Buồn Ơi Chào Mi - Phần II - Chương 07 - 08

BẨY

Vài hôm sau có người bạn nhắn tin cha tôi hẹn uống rượu ở một quán cà phê tại Sain Raphael. Cha tôi vui với ý nghĩ có thể tạm thời trốn thoát cuộc sống cô lập khác thường của chúng tôi. Ông vội vàng nói cho chúng tôi biết. Tôi báo với Elsa và Cyril, chúng tôi sẽ đến quán Bar du Soleil lúc bẩy giờ và nếu muốn, họ sẽ gặp chúng tôi nơi ấy. Rồi tôi được biết người mà chúng tôi sẽ gặp tình cờ cũng là bạn của Elsa, do đó chị càng nao nức muốn đi. Vì thế tôi hiểu ra, tình hình có thể trở nên rối rắm, và tôi tìm cách ngăn cản chị.

“Charles Webb mê chị lắm,” chị nói, hồn nhiên như con trẻ. “Nếu ông ấy gặp chị, cách ông ấy đối xử với chị chắc chắn sẽ làm Raymond muốn có lại chị.”

Saint Raphael hay không, Cyril chẳng màng. Qua cái nhìn của anh, tôi biết anh chỉ cần được ở bên tôi, và tôi cảm thấy vui sướng.

Lúc sáu giờ ngồi trong xe của Anne chúng tôi lên đường. Đó là một chiếc xe Hoa Kỳ mui trần to tướng mà Anne lái vì địa vị xã hội hơn vì ý thích cá nhân, nhưng nó hợp với tôi lắm, bởi những phụ tùng hào nhoáng của nó. Nó có một lợi điểm là cả ba chúng tôi có thể ngồi chung ở băng trước, và tôi chưa bao giờ hạnh phúc đến thế khi ngồi với họ, chen chúc tay kề tay, chia sẻ niềm hân hoan, và có lẽ cả cái chết. Anne ngồi sau tay lái, tượng trưng cho vai trò tương lai của cô trong gia đình. Đây là lần thứ nhất tôi ngồi trên xe cô, kể từ đêm chúng tôi đi Cannes.

Chúng tôi gặp Charles Webb và vợ của ông tại quán Bar du Soleil. Ông làm trong ngành quảng cáo kịch trường; bà vợ tiêu hết tiền của ông để làm vui đám trai tơ. Tiền là một ám ảnh lớn của ông. Ông chẳng nghĩ đến điều gì khác hơn là cố gắng kiếm tiền để đấp đổi nhu cầu; và vì thế ông luôn luôn ngúc ngoắc, đứng ngồi không yên. Trong một thời gian dài ông đã là tình nhân của Elsa, và chị ấy xứng với ông, bởi vì, dù rất xinh xắn, chị ấy không đẹp đến mức tiêu hồn.

Vợ của Charles là một người độc ác. Anne chưa hề gặp bà ta, và tôi thấy gương mặt xinh đẹp của Anne lập tức khoác lên một vẻ kiêu kì thường có mỗi khi Anne ra nơi công cộng. Như thường lệ, Charles huyên thiên nói, thỉnh thoảng lại ném một cái nhìn dò hỏi về phía Anne. Rõ ràng ông đang thắc mắc vì sao Anne lại cặp kè với Raymond, tay chơi khét tiếng, và con gái của hắn. Tôi thú vị khi nghĩ đến phản ứng của ông, một khi hiểu ra. Ngay lúc ấy cha tôi nghiêng mình tới và đột ngột nói:

“Tôi có tin cho ông, bạn già. Anne và tôi sẽ làm đám cưới ngày năm tháng Mười.”

Webb sững sốt hết nhìn hết người này qua người khác. Bà vợ, vốn yếu mềm với cha tôi, lại có phần thờ ơ.

Sau một thoáng im lặng, Webb gào to: “Chúc mừng ông bà! Thật là một ý kiến hết sức hay ho! Chị thân mến, chị không biết chị sẽ nhận được gì đâu! Chị tuyệt vời quá! Bồi đâu, lại đây! Chúng ta phải ăn mừng!”

Anne mỉm cười bình thản. Rồi tôi thấy mặt Webb bừng sáng; không cần quay lại tôi cũng biết.

“Elsa! Trời thần ơi! Elsa Mackenbourg kìa! Cô bé chưa nhận ra tôi. Raymond này, ông có thấy cô ấy càng lớn càng xinh đẹp hơn không?”

“Thế à?” Cha tôi nói ra vẻ chủ nhân ông, nhưng rồi ông chợt nhớ ra, và xịu mặt.

Anne không thể không nhận ra thay đổi trong giọng nói của cha tôi. Cô quay ngoắt sang tôi, nhưng trước khi cô kịp nói, tôi đã nghiêng tới và thì thầm một cách riêng tư, nhưng vừa đủ lớn để cha tôi có thể nghe.

“Anne, cô đang làm người ta mê tít. Có một ông đàng kia không thể nào rời ánh mắt khỏi cô.”

Cha tôi vặn mình lại để nhìn gã đàn ông mà tôi đang nói tới.

“Anh không thể dung dưỡng thứ hành vi ấy!” ông nói, cầm tay Anne.

“Tình tứ nhỉ!” Bà Webb nói, mĩa mai. “Charles, đúng ra mình không nên quấy rầy họ. Đáng lẽ mình chỉ nên mời cô bé Cécile mà thôi.”

“Bé Cécile sẽ không đến,” tôi quả quyết nói.

“Sao lại không? Cháu đang thích một chàng đánh cá phải không?”

Có lần bà Webb trông thấy tôi trò chuyện với một anh soát vé xe buýt, và từ đó trở đi, đối xử với tôi như thể tôi đánh mất giai cấp của mình.

“Dĩ nhiên là thế!” Tôi nói cố gắng tỏ vẻ hớn hở.

“Và cháu đi câu với cậu ấy nhiều lần phải không?”

Mụ ấy tự cho mình khôn ngoan, nhưng như thế lại càng tồi tệ hơn nhiều. Tôi bắt đầu cáu giận.

“Cháu không chuyên môn về loại cá lù đù,” tôi nói. “Nhưng đúng là cháu có đi câu.”

Một im lặng chết người. Rõ ràng họ hiểu cách chơi chữ của tôi. Anne êm ái chen vào:

“Raymond, anh làm ơn bảo người bồi đem cho em một cọng rơm để uống nước cam?”

Charles Webb hăng hái đòi uống thêm một chầu rượu nữa. Tôi có thể thấy qua cách cha tôi chầm chập nhìn ly rượu của mình, ông đang cố nín cười. Anne nhìn tôi van lơn. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đồng ý ăn tối với nhau, để chứng tỏ rằng không ai để bụng giận hờn ai.

Tôi uống khá nhiều trong bữa tối. Tôi muốn quên đi nét mặt xao xuyến của Anne khi cô nhìn cha tôi, và một chút biết ơn dành cho tôi. Mỗi khi bà Webb châm chọc tôi, tôi trả lời bằng một nụ cười ngọt ngào dễ mến. Dường như điều này làm bà ta tức tối, và chẳng mấy chốc bà ta tỏ ra hằn học một cách công khai. Anne ra hiệu cho tôi nín nhịn. Cô kinh sợ những trận cãi vã nơi công cộng, thứ mà bà Webb sắp sửa gây nên. Về phần mình, tôi đã quen với chúng. Chúng thường xảy ra với những người quen của chúng tôi, nên tôi chẳng thấy khó chịu mảy may nào trước viễn ảnh đó.

Sau khi ăn tối chúng tôi đi tiếp một quán rượu khác. Chẳng bao lâu Elsa và Cyril xuất hiện. Elsa nói rất lớn trong khi bước vào. Cyril đáng thương lẻo đẻo theo sau. Tôi nghĩ Elsa thiếu lịch sự, nhưng chị ấy đủ đẹp để mọi người bỏ qua.

“Con cún đi theo Elsa là ai vậy?” Charles Webb hỏi. “Trông cậu ấy trẻ măng, phải không?”

“Tình yêu giữ cho cậu ấy tươi trẻ!” bà vợ ranh mãnh nói.

“Đừng tin vào điều ấy!” cha tôi trả lời. “Cô ta không yêu cậu ấy đâu. Cậu ấy chỉ là một ý thích thoáng qua.”

Tôi quan sát Anne. Cô nhìn Elsa với phong thái điềm đạm, xa cách mà cô vẫn nhìn các thiếu nữ non tơ, hay các hình nộm trưng bày những mẫu quần áo mà cô vẽ kiểu. Trong một khoảng khắc tôi sâu sắc ngưỡng mộ cô vì cô không tỏ ra một chút ghen tương hay khinh miệt nào. Nhưng làm sao cô có thể ghen tuông, tôi tự hỏi, khi mà cô đẹp và thông minh gấp trăm lần Elsa? Say khướt, tôi nói với cô điều ấy. Cô nhìn tôi một cách hiếu kì.

“Có thực cháu nghĩ rằng cô đẹp hơn Elsa không?”

“Dĩ nhiên là hơn!”

“Câu ấy lúc nào nghe cũng bùi tai. Nhưng cháu uống nhiều quá rồi. Đưa ly của cháu cho cô. Cô mong cháu không quá bực mình khi gặp Cyril. Dù sao, dường như cậu ấy tỏ ra chán chường cực độ.”

“Anh ấy là người tình của cháu,” tôi hớn hở tiết lộ.

“Cháu say rồi! Trời ơi, đến lúc phải về thôi.”

Đỡ quá, được chia tay với ông bà Webbs. Tôi khổ sở nói những câu giã từ đúng phép xã giao với họ. Cha tôi lái xe, và tôi ngã đầu lên vai Anne.

Tôi nghĩ tới tôi thích cô nhiều hơn những người mà chúng tôi quen biết, cô vượt trội hơn họ trên mọi phương diện. Cha tôi ít nói; có lẽ ông đang mãi mê suy nghĩ đến Elsa.

“Nó ngủ rồi hở em?” cha tôi hỏi Anne.

“Ngủ say như con nít. Nói chung, Cécile đã không xử sự tồi tệ cho lắm, phải không anh? Dĩ nhiên, nó không nên trả treo bằng mấy chữ cá lù đù.”

Cha tôi cười vang. Họ im lặng một lúc, rồi tôi lại nghe tiếng ông:

“Anne, anh yêu em, chỉ một mình em. Em tin anh không?”

“Xin anh đừng lập lại thường xuyên. Làm em kinh sợ.”

“Đưa tay em cho anh.”

Suýt nữa tôi đã ngồi dậy phản kháng: “Trời ơi, đừng làm vậy khi đang lái xe Corniche!” Nhưng tôi đã say mèm, và nửa thức nửa ngủ. Ngoài ra, mùi nước hoa của Anne, gió biển lùa trong tóc tôi, vết trầy sước trên vai tôi là dấu tích ái ân của Cyril, tất cả đều là những lý do để làm ta hạnh phúc và thinh lặng. Tôi nghĩ đến Elsa và Cyril ra về trên chiếc mô tô, quà sinh nhật của mẹ anh. Tôi cảm thấy tội nghiệp họ đến độ tôi suýt khóc. Xe của Anne được chế tạo cho say ngủ. Nó êm như mơ, không ồn ào như mô tô. Tôi nghĩ đến bà Webb trằn trọc trong đêm. Chẳng còn ngờ chi nữa khi bằng tuổi bà, tôi cũng sẽ phải trả tiền để có người yêu tôi, bởi tình yêu là thứ tuyệt vời nhất trên đời. Tình yêu xứng đáng với giá mà ta phải trả. Điều quan trọng là đừng trở nên cay đắng và ghen tức, như bà ta đối với Elsa và Anne. Tôi bật cười khúc khích. Anne nhích bờ vai để đầu tôi gối vào chỗ trũng êm ái.

“Ngủ đi cháu,” cô hạ lệnh.

Tôi bèn ngủ.

TÁM

Sáng hôm sau thức dậy tôi cảm thấy sảng khoái, trừ một chút đau nhức nơi cổ. Giường tôi ngập nắng, cũng như mọi buổi sáng. Tôi lật tấm chăn mỏng và quay lưng ra nắng. Nắng ấm và dễ chịu, như thấm vào tận xương tủy. Tôi quyết định nằm ỳ ở đó nguyên buổi sáng.

Tôi miên man nhớ những chuyện xảy ra đêm qua. Tôi nhớ tôi nói với Anne rằng Cyril là người tình của tôi. Buồn cười ở chỗ, khi đang say dù ta có nói ra sự thật cũng không ai tin. Tôi nghĩ đến bà Webb. Tôi biết loại người đó; các bà cùng lứa tuổi, cùng giai cấp này thường trở thành khó chịu vì họ không đủ cơ hội hưởng thụ cuộc đời. Phong thái điềm đạm, chững chạc của Anne càng làm nổi bật sự ngu dốt và buồn tẻ của bà Webb. Đúng như tôi nghĩ. Tôi không thể tưởng tượng ra một ai trong số bạn bè của cha tôi có thể sánh bằng Anne. Để chịu đựng họ, hoặc ta phải uống say hoặc ta phải thích thú tranh chấp với một người hay cả bọn. Dễ dàng cho cha tôi: Charles Webb và ông đều là những tay phóng đãng. “Đố ông biết con bé nào sẽ ăn tối và ngủ với tôi đêm nay? Con Mars đấy, trong phim mới nhất của Saurel. Tôi đến nhà Dupuis và rồi...” cha tôi sẽ cười, vỗ vai ông ta.

“Ông may lắm! Cô ấy xinh gần bằng Elsa.”

Họ nói chuyện với nhau như sinh viên, nhưng tôi thích sự sống động của họ. Rồi những đêm vô tận ở các quán cà phê lộ thiên, và câu chuyện tình đau khổ của Lombard. “Nàng là người duy nhất mà tôi yêu, Raymond! Ông còn nhớ mùa xuân ấy, trước khi nàng bỏ tôi?”, “Có ngu ngốc không khi người đàn ông tận hiến cuộc đời của hắn cho một người đàn bà?” Đó là một phần nhỏ của câu chuyện sống sượng, câu chuyện ngượng ngùng nhưng bỏng cháy của hai người đàn ông nói cho nhau nghe “tất cả” ở bàn nhậu.

Có lẽ bạn của Anne không bao giờ nói về chính họ. Có thể họ không có những cuộc phiêu lưu như thế. Mà nếu họ có nói chút gì về họ đi nữa, họ cũng sẽ kèm theo một nụ cười hối lỗi. Chưa gì, với bạn bè của mình, tôi đã có một thái độ kẻ cả như Anne đã có; việc này dễ lây lan. Một mặt khác, đến độ tam tuần, tôi sẽ giống họ nhiều hơn giống Anne, rồi sự im lặng của cô, sự lạnh lùng, xa cách của cô có lẽ sẽ làm cho tôi chết ngộp. Mười lăm năm nữa, với một chút rã rời, tôi sẽ lã lơi nghiêng mình tới một anh chàng cũng chán chường không kém, và sẽ nói:

“Người tình đầu tiên của tôi tên là Cyril. Dạo ấy tôi vừa mười tám. Trời nóng bên bờ biển...”

Tôi hình dung ra gương mặt của ông ta. Da cũng có một ít nếp nhăn như cha tôi.

Có tiếng gõ cửa. Tôi khoác áo pyjamas vào và nói, “Xin mời!” Anne đứng đó, cẩn thận cầm một cái tách trên tay.

“Cô nghĩ có lẽ cháu muốn uống một chút cà phê. Cháu khỏe không?”

“Khỏe a,” tôi trả lời. “Chắc tối hôm qua cháu say lắm, phải không?”

“Như mọi khi!” cô cười. “Cháu thú vị lắm. Nhưng phải nói, đêm qua thật buồn chán.”

Tôi quên mất mặt trời, quên cả cà phê của tôi. Tôi hoàn toàn cuốn hút vào câu chuyện của Anne. Tôi không nghĩ về bản thân, tuy thế cô lại là người khiến tôi phải lục lọi tìm hiểu động lực của mình. Cuộc sống của tôi, qua cô, mãnh liệt hơn.

“Cécile, cháu có thấy những người như ông bà Webb hay Dupuis hấp dẫn hay không?”

“Thường thì họ khủng khiếp lắm, nhưng buồn cười.”

Anne ngắm một con ruồi đang đậu ở sàn nhà. Lông mi của cô dài và rậm; rất dễ làm cô trông như đang hạ cố.

“Cháu có thấy đối thoại của họ tẻ nhạt đến dường nào chăng? Những câu chuyện không dứt về gái đẹp, về áp phe và tiệc tùng không làm cháu chán ngấy?”

“Sau mười năm nội trú trường bà phước,” tôi đáp, “cháu e rằng sự thiếu đạo đức của họ lại chính là điều lôi cuốn.”

Tôi không dám thêm vào, tôi cũng thích nó.

“Những hai năm?” cô nói. “Tuy nhiên, vấn đề không phải ở chỗ hợp lý hay hợp đạo đức; mà lại là vấn đề có hay không, khả năng phân biệt cảm nhận về mặt thẩm mỹ và trí tuệ, một loại giác quan thứ sáu.”

Tôi nghi mình không có khả năng ấy. Tôi thấy rõ tôi thiếu sót thứ này.

“Anne,” tôi đột ngột hỏi, “cháu có thông minh hay không?”

Cô bật cười, ngạc nhiên vì sự thẳng thắn của câu hỏi.

“Dĩ nhiên! Sao cháu lại hỏi?”

“Nếu cháu là một con ngốc, cô cũng sẽ trả lời y hệt,” Tôi thở dài. “Cháu thường bị choáng ngợp bởi sự xuất sắc của cô.”

“Đó chỉ là vấn đề tuổi tác,” cô đáp. “Sẽ đáng buồn, nếu cô không tự tin hơn cháu hay nếu cô bị cháu chế ngự!”

Cô cười nhưng tôi thấy khó chịu.

“Như vậy chưa hẳn là xấu.”

“Như vậy sẽ là một thảm họa,” cô khẽ nói.

Thình lình cô ngưng giọng giễu cợt và nhìn thẳng vào tôi. Lập tức tôi cảm thấy lúng túng, tay chân thừa thãi. Cho đến giờ này, tôi vẫn chưa thể quen với việc bị người khác nhìn tôi chòng chọc, hay ghé sát gần để chắc chắn tôi đang lắng nghe. Ý nghĩ duy nhất của tôi sẽ là trốn chạy. Tôi sẽ ậm ừ “vâng ạ” trong khi từ từ lui ra xa. Sự kiên trì và ương ngạnh của họ làm tôi nổi điên. Họ lấy quyền gì để sửa sai tôi? May mắn là Anne không dùng những kế sách này, nhưng cô thật sự nhìn xoáy vào mặt tôi, khiến tôi không thể nào nói chuyện một cách lông bông nữa.

“Cháu có biết những người như Webb rồi sẽ ra sao không?” cô nói.

Tôi nghĩ thầm, “Và những người như cha cháu.”

“Lọt dưới sông,” tôi cợt nhã nói.

“Rồi sẽ có lúc họ không còn quyến rũ hay bảnh bao. Họ không thể uống rượu nữa, nhưng họ vẫn thèm muốn đàn bà. Đến khi ấy để thoát khỏi cô độc, họ phải chi trả một món tiền lớn và hạ tiêu chuẩn của họ xuống. Lúc ấy họ sẽ là đề tài đàm tiếu của thế gian. Họ sẽ trở nên ủy mị và hay bẳn gắt. Cô đã gặp nhiều người như thế.”

“Tội nghiệp ông Webb!” tôi đáp.

Tôi xúc động. Như vậy, đó là số phận của cha tôi trong tương lai? Hay ít ra, cũng là số phận mà Anne mong cứu vãn.

“Cháu không bao giờ nghĩ đến chuyện ấy, phải không?” Anne nói, với một nụ cười thương xót. “Cháu không nghĩ ngợi mấy tới tương lai, phải không? Nhưng mà thôi, đó là đặc quyền của tuổi trẻ.”

“Xin đừng ném tuổi trẻ của cháu vào mặt cháu như thế! Cháu chưa bao giờ dùng nó làm cớ để bào chữa hay lấy ưu thế. Cháu chưa hề gán ghép tính cách quan trọng cho nó.”

“Thế cháu nghĩ chuyện gì mới quan trọng? Sự bình an cho tâm trí của cháu? Hay là tự do của cháu?”

Tôi khiếp sợ những cuộc đối thoại như thế, nhất là với Anne.

“Cháu chẳng nghĩ gì cả,” tôi trả lời. “Cô biết rõ là hiếm khi nào cháu lại suy nghĩ.”

“Hai cha con cháu thỉnh thoảng làm cô bực hết sức. Cháu không nghĩ về tuổi trẻ. Cháu không có một suy nghĩ nào ra hồn. Cháu không biết gì hết. Cháu thật tình thỏa mãn làm một người như thế?”

“Cháu không tự mãn. Cháu không yêu thích mình, và cháu cũng không gắng sức yêu thích mình. Nhiều lần cô đã ép buộc cháu phức tạp hóa cuộc đời của cháu. Cháu hận cô vì thế.”

Cô bắt đầu âm ư trong miệng một giai điệu, vẻ mặt trầm ngâm. Tôi nhận ra điệu nhạc quen thuộc, nhưng tôi không biết tên bản nhạc.

“Tựa của bài đó là gì hở Anne? Nó làm cháu điên tiết.”

“Cô không biết,” cô trả lời, ra vẻ chán chường. “Cháu nằm nghĩ đây. Cô sẽ tiếp tục nghiên cứu trí tuệ của gia đình ta ở một chỗ khác.”

Tôi nghĩ cha tôi sẽ dễ dàng thoát khỏi. Tôi có thể tưởng tượng ông nói, “Anh không nghĩ về một chuyện gì khác, trừ chuyện yêu em, Anne.” Mặc dù thông minh, Anne sẽ chấp nhận đó là một lý do đúng đắn. Tôi lười lĩnh duỗi tay chân, và vùi đầu trong gối. Anne chỉ giỏi bi kịch hóa tình thế, tôi nghĩ. Hai mươi năm nữa, cha tôi sẽ là một người đàn ông thân thiện với mớ tóc bạc, nghiền whiskey và những hồi tưởng sống động. Chúng tôi sẽ đi chơi với nhau; đến lượt tôi kể ông nghe những cuộc phiêu lưu của tôi, và ông sẽ dạy bảo tôi. Tôi nhận thấy trong tâm tưởng của mình, Anne đã bị loại bỏ. Anne đã bị tôi loại trừ khỏi tương lai; tôi không thấy cách gì để làm cho Anne phù hợp với nó.

Trong sự náo loạn của căn nhà bừa bộn của chúng tôi ở Paris, lúc đìu hiu, lúc đầy hoa nở, sân khấu của rất nhiều cảnh tượng khác nhau, thường ngỗn ngang hành lý, không biết tại sao đôi lúc tôi không thể hình dung được khúc dạo đầu của trật tự, của hòa bình và yên tĩnh, của cảm giác hài hòa, đi theo Anne khắp nơi, như món quà quý báu nhất của Anne. Tôi khiếp sợ tới chết sự nhàm chán. Nhưng tôi đã bớt sợ hãi ảnh hưởng của cô, kể từ cuộc tình với Cyril, nó đã giải phóng tôi khỏi nhiều mối lo âu. Tuy thế, tôi vẫn kinh sợ sự buồn tẻ và sự yên tĩnh hơn bất kì điều gì khác. Để đạt được bình an trong tâm hồn, cha tôi và tôi phải có nhộn nhịp kích động. Và Anne chưa sẳn sàng chấp nhận điều đó.