Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 05 - 06
5. CÔNG CHÚA NGOẠN THIỀM
Vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông lên ngôi lúc mới được tám tuổi, thân phụ của Trần Thái Tông là Trần Thừa thì tài hèn sức mọn, nên trọng trách triều đình lúc ấy gần như nằm hết trong tay quan thái sư Trần Thủ Độ. Bấy giờ, ngoài tôn thất họ Lý, nhiều thế lực chống đối khác cũng nổi lên, trong đó, mạnh nhất là thế lực của Đoàn Thượng và thế lực của Nguyễn Nộn.
Đoàn Thượng chiếm cứ Hồng Châu (nay là vùng Hải Dương) còn Nguyễn Nộn thì chiếm cứ vùng Bắc Giang. Cả hai tuy đều chống đối họ Trần, nhưng lại cũng đồng thời là kẻ thù của nhau. Biết rõ điều đó, Trần Thủ Độ định kiếm kế tiêu diệt từng thế lực một. Đang lúc lo lắng mưu toan thì cơ may đến. Tháng 12 năm Mậu Tí (1228), Nguyễn Nộn bất thình lình đem quân tấn công và giết được Đoàn Thượng. Con của Đoàn Thượng là Đoàn Văn đem hết gia thuộc đầu hàng Nguyễn Nộn. Thế là trong chỗ không ngờ, kẻ thù triều Trần đã giúp triều Trần tiêu diệt bớt đối thủ.
Nguyễn Nộn xưng là Đại Thắng Vương, thế lực còn mạnh. Biết chưa thể trừ ngay được, Trần Thủ Độ sai người đến chúc mừng và phong Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, lại còn đem công chúa Ngoạn Thiềm gả cho Nguyễn Nộn.
Lúc ấy, sứ mạng của công chúa Ngoạn Thiềm rất lớn, ấy là phải làm sao để vừa từng bước lung lạc Nguyễn Nộn, vừa thường xuyên cung cấp tin tức về tình hình thế lực Nguyễn Nộn cho triều đình rõ. Đại để, có thể xem Ngoạn Thiềm là nữ điệp viên thuộc loại đặc biệt vậy.
Đắc thắng, Nguyễn Nộn là kẻ chơi bời chè chén bừa bãi, nhưng con người luôn say sưa ấy cũng có chỗ rất tỉnh táo, ấy là hết sức cảnh giác đối với Ngoạn Thiềm. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyền 5, tờ 5b) cho biết là Nguyễn Nộn cho xây nơi ở riêng cho Ngoạn Thiềm và canh phòng rất cẩn mật, khiến Ngoạn Thiềm không sao thu thập được tin tức gì.
Năm Kỉ Sửu (1229), Nguyễn Nộn bệnh mà mất, Trần Thủ Độ thở phào nhẹ nhõm. Công chúa Ngoạn Thiềm không rõ về sau ra sao.
Lời bàn: Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng muốn chống nhà Trần mà lại xung đột lẫn nhau, ấy là tự mình dấn thân vào chỗ chết. Sự ấy kể cũng đáng suy ngẫm lắm.
Công chúa Ngoạm Thiềm quyết vì xã tắc và ngôi báu của họ Trần mà cam phận về với Nguyễn Nộn, kẻ không chút danh giá, lại còn là địch thủ của triều đình. Vì bị ngăn trở trăm bề nên việc lớn không thành, nhưng chút lòng trung nghĩa của Ngoạn Thiềm thì thật đáng ghi vào sử sách.
Xưa nay, tướng quân ra trận vẫn cậy ở vũ khí tốt và quân tinh nhuệ. Ngoạn Thiềm ra trận chỉ cậy ở sự khôn khéo và tấm thân ngàn vàng của mình. Kính thay!
6. CHUYỆN HOÁN VỢ ĐỔI CHỒNG CỦA ANH EM VUA TRẦN THÁI TÔNG
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 9b và tờ 10 a-b) có chép một câu chuyện xảy ra vào năm Đinh Dậu (1237) như sau:
“Bấy giờ, Chiêu Thánh (Hoàng hậu của Thái Tông - ND) thì không có con mà Thuận Thiên (chị ruột của Chiêu Thánh, vợ của Trần Liễu là anh ruột vua Trần Thái Tông - ND) thì đã có thai Quốc Khang được ba tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực (nguyên hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, sau gả cho Trần Thủ Độ - ND) bàn kín với vua là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau. Vì thế, Liễu hợp quân ra sông Cái làm loạn. Vua lấy làm áy náy trong lòng, ban đêm ra khỏi kinh thành, chạy đến chỗ quốc sư Phù Vân là bạn cũ, trên núi Yên Tử rồi ở luôn tại đó. Hôm sau, Thủ Độ dẫn các quan đến mời vua trở về kinh sư. Vua nói:
- Trẫm vì non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mạng nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ (chỉ việc Trần Thừa mất năm 1234 - ND), sớm mất chỗ trông cậy nên không dám giữ ngôi vua, sợ làm nhục đến xã tắc.
Thủ Độ cố nài xin nhiều lần vẫn chưa được, mới bảo với mọi người rằng:
- Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó.
Nói rồi, cắm nêu trong núi, chỉ chỗ này là điện Thiên An, chỗ kia là Đoan Minh Các, sai người xây dựng. Quốc sư thấy thế liền tâu rằng:
- Bệ hạ nên gấp quay xa giá trở về, chớ để làm hại núi rừng của đệ tử.
Vua bèn trở về kinh đô. Được hai tuần, Liễu tự lượng thế cô khó lòng địch nổi, bèn ngầm đi thuyền độc mộc, giả làm người đi đánh cá để đến chỗ vua xin hàng. Anh em nhìn nhau, khóc lóc.
Thủ Độ nghe tin đến thẳng thuyền vua, rút gươm thét lớn:
- Giết thằng giặc Liễu!
Vua giấu Liễu trong thuyền rồi vội bảo Thủ Độ:
- Phụng Càn Vương (tước hiệu cũ của Trần Liễu, khi Trần Liễu còn làm quan cho nhà Lý) đến hàng đấy.
Nói rồi, lấy thân mình che chở cho Liễu. Thủ Độ tức lắm, ném gươm xuống sông mà nói rằng:
- Ta chỉ là con chó săn thôi, biết anh em các người thuận nghịch thế nào mà lường được.
Vua nói anh em hòa giải và bảo Thủ Độ rút quân về. Vua lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng và Yên Bang (nay là đất hai huyện Đông Triều và Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh - ND) để cấp cho Liễu làm ấp thang mộc. Nhân tên đất được phong mà Liễu có tên hiệu là Yên Sinh Vương (cũng đọc là An Sinh Vương - ND).”
Phan Phu Tiên nói: “Tam cương ngũ thường là luân lí lớn của loài người. Thái Tông là ông vua khai sáng cơ nghiệp, đáng lẽ phải dựng phép tắc để truyền lại cho đời sau, lại nghe mưu gian của Thủ Độ, cướp vợ của anh làm hoàng hậu, chẳng phải là bỏ cả luân thường, mở mối dâm loạn đó ư? Liễu từ đó sinh ra hiềm khích, cả gan làm loạn, ấy là bởi Thái Tông nuôi nên tội ác cho Liễu vậy...”
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Thái Tông mạo nhận con của anh làm con mình. Sau này Dụ Tông và Hiến Từ (hoàng hậu) đều cho (Dương) Nhật Lễ làm con của Cung Túc Vương, đến nỗi cơ nghiệp nhà Trần suýt nữa sụp đổ, há chẳng phải là không có ngọn nguồn của nó hay sao?” (Xem truyện 62: Hôn Đức Công Dương Nhật Lễ.)
Lời bàn: Chiêu Thánh mới mười chín tuổi mà đã bị cho là không có con, đó là một sự lạ. Dân thường còn không được, huống chi đường đường là hoàng đế một nước mà cướp vợ của anh, đó là hai sự lạ. Chuyện hoán vợ đổi chồng này đã để di hại rất lớn về sau, nếu không có con Trần Liễu là Trần Hưng Đạo sáng suốt hơn người thì mối nguy thật khó mà lường trước được. Mới hay, luân thường không giữ, khó mà giữ an nguy cho xã tắc.