Buồn Ơi Chào Mi - Phần II - Chương 01 - 02

PHẦN HAI

MỘT

Tôi nhớ những việc xảy ra sau đó rõ ràng làm sao! Ý thức của tôi về mọi người cũng như về chính tôi bén nhạy hơn. Bản tính vốn vô tư, hời hợt, tôi đã sống như thế tự bao giờ. Nhưng vài ngày gần đây đã có nhiều chuyện bực bội, khiến tôi phải suy tư, nghiền ngẫm nội tâm. Tôi khổ sở với những cơn truy vấn, và tôi vẫn chưa thể hòa giải với chính mình. “Những cảm tưởng này,” tôi nghĩ, “những cảm tưởng về Anne là ti tiện và ngu si; cái ước muốn chia rẽ Anne với cha tôi là độc ác,” nhưng nói cho cùng, sao tôi lại hà khắc với mình đến thế? Chẳng phải tôi được tự do phê phán những gì đã xảy ra? Lần đầu trong đời cái “tôi” của tôi dường như bị chẻ đôi, và tôi khám phá trong ấy những sức mạnh đối nghịch khiến tôi chới với. Tôi tìm tòi những lý lẽ tốt đẹp để biện minh, tôi lẩm nhẩm trong đầu, cố gắng thành thật và rồi đột nhiên cái”tôi” kia nhổm dậy đối đáp những lý lẽ ấy, nói rằng tôi chỉ dùng chúng để tự dối lòng mà thôi, dù chúng đều có vẻ chân thật. Nhưng thật tình, chẳng phải cái”tôi” kia mới chính là kẻ sai lầm hay sao? Chẳng phải cái tâm trí sáng suốt của tôi chính là lỗi lầm tai hại nhất đời tôi? Trên phòng riêng tôi biện luận với mình hàng giờ trong cố gắng tìm hiểu xem nỗi sợ hãi và thù nghịch mà Anne đã khơi gợi trong tôi là chính đáng, hay chỉ đơn giản tôi là một con bé ngu muội, ích kỉ, hư hỏng vì được nuông chìu đang giả vờ làm người lớn.

Trong khi ấy mỗi ngày tôi càng gầy rọc đi. Trên bãi biển tôi chẳng làm gì khác hơn là ngủ, và trong giờ ăn tôi vẫn giữ sự im lặng căng thẳng khiến cho mọi người cuối cùng đều khó chịu.

Và tôi luôn luôn theo dõi Anne. Trong các buổi ăn tối tôi sẽ nhủ lòng, “Mọi thứ cô ấy làm đều chứng tỏ cô ấy yêu cha mình tha thiết dường nào. Còn ai có thể yêu nhiều hơn nữa? Làm sao tôi có thể giận cô ấy khi cô ấy mỉm cười với tôi bằng ánh mắt lo âu như thế?” Nhưng rồi cô sẽ nói, “Khi chúng ta trở lại Paris, Raymond...” Và ý tưởng cô ấy sẽ chia sẻ và can thiệp vào cuộc sống của chúng tôi khiến tôi lại bừng giận. Một lần nữa, cô có vẻ tính toán và lạnh lùng. Tôi nghĩ: “Cô ấy lạnh tanh, chúng tôi nồng nhiệt. Cô ấy độc đoán, chúng tôi dễ dãi. Cô ấy cách biệt; cô ấy chẳng mảy may để ý tới những người mà chúng tôi yêu mến. Cô ấy trầm lặng; chúng tôi vui nhộn. Chúng tôi đây, hai người, và cô ấy sẽ chen tọt vào. Cô ấy sẽ sưởi bằng ngọn lửa nhiệt tình của chúng tôi và sẽ ấm dần lên. Cô ấy sẽ quấn chúng tôi trong những khoanh tròn, như một con rắn đẹp,” tôi lập lại, “chính là con rắn đẹp”. Và khi Anne chuyền bánh mì qua tôi, thình lình tôi tỉnh táo. “Mình điên rồi,” tôi nghĩ. “Đấy là Anne, người bạn luôn luôn tử tế với mình, một người khôn ngoan. Nét xa vắng của cô chỉ là một thói quen, không có gì tính toán trong đó. Sự dè dặt của cô chỉ để che chắn cô khỏi những nhơ nhớp của cuộc đời. Đó là một dấu hiệu của sự cao cả. Một con rắn đẹp...” Tôi thấy mình tái xanh vì hổ thẹn. Tôi nhìn cô, thầm xin tha thứ. Một đôi khi cô để ý tới nét mặt của tôi và sự ngạc nhiên và quan tâm như một vầng mây phủ bóng đen trên mặt cô và làm cô cắt đứt nửa chừng câu nói. Rồi theo bản năng cô quay mắt sang cha tôi; nhưng cái nhìn của ông chẳng biểu lộ điều gì khác hơn lòng ngưỡng mộ hay thèm muốn. Ông không hiểu lý do của sự im lặng bất chợt của cô. Từng chút từng chút một, tôi làm không khí khó thở hơn, và tôi ghê tởm mình bởi thế.

Cha tôi khổ sở đến mức độ mà bản tính của ông cho phép, nghĩa là, chẳng khổ sở tí gì, bởi ông đang điên mê Anne, ông vô cùng hãnh diện và hạnh phúc, và với ông không có điều gì khác tồn tại. Tuy nhiên, một ngày kia khi tôi đang thiu thiu ngủ trên bãi biển sau lượt bơi buổi sáng, ông ngồi xuống cạnh tôi và chăm chú nhìn tôi. Cảm nhận ánh mắt của ông trên tôi, và với nét vui vẻ giả tạo mà tôi đã nhanh chóng tạo thành thói quen, tôi sắp rủ rê ông bơi với tôi khi ông đặt tay lên trán tôi và gọi Anne bằng một giọng buồn rầu:

“Đến đây mà nhìn con vật bé bỏng này. Nó gầy như que củi. Nếu đây là kết quả của việc học, nó phải ngưng học ngay!”

Ông nghĩ rằng như thế mọi việc đều ổn thỏa, và không ngờ chi nữa có lẽ đã là vậy nếu ông nói như thế mười ngày trước. Nhưng hiện nay tôi đã ngụp sâu trong sự phức tạp và giờ giấc dành cho việc học buổi chiều không làm bận lòng tôi nữa, nhất là từ Bergson đến nay tôi chẳng mở thêm một trang nào.

Anne lại gần. Tôi vẫn nằm úp mặt trên cát, lắng nghe bước chân âm thầm của cô. Cô ngồi xuống phía bên kia.

“Có lẽ không phù hợp với con bé,” cô nói. “Nhưng nếu con bé thực sự học một cái gì đó thay vì cứ bước tới bước lui mãi trong phòng...”

Tôi phải xoay mình lại và nhìn họ. Làm sao cô biết tôi không học hành chi cả? Có lẽ cô đọc được ý nghĩ của tôi? Tôi nghĩ là cô có khả năng ấy. Điều đó làm tôi kinh hoàng. Tôi phản đối.

“Cháu đâu có đi tới đi lui trong phòng!”

“Con có nhớ cậu ấy lắm không?” cha tôi hỏi.

“Không!”

Điều này không hẳn đúng, nhưng chắc chắn tôi đã không có thì giờ nghĩ tới Cyril.

“Nhưng dù thế nào, con cũng không khỏe,” cha tôi quả quyết. “Anne, hãy nhìn cho kĩ. Trông nó như như một con gà bị vặt trụi lông và nướng trong nắng.”

“Cécile, cháu yêu,” Anne nói. “Hãy bình tĩnh lại. Học một chút và ăn thật nhiều. Kì thi quả thực quan trọng...”

“Cháu cóc cần kì thi ấy...” Tôi gào lên. “Cô không thể hiểu sao? Cháu chẳng cần gì!”

Tôi nhìn thẳng vào mặt cô, một cách tuyệt vọng, mong cô có thể nhận ra rằng có một thứ khác đang trong cơn nguy biến. Tôi nóng lòng chờ cô hỏi, “Ơ, có chuyện gì vậy cháu?” và cật vấn tôi, và tôi phải nói ra tất cả. Rồi tôi sẽ bị chinh phục và cô có thể làm bất kì điều gì với tôi, và tôi sẽ không còn bị dằn vặt đau khổ. Cô đăm đăm nhìn tôi. Tôi có thể thấy màu xanh thẫm của đôi mắt cô tối sầm lại vì sự tập trung và trách móc. Rồi tôi hiểu sẽ không bao giờ cô nghĩ đến chuyện tra vấn tôi và do vậy giải phóng tôi, bởi vì ngay cả khi một ý nghĩ như thế xuất hiện trong đầu cô, những nguyên tắc đạo đức của cô cũng sẽ ngăn cấm cô làm như vậy. Và tôi, cũng thấy rằng, cô không có một ý niệm nào về sự xáo động trong tôi. Hay là dù có biết, tôi nghĩ, cô cũng sẽ rút lui trong khinh miệt và không chấp nhận, chính xác những thứ mà tôi đáng hưởng! Anne luôn đánh giá mọi việc một cách chuẩn xác; đó là lý do tôi không bao giờ có thể đồng cảm với cô.

Tôi buông mình xuống và để má áp vào làn cát êm ấm. Tôi thở dài rất sâu và khởi sự run rẩy. Tôi có thể cảm nhận bàn tay của Anne, tĩnh lặng và vững chải, trên gáy tôi, giữ tôi yên trong một lúc, đủ lâu để ngừng cơn kích động của tôi. “Đừng phức tạp hóa cuộc đời của mình,” cô nói. “Cháu đã quá tự mãn và sống động, quá vô tư. Và giờ đây, cháu lại buồn và chiêm nghiệm nội tâm. Không thích hợp với cháu!”

“Cháu biết,” tôi trả lời. “Cháu chỉ là một đứa trẻ hời hợt, khỏe mạnh, vui nhộn và khờ khạo!”

“Đi ăn trưa nhé cháu,” cô nói.

Cha tôi đã rời xa chúng tôi; ông ghét những cuộc thảo luận kiểu ấy. Trên đường về, ông cầm tay tôi. Bàn tay của ông cứng chắc và dễ chịu; nó đã lau khô những dòng lệ của tôi lần thứ nhất tôi thất vọng vì tình, nó đã ấp ủ bàn tay tôi trong những phút giây an bình và hạnh phúc toàn hảo; nó đã lén lút xiết tay tôi những khi chúng tôi nghịch ngợm, hay phá cười huyên náo. Tôi nghĩ đến bàn tay của cha tôi trên tay lái, hay lúc cầm chìa khóa ban đêm và kiếm tìm vô vọng ổ khóa; bàn tay của ông trên bờ vai một người đàn bà, hay khi kẹp một điếu thuốc lá - bàn tay không còn có thể làm gì cho tôi nữa. Tôi siết chặt nó. Quay sang tôi, ông mỉm cười.

HAI

Hai ngày trôi qua. Tôi quanh quẩn mệt nhoài với ám ảnh là Anne sẽ phá hỏng cuộc đời chúng tôi. Tôi không tìm cách gặp Cyril. Anh có thể an ủi và làm tôi vui thú hơn, nhưng đó không phải là điều tôi muốn. Tôi lại có một cảm giác hài lòng nào đó trong việc đặt ra những câu hỏi không lời giải, nhắc nhở những ngày tháng cũ, và lo sợ những ngày sẽ đến. Trời thật nóng. Tôi khép các cửa chớp để phòng tối lờ mờ, nhưng dù vậy không khí vẫn nặng và ẩm. Tôi nằm đờ nhìn lên trần, chỉ lăn trở qua chỗ mát hơn trên tấm trải giường. Tôi không ngủ được. Tôi thường xuyên mở máy hát ở cuối giường. Tôi chọn những đĩa hát nhịp chậm rả rời, không làn điệu du dương. Tôi đốt thuốc lá liên miên và cảm thấy mình đồi bại, điều này càng khiến cho tôi khoái trá. Nhưng tôi không bị lừa dối bởi trò chơi giả vờ này: tôi vẫn buồn và hoang mang.

Một buổi chiều chị người làm gõ cửa phòng và nói một cách bí mật: “Có ai đó dưới nhà.” Tôi nghĩ ngay đến Cyril và xuống lầu. Không phải Cyril, mà là Elsa. Chị chào tôi nồng nhiệt. Nhìn chị, tôi ngạc nhiên trước nhan sắc mới của chị. Cuối cùng chị cũng có một làn da nâu mịn màng, và chị trang điểm tỉ mỉ và rạng ngời tươi trẻ.

“Chị đến lấy va-li,” chị giải thích. “Juan có mua mấy cái áo đầm cho chị, nhưng không đủ, và chị cần những vật dụng của chị.”

Trong một thoáng tôi tự hỏi Juan là ai, nhưng tôi không tra vấn. Tôi hài lòng vì Elsa trở lại. Chị đem đến vầng hào quang của một cô gái bao, của các quầy rượu, của những đêm vui, nhắc tôi những ngày hạnh phúc. Tôi nói với chị là tôi vui lắm được gặp lại chị, và chị quả quyết rằng chúng tôi luôn luôn tương đắc vì chúng tôi có cùng sở thích. Tôi cố nén một cái rùng mình nhẹ và đề nghị lên phòng để tránh gặp Anne và cha tôi. Khi tôi nhắc đến cha tôi, đầu Elsa giật khẽ và tôi tự hỏi chị còn yêu cha tôi nữa không, mặc dù Juan và các chiếc áo. Tôi cũng nghĩ rằng ba tuần trước tôi đã không thể nhận ra cái nguẩy đầu ấy của chị.

Trên phòng, tôi lắng nghe chị sôi nổi mô tả cuộc sống xa hoa, phù phiếm của chị ở những địa chỉ sang trọng vùng Riviera. Các ý nghĩ rối bời hình thành trong óc tôi, một phần bởi bề ngoài tươi tốt hơn của chị. Cuối cùng chị ngừng nói, có lẽ vì tôi nín thinh. Chị đi mấy bước, và không quay đầu lại, bất thần hỏi, “Raymond có hạnh phúc không?” Trong phút chốc tôi lập tức hiểu rằng tôi cần nói với chị.

“Nói 'Hạnh phúc' là hơi quá lố. Anne chẳng cho cha em một cơ hội nào để nghĩ rằng ông không hạnh phúc. Cô ấy khôn khéo lắm.”

“Rất mực!” Elsa thở dài.

“Chị không biết cô ấy đã thuyết phục cha em làm gì đâu! Cô ấy sắp kết hôn với cha em...”

Elsa quay gương mặt kinh hoàng sang tôi.

“Kết hôn với ông ấy? Raymond thật tình muốn cưới vợ?”

“Vâng,” tôi trả lời. “Raymond sắp sửa lập gia đình.”

Một ham muốn đột ngột được cười to vướng nơi cổ họng tôi. Tay tôi run bây bẩy. Elsa khụy xuống, làm như vừa bị tôi đánh trúng. Tôi không thể để chị ấy gậm nhấm cái ý tưởng rằng cha tôi đã tới lứa tuổi thích hợp cho hôn nhân, rằng ông không thể sống những ngày còn lại với các ả giang hồ. Tôi nghiêng mình tới trước và hạ giọng để tạo một ấn tượng sâu sắc hơn.

“Không thể để cho việc ấy xảy ra, Elsa. Cha em khổ sở lắm. Đó là một tình trạng không chấp nhận được, chị thừa sức hiểu.”'

“Vâng,” chị nói. Dường như chị bị mê hoặc bởi lời nói của tôi.

“Chị chính là người em mong đợi,” tôi tiếp tục. “Bởi chị là người duy nhất có thể sánh với Anne. Chỉ có chị mới đạt tiêu chuẩn của Anne.”

Dường như chị cắn mồi. “Nhưng nếu ông ấy cưới vợ, hẳn ông ấy đã yêu!” chị cãi.

“Nhìn đây, Elsa, chính chị mới là người mà cha em yêu! Đừng nói với em là chị không biết điều đó.”

Chị chớp mắt, và quay đi giấu niềm khoái trá và hi vọng mà lời nói của tôi đưa đến. Tôi như bị thôi miên, nhưng tôi biết tôi phải nói gì với chị.

“Chị không thấy sao? Anne lải nhải mãi về hạnh phúc lứa đôi, và những chuyện khác, và cuối cùng cô ấy tóm được cha em.”

Tôi ngạc nhiên với câu nói của mình. Bởi lẽ, dù diễn đạt khá thô thiển nhưng chúng đúng là điều tôi nghĩ.

“Nếu họ cưới nhau, cuộc đời của cả ba người chúng ta sẽ hỏng bét, Elsa! Cha em phải được bảo vệ. Ông ấy chỉ là một đứa bé to xác mà thôi.”

Tôi lập lại “đứa bé to xác” và nhấn mạnh. Tôi ý thức rằng có lẽ tôi đã quá cường điệu nhưng tôi trông thấy đôi mắt ngọc bích xinh đẹp của Elsa đầy thương cảm và tôi trở nên, như trong kinh cầu:

“Giúp em với, Elsa! Cho em sự trợ giúp của chị! Vì lợi ích của chị! Vì lợi ích của cha em! Và tình yêu mà hai người đã cho nhau!”

Tôi nói tiếpsotto voce: “và lợi ích của John Tàu Phù!”

“Nhưng chị có thể làm được gì?” Elsa van lơn. “Dường như không một cách gì.”

“Nếu chị nghĩ rằng không có cách gì, chị hãy quên đi,” tôi buồn bã nói.

“Con mụ chó đẻ!” Elsa thì thào.

“Chị nói chính xác,” tôi đáp, quay mặt đi giấu sự hài lòng.

Elsa tươi hẳn ra. Chị trút cạn tâm tình. Chị đã bị phụ phàng, chị nói, nhưng bây giờ chị sẽ chứng tỏ cho con mụ gian tà ấy biết là chị, Elsa Mackenbourg, có thể làm được gì. Và dĩ nhiên cha tôi yêu chị; chi luôn luôn biết là cha tôi yêu chị. Ngay cả khi ở bên Juan, chị cũng không thể gạt Raymond khỏi tâm trí chị. Chị chưa bao giờ nhắc đến hai chữ hôn nhân với Raymond, và chị luôn luôn làm ông hạnh phúc. Và chị chưa thử một lần... Đến lúc ấy tôi không thể chịu đựng chị hơn nữa. “Elsa,” tôi nói, “gặp Cyril và nhờ anh ấy làm ơn giùm em, nếu có thể, cho chị đến ở cùng với mẹ của anh. Nói rằng chị cần nơi trú ngụ. Em chắc anh ấy sẽ xin được. Nói với anh ấy em sẽ gặp anh ấy sáng mai, và ba đứa chúng ta sẽ bàn bạc tình hình.”

Ở ngưỡng cửa, dụng ý khôi hài, tôi thêm vào: “Chị đang chiến đấu cho tương lai của chị, Elsa!”

Chị nghiêm nghị đồng ý, như thể không có mươi lăm, hai mươi tương lai dưới hình thức những người tình sẳn sàng bảo bọc chị. Tôi ngắm chị yểu điệu bước đi trong nắng. Tôi nghĩ, trong một tuần thôi, cha tôi sẽ muốn có lại chị.

Đã ba giờ rưỡi. Lúc ấy cha tôi hẳn đang gối đầu trên cánh tay Anne, và cô ấy, đẹp mặn mà, uể oải trong sức nóng của lạc thú và hạnh phúc, hẳn cũng thiêm thiếp giấc nồng. Tôi bắt đầu vẽ ra hết kế hoạch này đến kế hoạch khác, không dừng lại suy ngẫm. Trong phòng, tôi bước loanh quanh giữa cửa phòng và cửa sổ, thỉnh thoảng lại nhìn ra mặt biển hiền hòa trải theo bờ cát. Tôi tính toán những cơ may, những nguy hiểm và dần dà tôi vượt qua mọi chướng ngại. Tôi cảm thấy mình tinh ranh hiểm ác, và đợt sóng ghê tởm bản thân vỗ đập hồn tôi từ khi khởi sự trò chuyện với Elsa giờ đã nhường cho cảm giác tự đắc với khả năng của mình.

Khỏi cần nói nó đã tan tành khi chúng tôi xuống bãi bơi với nhau. Vừa nhìn thấy Anne tôi đã tràn trề hối hận và tôi cố gắng hết mực để chuộc tội lỗi của mình. Tôi xách giỏ cho cô, tôi chạy ào đến với khăn mỏng quấn người của cô khi cô bước lên bờ. Tôi chăm chú nhìn cô và nói những lời ngọt ngào nhất. Đương nhiên sự thay đổi đột ngột của tôi sau những ngày im lặng vừa qua đã khiến cô ngạc nhiên. Cha tôi sung sướng lắm. Anne mỉm cười với tôi và vui vẻ hẳn lên. Tôi nghĩ đến những từ ngữ đã dùng để nói về cô với Elsa. Làm sao tôi có thể nói như thế được, và làm sao tôi có thể chịu đựng cái ngớ ngẩn vô lý của Elsa? Ngày mai tôi sẽ khuyên chị ra đi, nói rằng tôi đã sai lầm. Mọi chuyện sẽ trở lại như xưa, và, nói cho cùng, tại sao tôi không nên gắng học để thi đỗ? Một mảnh bằng đại học chắc hẳn sẽ có lợi về sau.

“Phải không ạ?” tôi hỏi Anne. “Có phải một tấm bằng đại học sẽ hữu dụng?”

Cô nhìn tôi và phá lên cười. Tôi cười theo, sung sướng vì cô vui tươi đến thế. “Cháu thật là hết ý!” cô nói.

Hẳn là tôi hết ý, và cô sẽ nghĩ tôi càng hết ý hơn nếu cô biết mưu mô của tôi. Tôi tha thiết muốn kể cho cô tất cả, để cô thấy tôi tuyệt vời dường nào. Tôi muốn nói với cô: “Cô có tưởng tượng là cháu sẽ làm cho Elsa giả đò yêu Cyril không? Chị ấy sẽ ở nhà của anh và chúng ta sẽ thấy họ cùng dong thuyền buồm, dạo trong rừng hay trên đường phố. Elsa sẽ rất đáng yêu. Dĩ nhiên chị ấy không đẹp như cô. Chị ấy có thứ nhan sắc khêu gợi khiến cho đàn ông phải quay đầu lại. Cha cháu sẽ không thể chịu được. Ông không bao giờ có thể để một người đẹp đã từng sống với ông sớm có tình nhân mới, và, phải nói, ngay trước mắt ông, hơn nữa lại là một thanh niên trẻ trung hơn. Cô hiểu mà, Anne, ông ấy sẽ muốn giành lại chị ấy mặc dù vẫn yêu cô, để nâng cao nhuệ khí của ông ấy. Ông ấy rất phù phiếm, hoặc thiếu tự tin, ta muốn hiểu cách nào cũng đúng. Elsa, dưới sự điều khiển của cháu, sẽ làm tất cả những gì cần thiết. Ngày ông phản bội cô chắc chắn rồi sẽ đến. Và cô không chịu được, phải không? Cô không phải là một trong số những người đàn bà có thể san sẻ tình yêu. Do đó cô sẽ ra đi. Và đó chính là điều cháu muốn. Thật ngốc nghếch, cháu biết, cháu tức giận cô vì Bergson, vì cái nóng. Cháu còn tưởng tượng... Cháu chẳng dám nói cho cô biết đâu, nó kì cục và siêu thực quá. Vì vấn đề thi cử mà cháu có thể cắt đứt quan hệ với cô - cô, bạn thân của mẹ cháu, củachúngcháu... Và sẽ hữu dụng, phải không ạ, có một văn bằng đại học?” Rồi: “Phải không ạ?” tôi nói lớn.

“Phải khôngcái gì?” Anne hỏi. “Bằng đại học hữu dụng phải không?”

“Vâng,” tôi đáp.

Nói cho cùng, tốt nhất đừng nói gì với cô; có lẽ cô không hiểu được. Có những điều Anne hoàn toàn không hiểu. Tôi chạy xuống biển phía sau cha tôi và vật lộn với ông. Một lần nữa tôi có thể nô đùa trong sóng nước, bởi lòng tôi thanh thản. Ngày mai tôi sẽ đổi phòng; tôi sẽ dọn lên gác mái với mớ sách giáo khoa. Nhưng sẽ không có Bergson trong đó; không cần phải thái quá! Hai giờ mỗi ngày tôi sẽ tập trung học trong cô liêu. Tôi tưởng tượng tháng Mười tôi sẽ thi đỗ vẻ vang, và nghĩ đến tiếng cười ngạc nhiên của cha tôi, sự chấp thuận của Anne, và văn bằng của tôi. Tôi sẽ thông thái, lịch lãm, xa vắng một tí như Anne. Không chừng tôi là một trí thức bẩm sinh? Chẳng phải tôi có khả năng vạch một kế hoạch vững chắc, hợp lý, có lẽ ghê tởm, nhưng hợp lý? Còn Elsa thì sao? Tôi biết cách kêu gọi bản tính nhẹ dạ và ủy mị của chị ấy, và chỉ trong vòng vài phút đã thuyết phục được chị, khi mà mục tiêu duy nhất của chị lúc trở lại là để thu thập hành lý. Tôi cảm thấy kiêu hãnh: tôi đã tóm gọn chị, tìm ra nhược điểm, và cẩn thận sử dụng ngôn từ. Lần đầu trong đời, tôi biết đến lạc thú sâu đậm của sự phân tích tâm hồn người khác, và điều khiển họ theo ý mình. Đó là một kinh nghiệm mới; trong quá khứ tôi thường quá bồng bột, và nếu tôi có tiến gần đến chỗ hiểu được một ai, chỉ là may mắn mà thôi. Giờ đây bỗng nhiên tôi có được một ý niệm loáng thoáng về cơ chế tuyệt vời của phản xạ của con người, và quyền lực nằm trong từ ngữ. Tôi rất tiếc tôi đã đến bằng lời gian dối. Sẽ có một ngày tôi điên mê một người, và sẽ phải mỏi mệt, dịu dàng tìm kiếm con đường dẫn tới trái tim của người ấy.