Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Lời chú cuối sách

LỜI CHÚ CUỐI SÁCH

Để góp phần giúp những bạn đọc chưa có dịp làm quen với hệ thống các khái niệm cổ về thế thứ, tước hiệu và chức quan..., chúng tôi viết thêm lời chú ngắn ngủi ở cuối sách này. Xin được lưu ý bạn đọc hai điều. Một là thế thứ, tước hiệu và chức quan mỗi thời một khác, vì vậy, lời chú dưới đây chỉ đúng với riêng triều Lý mà thôi. Hai làlời chú về các khái niệm được sắp xếp theo vầnA, B, C...Ngay sau tên của các khái niệm là số thứ tự của các giai thoại được đặt trong ngoặc đơn. Làm như vậy, ắt là bạn đọc sẽ có phần tiện lợi hơn khi muốn tra ngược trở lại tìm vị trí sử dụng cụ thể của các khái niệm này trong sách.

Đây chỉ mới là những gì giản lược nhất. Nếu muốn giải nghĩa một cách thật đầy đủ, thiết nghĩ là phải soạn hẳn một bộ từ điển riêng.

BÁCH TÍNH (44) - Nguyên nghĩa,báchlà trăm,tính là họ,bách tínhnghĩa là trăm họ, nhưng ở đây,báchlà từ ước lệ, chỉ số rất nhiều. Đại để,bách tínhnghĩa là dân khắp thiên hạ, những người không có chức danh gì.

BẢN KỈ (1). SáchĐại Việt sử kí toàn thưgồm hai phần chính. Phần thứ nhất gồm năm quyển, chép sử nước nhà từ thời Hồng Bàng đến loạn 12 sứ quân. Phần này gọi làngoại kỉ.Phần thứ hai gồm 19 quyển, chép sử nước nhà từ thời Đinh Tiên Hoàng đến năm 1675. Phần này gọi là bản kỉ.

BẾN TRIỀU ĐÔNG (47): Tên một bến sông ở Thăng Long. Bến này nằm ở phía nam sông Hồng.

CÂN XA (47): Tên một loại xe nhỏ của vua, dùng để chạy trong khu vực cấm thành. Xe giống hình chữcân(có nghĩa là cái khăn) nên gọi làcân xa.Xe thường có một ngựa kéo.

CÔNG CHÚA (50): tước hiệu ban cho con gái của vua (và cả chị gái, em gái của vua nữa). Tuy nhiên, trong lịch sử nước ta, cũng có những người được gọi là Công chúa nhưng không phải là con vua, ví dụ: Thánh Thiên Công chúa, Bát Nàn Công chúa, Lê Chân Công chúa... (thời Hai Bà Trưng). Đó chỉ là tước hiệu cao quý mà Hai Bà phong cho những người con gái tài giỏi mà thôi.

CỬA ĐẠI THÀNH (47): Tên cửa. Cửa này nằm trong khu vực cấm thành Thăng Long, nay không còn nữa.

CỬA VIỆT THÀNH (28): Tên cửa. Cửa này nằm trong khu vực cấm thành Thăng Long, nay không còn nữa.

CỬA THIÊN THU (48): Tên cửa. Cửa này nằm trong khu vực cấm thành Thăng Long, nay không còn nữa.

CỬU PHẨM (11): Quan chức xưa được chia làm chín bậc khác nhau, theo thứ tự trên xuống thì cao nhất là nhất phẩm và thấp nhất là cửu phẩm. Mỗi bậc lại chia làm hai hạng cao thấp khác nhau, cao làchánh,thấp làtòng (như nhất phẩm thì có chánh nhất phẩm và tòng nhất phẩm; xuống đến cửu phẩm cũng có chánh cửu phẩm và tòng cửu phẩm), cho nên, nói chín bậc mà thực là có đến 18 bậc.

CHÂN LẠP (27): Tên quốc gia. Thời cổ đại, Chân Lạp là một trong những quốc gia lớn ở Đông Nam Á. Sau, bởi nhiều biến cố khác nhau, lãnh thổ Chân Lạp bị thu hẹp. Một trong những phần lãnh thổ của cố quốc Chân Lạp là nước Campuchia ngày nay.

CHẤN VI (48): Nơi các quan kiểm tra để chỉnh tề y phục trước khi vào chầu vua hoặc làm việc trong triều đình.

CHÂU MỤC (42): Người giữ chức vụ đứng đầu một châu. Châu là đơn vị hành chánh, quy mô lớn nhỏ mỗi thời một khác, riêng dưới thời Lý, cấp châu cũng gần như cấp huyện ngày nay.

CHI HẬU NỘI NHÂN (15): tên chức quan. Chức này thường là do hoạn quan đảm trách, giúp vua lo việc nội cung.

CHIÊM THÀNH (16): Tên quốc gia, tồn tại từ cuối thế kỉ thứ II đến cuối thế kỉ thứ XVII. Lãnh thổ của cố quốc Chiêm Thành về đại thể, tương ứng với khu vực từ Quảng Bình đến Bình Thuận của nước ta ngày nay.

CHÍNH BIÊN (21): Tên sách. Đây là sáchKhâm định Việt sử thông giám cương mục.Sách này gồm hai phần chính. Phần đầu chép sử nước nhà từ khởi thủy đến loạn 12 sứ quân, có tên chung làTiền biên.Phần sau chép sử nước nhà từ Đinh Tiên Hoàng đến khi Gia Long lên ngôi, có tên chung làChính biên. SáchĐạiNamthực lụccũng chia làm hai phầnTiền biên Chính biên,nhưng phân kì giữa hai phần này hoàn toàn khác.

CHÍNH THỦ CHI HẬU (51): Tên chức quan. Chức này thường do hoạn quan đảm trách, cùng với các hoạn quan khác, lo giúp vua các việc ở nội cung.

Tuy nhiên, Trần Cảnh lúc này mới 8 tuổi, cũng coi như một hoạn quan đặc biệt, được Trần Thủ Độ bố trí giữ chức này, cốt để có cơ hội giành ngôi với họ Lý.

CHU CÔNG ĐÁN (5): Người đời Chu (Trung Quốc), con của vua Chu Văn Vương, ông là người đã định ra chế độ lễ nhạc và đặt ra các nghi thức về quan, hôn, tang, tế. Chu Thành Vương lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi, Chu Công Đán (vừa là đại thần, lại cũng vừa là chú ruột) giữ quyền nhiếp chính. Hai người em của Chu Công Đán là Quản và Thái ghen tị, gièm pha Chu Công Đán, rồi nổi loạn, bị Chu Công Đán dẹp tan. Sau, Chu Thành Vương đã trưởng thành, đủ sức để trị nước, Chu Công Đán trao trả mọi quyền bính cho vua. Vì lẽ đó, Chu Công Đán rất được Nho gia ca ngợi.

CHU THÀNH VƯƠNG (5): Một trong những vua của nhàChu(Trung Quốc), người được chú ruột là Chu Công Đán hết lòng bảo vệ. (Xem thêmChuCông Đán).

ĐẠI LIÊU BAN (43). Nguyên nghĩa là hàng các quan lớn, nhưng dưới triều Lý,Đại liêu banlà một ngạch quan của triều đình. Mỗi vua Lý có một quy định riêng để cất nhắc quan cho vào Đại lieu ban, nhưng nói chung, đó là chức lớn của triều đình.

ĐIỆN HẠ (5): Nguyên nghĩa là ở dưới cái nhà to lớn trong cung, nhưng đây là từ tôn xưng. Xưa, các vị Hoàng tử, Thái tử và các bậc vương tước đều được quan lại gọi là điện hạ.

ĐIỆN TIỀN CHỈ HUY SỨ (42): Chức quan võ nắm quyền chỉ huy lực lượng cấm quân (là đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ hoàng thành và bảo vệ nhà vua).

ĐÔ NGỌC GIAI (28): Tên một bộ phận của lực lượng cấm quân. Chỉ huy mỗi đô là một chứcHỏa đầu.

ĐÔ QUAN LANG TRUNG (39): Chức võ quan, làm việc trong cơ quan quân sự của triều đình nhà Lý. Thời này, chức Đô quan lang trung rất trọng, nhưng về sau, đấy chỉ là chức tạp vụ.

ĐÔ QUẢNG VŨ (28): Tên một bộ phận của lực lượng cấm quân, do chứcHỏa đầuchỉ huy.

ĐÔ THỐNG (9): Chức võ quan cao cấp, nắm quyền thống lĩnh các đạo binh mã của triều đình khi nước nhà vô sự.

ĐÔ THỐNG THƯỢNG TƯỚNG QUÂN (6).Chức Đô thống (xemĐô thống)hàm Thượng tướng.

ĐÔNG CUNG THÁI TỬ (30): Nhà vua thường cho Thái tử ra ở cung điện phía đông, cho nên Thái tử thường được gọi là đông cung Thái tử.

ĐƯỜNG THÁI TÔNG (5): Vua thứ hai của nhà Đường (Trung Quốc). Đường Thái Tông tên thật là Lý Thế Dân, làm vua 22 năm.

GIA CÁT VŨ HẦU (35): Tức Khổng Minh Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị (người Trung Quốc thời Tam Quốc). Ông là nhân vật nổi tiếng mưu tài.

GIÁN NGHỊ ĐẠI PHU (35): Chức quan lớn, lo giải quyết những công việc thường trực của triều đình. Hai nhiệm vụ chính của chức này là: vừa làm việc của chức phận, vừa lo can gián nhà vua khi xét thấy cần. Sau, chức này chỉ là hư hàm dành để ban tặng cho những vị quan cương trực.

Gián nghị đại phu gồm hai người là: Tả gián nghị đại phu và Hữu gián nghị đại phu.

HẢI ẤP (50): Tên ấp, nay thuộc Nam Hà. Đấy là nơi phát tích của họ Trần.

HÁN VĂN ĐẾ (22): Miếu hiệu của một trong những vua Trung Quốc thời Tiền Hán (208 trước CN đến 08 sau CN). Hán Văn Đế tên thật là Lưu Hằng, làm vua 22 năm.

HÀNH LANG TẢ HƯNG THÁNH (28): Tên một hành lang khu vực cấm thành Thăng Long. Nay không còn nữa.

HỎA ĐẦU (28): Chức võ quan, chỉ huy một bộ phận của cấm quân. Chức này nằm dưới quyền của Điện tiền chỉ huy sứ.

HOÀNG HẬU (16).Tước hiệu cao nhất ban cho vợ của vua. Thường thì trong số các vợ của vua, chỉ có một người được ban tước hiệu này. Tuy nhiên, từ thời Lý trở về trước, có khi trong một triều vua mà có đến năm bảy Hoàng hậu, ngược lại, thời Nguyễn sơ, triều đình không ban tước hiệu này cho ai cả.

HOÀNG TỬ (15): Con trai được thừa nhận của vua.

HOÀNG DƯƠNG PHẬT PHÁP (37): Làm cho Phật pháp tỏa rộng khắp nơi nơi.

HỮU TI (10): Một trong hai ban (tả, hữu) tùy tùng nhà vua mỗi khi vua xuất hành. Thời Lý, tùy theo tính chất của các cuộc xuất hành mà nhà vua có thể huy động quan chức nào để sung vào hai ban này.

KHU MẬT SỨ (42): Thời Lý, những quan văn của triều đình, trông coi các việc thuộc về dân sự thì gọi là Khu mật sứ. Đứng đầu các Khu mật sứ là hai chức Tả và Hữu khu mật sứ.

KHUẤT NGUYÊN (44): Thi hào Trung Quốc đời Chiến quốc, từng làm quan cho nước Sở. Chán cảnh nước suy, vua ngu tối mà kẻ hiền tài như mình thì không được dùng đến, ông trầm mình ở sông Mịch La. Tục cúng mồng 5 tháng 5 là cúng Khuất Nguyên. Khuất Nguyên là tác giả của Ly taobất hủ.

KINH SƯ LƯU THỦ (9): Vị quan được vua ủy thác việc trông coi kinh thành khi vua có việc phải xuất hành khỏi kinh đô.

KINH THI (41): Một trong 5 bộ kinh điển của Nho học. Năm bộ đó gọi làNgũ kinh.Ngũ kinh gồm: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.Kinh Thithực chất là tập tuyển lựa ca dao của Trung Quốc thời cổ đại.

LẠI BỘ THƯỢNG THƯ (43): Người đứng đầu bộ Lại. Bộ Lại là bộ chuyên trách việc tuyển lựa, đề xuất và quản lí hồ sơ về việc thăng hoặc giáng chức của các quan.

LIỆT HẦU (48): Thời Lý, dây là chức tạp dịch của triều đình.

LINH CỮU (6). Quan tài để thi thể người chết.

NHÀ HÁN (32): Tên một triều đại của Trung Quốc. Nhà Hán gồm Tây Hán (hay Tiền Hán), tồn tại từ năm 208 trước công nguyên đến năm 08 sau công nguyên, mở đầu là Hán Cao Tổ (Lưu Bang), sau là Hậu Hán (hay Đông Hán) tồn tại từ năm 25 đến 220, mở đầu là Hán Quang Võ (Lưu Tú). Giữa hai triều Hán là triều Tân chỉ tồn tại vỏn vẹn 17 năm (08 - 25).

NHÀ THƯƠNG (32): Cũng gọi là nhà Ân, tên một triều đại cổ đại của Trung Quốc, niên đại danh nghĩa là 1783 đến 1135 trước công nguyên, mở đầu nhà Thương là vua Thành Thang.

NGÀY QUỐC KỊ (7): Ngày giỗ của nhà vua. Đây chỉ ngày giỗ vua Lý Thái Tổ (mất ngày 3 tháng 3 năm 1028).

NGUYÊN PHI (30): Nguyên là đầu, đứng đầu,philà tước hiệu vua ban cho những người vợ ở hàng thứ hai. Nguyên philà tước hiệu người đứng đầu hàng thứ hai của vợ vua.

NGỰ NỮ (50): Nguyên nghĩa là người đàn bà của vua, nhưng đây là tước hiệu thấp nhất mà nhà vua ban cho người làm vợ của mình.

NHƯ NGUYỆT (18): Tên đoạn sông Cầu, từ thôn Như Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đến Phả Lại (tỉnh Hái Dương). Thời Lý, thời Trần, đoạn sông Cầu này cũng còn gọi là sông Phú Lương hay sông Nam Định. Nay, Như Nguyệt là tên thôn, cũng là tên một bến đò.

NÚI BẰNG SƠN (6): Ở xã Dương Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là quê của Lê Phụng Hiểu, người có công dẹp loạn Tam vương năm 1028.

PHÉP GIÁNG HỔ (37): Phép thuật làm cho hổ phải vâng lời mà không cần phải mất công huấn luyện lâu ngày, cũng không cần dùng một sức mạnh nào cả.

PHI, TẦN (9): Tước hiệu hàng thứ hai (phi) và hàng thứ ba (tần) của vợ vua.

PHỤ QUỐC THÁI PHÓ (42): Thái phó là một trong Tam thái,gồm có Thái sư, Thái phó và Thái bảo. Trong hàng quan lại,Tam tháilà lớn hơn cả. Từ năm 1028, nếu con gái của các bậcTam tháimà được tuyển vào cung rồi được sách phong làm Hoàng hậu, thì bậcTam tháiđó được gia phong thêm hai chữ Phụ quốc. Đây Đàm Dĩ Mông có con là Hoàng hậu của vua Lý Cao Tông nên được phong là Phụ quốc Thái phó.

PHƯỜNG TRÒ (44): Chỉ chung những người chuyên hát xướng và diễn tuồng thuở xưa.

QUÁN VŨ SƯ (48): Tên một địa điểm làm việc của các quan ở trong kinh thành.Nay không còn nữa.

QUỐC TỬ GIÁM (22): cơ quan chuyên trông coi Văn Miếu và huấn luyện con em quý tộc học tập. Trông coi Văn Miếu thì có quan Tri giám tế tửu. Trông coi việc huấn luyện (kể như một trường học đặc biệt của con em quý tộc) thì có quan Quốc tử tư nghiệp.

SÁCH PHONG (50): Trong việc phong tước hiệu cho thân nhân, nếu người được phong mà về thế thứ, họ ở vai dưới của vua thì việc phong ấy gọi làsách phong.

SÔNG CẦU (18): con sông chảy qua các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương.

SỞ ĐOẢN (40):Mặt yếu, mặt dở, chỗ non kém, chỗ hạn chế...

TẢ HƯNG VŨ (25):Tên đơn vị quân đội thời Lý.

TẢ VŨ TIỆP (25):Tên một đơn vị quân đội thời Lý.

TẠ TI (29): Tên chức quan thời Lý, nay chưa rõ là chức gì.

TĂNG PHÓ (38): Thời Lý, trong triều đình có một ngạch quan riêng cho các nhà tu hành Phật Giáo, đó là Tăng quan.Người đứng hàng thứ hai trong đội ngũ Tăng quan thì gọi là Tăng phó.

TÊN THỤY (1):Tên của người sống đặt cho người đã khuất, có ý nghĩa tổng kết phẩm chất chung của người đã khuất đó.

TỂ TƯỚNG (31): Chức quan đầu triều, giúp vua điều khiển những hoạt động chung của triều đình.

TỊCH ĐIỀN (10): Thời Lý, đó là ruộng mà hằng năm, nhà vua đến để làm lễ tự mình đi cày.

TIÊN ĐẾ (5): Vua đời trước, tức vua đã khuất.

TƯỚC HẦU (6):Hoàng đế thường phong tước hiệu cho thân tộc và quan lại theo sáu bậc cao thấp khác nhau, đó là Vương, Công, Hầu, Bá, Tử và Nam. Mỗi bậc lại còn chia làm hạng trên hạng dưới nữa.

TRƯƠNG HÁT (18): Tương truyền, Trương Hát cùng với anh là Trương Hống đều là tùy tướng của Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục). Khi Lý Phật Tử đánh Triệu Quang Phục (năm 571) để thâu tóm tất cả quyền hành về mình, hai anh em Trương Hống và Trương Hát, người thì tự tử, người thì trốn vào núi. Trương Hống sau được phong là Đại Dương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương còn Trương Hát thì được phong là Tiểu Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, đền thờ hai người được lập nhiều nơi ở tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

THÁI HẬU (17): Tước hiệu vua tôn phong cho thân mẫu của mình. Tuy nhiên, trong lịch sử Việt Nam, không phải thân mẫu nào của vua cũng đều được tôn phong tước hiệu này.

THÁI MIẾU (27): Miếu thờ các bậc tiên tổ của nhà vua.

THÁI PHI (17): Bà phi của vua cha.

THÁI PHÓ (27): Một trongTam thái,gồm Thái sư, Thái phó và Thái bảo. (Xem thêmPhụ quốc Thái phó).

THÁI TỬ (5): Tước hiệu cao nhất của con trai vua. Khi vua mất, Thái tử sẽ lên nối ngôi. Thái tử thường là con trưởng, nhưng trong lịch sử nước ta, rất nhiều Thái tử không phải là con trưởng, mà thậm chí là em, hoặc là cháu của vua.

THÁI ÚY (28): Chức võ quan cao cấp, ngang với Thái phó trong hàng quan văn. Khi Thái úy kiêm chức Tể tướng thì gọi là Thái úy Phụ quốc.

THAM TRI CHÍNH SỰ (35): Dưới triều Lý, chức vụ đầu triều là Tể tướng, sau Tể tướng là Á tướng, trong Á tướng có hai chức Tả và Hữu Tham tri chính sự. Cùng với Tể tướng, họ là những người hiến kế đắc lực cho nhà vua. Sau đời Lý, chức Tham tri là chức thấp, dưới cả chức Thượng thư.

THÂN VƯƠNG (23): Các bậc được phong tước Vương vốn là người gần gũi trong thân tộc của nhà vua.

THẦN NÔNG (10): Nhân vật thần thoại của Trung Quốc, người được coi là có công chỉ vẽ cho dân cách làm ruộng, họp chợ và tìm cây thuốc chữa bệnh.

THIẾU SƯ (39): Trong hàng văn quan, sauTam thái là đếnCửu khanh.TrongCửu khanh,Thiếu sư là chức đứng đầu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo, Trủng tể, Tư đồ, Tôn bá, Tư mã, Tư khấu và Tư không).

THUYẾT LUÂN HỒI (9): Thuyết của nhà Phật, theo đó thì đại để, người ta sống chết trong khoảng lục đạo, xoay vòng như cái bánh xe không lúc nào dừng.

THƯỢNG PHẨM PHỤNG NGỰ (44): Thời Lý, đây là chức lớn, vua ban cho những hoạn quan được luôn hầu cận vua trong nội cung cũng như khi vua có dịp xuất hành.

THƯỢNG TƯỚNG (43): Thời Lý, tướng cầm quân được chia làm ba bậc cao thấp khác nhau. Cao nhất là Thượng tướng, kế đến là Đại tướng (ngược với ngày nay) và sau cùng là Tướng.

VUA THÀNH THANG (32): vua đầu tiên của nhà Thương hay nhà Ân (Trung Quốc).Xem thêmNhà Thương.

VĂN MIẾU (19): Miếu thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền của Nho Gia. Văn Miếu đầu tiên của nước ta do nhà Lý lập ra tại thủ đô Thăng Long vào năm 1070.

VŨ VỆ TƯỚNG QUÂN (6): Vị tướng quân có hiệu được ban là Vũ Vệ.

VƯƠNG TỬ SẢM (47): Con trưởng của vua Cao Tông tên là Sảm. Đây chỉ Lý Hạo Sảm. Lúc này, Lý Hạo Sảm chưa được sách phong gì nên sử chép là Vương Tử Sảm. Sau, Lý Hạo Sảm lên ngôi, đó là vua Lý Huệ Tông (1210 - 1224).

VƯƠNG TỬ THẦM (47): Con của vua Cao Tông, tên là Thầm. Vương Tử Thầm là em của Vương Tử Sảm.

XỨ TÂY VỰC (37): vùng phía tây Trung Quốc và một phần của Trung Á ngày nay. Vùng này có một số vương quốc, thời cổ đại đã là chư hầu của Trung Quốc. Thời Đường, người Trung Quốc đã lập ra An Tây Đô hộ phủ để cai quản vùng đất này.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Sienna –Pô Pô– trangchic

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3