Ngôi nhà bí ẩn - Chương 06

VI

BÍ MẬT CỦA
GIA ĐÌNH MÉLAMARE

Lần này Jean d’ Enneris tự chủ được mình ít nhất là vẻ bề ngoài. Không giận
dữ, không chửi rủa. Nhưng cơn giận làm chao đảo cả con người anh!

Anh nhìn đồng hồ.

- Bảy giờ. Ăn tối đã. Kìa vào chiếc quán nhỏ kia đi. Đến tám giờ chúng ta
hành động.

- Vì sao không làm ngay? - Béchoux nói.

Họ ngồi vào bàn trong một góc, giữa các công chức nhỏ và mấy người lái xe
taxi. D’ Enneris trả lời ông đội trưởng:

- Vì sao ư? Vì tôi mất hướng. Tôi hành động mò mẫm, cố ngăn chặn những cú
đánh tôi hình dung có thể xảy ra nhưng quá chậm và mỗi cú đánh đã làm tôi hơi
suy sụp. Tôi cần làm lại và hiểu rõ. Tại sao tay Fagérault đưa Régine và
Arlette ra khỏi nhà? Một con người có bản chất như vậy không làm tôi yên tâm
được.

- Thế anh nghĩ trong một tiếng đồng hồ?...

- Bao giờ cũng tự cho mình một thời hạn, Béchoux. Điều đó buộc anh phải
tìm...

D’ Enneris ăn ngon miệng và nói nhiều chuyện khác nhau.

Nhưng cử chỉ cho thấy anh đang sốt ruột và người ta đoán trí óc anh đang
căng thẳng. Thâm tâm anh cho tình hình rất nghiêm trọng. Đến tám giờ, lúc sắp
ra đi, anh bảo Van Houben:

- Ông điện thoại hỏi tin tức về bà bá tước.

Sau một phút, Van Houben từ buồng điện thoại trở lại.

- Không có gì mới. Bà hầu phòng phục vụ ở đấy nói bà bá tước khỏe, đang ăn
tối.

- Chúng ta đi.

- Đi đâu? - Béchoux hỏi.

- Tôi chưa biết. Cứ đi. Phải hành động, Béchoux. Khi nghĩ cả hai người phụ
nữ đang do tay ấy chi phối, tôi thật không thể bình tâm - d’ Enneris mạnh mẽ
nhắc lại.

Họ đi bộ từ trên cao Montmartre xuống đến quảng trường nhà hát và d’
Enneris lẩm bẩm những câu ngắn cho hả giận. Anh suy nghĩ, đôi lúc giẫm mạnh
chân và chen lấn những người qua đường.

Bỗng Béchoux hỏi anh:

- Anh biết chúng ta đang ở đâu chứ?

- Có. Trên cầu La Concorde.

- Vậy là không xa đường Urfé.

- Không xa đường Urfé và nhà Mélamare, tôi biết.

- Thì sao?

D’ Enneris nắm lấy cánh tay ông đội trưởng:

- Béchoux, việc của chúng ta không có một dấu hiệu gì hướng dẫn như thường
lệ, không vân tay, đồ đạc, tàn tích dấu chân... không có gì, chỉ là sự thông
minh và hơn thế, sự linh cảm. Về phía này có thể nói do linh cảm của tôi dẫn
tới. Mọi việc xảy ra ở đây, Régine rồi Arlette được đưa tới đây. Và tự nhiên
tôi hình dung gian tiền sảnh lát đá, hai mươi bậc cầu thang, phòng khách...

Họ đi dọc nghị viện, Béchoux kêu lên:

- Không thể được! Tại sao con người này lặp lại việc một người khác đã làm?
Và trong hoàn cảnh nguy hiểm hơn cho anh ta?

- Đó chính là điều tôi băn khoăn, Béchoux! Nếu anh ta mạo hiểm như vậy để
thực hiện ý đồ thì những ý đồ ấy phải thật nguy hiểm!

- Nhưng người ta không vào ngôi nhà ấy như người ta muốn được!

- Anh đừng vẽ chuyện với tôi. Tôi đã đi khắp nhà cả ngày và đêm mà ông già
Frangois không nghi ngờ gì.

- Nhưng đối với Antoine Fagérault? Anh ta vào thế nào được? Nhất là đưa hai
người ấy cùng vào?

- Với sự đồng lõa của Frangois chứ sao! - d’ Enneris cười gằn.

Càng lại gần, anh càng bước vội như thấy mọi việc rõ ràng hơn và càng lo
lắng về những sự kiện phải đối mặt.

Anh tránh con đường Urfé, đi vòng theo con đường vắng bao quanh ngôi nhà
lại phía sau vườn có tường hậu. Bên cạnh căn nhà bỏ vắng có cánh cửa Arlette bỏ
trốn. Có đủ loại chìa khóa, anh mở cửa. Trước mặt họ là khu vườn rộng mờ tối,
thấy cả khối nhà không có ánh sáng. Những cánh cửa chắc đóng lại cả.

Theo con đường Arlette đã chạy ra, họ vào theo hàng cây tối nhất, đến cách
nhà mười bước. Một bàn tay bóp mạnh vào vai d’ Enneris.

- Gì vậy! - Anh lẩm bẩm và ở tư thế tự vệ.

- Tôi đây - Một giọng nói lên tiếng.

- Ông, ai thế? À! Van Houben... Ông muốn gì vậy?

- Những viên kim cương của tôi... Mọi việc cho tôi thấy ông sẽ phát hiện ra
chúng. Hãy thề với tôi...

- Để chúng tôi yên - d’ Enneris tức bực nói và đẩy Van Houben ngã vào một
cồn đất - Ông ở đây, đừng làm vướng chân chúng tôi... Hãy rình xem...

- Ông thề với tôi...

D’ Enneris lại bước nhanh cùng Béchoux. Cửa sổ phòng khách đóng kín. Anh
trèo lên ban công nhìn vào, lắng nghe rồi nhảy xuống.

Có đèn trong phòng nhưng không thấy, không nghe gì được. Một cánh cửa thấp
nối tầng hầm với khu vườn. Anh bước xuống mấy bậc, bật sáng một chiếc đèn bỏ
túi và đi qua một gian đầy hòm xiểng, chậu hoa, cẩn thận bước theo chiếc cầu
thang lớn lên tiền sảnh có một ngọn đèn chiếu sáng. Không có người. Trên bậc
thềm, trước mặt là phòng khách, bên phải có một phòng riêng không dùng đến
nhưng anh đã lục lọi nên biết rõ.

Anh vào đấy, trong bóng tối đi dọc bức tường ngăn phòng khách cẩn thận mở
cánh cửa thường vẫn đóng. Anh biết phía bên kia có tấm vải ngăn, thủng một vài
lỗ nhìn sang được.

Có tiếng chân đi lại trên sàn phòng khách. Không nghe có tiếng nói. D’
Enneris ấn tay xuống vai Béchoux như để liên hệ truyền cảm với ông này.

Họ áp mặt vào tấm vải trông sang, cảnh họ thấy không có vẻ cần phải xông
vào và đánh nhau. Arlette và Régine ngồi gần nhau trên chiếc trường kỉ đang
nhìn một ông, cao lớn, tóc vàng, đi lại trong phòng. Đấy là người họ đã gặp ở
quán “Trianon nhỏ” - người liên lạc của ông de Mélamare.

Không ai trong ba nhân vật trẻ này nói một tiếng. Hai cô gái không có vẻ lo
lắng và Antoine Fagérault không có vẻ gây gổ, đe dọa hoặc thậm chí khó chịu.
Hình như họ đang chờ đợi. Họ lắng nghe, mắt nhìn vào cánh cửa ra thềm, Antoine
Fagérault thậm chí ra mở cửa nghe ngóng.

D’ Enneris bấu chặt vai Béchoux. Họ tự hỏi việc gì sắp xảy ra và người hứa
đến gặp là ai mà lôi kéo được Arlette và Régine.

Antoine Fagérault đến ngồi gần Arlette và họ sôi nổi nói nhỏ với nhau. Có
một sự thân mật nào đó giữa hai người. Anh ta tỏ ra săn đón, cúi xuống với cô
hơi quá mức cần thiết nhưng cô không bực mình. Nhưng họ đột ngột tách xa nhau.
Fagérault đứng dậy. Chuông cửa đánh hai tiếng, lại hai tiếng nữa sau một khoảng
cách ngắn rồi vang lên.

“Dấu hiệu đấy”, Fagérault nói rồi bước ra thềm.

Một phút trôi qua. Có tiếng trao đổi với nhau. Rồi anh ta trở vào, cùng đi
với một người đàn bà mà d’ Enneris và Béchoux nhận ra ngay: bà bá tước de
Mélamare.

Vai Béchoux bị bấu mạnh đên mức ông phải nén một tiếng thở ra. Bà bá tước
xuất hiện làm hai người sửng sốt. D’ Enneris hình dung mọi điều trừ việc bà rời
chỗ ẩn đến dự cuộc họp do đối phương triệu tập.

Trông bà xanh xao, mệt mỏi. Đôi tay hơi run. Bà lo lắng nhìn gian phòng mà
từ khi xảy ra bi kịch bà chưa quay trở lại và hai người phụ nữ là bằng chứng
đáng sợ đã làm bà bỏ trốn và mất
người anh. Bà nói với anh bạn:

- Tôi cám ơn anh về sự tận tâm, Antoine. Tôi chấp nhận điều đó vì nhớ đến
tình bạn cũ của chúng ta... nhưng không hi vọng nhiều.

- Hãy tin tưởng, Gilberte. - Anh ta nói - Bà thấy rõ là tôi biết cách tìm
ra bà đấy.

- Bằng cách nào?

- Nhờ cô Arlette khi tôi đến nhà thăm. Do tôi khẩn khoản, cô ấy đã hỏi
Régine Aubry mà Van Houben tiết lộ về chỗ ẩn của bà. Chính sáng nay Arlette
Mazolle đã thay mặt tôi gọi điện thoại thiết tha đề nghị bà.

Gilberte cúi đầu tỏ vẻ cám ơn và nói:

- Tôi lén đến đây, giấu cả người đã bảo vệ tôi cho đến nay mà tôi hứa làm
gì cũng báo với ông ấy, Antoine. Anh biết ông ấy chứ?

- Jean d’ Enneris? Có, vì Arlette
Mazolle đã nói chuyện với tôi. Cô ấy cũng tiếc đã hành động không cho ông ta
biết. Nhưng cần phải thế. Tôi nghi ngại tất cả mọi người.

- Không nên nghi ngại ông ấy, Antoine.

- Hơn bất cứ ai khác. Tôi vừa gặp ông ta ở nhà một bà bán đồ cũ có những
vật lấy trộm của anh bà mà tôi tìm kiếm đã nhiều tuần. Ông ta cũng ở đấy cùng
Van Houben và viên cảnh sát Béchoux. Tôi cảm thấy ông ta nhìn tôi nghi ngờ và
thù địch, thậm chí muốn theo dõi tôi. Với ý định gì?

- Ông ấy có thể giúp anh...

- Không bao giờ! Hợp tác với con người phiêu lưu không biết từ đâu tới...
với tay thích khống chế mọi người? Không, không, không. Vả lại chúng tôi không
cùng một mục đích. Tôi muốn tìm ra sự thật, ông ta muốn nhân tiện chiếm lấy kim
cương.

- Sao anh biết thế?

- Tôi đoán vậy. Vai trò của ông ta rất rõ. Ngoài ra theo những thông tin
riêng, đây cũng là quan điểm của Béchoux và Van Houben.

- Quan điểm sai lầm. - Arlette khẳng định.

- Có lẽ, nhưng tôi hành động như nó là đúng.

D’ Enneris say sưa
lắng nghe. Trước kia giữa Gilberte và anh ta có quan hệ gì? Hiện nay bằng cách
nào anh ta gây được cảm tình và sự phụ thuộc của Arlette?

Bà bá tước de
Mélamare im lặng khá lâu rồi hỏi nhỏ:

- Tôi phải làm gì?

Antoine Fagérault
chỉ vào Arlette và Régine:

- Bà thuyết phục
hai người đã kết tội bà. Với niềm tin chắc tôi đã làm cho họ phân vân và tổ
chức cuộc gặp mặt này. Chỉ một mình bà có thể hoàn chỉnh điều đó.

- Như thế nào?

- Nói ra. Trong vụ
việc khó hiểu này có những hiện tượng làm nó thêm khó hiểu và dựa vào đó pháp
luật đưa ra những quyết định cứng rắn. Và có... có điều mà bà biết.

- Tôi chẳng biết gì
cả.

- Bà biết một số
điều gì đó... khi biết những lý do anh bà và bà vô tội mà không tự bảo vệ mình.

Bà mệt mỏi đáp:

- Mọi bảo vệ đều vô
ích.

- Nhưng tôi không
đề nghị bà tự bảo vệ, Gilberte - Ông ta sốt sắng kêu lên - Tôi hỏi bà những lý
do buộc bà không tự bảo vệ, về
những việc hiện nay không cần nói. Nhưng tâm trạng của bà, Gilberte, trong đáy
lòng, những điều Jean d’ Enneris hỏi bà không nói... những điều tôi đoán ra và
tôi biết rõ vì tôi đã sống ở đây, trong tình thân của nhà này và bí mật của gia
đình Mélamare dần dần hiện ra với tôi. Tất cả những điều ấy tôi có thể giải
thích được nhưng bổn phận của bà phải nói ra vì chỉ có tiếng nói của bà mới
thuyết phục được Arlette Mazolle và Régine Aubry.

Cùi tay tựa trên
đầu gối, bàn tay ôm đầu, bà thì thầm:

- Để làm gì?

- Để làm gì ư,
Gilberte? Tôi biết được qua nguồn tin chắc chắn, ngày mai người ta sẽ đối chất
với anh bà. Tuy bằng chứng bấp bênh, ít khẳng định, nhưng có bằng chứng thực tế
nào cho tòa án?

Bà rã rời cả người.
Tất cả những lập luận ấy có vẻ vô nghĩa, chẳng có ích gì. Bà nói như thế và
nhấn mạnh thêm:

- Không... không...
Chẳng để làm gì... Chỉ có sự im lặng.

- Và cái chết - Anh ta nói.

Bà ngẩng đầu lên.

- Chết ư?

Anh ta cúi xuống gần bà, nghiêm giọng lên tiếng:

- Gilberte, tôi đã liên lạc với anh bà. Tôi viết thư nói sẽ cứu cả hai
người và ông ấy có trả lời.

- Anh tôi trả lời anh à, Antoine? - Bà nói, đôi mắt ánh lên xúc động.

- Mảnh giấy của ông ấy đây. Chỉ mấy chữ... Bà đọc đi.

Bà nhận ra chữ của ông anh, bèn đọc.

“Cám ơn. Tôi chờ đến tối thứ ba. Nếu không...”

Hoàn toàn suy sụp, bà lắp bắp:

- Thứ ba... Ngày mai rồi.

- Đúng, ngày mai. Nếu tối mai, sau cuộc đối chất, Andrien de Mélamare không
được tự do, ông ấy sẽ chết trong phòng giam. Bà không nghĩ phải làm điều gì đó
để cứu ông anh sao?

Bà run lên vì sốt, lại rũ người xuống, mặt biến sắc. Arlette và Régine nhìn
bà vô cùng thông cảm. D’ Enneris cảm thấy tim mình thắt Lại. Đã bao lần anh cố
gợi cho bà rũ bỏ sự chịu đựng và bướng bỉnh! Bây giờ bà đã bị đánh bại. Và
trong nước mắt, nhỏ giọng đến khó nghe rõ, bà trình bày:

- Trong gia đình Mélamare không có bí mật gì... Cho rằng có một điều bí mật
là muốn xóa đi lỗi lầm của những người thế hệ trước và anh tôi cùng tôi đã sai
phạm. Thế mà chúng tôi chẳng sai phạm gì... Nếu hai chúng tôi vô tội, Jules và
Alphonse de Mélamare cũng như chúng tôi... Bằng chứng tôi không có, không thể
dẫn ra được. Mọi chứng cứ đều hành hạ chúng tôi, không một điều nào có lợi cho
chúng tôi... Nhưng chúng tôi biết chúng tôi không lấy cắp... Điều đó tự người
ta biết rõ đúng không? Tôi biết Andrien hoặc tôi đều không đưa những phụ nữ trẻ
ấy đến đây... và chúng tôi không lấy kim cương, không giấu chiếc áo... Chúng
tôi biết điều ấy và chúng tôi cũng biết ông nội chúng tôi và cụ cố cũng thế. Cả
gia đình tôi bao giờ cũng biết hai cụ vô tội. Đấy là một sự thật linh thiêng bố
tôi chăng trối và ông cũng được chính những người bị kết tội cho biết. Sự trong
sạch, vinh dự là nguyên tắc của gia đình Mélamare... Dù đi ngược xa vào lịch sử
dòng tộc chúng tôi người ta cũng không tìm ra một yếu đuối nào. Vì sao họ lại
hành động đột ngột như thế không có lý do? Họ giàu có và được kính trọng. Và tại sao anh tôi và
tôi phản lại quá khứ của chúng tôi không vì lý do gì... và phản lại quá khứ của
ông cha chúng tôi?

Bà ngừng lời. Bà nói với nỗi đau khổ ghê gớm và giọng rất thất vọng, ngay
lập tức làm hai phụ nữ trẻ cảm động. Arlette tiến đến chỗ bà, mặt nhăn lại,
nói:

- Và rồi sao, thưa bà... Rồi sao?

- Thế rồi - Bà bá tước trả lời - chúng tôi là nạn nhân của điều gì đó tôi
không biết... Nếu có một bí mật thì là điều ấy, điều chống lại chúng tôi. Trong
các vở bi kịch thường mô tả những gia đình bị số phận đày đọa trong nhiều thế
hệ. Đã ba phần tư thế kỉ chúng tôi bị đánh không ngớt. Có lẽ lúc đầu Jules de
Mélamare đã có thể và muốn tự bảo vệ tuy bị kết tội ghê gớm. Không may điên lên
vì bực tức và nóng giận, ông đã chết vì sung huyết trong nhà giam. Hai mươi lăm
năm sau, con ông cụ, Alphonse bị những lời kết tội khác nhưng cũng ghê gớm như
thế, đã không chống cự được. Bị đánh dồn dập khắp nơi, cảm thấy bất lực và nhớ
lại nỗi thống khổ dẳng dai của bố, ông tự sát.

Gilberte de Mélamare lại im lặng. Arlette run lên trước mặt bà, lại nói:

- Rồi sao, thưa bà?... Xin bà tiếp tục đi.

Và bà bá tước lại nói:

- Rồi truyền thuyết nảy sinh về chúng tôi... truyền thuyết tai họa đè nặng
trong ngôi nhà bi thảm này mà người bố và người con đã sống, ở đó hai người đều
bị bằng chứng chẹn họng. Bà vợ góa đau khổ, thay vì đấu tranh cho danh dự của
chồng, đã trốn tránh về nông thôn với bố mẹ, nuôi dưỡng người con trai là bố chúng tôi, dạy
ông sự khủng khiếp ở Paris, bắt ông thề không mở lại ngôi nhà Mélamare, lấy vợ
ở tỉnh cho ông... và như vậy cứu ông khỏi tai nạn đến lượt có lẽ sẽ đè bẹp ông.

- Ai đè bẹp ông?... - Arlette nói - Bà nghĩ sao?

- Vâng, vâng - Bà bá tước phấn khích kêu lên - ông có lẽ đã bị đè bẹp như
những người khác, vì cái chết ở trong ngôi nhà này. Chính thần tai họa của gia
đình Mélamare bao vây và khủng bố chúng tôi trong ngôi nhà này. Và chính vì
chống lại điều đó sau khi bố mẹ chúng tôi mất mà anh tôi và tôi bị mắc vào quy
luật thảm hại này. Ngay những ngày đầu khi bước vào cánh cửa ngôi nhà đường
Urfé, từ tỉnh lẻ lên đây tràn đầy hi vọng, quên hết quá khứ, sung sướng được
vào ngôi nhà tổ tiên, ngay những ngày đầu chúng tôi đã cảm thấy mối đe dọa ngấm
ngầm của nguy hiểm. Nhất là anh tôi. Tôi đã lấy chồng, đã ly dị, có sướng và có
khổ. Nhưng Andrien ngay lập tức trở nên u buồn. Anh ấy chắc chắn và đau khổ đến
nỗi quyết định không lấy vợ. Chấm dứt dòng họ Mélamare mà anh có thể giải thoát
cho số phận và chấm dứt hàng loạt tai ương. Anh sẽ là người cuối cùng trong gia
đình Mélamare. Anh ấy sợ!

- Nhưng sợ điều gì? - Arlette lạc giọng hỏi.

- Sợ những ai sẽ đến, những gì đã đến trong mười lăm năm.

- Nhưng không có điều gì làm ông ấy thấy trước chứ?

- Không, nhưng mưu mô xảy ra trong bóng tối. Kẻ thù lẩn quất xung quanh
chúng tôi. Ngôi nhà của chúng tôi tiếp tục được đầu tư và hạn chế lại. Và sự
tấn công bỗng xuất hiện đột ngột.

- Sự tấn công nào?

- Việc đã xảy ra cách đây mấy tuần. Nhìn bề ngoài là một sự cố tự nhiên
nhưng là lời cảnh báo ghê gớm. Một buổi sáng, anh tôi nhận thấy mất một số đồ
vật. Những vật không đáng giá gì, một mẩu dây kéo chuông, một đĩa đèn nến!
Nhưng người ta chọn lấy giữa những vật đẹp nhất, để ám chỉ đã đến giờ...

Bà ngừng một tí rồi nói nốt:

- Đã đến giờ... và sấm sét sẽ đổ xuống.

Những lời ấy nói ra với một nỗi sợ hãi có thể nói huyền bí. Đôi mắt bà đờ
đẫn. Người ta cảm thấy trong thái độ của bà những lo âu, đau đớn của bà và ông
anh trong lúc chờ đợi...

Bà còn nói nữa và những lời của bà thể hiện tâm trạng tuyệt vọng, suy sụp
lúc “sấm sét” như bà nói, đổ xuống.

- Andrien cố gắng đấu tranh. Anh ấy cho đăng một thông báo tìm lại những
vật đã mất. Làm thế, như anh nói, để làm giảm nhẹ số phận. Nếu có lại những vật
bị lấy đi, nếu những vật ấy trở lại chỗ để linh thiêng từ một thế kỉ rưỡi nay
thì những lực lượng bí ẩn hành hạ dòng giống Mélamare sẽ không chống lại chúng
tôi nữa. Hi vọng vô ích. Người ta có thể làm gì được khi đã bị kết án từ trước
rồi? Một hôm cả hai cô vào đây, những người chúng tôi chưa bao giờ gặp, đã kết
tội chúng tôi về những điều chúng tôi chẳng hiểu gì cả... và thế là hết. Chẳng
cần phải tự bảo vệ nữa, đúng không? Chúng tôi đột nhiên bị tước khí giới và bị
xiềng xích. Lần thứ ba những người Mélamare bị đánh bại thậm chí không biết vì
sao. Bóng tối phủ xuống chúng tôi cũng như Jules và Alphonse de Mélamare. Và
cũng sẽ kết thúc như thế với chúng tôi... tự sát, cái chết... Câu chuyện của
chúng tôi thế đấy. Khi đã như vậy thì chỉ đành cam chịu và cầu nguyện. Chống
lại gần như là phạm tội bất kính vì đã có mệnh lệnh rồi. Nhưng đau khổ xiết
bao! Và chúng tôi chịu đựng gánh nặng ghê gớm từ một thế kỉ nay rồi!

Lần này Gilberte nói hết lời tâm sự lạ lùng và bà lại rơi ngay vào nỗi đờ
đẫn mà bà đắm mình vào từ khi xảy ra bi kịch. Nhưng những gì trong câu chuyện
thể hiện không bình thường có thể nói bệnh hoạn được giảm nhẹ do lòng kính
trọng và sự thông cảm sâu sắc về tai họa của bà. Antoine Fagérault đã không hề một lời, đến hôn bàn tay bà một
cách kính cẩn. Arlette khóc. Régine cứng rắn hơn, cũng có vẻ xúc động.