Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 50 - 51
50 - TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG CỦA VUA LÝ HUỆ TÔNG
Lý Huệ Tông (1210 - 1224) tên húy là Sảm, con trưởng của Cao Tông. Tiếng là vua nhưng chẳng mấy khi được sống yên ổn ở kinh thành Thăng Long, ngược lại, luôn phải bôn tẩu đó đây bởi những cuộc xâu xé giữa các phe phái trong triều đình đương thời. Chạy mãi thì mất uy, sai bảo chẳng còn ai nghe nữa, có lúc Nhà vua chỉ còn vỏn vẹn trong tay vài ba chục người theo hầu.
Với Lý Huệ Tông, quả đúng là "họa vô đơn chí", đang khi bôn tẩu gian nan thì cuộc xung đột trong nội bộ hoàng tộc lại bùng nổ quyết liệt, giữa một bên là Đàm Thái hậu (mẹ đẻ của Lý Huệ Tông) và một bên là Trần Thị Dung (vợ của Lý Huệ Tông).
Trở lại chuyện cũ, hồi Lý Huệ Tông còn là Thái tử, bởi cuộc náo loạn kinh thành năm 1209 mà Lý Huệ Tông phải chạy đến Hải Ấp. Tại đây, Huệ Tông đã kết hôn với con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung, năm đó, Huệ Tông mười lăm tuổi. Nhưng, cuộc hôn nhân này không được vua cha là Lý Cao Tông chấp thuận. Tháng 3 năm 1210, Lý Cao Tông đã sai quan Thượng phẩm phụng ngự là Đồ Quảng đến Hải Ấp đón Huệ Tông về, còn Trần Thị Dung thì bắt phải trở về với cha mẹ đẻ. Mấy tháng sau, Lý Cao Tông mất. Lý Huệ Tông lên nối ngôi và công việc đầu tiên của Nhà vua trẻ tuổi này là cho người di đón Trần Thị Dung. Gia đình Trần Thị Dung lấy cớ giặc giã chưa yên nên chưa cho đón. Sau nhiều lần bị ngăn trở, cuối cùng, Trần Thị Dung cũng đến được với Lý Huệ Tông, song, cũng kể từ đó, bà luôn bị Đàm Thái hậu. tìm cách bức hại. SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 4, tờ 29 a - b) chép rằng:
"Mùa xuân (năm Bính Tí, 1216 - ND) sách phong Ngự nữ (chỉ bà Trần Thị Dung - - ND) làm Phu nhân Thuận Trinh. Thái hậu cho Trần Tự Khánh (anh Trần Thị Dung - ND) là kẻ phản trắc, thường chỉ Phu nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo Vua bỏ và đuổi đi. (Thái hậu) lại sai người nói với Phu nhân rằng phải tự sát. Vua biết bèn ngăn lại. Thái hậu bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống của Phu nhân, nên mỗi bữa ăn, Vua chia cho Phu nhân một nửa số đồ ăn thức uống của mình, và không lúc nào cho xa rời. Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc đến bắt Phu nhân phải uống mà chết, Vua lại ngăn không cho. Đêm ấy, Vua cùng với Phu nhân lẻn đến chỗ quân của Tự Khánh.”
Mùa hè năm Bính Tí (1216), Trần Thị Dung sinh hạ Thuận Thiên Công chúa và cuối năm đó thì được sách phong làm Hoàng hậu. Rất tiếc là Huệ Tông sau đó bị điên, Trần Thị Dung lại phải sống trong một nỗi khổ tâm khác.
Lời bàn:Cưới Trần Thị Dung lúc mới mười lăm tuổi đầu, lại đang trên đường chạy loạn và không hề có ý chỉ của vua cha, chỗ đó có thể tạm coi là lỗi của Lý Huệ Tông.
Tư cách làm vua của Lý Huệ Tông thế nào mặc dầu, chớ tư cách làm chồng của Lý Huệ Tông thì quả là đáng kính. Vua chúa mà làm được như vậy, hiếm lắm. Đọc sử, chẳng ai có thể tin rằng Lý Huệ Tông lại do chính người đàn bà độc ác là Đàm thái hậu sinh ra.
51 - KẾT CỤC CỦA TRIỀU LÝ
Lý Huệ Tông là ông vua bất hạnh. Khi còn ở ngôi Thái Tử, ông đã phải chạy loạn long đong, đến khi lên ngôi báu, Nhà vua cũng vẫn phải tiếp tục bôn tẩu vì loạn lạc cứ thế nối dài không dứt. Trong triều, quan lại chia bè kết cánh mưu sát lẫn nhau, trong nhà, Thái hậu tìm cách bức hại Hoàng hậu, đã thế, Huệ Tông lại không có con trai nối dõi, thành thử Nhà vua trẻ tuổi ấy đã buồn chán mà phát điên. Năm 1216 (lúc mới hai mươi hai tuổi), Nhà vua bắt đầu bị nhuốm bệnh. Từ năm 1217 trở đi, bệnh tình của Nhà vua càng ngày càng nặng. SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 4, tờ 30 - a) chép rằng:
"Mùa xuân, tháng 3, Vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là thiên tướng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, tóc cắm cờ nhỏ, đùa múa từ sáng sớm đến chiều tối không nghỉ, đôi khi thôi đùa thì người đổ mồ hôi, nóng bức và khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh, chính sự không quyết đoán được, giao phó hết cho Trần Tự Khánh, quyền lớn trong nước dần dần về tay người khác họ.”
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Huệ Tông lập con gái thứ hai (cũng là con gái út) là Lý Chiêu Thánh làm Thái tử rồi truyền ngôi cho. Huệ Tông đi tu ở chùa Chân Giáo (ngay trong đại nội thành Thăng Long).
Công chúa Chiêu Thánh lên ngôi, hiệu là Lý Chiêu Hoàng, lúc ấy chỉ mới bảy tuổi. Bấy giờ, phe cánh của họ Trần trong triều rất mạnh. Trần Thủ Độ đã bố trí cháu của mình là Trần Cảnh (lúc ấy mới tám tuổi) vào giữ chức Chính thủ chi hậu. Sau, cũng chính Trần Thủ Độ vừa là tác giả, vừa là đạo diễn màn kịch chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần vào ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225). Cũng sách trên (tờ 33 a - b) chép rằng:
"Cảnh lúc ấy mới lên tám tuổi, chực hầu ở bên ngoài. Một hôm phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế, vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy, lấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm đều cho gọi đến để cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt, lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về ngầm thưa với Thủ Độ. Thủ Độ nói:
- Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?
Một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói:
- Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh.
Chiêu Hoàng cười và nói:
- Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn rồi đó.
Cảnh lại về thưa với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ ra thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào ở trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan đến chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi.” Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 11, các quan vào chầu lạy mừng.”
Lời bàn:Nhà Lý từ đời Lý Thần Tông trở đi là thời kì suy vi, từ đời Lý Cao Tông trở đi là thời kì đổ nát, từ đời Lý Huệ Tông trở đi là thời kì chỉ còn lại một chút hư danh hão huyền, bị phế bỏ là điều không sao tránh khỏi.
Khi chính quyền trung ương tan nát thảm hại thì tất nhiên là các phe phái sẽ xâu xé lẫn nhau, mà đã xâu xé thì cuối cùng cũng phải có người giành được phần thắng. Họ Trần tinh khôn, vừa ra sức phát triển thế lực, vừa nhanh tay nắm lấy hai con bài chính trị là Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng, để rồi hạ màn kết thúc một cách bất ngờ, trước sự ngơ ngác của các phe phái khác.
Triều Lý mở đầu bằng chuyện mẹ Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) đi chơi ở chùa, có thai với thần nhân mả đẻ ra vua, sau hơn 200 năm. lại kết thúc bằng chuyện vua cha là Lý Huệ Tông đến chùa đi tu, để ngôi báu lại cho con gái được hơn một năm thì mất. Trước đến chùa mà được ngôi, sau đến chùa mà mất ngôi. ấy là chuyện khác biệt của triều Lý đó chăng?
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tạiwww.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
NIÊN BIỂU TRIỀU LÝ
Triều Lý được thiết lập năm 1010 và mất ngôi năm 1225, tồn tại tổng cộng 215 năm. Trong khoảng thời gian 215 năm đó, có tất cả 9 vua Lý đã nối nhau trị vì. Để bạn đọc đỡ mất công tra cứu khi xét thấy cần, chúng tôi lập bảng niên biểu này, kê đủ tên thật, cha sinh mẹ đẻ, thời gian làm vua và tuổi thọ của từng vị hoàng đế họ Lý. Điều cần lưu ý là ngày tháng ghi trong niên biểu này là ngày tháng âm lịch.
1 - LÝ THÁI TỔ (1010 - 1028): tên húy là Công Uẩn, quê ở châu Cổ Pháp (nay là Bắc Ninh). Vua sinh ngày 12 - 2 năm Giáp Tuất (974). Thời Tiền Lê, Lý Công Uẩn làm quan Điện tiền chỉ huy sứ. Năm Kỉ Dậu (1009), Lê Ngọa Triều mất, ông được triều thần (mà đại diện là Đào Cam Mộc) và các nhà sư (mà đại diện là sư Vạn Hạnh) cùng nhau tôn lên ngôi vua. Lý Thái Tổ ở ngôi 18 năm, mất ngày 3 - 3 năm Mậu Thìn (1028): thọ 54 tuổi.
2 - LÝ THÁI TÔNG (1028 - 1054):tên húy là Phật Mã, lại có tên húy khác là Đức Chính, con trưởng của Lý Thái Tổ, mẹ đẻ là Lê Thái hậu (không rõ tên). Vua sinh ngày 26 - 6 năm Canh Tý (1000), lên ngôi năm Mậu Thìn (1028), ở ngôi 26 năm, mất ngày 1 - 10 năm Giáp Ngọ (1054), thọ 54 tuổi.
3 - LÝ THÁNH TÔNG (1054 - 1072):tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Lý Thái Tông (theoViệt sử lược thì lại là con thứ ba), mẹ đẻ là Kim Thiên Thái hậu: người họ Mai(Việt sử lượcnói bà là Linh Cảm thái hậu). Vua sinh ngày 25 - 2 năm Quý Hợi (1023), lên ngôi năm Giáp Ngọ (1054), ở ngôi 18 năm, mất tháng 1 năm Nhâm Tí (1072), thọ 49 tuổi.
4 - LÝ NHÂN TÔNG (1072 - 1127):tên húy là Càn Đức, con trưởng của Lý Thánh Tông, mẹ đẻ là Linh Nhân Thái hậu (tức bà Ỷ Lan). Vua sinh ngày 25 - 1 năm Bính Ngọ (1066), lên ngôi năm Nhâm Tý (1072), ở ngôi 55 năm, mất tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), thọ 61 tuổi.
5 - LÝ THẦN TÔNG (1128 - 1138):tên húy là Dương Hoán, con trưởng của em ruột vua Nhân Tông là Sùng Hiền Hầu, được Nhân Tông nhận làm con nuôi rồi sau truyền ngôi cho, mẹ đẻ là Phu nhân họ Đỗ (không rõ tên). Như vậy, Thần Tông là vai cháu ruột của vua Nhân Tông. Vua sinh năm Bính Thân (1116), năm Đinh Dậu (1117), được Nhân Tông nhận làm con nuôi. Năm Mậu Thân (1128) Nhân Tông mất, được lên nối ngôi. Vua ở ngôi 10 năm, mất ngày 26 - 9 năm Mậu Ngọ (1138), thọ 22 tuổi.
6 - LÝ ANH TÔNG (1138 - 1175):tên húy là Thiên Tộ, con trưởng của Lý Thần Tông, mẹ đẻ là Lê Thái hậu (không rõ tên hiệu). Vua sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136) và lên ngôi ngày 1 - 10 năm Mậu Ngọ (1138), ở ngôi 37 năm, mất vào tháng 7 năm Ất Mùi (1175), thọ 39 tuổi.
7 - LÝ CAO TÔNG (1175 - 1210):tên húy là Long Trát, lại có tên húy khác là Long Cán, con thứ 6 của Anh Tông, mẹ đẻ là Thụy Châu Thái hậu, người họ Đỗ. Vua sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Tỵ (1173), lên ngôi năm Ất Mùi (1175), ở ngôi 35 năm, mất ngày 28 - 10 năm Canh Ngọ (1210), thọ 37 tuổi.
8 - LÝ HUỆ TÔNG (1210 - 1224):tên húy là Hạo Sảm, con trưởng của Cao Tông, mẹ đẻ là Đàm Thái hậu (không rõ tên). Vua sinh tháng 7 năm Giáp Dần (1194), lên ngôi năm Canh Ngọ (1210), ở ngôi 14 năm. Năm Giáp Thân (1224) nhường ngôi cho con gái út là Chiêu Thánh Công chúa rồi đi tu. Huệ Tông sau bị nhà Trần giết vào năm 1226, thọ 32 tuổi.
9 - LÝ CHIÊU HOÀNG (1224 - 1225):tên húy là Phật Kim, lại có tên húy khác là Thiên Hinh, lúc đầu được vua cha là Lý Huệ Tông phong làm Chiêu Thánh Công chúa. Vua là con thứ hai của Huệ Tông, mẹ đẻ là Trần Thái hậu (tên thật là Trần Thị Dung, sau lấy Trần Thủ Độ). Vua sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218), lên ngôi năm Giáp Thân (1224), đến năm Ất Dậu (1225) thì nhường ngôi cho Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông). Nhà Lý dứt kể từ đó.
Như vậy, trong số 9 vua nhà Lý nối nhau trị vì suốt 215 năm (từ năm 1010 đến năm 1225), chúng ta thấy có:
- Một vua là nữ (Lý Chiêu Hoàng), vua cuối cùng của triều Lý.
- Vua ở ngôi lâu nhất là Lý Nhân Tông (55 năm), vua ở ngôi ngắn nhất là Lý Chiêu Hoàng (1 năm).
- Vua lên ngôi sớm nhất là Lý Anh Tông (lúc 2 tuổi) và Lý Cao Tông (lúc 3 tuổi), vua lên ngôi muộn nhất là Lý Thái Tổ (lúc 36tuổi).
- Vua thọ nhất là Lý Nhân Tông (61 tuổi) và vua mất sớm nhất là Lý Thần Tông (lúc 22 tuổi).
- Vua đổi niên hiệu nhiều nhất là Lý Nhân Tông (8 lần), các vua chỉ có một niên hiệu là Lý Thái Tổ, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng.