Buồn Ơi Chào Mi - Phần I - Chương 3 - 4

BA

Sáng hôm sau tôi bị đánh thức bởi một tia nắng nóng chiếu nghiêng nghiêng phả xuống khắp giường, kết thúc những giấc mơ lạ lùng và khá rối rắm của tôi. Nửa mê nửa tỉnh, tôi đưa tay che mặt để chặn bớt sức nóng dai dẳng ấy, nhưng rồi chịu thua. Mười giờ. Tôi vẫn mặc bộ quần áo ngủ đi xuống sân thượng và gặp đôi mắt của Anne ngước nhìn từ sau trang nhật báo. Tôi nhận thấy cô trang điểm đơn sơ nhưng hoàn hảo; rõ ràng cô không bao giờ thôi trang điểm dù chỉ một ngày. Vì cô chẳng nói gì với tôi, nên tôi ngồi ở bậc thềm, với ly cà phê và một trái cam, thưởng thức buổi sáng tuyệt vời. Tôi ngoạm vào trái cam để chất nước ngọt ngào của nó ứa vào miệng, rồi hớp một ngụm cà phê đen nóng bỏng và lại ngoạm tiếp trái cam. Mặt trời hâm nóng mái tóc tôi và xóa đi những nếp gấp của khăn trải giường in trên da tôi. Năm phút nữa tôi sẽ ra bãi tắm. Tiếng nói của Anne làm tôi giật thót mình.

“Cécile, cháu không ăn gì sao?”

“Buổi sáng cháu chỉ uống cà phê.”

“Muốn xinh đẹp, cháu phải lên thêm vài kí. Gò má hóp và thân hình gầy trơ bẹ sườn như thế kia. Cháu làm ơn vào nhà, ăn một chút bánh mì và bơ!”

Tôi xin cô đừng ép buộc tôi, và khi cô đang thuyết giảng tầm quan trọng của sự ăn uống, cha tôi xuất hiện trong chiếc áo choàng lụa có điểm những chấm tròn sang trọng của ông.

“Thật là một cảnh tượng đáng yêu,” ông nói. “Hai cô bé tắm nắng và bàn luận về bánh mì và bơ.”

“Than ơi, chỉ có một cô bé mà thôi,” Ann vui vẻ đáp. “Đừng quên em cùng một lứa tuổi với anh, Raymond thân mến.”

Cha tôi cúi xuống, cầm tay cô.

“Vẫn ăn nói thẳng thừng như bao giờ!” ông âu yếm trả lời, và tôi thấy hàng mi của Anne xao động như thể cô đang đón nhận một ve vuốt bất ngờ.

Tôi lẻn ra mà không ai thấy. Ở cầu thang tôi gặp Elsa. Rõ ràng chị vừa bước xuống giường, mắt bụp, môi nhạt, da đỏ và bong từng mảng vì tắm nắng quá độ. Suýt chút nữa tôi đã chận chị lại để bảo rằng Anne đã xuống nhà dưới, mặt mày thanh tao và tuyệt hảo - rằng Anne sẽ cẩn thận phơi nắng và không để cho da bị phỏng. Tôi định tạo cho chị sự cảnh giác, nhưng có thể chị sẽ không phản ứng thuận lợi. Chị hai mươi chín, trẻ hơn Anne mười ba tuổi, và dường như đối với chị, đó là một quân bài chủ.

Tôi cầm áo tắm chạy ra vũng. Tôi ngạc nhiên, Cyril đã có mặt ở đó, ngồi trên thuyền. Anh bước lại gần tôi, nghiêm trang, cầm tay tôi và dẫn tôi về phía thuyền.

“Anh xin em tha lỗi cho anh hôm qua,” anh nói.

“Lỗi của em,” tôi trả lời, tự hỏi sao anh lại trịnh trọng đến thế.

“Anh ghét anh lắm,” anh nói tiếp, đẩy thuyền xuống nước.

“Không có lý do nào cả,” tôi vui vẻ nói.

“Nhưng anh vẫn,”

Tôi đã ngồi trong thuyền. Anh còn đứng, nước cao tới gối, hai tay tựa lên mạn thuyền như thể đó là lan can của vành móng ngựa. Tôi đã rất quen với gương mặt của anh nên tôi có thể hiểu được những biểu lộ của nó và tôi biết anh sẽ không lên thuyền với tôi nếu anh chưa nói ra những gì đang chứa đựng trong đầu. Tôi buồn cười nghĩ rằng đã hai mươi lăm tuổi mà anh vẫn có thể nghĩ rằng mình là một tay chim gái tồi tệ.

“Đừng cười,” anh nói. “Anh đã có thể đi đến tận cùng, chiều qua. Em không có cách gì tự vệ. Hãy nhìn tấm gương của cha em và người đàn bà ấy. Không chừng anh là thằng đểu giả nhất mà em biết.”

Tôi không thấy anh vô lý. Tôi thấy anh hiền lành, anh đang ở ven bờ của tình yêu chân thật. Tôi nghĩ cũng tốt cho tôi, nếu tôi cũng yêu anh. Tôi vòng tay qua cổ anh và áp má lên mặt anh. Anh có bờ vai rộng; thân thể anh cứng chắc trên tôi.

“Anh thật dịu dàng, Cyril,” tôi thì thầm. “Anh sẽ là anh trai của em.”

Anh khép chặt vòng tay gừ lên một âm thanh bất bình, rồi nhẹ nhàng kéo tôi khỏi thuyền. Anh nhấc tôi lên và ôm tôi sát vào lòng, đầu tôi dựa trên vai anh. Trong giây phút ấy tôi yêu anh. Trong nắng sáng anh cũng nâu đồng, cũng mềm mại, cũng dễ xúc cảm như tôi, và anh sẽ che chở tôi. Khi môi anh chạm môi tôi cả hai đứa run lên hoan lạc; nụ hôn của chúng tôi không nhuốm màu hổ thẹn hay hối tiếc, nó chỉ là một tìm kiếm sâu sắc, thỉnh thoảng bị ngắt đứt bởi những lời thủ thỉ. Cuối cùng tôi tách ra và bơi về thuyền, đang bập bềnh trôi xa. Tôi úp mặt lên làn nước xanh như ngọc cho tươi tỉnh. Một cảm giác hạnh phúc hoang dại tràn ngập hồn tôi.

Lúc mười một giờ rưởi Cyril đi về, cha tôi và hai người đàn bà của ông xuất hiện trên lối mòn. Ông đi giữa, tay đỡ lưng họ, với sự duyên dáng tự nhiên của riêng ông. Anne vẫn mặc chiếc áo choàng đi biển. Cô ung dung cởi áo, không để ý là chúng tôi đang hau háu nhìn, và nằm xuống cát. Cô có chiếc eo thon và đôi chân tuyệt hảo, và không ngờ gì nữa, kết quả của một đời nâng niu chăm sóc, một làn da hầu như không chút tì vết. Không định trước tôi liếc qua cha tôi, ông đang nhướng một bên mày ngầm tán thưởng. Elsa tội nghiệp, da đang ở một tình trạng đáng than khóc, đang bận rộn bôi dầu lên thân thể. Tôi không nghĩ là cha tôi sẽ chịu đựng chị ấy quá một tuần... Anne quay đầu nhìn tôi.

“Cécile, sao nơi đây cháu dậy sớm thế nhĩ? ỞParischáu nướng trong giường đến giữa trưa.”

“Lúc đó cháu đang học thi,” tôi nói. “Nên cháu mệt.”

Cô không cười. Cô chỉ cười khi nào cảm thấy thích, không bao giờ vì phép lịch sự, như người khác.

“Kết quả sao rồi?'

“Cháu thi hỏng!” tôi hớn hở nói. “Điểm thấp lắm.”

“Nhưng cháu phải thi đỗ kì tháng Mười, nhất địnhphảithế!”

“Tại sao nó phải thi đỗ?” cha tôi can thiệp. “Anh chẳng có bằng cấp nào thế nhưng anh vẫn có một cuộc sống phong lưu.”

“Anh may mắn đã thừa hưởng một gia tài từ đầu,” Anne nhắc nhở ông.

“Con gái của anh sẽ luôn luôn có một người đàn ông bảo bọc,” cha tôi khoác lác đáp.

Elsa bắt đầu cười to, nhưng ngừng ngay khi chị ấy nhìn thấy vẻ mặt của ba người chúng tôi.

“Cécile phải ôn thi trong khi nghĩ hè,” Anne nói, nhắm mắt lại để chấm dứt câu chuyện.

Tôi nhìn cha tôi cầu cứu nhưng ông chỉ đần độn mỉm cười. Tôi thấy trước mắt tôi một trang sách của Bergson mở ra, những hàng chữ đen nhảy múa, trong khi Cyril đợi chờ ngoài vũng. Ý tưởng đó làm tôi kinh hoàng. Tôi bò đến bên Anne và nói khẽ với cô. Cô mở mắt. Tôi hướng nét mặt lo âu, van xin đến cô, cố hóp má lại cho giống một người trí thức làm việc quá độ.

“Anne, đừng bắt cháu phảilàm thế- trong cái nóng này. Cháu đang rất vui!”

Cô đăm đăm nhìn tôi một chốc, rồi mỉm cười bí ẩn và quay đầu đi.

“Cô sẽ bắt cháu phảilàm thế, cho dù trong cái nóng này, như cháu nói. Cháu sẽ ghét cô trong một hay hai ngày, nếu cô đoán đúng, nhưng cháu sẽ thi đỗ.”

“Có những điều mà người ta không thể bị ép uổng,” tôi buồn rầu nói.

Đáp ứng duy nhất của cô là một nụ cười của người bề trên, và tôi quay lại chỗ của mình trên bãi, lòng đầy âu lo cho tương lai. Elsa đang lanh chanh nói về những hội hè diễn ra dọc theo miềnRiviera, nhưng cha tôi chẳng lắng nghe. Từ chỗ của ông là đỉnh của cái tam giác vẽ ra bởi cơ thể của ba người, ông chằm chằm nhìn hình ảnh của Anne nằm ngửa người trên bãi cát với sự kiên quyết mà tôi có thể nhận ra. Bàn tay của ông nắm vào, mở ra trên cát nhịp nhàng, đều đặn, bền bỉ. Tôi chạy ùa ra biển và lao xuống nước, thương khóc cho mùa hè của chúng tôi lẽ ra phải rất vui nhộn. Tất cả những yếu tố của một bi kịch đã được đưa ra: một người phóng túng, một người lang chạ, và một người đàn bà với ý chí mãnh liệt. Tôi thấy một chiếc vỏ ốc thanh tú màu hồng và xanh lơ nằm ở đáy biển. Tôi lặn xuống nhặt lấy nó, và giữ nó, bóng mượt và rỗng không trong tay tôi suốt buổi sáng. Tôi tin nó là một vật đem đến sự may mắn, và tôi sẽ giữ nó lại. Tôi ngạc nhiên vì tôi không làm mất nó, cho dù tôi đã đánh mất mọi thứ. Đến hôm nay, nó vẫn hồng và ấm trong lòng bàn tay tôi, và làm tôi muốn khóc.

BỐN

Anne rất tử tế với Elsa trong những ngày sau đó. Mặc cho những nhận xét ngô nghê điểm xuyết lời nói của Elsa, Anne không bao giờ thốt lên những câu sắc sảo mà cô vốn sở trường, và hẳn là chúng sẽ khiến Elsa thêm lố bịch. Tôi ngạc nhiên, và bắt đầu ngưỡng mộ sức chịu đựng và sự rộng lượng của Anne tuy không hiểu cô đã thâm trầm sâu sắc đến dường nào. Cha tôi sẽ sớm chán ghét các chiến thuật ác độc, và vào lúc ấy ông biết ơn Anne nhiều đến nỗi không ngừng tìm đủ cách làm cô vui lòng. Ông dùng sự biết ơn như một phương tiện để lôi cuốn cô, có thể nói như vậy, vào vòng quyến thuộc; ông thường đề xuất rằng tôi là một phần trách nhiệm của Anne, và nói chung, đối xử với cô như thể cô là bà mẹ thứ nhì của tôi. Nhưng tôi để ý thấy mỗi cái nhìn và cử chỉ của ông đều biểu lộ nỗi thèm khát âm thầm của ông với cô, người mà ông chưa chiếm được và hằng ao ước. Tôi cũng nhận thấy một tia sáng tương tự lấp lánh trong mắt Cyril, và tôi phân vân không biết nên khuyến khích anh hay nên bỏ chạy. Trên phương diện này, hẳn tôi dễ bị lung lạc hơn Anne, vì thái độ của cô với cha tôi cho thấy một sự thân thiện chừng mực, một sự điềm tĩnh đến mức làm tôi yên tâm. Tôi bắt đầu tin rằng tôi đã nghĩ sai về cô ở ngày đầu tiên. Tôi không biết sự thẳng thắn rất lôi cuốn của cô chính là thứ làm cha tôi thích. Và sự im lặng của cô, rõ ràng quá tự nhiên, quá tế nhị, là một tương phản rõ rệt với lời nói huyên thiên của Elsa, như ngày với đêm. Elsa đáng thương! Chị ấy chẳng nghi ngờ gì cả, và, mặc dù đau đớn vì phỏng nắng, vẫn ba hoa và nồng nhiệt quá độ.

Một ngày nọ, tuy nhiên, có lẽ chị bắt gặp cái nhìn của cha tôi gửi đến Anne và tự rút ra kết luận. Trước bữa ăn trưa tôi thấy chị nói thầm vào tai ông. Trong một thoáng, ông dường như khó chịu, nhưng rồi gật đầu và mỉm cười. Sau chầu cà phê, Elsa bước ra cửa, xoay người, và tạo một dáng đứng uể oải lả lơi, như diễn viên màn bạc. Trong giọng nói của chị có mười năm tán tỉnh kiểu Pháp.

“Có theo em không, Raymond?”

Cha tôi đứng lên, đỏ hồng mặt, vừa theo sau Elsa vừa lẩm bẩm về lợi ích của việc bỏ giấc ngủ ngày. Anne ngồi im. Điếu thuốc âm ỉ cháy giữa hai ngón tay. Tôi cảm thấy cần phải đẩy đưa một câu:

“Người ta bảo giấc ngủ trưa giúp ta ngơi nghĩ, nhưng cháu thấy nó có thể mang một ý nghĩa trái ngược...”

Tôi ngừng, chợt thấy mình như đang bóng gió.

“Thôi đủ rồi,” Anne lạnh nhạt nói.

Không một chút mập mờ trong giọng điệucủaAnne. Cô đã, dĩ nhiên, cho rằng nhận xét của tôi là thô tục, nhưng khi nhìn cô tôi thấy cô phải cố gắng mới giữ được bình tĩnh. Có lẽ trong giây phút đó cô đã ghen tức điên cuồng với Elsa. Trong khi tôi tự hỏi làm sao để có thể an ủi cô, một ý nghĩ cay độc nảy sinh. Sự cay độc luôn luôn làm tôi vui sướng; nó cho tôi cảm giác thích thú của sự tự tin và hài lòng với bản thân. Tôi không kiềm chế được.

“Cháu tưởng tượng, với làn da phồng rộp của Elsa, kiểu ngủ trưa ấy sẽ chẳng thú vị gì cho cả hai người.”

Nếu tôi im lặng có lẽ đã tốt hơn cho tôi.

“Cô tởm lợm kiểu bình luận ấy. Ở tuổi cháu nó còn tệ hơn là ngu đần. Đau đớn thay.”

Tôi giận dữ đáp: “Cháu chỉ đùa thôi, cô biết mà. Cháu tin chắc họ đang thật sự vui vẻ với nhau.”

Cô quay lại nhìn tôi với vẻ mặt bị xúc phạm nặng nề, và tôi xin lỗi cô lập tức. Cô nhắm mắt, bắt đầu nói khẽ và từ tốn.

“Ý niệm của cháu về tình yêu khá thô sơ. Tình yêu không phải là một chuỗi cảm giác, cái này độc lập với cái kia...”

Tôi chợt nhận ra mỗi khi đem lòng yêu ai, sự việc lại diễn tiến y hệt như thế: một cảm xúc bất ngờ, khơi gợi bởi một khuôn mặt, một cử chỉ hay một nụ hôn... những giây phút bồi hồi tê tái, rời rạc không liên hệ, là tất cả những gì tôi nhớ được.

“Nó là một thứ khác,” Anne nói. “Có những thứ như là tình cảm bền lâu, ngọt ngào, cần thiết... nhưng cô đoán, cháu không thể hiểu.”

Cô xua tay đuổi tôi đi và cầm tờ báo. Phải chi cô giận dữ thay vì cam chịu sự vô cảm của tôi. Dù thế nào tôi cũng thấy cô đúng - rằng tôi như một con thú bị bản năng chi phối, bị người khác lũng đoạn tư tưởng, rằng tôi nông cạn và yếu đuối. Tôi khinh tôi, và đó là một cảm giác đau đớn khủng khiếp, càng đau hơn khi tôi không có thói quen tự chỉ trích. Tôi lên lầu về phòng trong mụ mị. Nằm trong giường trên khăn ấm, tôi nghĩ đến lời của Anne. “Nó là một thứ khác, là một cần thiết.” Đã có bao giờ tôicầnđến ai chưa?

Hai tuần sau đó lờ mờ trong trí nhớ vì tôi cố ý làm ngơ các hiểm họa cho sự an toàn của chúng tôi, nhưng thời gian còn lại của kì hè lại nổi bật, vì vai trò tôi đã chọn để diễn.

Trở lại ba tuần đầu, vỏn vẹn ba tuần hạnh phúc: từ lúc nào cha tôi công khai nhìn ngắm miệng của Anne? Có phải đó là ngày ông trách móc thái độ xa vắng của cô, trong khi giả vờ cười nhạo nó? Hay đó là ngày ông so sánh sự tinh tế của cô với sự ngớ ngẩn gần như đần độn của Elsa? Tôi đã yên lòng vì ý tưởng ngu ngốc của tôi rằng họ đã quen nhau mười lăm năm, và nếu như có thể phải lòng nhau, hẳn họ đã yêu nhau từ lâu không cần đợi đến bây giờ. Và tôi cũng nghĩ, nếu mối tình ấy có xảy ra chăng nữa, nó cũng không thọ quá ba tháng, và Anne sẽ bị bỏ rơi với những kỉ niệm của cô và có lẽ với một chút tủi nhục. Tuy thế, từ trong tâm khảm, tôi luôn luôn hiểu rằng Anne không phải là một người đàn bà có thể bị ruồng bỏ dễ dàng.

Nhưng Cyril có mặt ở đó và chiếm trọn tư tưởng của tôi. Ban đêm anh và tôi thường lái xe đến Saint Tropez, và khiêu vũ trong các hộp đêm theo giọng kèn da diết. Trong những giây phút ấy chúng tôi cảm thấy chúng tôi yêu nhau điên dại, nhưng sáng hôm sau tất cả đều bị lãng quên. Ban ngày chúng tôi rong thuyền buồm. Đôi khi cha tôi đi cùng với chúng tôi. Ông quý Cyril lắm, đặc biệt từ lúc Cyril để cho ông thắng một cuộc đua thuyền.

Ông gọi Cyril là “con trai,” và Cyril thưa “Ông”. Nhưng đôi khi tôi tự hỏi giữa họ, ai mới là người lớn.

Một buổi chiều nọ chúng tôi đến nhà Cyril uống trà với mẹ anh, một bà đứng tuổi, ít nói, hay mỉm cười, tâm tình với chúng tôi về những khó khăn của bà trong vai trò góa phụ và mẹ. Cha tôi đồng cảm với bà, nhìn Anne cầu cứu, và không ngớt lời khen ngợi bà. Phải nói rằng ông không bao giờ tiếc thì giờ của mình! Anne nhìn cảnh tượng ấy với một nụ cười thân ái, và sau đó nhận xét rằng mẹ của Cyril đáng mến. Tôi ngắt lời bằng những câu rủa xả những mụ già ấy. Anne và cha tôi cười lớn, làm tôi tức giận.

“Cha và cô không thấy cách bà ấy hài lòng với bản thân như thế nào chăng?” tôi nhấn mạnh. “Bà ấy tự vỗ vai khen tặng vì đã làm tròn nhiệm vụ và...”

“Nhưng đó là sự thật,” Anne nói. “Bà ấy đã làm tròn bổn phận một người vợ và người mẹ, như người ta nói.”

“Còn bổn phận của một tình nhân thì sao?” tôi hỏi.

“Cô không thích sự thô tục một chút nào,” Anne nói, “cho dù dí dỏm.”

“Nhưng cháu không cố nói cho dí dỏm. Bà ấy lấy chồng như bao nhiêu người khác, vì ước muốn, hay vì đó là chuyện phải làm. Bà ấy có con - cô có biết con nít từ đâu ra không?”

“Có lẽ không biết nhiều bằng cháu,” Anne mỉa mai. “Nhưng cô có một ý niệm.”

“Bà ấy nuôi con. Có lẽ bà ấy ngại không muốn dây dưa với ái tình. Bà ấy sống một cuộc đời như hàng triệu người vợ khác, và hãnh diện vì thế; cha và cô hiểu không. Bà ấy có địa vị của một người mẹ và một người vợ trẻ thuộc giai cấp trung lưu, và bà ấy đã không làm một điều gì có thể gây phương hại đến địa vị ấy. Bà ấy hài lòng với những thứ bà ấy không làm, chứ không phải với những thành tựu.”

“Nói vô nghĩa,” cha tôi nói.

“Giống như một con chim say mê chính nó,” tôi gào lên. “Bà ấy tự nhủ: 'Tôi đã làm tròn bổn phận' trong khi bà ấy chẳng làm gì. Nếu bà ấy, với gia thế đó, trở thành một cô gái đứng đường, mới là đáng khen.”

“Ý tưởng của cháu rất thời thượng, nhưng cháu không biết cháu đang nói gì,” Ann đáp.

Có lẽ cô nói đúng. Lúc ấy, tôi tin tưởng ở những điều tôi nói nhưng phải thú thật, tôi chỉ lập lại những gì đã nghe như một con vẹt. Dù sao, cuộc đời của tôi và cha tôi đang xuôi chảy theo ý tưởng của tôi và Anne gây thương tổn cho tôi bằng cách khinh bỉ chúng. Ta có thể gắn bó với những ý tưởng phù phiếm cũng như với bất cứ những thứ khác, phải không? Anne không coi tôi như một người có đầu óc. Tôi rất muốn chứng minh rằng cô ấy sai. Tôi không thể biết cơ hội có thể tới sớm đến thế, cũng như tôi có thể chụp được cơ hội. Dù sao chỉ chừng một tháng nữa, có lẽ tôi sẽ có những ý kiến hoàn toàn trái ngược về mọi thứ. Có thể nào trông mong nơi tôi một điều gì khác hơn được sao?