Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 13 - 14
13. HAI CHUYỆN NHỎ VỀ TRẦN KHÁNH DƯ
Trần Khánh Dư là một trong những vị tướng giỏi của triều Trần, từng có công lớn trong việc đóng góp những ý kiến xuất sắc ở hội nghị Bình Than (1282) và đặc biệt là trong việc chỉ huy trận đánh tan đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ (1288), góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ ba. Tướng Trần Khánh Dư cũng còn là một nhà thơ Nôm có tài. Tương truyền, ông là tác giả của bài thơ Bán than khá nổi tiếng. Tuy nhiên, cuộc đời ông cũng có khá lắm chuyện đáng để cho đời sau bình phẩm. Dưới đây là hai chuyện nhỏ.
Chuyện thứ nhất xảy ra vào trước năm 1282. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 42a) chép rằng:
“Lần trước, quân Nguyên vào cướp (ý nói cuộc xâm lược năm 1258 - ND), Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân thấy giặc sơ hở liền vào đánh úp. Thượng hoàng khen ông có mưu lược, nhận làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi). Sau đó, đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong làm phiêu kị đại tướng quân. Chức phiêu kị tướng quân, nếu không phải là hoàng tử thì không được phong, Khánh Dư là thiên tử nghĩa nam nên mới có lệnh ấy. Rồi từ trật hầu, thăng mãi đến tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ. Sau, Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thụy. Bấy giờ, Hưng Vũ Vương Nghiễn vì là con trai của Quốc Tuấn nên được lấy công chúa Thiên Thụy, lại có công đánh giặc, vua sợ phật ý Quốc Tuấn nên vờ sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây nhưng lại dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau, xuống chiếu đoạt hết quan chức, tịch thu tài sản, không để lại cho một chút gì.”
Chuyện thứ hai xảy ra vào tháng 10 năm 1282, lúc nhà Trần tổ chức hội nghị Bình Than. Cũng sách trên đã chép rằng: “Lúc đó, thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh, có chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua bảo quan thị thần: “Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao?” Lập tức, sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi: “Ông lái ơi, có lệnh vua gọi.” Khánh Dư trả lời: “Lão là người buôn bán, có việc gì mà vua gọi.” Quân hiệu trở về tâu lại sự thực, vua bảo: “Đúng là Nhân Huệ, ta biết người thường tất không dám nói thế.” Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá đến gặp vua. Vua nói: “Nam nhi mà đến thế là cùng cực lắm rồi,” bèn xuống chiếu tha tội cho ông. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, cho ngồi ở hàng dưới các vương, hàng trên công hầu. Ông bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua. Đến đây, tháng 10, tại cho Khánh Dư làm phó tướng quân. Nhưng, rốt cục, Khánh Dư còn không bỏ được lỗi cũ.”
Lời bàn: Biết được tài của Khánh Dư là vua Trần, mà biết được tật của Khánh Dư có lẽ cũng chỉ có vua Trần vậy. Tài thì dung, tật thì trị, vua Trần công minh là thế, vậy mà tiếc thay, Khánh Dư chẳng bỏ được lỗi lầm. Hóa ra, khai sinh danh tướng Trần Khánh Dư là vua Trần, còn khai tử uy danh Trần Khánh Dư lại chính là Trần Khánh Dư.
14. HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG
Sau thất bại của cuộc xâm lăng lần thứ nhất (1258), và sau nhiều năm xét thấy không thể mua chuộc hay hù dọa triều Trần, cuối năm 1284, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt quyết định xua quân sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Lúc này, do cuộc thôn tính Trung Quốc đã xong, đường tiến quân xâm lược của giặc có phần thuận lợi hơn. Với năm mươi vạn tên từ phương Bắc xuống và với non mười vạn tên từ phía Nam đánh lên, giặc hi vọng sẽ nhanh chóng bóp nát Đại Việt.
Thấy rõ dã tâm của giặc, ba năm trước đó (1282), triều Trần đã triệu tập quý tộc và tướng lĩnh cao cấp đến họp ở Bình Than để bàn phương hướng chiến lược chống xâm lăng và quyết định việc xây dựng bộ máy chỉ huy chống xâm lăng. Tháng 11 năm 1284, triều Trần lại cử Trần Phủ cầm đầu phái bộ sứ giả sang triều đình nhà Nguyên với mục đích chủ yếu là tìm kế hoãn binh giặc, nhưng việc ấy không thành. Tháng chạp năm Giáp Thân (tháng 1 năm 1285), thái thượng hoàng Trần Thánh Tông xuống chiếu mở một cuộc hội nghị hết sức quan trọng ở điện Diên Hồng, sử gọi đó là hội nghị Diên Hồng. Tham dự hội nghị này là các vị bô lão, đại diện cho nhân dân cả nước. Thượng hoàng đích thân ban yến và hỏi các vị bô lão là nên đánh hay nên hòa. Một đời thân phận thấp hèn, tay bùn chân lấm, nay bỗng dưng được triều đình mời vào tận hoàng cung để bàn quốc gia đại sự, tinh thần của các vị bô lão phấn chấn khác thường. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 44a) chép: “Các cụ bô lão đều nói đánh, muôn người cùng một tiếng, muôn lời như bật ra từ một miệng.”
Về cuộc hội nghị độc đáo này, sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn như sau: “Giặc Hồ vào cướp là nạn lớn của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến rồi hỏi kế sách ở các bô lão hay sao? Ấy bởi Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân và cũng để dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích rồi hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa của cổ nhân, kính dưỡng người già để xin lời hay vậy.” (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 44b.)
Người kể chuyện xin có một chú thích: Ở đây, giặc Hồ chính là giặc Mông Nguyên.