Ngôi nhà bí ẩn - Chương 05

V

PHẢI CHĂNG LÀ
KẺ THÙ

Cuộc điều tra chẳng có kết quả gì. Vợ chồng người đầy tớ già tức giận vì
người ta dám nghi ngờ những người chủ họ đã phục vụ hai mươi năm nay, không thể
nói một lời minh oan cho họ. Gertrude chỉ rời nhà bếp buổi sáng để đi chợ. Khi
có người bấm chuông - cũng hiếm hoi vì rất ít khách - Frangois khoác áo ra mở
cửa.

Một đợt thăm dò cẩn thận cho phép khẳng định không có lối ra bí mật nào.
Một góc nhỏ của phòng khách, trước là chỗ thụt vào so với mép tường nay dùng
làm buồng xếp những đồ vật kềnh càng. Không có chỗ nào đáng ngờ.

Trong sân không có nhà ở, không có chỗ để ô - tô. Người ta cho rằng bá tước
biết lái xe. Nhưng nếu ông có ô tô thì để vào đâu? Ga-ra ở chỗ nào? Mọi câu hỏi
không hề giải đáp được.

Mặt khác bà bá tước de Mélamare vẫn không tìm thấy; ông bá tước tuyệt đối
câm lặng, từ chối giải thích những điểm cần thiết cũng như không nói gì về đời
tư.

Tuy thế một việc cần lưu ý vì nó bao trùm toàn bộ cuộc phiêu lưu này và
tranh luận nảy ra ở những quan tư pháp cũng như báo chí và công chúng. Việc đó,
Jean d’ Enneris khám phá ra ngay từ đầu và muốn tìm hiểu kĩ. Năm 1840, cụ cố bá tước hiện tại, Jules de
Mélamare, xuất sắc nhất trong dòng họ, là tướng dưới thời Napoléon, đại sứ thời
Phục Hưng bị bắt vì ăn trộm và giết người. Ông chết vì chứng sung huyết trong
nhà tù.

Người ta nắm lấy vấn đề cụ thể hơn, lục tìm tài liệu lưu trữ. Một số kỉ
niệm nổi lên và một tài liệu rất quan trọng được đưa ra ánh sáng. Năm 1868, con
trai ông Mélamare ấy, ông nội của bá tước Adrien là Alphonse de Mélamare, sĩ
quan tùy tùng của hoàng đế Napoléon
III, bị quy tội ăn trộm và giết người. Trong nhà riêng trên đường Urfé, ông bắn
vào đầu tự sát. Hoàng đế hủy bỏ vụ việc ấy.

Sự gợi ra hai vụ bê bối trên gây một cảm giác mạnh. Lập tức một từ làm sáng
tỏ bi kịch hiện nay và tóm lược tình thế: sự lặp lại. Nếu ông anh và bà em
không có tài sản lớn thì ít nhất họ cũng sống thoải mái, có nhà ở Paris và lâu
đài ở Touraine, chuyên làm những công việc nhân đạo hoặc từ thiện. Vậy không
phải chỉ do tham lam mà xảy ra sự việc ở nhà hát và trấn lột kim cương. Không,
đấy là vì sự lại giống. Dòng họ Mélamare có bản năng ăn
trộm. Hai anh em tiếp thu điều đó từ tổ tiên. Họ ăn trộm, chắc để có một cuộc
sống cao hơn những nguồn lợi của họ hoặc có thể do ham muốn quá mạnh nhưng nhất
là tính chất lại giống.

Và cũng như ông nội mình Alphonse de Mélamare, bá tước Adrien đã muốn tự
sát. Lại là lại giống nữa.

Về những viên kim cương, việc bắt hai người phụ nữ trẻ sử dụng thời gian
trong hai giai đoạn ấy, chiếc áo tìm thấy trong tủ, về tất cả những gì là khía
cạnh bí ẩn của cuộc phiêu lưu, ông bá tước khẳng định không biết gì. Điều ấy
không liên quan gì đến ông, đối
với ông hình như mọi việc xảy ra ở một hành tinh khác.

Ông không muốn minh oan về trường hợp Arlette Mazolle. Ông nói trước đây có
quan hệ với một người đàn bà đã có chồng, một cô gái ông rất yêu và đã chết mấy
năm trước đây làm ông buồn rầu. Mà Arlette rất giống cô gái ấy và ông đã đi
theo Arlette hai hoặc ba lần, không tự giác vì chút kỉ niệm đối với người ông
đã mất đi. Nhưng ông kiên quyết chối bỏ việc muốn hỏi chuyện trên một con đường
vắng như Arlette Mazolle tố cáo.

Mười lăm ngày trôi qua, trong thời gian đó đội trưởng Béchoux, giận dữ và
bướng bỉnh, hoạt động vô ích.
Van
Houben, bám vào bước chân ông ta, than phiền.

- Hỏng! Tôi bảo ông
là hỏng rồi!

Béchoux giơ nắm tay
ra.

- Kim cương của
ông? Như tôi đã nắm chúng trong tay. Tôi đã bắt anh em Mélamare, tôi sẽ lấy lại
kim cương cho ông.

- Ông chắc chắn
không cần đến d’ Enneris?

- Không bao giờ!
Tôi thà hỏng hết chứ không nhờ anh ta.

Van Houben gay gắt
chống lại:

- Ông thật cố chấp!
Kim cương của tôi đặt lên trên sự tự ái của ông.

Van Houben cũng
không ít kích thích Jean d’ Enneris ông vẫn gặp hàng ngày. Ông không thể vào
gian nhà cách biệt Gilberte de Mélamare đang ẩn náu mà không thấy anh ngồi dưới
chân bà bá tước khuyên giải, gợi nên hi vọng, hứa với bà sẽ cứu ông anh khỏi
cái chết và mất danh dự nhưng cũng
không khai thác được ở bà một thông tin, một lời nói có thể chỉ hướng cho anh.

Và nếu Van Houben
đến tìm Régine Aubry, muốn đưa cô đi cửa hàng ăn, ông chắc chắn thấy d’ Enneris
đang tán tỉnh cô.

- Để chúng tôi yên,
Van Houben - Nữ diễn viên xinh đẹp nói - Từ sau những câu chuyện ấy tôi không
thể gặp ông nữa.

Ông không hết tức
giận, kéo riêng d’ Enneris ra hỏi:

- Nào, ông bạn thân
mến, những viên kim cương của tôi?

- Tôi có những việc
khác bù đầu. Régine và Gilberte chiếm hết thời gian của tôi, một người buổi
chiều, người kia buổi tối.

- Nhưng còn buổi
sáng?...

- Arlette. Cô bé
thật tuyệt vời. Tế nhị, thông minh, nhạy cảm, đơn giản như một đứa trẻ, bí ẩn
như một người đàn bà thực thụ. Và trung thực đến thế! Đêm đầu tiên, vì bất ngờ
tôi đã có thể hôn má cô. Bây giờ xong rồi! Van Houben, tôi nghĩ mình thích
Arlette hơn cả.

D’ Enneris đã nói thật. Tính thất thường của anh đối với Régine chuyển sang
tình bạn. Anh nhìn vào Gilberte với hi vọng khai thác tâm sự. Nhưng anh hoan hỉ
đến với Arlette vào những buổi sáng, ở cô có một nét đẹp riêng biệt vừa trong
trắng vừa vững chắc trong cuộc đời. Mọi ước mong phù phiếm cô làm để giúp bạn
bè có vẻ là những sự kiện có thể thực hiện được khi cô vừa cười vừa trình bày.

- Arlette, Arlette - Anh nói - tôi chưa thấy người nào sáng sủa hơn và cũng
mờ tối hơn cô.

- Tôi mờ tối ư? - Cô hỏi.

- Đúng, tùy từng lúc. Tôi hiểu cô toàn bộ trừ một điểm nào đó không xâm
nhập được và điều lạ là không thấy có khi tôi gần cô lần đầu. Mỗi ngày bí ẩn
càng lớn dần. Tôi nghĩ là bí ẩn về tình cảm.

- Không thể thế được! - Cô cười nói.

- Đúng, về tình cảm... Cô có yêu một người nào đó không?

- Tôi có yêu một người nào đó không ư? Tôi yêu tất cả mọi người!

- Không, không - Anh nói - Trong cuộc sống của cô có cái mới.

- Tôi tin ông là có cái mới! Bắt cóc, xúc động, điều tra, thẩm vấn, hàng
đống người viết thư cho tôi, xung quanh tôi quá ồn ào! Nó làm cho một cô bé người
mẫu bù đầu!

Anh ngẩng đầu, nhìn cô càng tăng thêm âu yếm.

Ở Công tố viện, việc nghiên cứu không tiến triển gì. Sau khi bắt giữ ông de
Mélamare hai mươi ngày, người ta tiếp tục nhận được những bằng chứng không có
giá trị và tiến hành những cuộc tìm kiếm không đưa lại kết quả gì. Mọi hướng
điều tra, mọi giả thuyết đều không đúng. Người ta cũng không tìm được người lái
xe đầu tiên đã đưa Arlette từ nhà Mélamare về quảng trường Chiến Thắng.

Van Houben gầy đi. Ông không thấy sợi dây quan hệ nào giữa bắt giữ bá tước
và trấn lột kim cương cũng không ngần ngại nói lên sự nghi ngờ về những đức
tính của Béchoux.

Một buổi chiều hai người đàn ông bấm chuông cửa tầng trệt ngôi nhà d’
Enneris đang ở gần vườn hoa Monceau. Người đầy tớ ra đưa họ vào.

D’ Enneris ra gặp họ, kêu lên:

- Van Houben! Béchoux! Thế nào, hai ông có vẻ không vui!

Họ thú nhận nỗi lo lắng của họ. Béchoux thê thảm nói:

- Đây là một vụ không tốt. Thật không may.

- Không may đối với những kẻ ngốc nghếch như anh - d’ Enneris nói - Cuối
cùng, tôi sẽ là ông hoàng chứ? - Nhưng phục tùng tuyệt đối; buộc dây vào cổ,
mặc áo sơ mi như những nhà tư sản Calais đấy?

- Vâng - Van Houben tuyên bố, đã vui lên vì thái độ niềm nở của d’ Enneris.

- Còn anh, Béchoux?

- Anh cứ ra lệnh. - Béchoux buồn thảm nói.

- Anh để Sở cảnh sát ra một bên, ngồi lên Công tố viện rồi tuyên bố những
tay ấy làm gì được và cam đoan với tôi.

- Cam đoan gì?

- Cam đoan hợp tác trung thực. Công việc đến đâu rồi?

- Ngày mai có đối chất giữa bá tước và Régine cùng Arlette Mazolle.

- Quả thật! Phải gấp lên. Không có việc gì giấu công chúng?

- Hầu như không có gì.

- Anh kể nghe nào.

- Mélamare nhận được một thông tin người ta phát hiện ra trong phòng giam.
Nội dung ghi rõ: “Mọi việc sẽ thu xếp êm thấm.” Tôi bảo đảm mẩu thư này được
chuyển đến sáng nay nhờ một bồi bàn nhà hàng cung cấp những bữa ăn cho bá tước.
Cậu này thú nhận đã có thư trả lời của bá tước.

- Anh có thông tin đúng về bức thư chứ?

- Đúng.

- Rất tốt! Ông Van Houben có ô tô không?

- Có.

- Chúng ta cùng đi.

- Đi đâu?

- Các ông sẽ rõ.

Cả ba lên xe. D’ Enneris phân tích:

- Béchoux, có một điểm anh bỏ qua mà đối với tôi là chủ yếu. Việc bá tước
thông báo trên báo chí mấy tuần trước vụ việc của chúng ta xảy ra có ý nghĩa
gì? Ông ấy có ích lợi gì mà đòi lại những đồ vật lặt vặt như thế? Và vì lợi ích
gì người ta thích lấy chúng hơn những đồ vật có giá trị chất đầy ngôi nhà ở
đường Urfé? Biện pháp duy nhất
làm sáng tỏ vấn đề ấy, đúng không, là hỏi người đàn bà bán cho tôi những vật
lặt vặt ấy với giá khiêm tốn chỉ mười ba phrăng rưỡi. Đó là điều tôi đã làm.

- Kết quả ra sao?

- Cho đến nay chưa biết được nhưng tôi hi vọng chốc nữa sẽ rõ. Bà bán hàng
lặt vặt nhớ rõ người ta đã đưa tới bán cho bà hàng đống đồ vật rẻ tiền, thỉnh
thoảng vẫn trở lại tìm những hàng lặt vặt. Tên, địa chỉ thế nào, bà không biết.
Nhưng bà chắc chắn ông Gradin bán đồ cũ, người dẫn người ấy đến, có thể chỉ rõ.
Tôi đã chạy đến nhà ông Gradin, ở bên tả ngạn sông. Ông ấy đi vắng, hôm nay trở
về.

Họ đến nhà ông Gradin. Ông này trả lời không ngập ngừng:

- Đấy là bà Trianon. Chúng tôi đều gọi thế vì bà có quán “Trianon nhỏ” ở
đường Saint Denis. Một người đàn bà buồn cười, khá kì cục, thu thập hàng đống
đồ vật vô nghĩa nhưng cũng đã bán cho tôi những đồ gỗ có giá trị không biết mua
được của ai... trong đó có một bộ đồ gỗ mun rất đẹp từ thời Louis XVI, nhãn
hiệu Chapuis, thợ gỗ cao cấp lớn ở thế kỉ XVIII.

- Bộ đồ gỗ ông đã bán lại rồi?

- Vâng, và gửi đi Mỹ.

Ba người đi ra, rất tò mò. Nhãn hiệu Chapuis ấy có ở phần lớn đồ gỗ của bá
tước de Mélamare.

Van Houben xoa tay:

- Sự trùng khớp thuận lợi cho chúng ta và không có gì cấm chúng ta nghĩ
rằng, những viên kim cương của tôi đang ở trong một ngăn kéo bí mật nào đó của
quán “Trianon nhỏ”. Trong trường hợp ấy, d’ Enneris, tôi chắc ông sẽ tế nhị...

- Tặng lại cho ông?... Nhất định rồi, ông bạn.

Ô tô dừng lại cách quán “Trianon nhỏ” một đoạn. D’ Enneris và Houben bước
vào để Béchoux đứng ở cửa. Đây là một quán hẹp và dài chất đầy lọ, bình rạn
nứt, đồ sứ hư mòn, quần áo lông thú đã dùng, đăng-ten rách, cả một tập hợp đồ
cũ. Phía cuối quán, bà Trianon to béo, tóc hoa râm, đang nói chuyện với một ông
cầm trên tay một chiếc bình không có nút.

Van Houben và d’ Enneris thong thả đi giữa các giá đồ đạc như những người
tìm vật bán hạ giá. D’ Enneris lén quan sát người đàn ông anh cho là không có
vẻ một người khách mua hàng. Cao lớn, tóc vàng, khỏe, có lẽ khoảng ba mươi
tuổi, dáng lịch sự, nét mặt thẳng thắn, anh ta nói chuyện một lúc nữa rồi đặt chiếc bình không nút
xuống, bước ra cửa vừa ngắm những đồ lặt vặt vừa nhìn dò xét những người mới
đến, d’ Enneris biết thế.

Van Houben không nhận thấy ý đồ của hai người lại gần bà Trianon, cho rằng
mình có thể hỏi chuyện vì d’ Enneris lơ là, nói nhỏ với bà:

- Có trường hợp nào rất tình cờ, người ta bán lại cho bà một số đồ vật lấy
trộm của tôi, như một...

D’ Enneris linh cảm ông bạn thiếu khôn ngoan, cố ra hiệu cho ông nhưng Van
Houben vẫn tiếp tục:

- Ví dụ một mảnh đồng áp vào lỗ khóa, một nửa dây kéo chuông bằng lụa
xanh...

Bà chủ quán vểnh tai nghe rồi liếc nhìn anh kia rồi vội quay đi nhanh hơn
cần thiết và nhíu lông mày.

- Theo tôi thì không - Bà nói - Ông tìm trong các đống đồ cũ... Có lẽ sẽ
tìm thấy những vật ông cần.

Người khách kia chờ một lúc, lại liếc nhìn bà bán hàng một lần nữa như bảo
bà dè chừng rồi đi ra.

D’ Enneris bước vội ra cửa. Người khách gọi một chiếc taxi, bước lên, cúi
qua cửa cho lái xe địa chỉ. Ngay lúc đó Béchoux đi dọc theo xe lại gần.

Khi xe quay đi, Béchoux và d’ Enneris lại gặp nhau.

- Thế nào? Anh nghe rõ chứ?

- Phải, khách sạn Concordia, ngoại ô Saint-Honoré.

- Nhưng anh nghi ngờ à?

- Tôi đã xác định được tay kia qua cửa kính.

- Ai vậy?

- Kẻ đã gửi được một bức thư cho bá tước de Mélamare trong phòng giam.

- Người liên lạc của bá tước? Và anh ta nói chuyện với người đàn bà đã bán
đồ vật lấy trộm trong nhà Mélamare? Chà! Anh phải thú nhận sự trùng hợp có giá
trị đấy!

Nhưng niềm vui của d’ Enneris rất ngắn. Ở khách sạn Concordia không có ông
nào như thế đã vào đấy. Họ chờ đợi. Jean nóng lòng, cuối cùng tuyên bố:

- Địa chỉ đưa ra có lẽ là giả. Tay kia muốn ta rời xa quán “Trianon nhỏ”.

- Vì sao?

- Để tranh thủ thời gian... Chúng ta trở lại đó đi...

D’ Enneris không nhầm. Khi đến đường Saint-Denis họ thấy quán đã đóng cửa,
khóa chặt. Những người xung quanh không thể có một chỉ dẫn nào. Không ai khai
thác được của bà chủ quán một lời. Mười phút trước đó, họ thấy bà như mọi buổi
chiều nhưng bà đóng cửa hàng sớm hơn hai tiếng đồng hồ. Bà đi đâu? Người ta
cũng không biết bà ở chỗ nào.

- Tôi sẽ biết - Béchoux càu nhàu.

- Anh sẽ chẳng biết gì hết - d’ Enneris khẳng định. - Bà Trianon dĩ nhiên
trong nhóm của ông kia và ông này xem ra là một kẻ biết rõ công việc của mình,
không chỉ đỡ đòn tốt mà còn ra đòn không lúng túng. Anh cảm thấy bị tấn công
chứ, Béchoux?

- Phải, nhưng trước hết hắn phải tự bảo vệ mình đã.

- Cách tốt nhất để tự bảo vệ là tấn công.

- Hắn chẳng làm gì được chúng ta. Vậy hắn đánh vào ai?

- Hắn sẽ đánh vào ai?...

D’ Enneris suy nghĩ mấy giây rồi đột ngột nhảy lên ô tô, đẩy người lái xe của Van Houben, cầm
lấy tay lái nổ máy chạy làm Van Houben và Béchoux chỉ vừa bám được vào cửa xe.
Nhanh nhẹn thần kì, anh lượn qua những chỗ ùn tắc, vượt các biển hiệu dừng
phóng thật nhanh ra những đường bên ngoài. Đến đường phố Lepic, anh dừng trước
nhà Arlette Mazolle, vào hỏi ngay người bảo vệ:

- Arlette Mazolle có ở nhà không?

- Cô ấy vừa ra ngoài, thưa ông d’ Enneris.

- Từ lúc nào?

- Mới không quá mười lăm phút.

- Đi một mình?

- Không.

- Với ai vậy?

- Một ông đi ô tô đến tìm.

- Người cao lớn, tóc vàng?

- Vâng.

- Bà đã gặp ông ta chứ?

- Suốt tuần này, ông ta đến nhà cô ấy sau bữa ăn tối.

- Bà biết tên ông ấy?

- Vâng. Ông Fagérault. Antoine Fagérault.

- Xin cám ơn bà.

D’ Enneris không giấu giếm sự thất vọng và giận dữ của mình.

“Tôi đã dự kiến việc này, anh lầm bầm đi ra. Chà! Tay này lừa chúng ta.
Chính hắn điều khiển cuộc chơi. Nhưng mẹ kiếp, hắn đừng hòng đụng đến cô bé!”

Béchoux biện bác:

- Chắc không phải mục đích của hắn như thế vì đã đến nhà nhiều lần và hình như cô ta tự đi
theo hắn.

- Đúng, nhưng trong đó có điều gì, mưu mô thế nào? Tại sao cô ấy không nói
với tôi về những cuộc tới thăm ấy? Rốt cuộc tay Fagérauit này muốn gì?

Cũng như bất thần nhảy lên ô tô, anh chạy ngay qua đường, vào một bốt điện
thoại gọi Régine. Khi có người trả lời, anh hỏi:

- Bà chủ có ở nhà không? Ông d’ Enneris ở đầu máy đây.

- Bà vừa ra ngoài, thưa ông. - Bà hầu phòng trả lời.

- Đi một mình?

- Không, thưa ông. Sáng nay cô Arlette có gọi điện thoại và vừa rồi đến đón
cùng đi.

- Bà có biết họ đi đâu không?

- Không, thưa ông.

Như vậy là, chỉ trong hai mươi phút, hai người phụ nữ đã bị bắt cóc biến
mất trong hoàn cảnh có vẻ là một cái bẫy mới và bị đe dọa ghê gớm hơn.