Buồn Ơi Chào Mi - Phần II - Chương 11 - 12 (Hết)

MƯỜI MỘT

Mãi đến khi ăn tối cha tôi và tôi mới gặp nhau. Chúng tôi đều bồn chồn lo lắng vì bỗng dưng chỉ còn lại hai người, và cha tôi cũng như tôi đều không thấy ngon miệng. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi cần có Anne. Tôi không chịu nổi khi nhớ lại nét mặt khủng hoảng của Anne trước khi bỏ đi, nỗi đau khổ của cô, và trách nhiệm của tôi. Tôi quên hẳn những thủ đoạn khôn khéo và kế hoạch tinh vi của tôi. Tôi lạc lõng, và dựa trên nét mặt của cha tôi, tôi đoán ông cũng vậy.

“Con có nghĩ rằng,” cha tôi nói, “cô ấy sẽ tránh không gặp mình một thời gian dài không?”

“Con tin là cô ấy đã quay về Paris,” tôi nói.

“Paris!” cha tôi thẩn thờ như đang mơ.

“Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại cô,” tôi u sầu nói.

Dường như không tìm được lời diễn tả, cha tôi với tay ngang mặt bàn, cầm tay tôi.

“Chắc con giận cha lắm. Cha không biết cái gì nhập vào cha. Cha đi với Elsa qua rừng thùy dương về nhà... và cha... ơ... cha hôn cô ấy, và chắc vừa lúc đó, Anne trờ tới.”

Tôi không nghe ông nói gì cả. Hình tượng Elsa và cha tôi ôm ấp dưới rặng thùy dương đầy kịch tính và siêu thực, và tôi không thể hình dung ra nó. Ký ức sống động duy nhất của ngày hôm ấy là cái liếc mắt sau chót của tôi đến gương mặt của Anne, đau đớn và phản bội. Tôi nhón một điếu trong gói thuốc lá của cha tôi và châm lửa. Hút thuốc trong khi ăn là một điều tối kị với Anne.

Tôi mỉm cười với cha tôi. “Con hiểu rõ. Cha không có lỗi gì cả. Đó là một phút lầm lỡ, như người ta nói. Chúng ta cần van nài Anne tha thứ cho chúng ta, hay đúng ra, tha thứ chocha.”

“Chúng ta nên làm thế nào đây?” ông hỏi tôi.

Trông ông mệt mỏi. Tôi thấy thương hại ông, và cả tôi. Nói cho cùng, vì sao Anne lại phản ứng như thế, lìa bỏ chúng tôi trong cơn hoạn nạn, làm chúng tôi đau đớn chỉ vì một thoáng điên rồ?

Chẳng phải cô đã lãnh phần chăm sóc chúng tôi?

“Ta hãy viết cho cô ấy,” sau cùng tôi nói. “Xin cô ấy tha thứ cho chúng ta.”

Thế là cuối cùng cha tôi tìm ra một phương cách để chạy trốn trạng thái sững sờ và ân hận suốt ba giờ vừa qua. Chưa ăn xong, nhưng chúng tôi gấp khăn trải bàn lại. Cha tôi đi lấy đèn, bút mực và một ít giấy. Chúng tôi ngồi đối diện, hầu như mỉm cười vì sự chuẩn bị của chúng tôi gây cảm tưởng là Anne có thể quay về. Một con dơi bay vòng vòng ngoài cửa sổ. Cha tôi bắt đầu viết.

Một cảm giác gớm ghiếc và kinh tởm không chịu được dâng lên khi tôi nhớ lại những lá thư lai láng tình cảm mà chúng tôi viết đêm ấy, ngồi dưới ánh đèn như hai đứa học trò vụng về, im thin thít trong cố gắng lôi kéo Anne trở lại. Tuy thế chúng tôi cũng sản xuất được hai tác phẩm nghệ thuật, đầy những lời bào chữa, đầy tình yêu và lòng ân hận. Khi tôi viết xong thư của tôi, tôi thấy chắc chắn Anne sẽ không kháng cự được, và sự hòa giải là chuyện hiển nhiên. Tôi hình dung quang cảnh cô tha thứ chúng tôi. Nó sẽ xảy ra tại phòng khách của chúng tôi ở Paris. Anne sẽ bước vào và...

Ngay lúc đó chuông điện thoại vang lên. Mười giờ tối. Chúng tôi trao đổi ánh mắt ngạc nhiên sớm chuyển thành hi vọng. Có lẽ đó là Anne gọi cho chúng tôi nói rằng cô tha thứ và sẽ trở về. Cha tôi phóng tới điện thoại và reo lên: “Hello!” giọng mừng rỡ.

Rồi ông chẳng nói gì ngoại trừ: “Vâng, vâng! Ở đâu? Vâng!” thì thào rất nhỏ hầu như không nghe được. Tôi bật dậy, run rẩy vì sợ. Cha tôi tự động lấy tay che miệng. Một lúc sau, ông đặt ống nghe vào máy và quay sang tôi.

“Cô ấy gặp tai nạn,” ông nói. “Trên đường đến Esterel. Phải mất một thời gian người ta mới tìm được địa chỉ của cô ấy. Họ gọi điện thoại đến Paris và từ đó kiếm được số điện thoại của mình.”

Ông nói tiếp giọng đều đều, và tôi không dám ngắt lời.

“Tai nạn xảy ra tại một điểm nguy hiểm nhất. Dường như đã có nhiều tai nạn xảy ra nơi đó. Xe lăn gần năm mươi mét xuống vực. Nếu Anne còn sống thì đó là một phép lạ.”

Tôi chỉ nhớ phần còn lại trong đêm như một người nhớ cơn ác mộng: mặt đường dâng nhanh dưới ánh đèn pha, nét mặt vô hồn của cha tôi, lối vào bệnh viện. Cha tôi không cho tôi gặp cô. Tôi ngồi trên một băng ghế ở phòng chờ, nhìn một bản in tranh vẽ Venice. Đầu tôi rỗng tuếch. Một cô y tá nói với tôi đây là tai nạn thứ sáu tại đó kể từ đầu hè. Một lúc lâu cha tôi mới trở lại.

Rồi tôi chợt hiểu ngay cả trong cái chết, Anne cũng chứng tỏ với chúng tôi rằng cô rất khác biệt. Nếu chúng tôi muốn tự vẫn, giả dụ như chúng tôi có đủ can đảm, sẽ là một viên đạn vào đầu, cùng một tờ tuyệt mạng để lại với ý định làm điêu đứng những người đã dẫn chúng tôi đến hành động ấy. Nhưng Anne tặng chúng tôi một món quà huy hoàng, cho phép chúng tôi tin rằng đó là tai nạn. Một vị trí hiểm trở, một chiếc xe dễ lạc tay lái. Đó là món quà mà chúng tôi sẽ đủ yếu đuối mà đón nhận. Trong bất kì trường hợp nào, ý tưởng của tôi cho đó là một vụ quyên sinh, quả là lãng mạn. Có ai thèm chết vì những người như cha tôi và tôi, những người không cần đến ai, còn sống hay đã thành ma? Cha tôi và tôi không bao giờ nói với nhau về cái chết của Anne như một điều gì khác hơn là tai nạn.

Khoảng ba giờ chiều hôm sau chúng tôi về lại nhà. Elsa và Cyril chờ chúng tôi, ngồi trên những bậc thềm. Họ như hai vai hài, bị lãng quên trong một bi kịch. Cả hai đều không quen Anne, hay yêu cô. Họ ngồi đó với mối tình vụn, bề ngoài xinh đẹp và nỗi hổ thẹn của họ. Cyril lại gần tôi và đặt tay lên vai tôi. Tôi nhìn anh: tôi chưa bao giờ yêu anh! Tôi thấy anh ngọt ngào và hấp dẫn. Tôi yêu lạc thú mà anh đã cho tôi, nhưng tôi không cần anh. Tôi sẽ bỏ đi, để lại ngôi biệt thự, khu vườn và mùa hè năm ấy. Cha tôi đến cạnh tôi. Ông cầm tay tôi và dẫn tôi vào nhà.

Trong nhà hãy còn cái áo jacket của Anne, hoa của cô, phòng của cô, mùi hương của cô. Cha tôi khép cửa chớp, lấy một chai rượu từ tủ lạnh và hai cái ly. Đó là một liệu pháp có sẵn trong tay. Thư xin lỗi của chúng tôi vẫn còn trên bàn. Tôi lấy tay phủi, chúng rơi chầm chậm xuống sàn. Cha tôi, đang đi tới tay cầm ly rượu đầy, ngần ngừ, rồi tránh ra. Tôi thấy việc ấy rất tiêu biểu. Tôi cầm ly của mình và nốc cạn. Phòng nửa sáng nửa tối. Tôi thấy bóng của cha tôi in đậm trước khung cửa sổ. Biển vẫn rạt rào sóng vỗ.

MƯỜI HAI

Đám tang cử hành ở Paris một ngày đẹp trời. Vẫn là đám đông những người hiếu kì vận y phục đen. Cha tôi và tôi bắt tay các người bà con lớn tuổi của Anne. Tôi thú vị quan sát họ; lẽ ra họ sẽ đến nhà chúng tôi dùng trà mỗi năm một lần. Mọi người nhìn cha tôi với ánh mắt thương xót. Chắc Webb đã loan truyền cuộc hôn nhân bất thành của cha tôi. Tôi thấy Cyril tìm tôi sau buổi lễ, nhưng tôi lẫn tránh. Biết rằng oán hận anh là vô căn cứ, nhưng tôi không thể làm khác hơn. Mọi người đều thương tiếc tai nạn thảm khốc vô nghĩa ấy, và, vì tôi vẫn không chắc đó là một tai nạn, nên tôi thấy nhẹ lòng hơn.

Trong xe trên đường lái về nhà, cha tôi cầm tay tôi và siết chặt. Tôi nghĩ: “Bây giờ chỉ còn lại cha với mình. Chúng ta cô độc và không hạnh phúc.” Lần thứ nhất tôi khóc. Nước mắt xoa dịu hồn tôi. Chúng không giống chút nào cõi hư vô kinh khủng mà tôi cảm nhận ở bệnh viện trước bức tranh Venice. Cha tôi lẳng lặng đưa khăn tay cho tôi. Gương mặt của ông tan nát thảm sầu.

Trong một tháng chúng tôi sống như một ông góa và đứa con mồ côi, ăn chung tất cả bữa ăn và ngồi rịt trong nhà. Thỉnh thoảng chúng tôi nhắc tới Anne. “Có nhớ ngày mà...” Chúng tôi cẩn thận lựa lời, và tránh nhìn vào mắt nhau, e rằng sẽ gợi lên những niềm đau, hay một thứ gì không thể sửa đổi sẽ chen vào giữa. Sự thận trọng và dè dặt của chúng tôi đưa đến một đền bù. Chẳng bao lâu chúng tôi đã có thể nhắc đến Anne như một người bạn yêu quý, người mà chúng tôi có thể chia sẻ hạnh phúc, nhưng Chúa đã sớm gọi về Trời. Tôi viết là Chúa, không phải định mệnh - nhưng chúng tôi không tin Chúa. Trong những trường hợp này, chúng tôi lấy làm biết ơn là chúng tôi tin vào số phận. [Chúc bạn đọc sách vui vẻ tạiwww.gacsach.com- gác nhỏ cho người yêu sách.]

Rồi một ngày kia ở nhà bạn, tôi gặp người em họ của Anne và tôi thích anh và anh thích tôi. Suốt một tuần tôi liên tiếp đi chơi với anh, và cha tôi, một người không thể gánh chịu cô đơn, noi gương tôi với một người đàn bà trẻ khá nhiều tham vọng. Cuộc đời lại xuôi theo dòng chảy của nó, như đã định. Bấy giờ, khi chỉ có cha tôi và tôi với nhau, chúng tôi nói đùa và bàn tán về những cuộc chinh phục mới nhất của chúng tôi. Cha tôi hẳn phải đoán rằng tình bạn của tôi với Philippe không thể nào trong trắng, và tôi biết rất rõ ông phải chi quá nhiều cho cô bạn mới của ông. Nhưng chúng tôi hạnh phúc. Mùa đông sắp sửa kết thúc. Chúng tôi sẽ không thuê lại ngôi biệt thự ngày xưa, mà sẽ thuê một căn mới, gần Juan-les-Pins.

Chỉ khi tôi nằm trên giường, lúc rạng đông, lắng nghe tiếng xe chạy bên dưới trên những đường phố Paris, ký ức của tôi mới phản bội. Mùa hè năm ấy trở lại trong tôi với tất cả những kỉ niệm của nó. Anne, Anne, tôi khe khẽ lập lại trong bóng tối. Một thứ gì đó trào dâng trong tôi mà tôi gọi thành tên, và nhắm mắt.Bonjour, tristesse! Buồn ơi, chào mi!

HẾT

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Sienna –Du Ca– Tiểu Bảo Bình

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)​