mình. Song, xưa nay đời vẫn cho thấy là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, vua ấy ắt phải có cận thần ấy; có gì lạ đâu. Dâng nước ao, ngăn tiếng sấm, những điều khó tin dường ấy chắc chỉ có Cao Tông mới tin và vì tin mới cho làm thử, mà chỉ cần làm thử không thôi cũng đủ biết Cao Tông là người thế nào rồi!

46 - CHÂN TƯỚNG PHẠM DU

Đời Lý Cao Tông, Phạm Du từng làm tới Thượng phẩm phụng ngự, vẫn thường có dịp hầu cận nhà vua. Bấy giờ, đất nước đại loạn, chính sự rối ren, vua hoang chơi vô độ, triều thần chán nản: cả đến quan lại cũng công khai đi cướp giật của dân, chẳng còn ra thể thống gì nữa.

Lý Cao Tông muốn dùng cận thần trấn giữ ở các địa phương, mong lấy đó làm chỗ dựa để yên tâm mà hưởng lạc. Năm Mậu Thìn (1208), quan Thượng phẩm phụng ngư Phạm Du được vua cất nhắc trong trường hợp đó. SáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 18 - a) chép rằng:

"Vua lấy Phạm Du coi việc quân ở Nghệ An. Du nói với Vua rằng:

- Nay thiên hạ rối loạn, bọn gian tặc nổi dậy khắp nơi, hoặc có kẻ ghen ghét với thần mà làm loạn, thì đầu thần còn khó giữ nổi huống chi là ân đức của Bệ hạ ban cho. Xin Bệ hạ để tâm một chút, cho phép thần được tuyển bọn trai tráng để tự đề phòng, hầu tránh tai vạ.

Vua bằng lòng. Du bèn chiêu tập bọn vong mệnh, tụ tập bọn giặc cướp, gọi là hậu binh, ngang nhiên cướp bóc, không sợ hãi gì cả. Giặc cướp do đó mà nổi dậy như ong.”

Lời bàn:Là cận thần, Phạm Du biết rõ vua Lý Cao Tông thực chỉ là một tên hôn quân chuyên bòn rút của thiên hạ. Vua cần đến những kẻ như Phạm Du để làm vây cánh, thì Phạm Du cũng cần một lũ lâu la để làm vây cánh cho mình.

Cũng sách trên đã cho biết thêm rằng, một hôm vua Lý Cao Tông đi chơi ở ao Ứng Minh, nghe tiếng dân kinh thành kêu la vì bị cướp nhưng Nhà vua vẫn chăm chú vào cuộc vui, vờ như là không hay biết gì. Vua chà đạp lên sinh linh trăm họ, bảo kẻ cận thần như Phạm Du làm khác sao được? Rốt cuộc, chỉ có dân là đau khổ khốn cùng. Thương thay!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3