Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 15 - 16

15. HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN VÀ CHIÊU MINH VƯƠNG TRẦN QUANG KHẢI

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là con trai thứ hai của An Sinh Vương Trần Liễu, còn Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải là hoàng tử thứ ba của vua Trần Thái Tông, xét trong thế thứ họ hàng ruột thịt, Trần Quốc Tuấn là anh con bác của Trần Quang Khải. Đời cha, Trần Liễu có mối thâm thù với Trần Thái Tông, nhưng đến đời con, Trần Quốc Tuấn xử sự hoàn toàn khác. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 8, tờ 21 và 22) có ghi lại hai mẩu chuyện rất cảm động như sau:

“Trước kia (vua Trần) Thánh Tông thân đem quân đi đánh Mán Bà-la, Quang Khải đi theo. Khi sắp đi, sứ thần Trung Quốc tới. Thánh Tông triệu Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn đến bảo rằng:

- Thượng tướng (chỉ Trần Quang Khải - ND) theo quan gia (chỉ vua Trần - ND) đi đánh giặc, trẫm muốn phong cho nhà ngươi làm tư đồ, sung vào việc ứng tiếp.

Quốc Tuấn thưa rằng:

- Việc ứng tiếp sứ thần Trung Quốc, tôi xin đảm nhận, còn việc phong chức tư đồ, tôi không dám nhận. Nay quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu, bệ hạ lại tự ý phong chức cho tôi, e rằng tình nghĩa trên dưới chưa được ổn thỏa.

Việc ấy bèn thôi. Quang Khải với Quốc Tuấn vốn trước không hòa hiệp với nhau. Có một hôm, Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp về, Quang Khải cùng Quốc Tuấn đánh cờ chơi đùa suốt ngày. Quang Khải tính không hay tắm gội. Quốc Tuấn cởi áo và lau rửa giúp Quang Khải rồi nói:

- Hôm nay tôi được tắm cho thượng tướng.

Quang Khải cũng nói:

- Hôm nay tôi được quốc công tắm rửa cho.

Từ bấy giờ, hai người chơi với nhau thân mật lắm.”

Lời bàn: Xưa nay, người ta rất dễ nhất trí với nhau về những chuyện lớn, nhưng với những chuyện lặt vặt của đời thường, người ta lại rất khó bỏ qua cho nhau. Mối quan hệ giữa Quốc Tuấn và Quang Khải ban đầu cũng không ra ngoài thói thường ấy.

Cũng xưa nay, đôi khi chuyện lớn lại được giải quyết một cách dễ dàng bắt đầu từ một chuyện ngỡ như rất nhỏ. Chuyện nhỏ vì thế không còn nhỏ nữa, bởi chỉ có những đấng đại trượng phu chính tâm thành ý mới có thể dũng cảm làm được. Như Quốc Tuấn không nhận chức tư đồ, lại tắm cho Quang Khải, những việc ấy cũng phải dũng cảm lắm mới làm được. Ngẫm mà xem!

16. VUA TRẦN NHÂN TÔNG VỚI VIỆC ĐỊNH CÔNG BAN THƯỞNG

Một năm sau ngày đại thắng trận Bạch Đằng (mồng 9 tháng 4 năm 1288), quét sạch quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, vua Trần Nhân Tông trịnh trọng tổ chức lễ định công ban thưởng cho triều thần theo thứ tự cao thấp khác nhau. Lễ này diễn ra vào tháng 4 năm Kỉ Sửu (1289). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 56b và tờ 57a) chép rằng:

“Mùa hạ, tháng 4, định công dẹp giặc Nguyên. Tấn phong Hưng Đạo Vương làm đại vương, Hưng Vũ Vương làm khai quốc công, Hưng Nhượng Vương làm tiết độ sứ. Người nào có công lớn thì được ban quốc tính, Khắc Chung được dự trong số này, lại được nhận chức đại hành khiển. Đỗ Hành chỉ được phong quan nội hầu, vì khi bắt được Ô Mã Nhi không dâng lên quan gia (vua - ND) lại dâng lên thượng hoàng. (Theo điển lễ của nhà Trần, làm như vậy là mang tội bất kính với vua. Ngoài các quan làm ở cung Thánh Từ (nơi làm việc của thượng hoàng), trăm quan có việc gì cần, nhất thiết phải tâu vua, không được quyền bỏ qua vua mà tâu thẳng lên thượng hoàng). Hưng Trí Vương không được thăng trật vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở mà lại còn đón đánh chúng. Cho tù trưởng Lạng Giang là Lương Uất làm trại chủ Quy Hóa, Hà Tất Năng làm quan phục hầu vì đã có công chỉ huy người Man đánh giặc. Việc thưởng đã xong, vẫn có người thắc mắc. Thượng hoàng dụ họ rằng:

- Nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ (giặc Nguyên - ND) sẽ không vào cướp nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, nhất vạn giặc Hồ trở lại và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ!

Nghe thế, mọi người đều vui vẻ phục tùng.”

Lời bàn: Trong vòng ba năm mà đã có đến hai trận đại binh đao (1285 và 1288), nhà Trần canh cánh nỗi lo nạn can qua khi đất nước đang hồi thái bình là chí phải. Kẻ bốc đồng thường cạn nghĩ, chỉ thích hả dạ hôm nay mà không tính đến việc dự phòng cho hậu vận. Lời của thượng hoàng thật đáng để cho hậu thế suy ngẫm lắm thay. Người kể chuyện muốn nói rằng, lời vàng ngọc ấy thật cực kì tuyệt diệu, nhưng lại sợ linh hồn của thượng hoàng còn lẩn quất đâu đây, biết đâu, ngài lại chẳng hiển linh, thác mộng mà nghiêm khắc phê rằng: nếu có lời của người sau hay hơn lời của ta thì nhà ngươi sẽ diễn đạt ra sao, lẽ đâu lại là cực cực kì tuyệt diệu vô cùng! Sợ thay.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3