Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 21 - 22

21. LÒNG THÀNH CỦA TRẦN HƯNG ĐẠO

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên lần thứ hai (1285), để tránh thế giặc đang hăng, nhà Trần đã chủ động tổ chức lui quân, nhằm bảo toàn lực lượng để tìm cơ hội phản công. Bởi chủ trương đó, hàng loạt các cuộc nghi binh cực kì tài giỏi đã được thực hiện. Giặc không sao tìm được chủ lực của ta, không sao tìm được đầu não của cuộc kháng chiến lúc ấy là triều đình nhà Trần. Trong giai đoạn ấy, thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phải bôn tẩu đó đây, chịu đựng cực nhọc và hiểm nguy chẳng phải là ít. Trần Hưng Đạo thường theo xa giá đi hầu cận. Bấy giờ, ông đã là bậc lão thần, đi đâu cũng chống gậy, một chiếc gậy ở đầu có bịt sắt nhọn.

Trước đó, thân sinh của Trần Hưng Đạo là An Sinh Vương Trần Liễu có hiềm khích với vua Trần Thái Tông và trước khi chết, An Sinh Vương Trần Liễu lại còn có lời trăn trối với Trần Hưng Đạo rằng: “Con phải trả thù cho cha, rồi nhân đó, đoạt luôn ngôi báu thì cha mới có thể thanh thản yên nghỉ dưới suối vàng.” Bởi thế, nhiều người không khỏi nghi kị Trần Hưng Đạo. Biết ý, Trần Hưng Đạo vội vứt bỏ đầu sắt nhọn, chỉ chống gậy gỗ không mà thôi. Bấy giờ, mọi người mới thực sự an tâm.

Về chuyện này, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 47b) có ghi lại lời bàn của Ngô Sĩ Liên như sau: “Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử như hào cửu tứ của quẻ Tùy (nghĩa là phải thành thực, phải đạo, sáng suốt xử trí - ND) thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp, nếu không sẽ mang tai vạ. Quách Tử Nghi nhà Đường, Trần Quốc Tuấn nhà Trần đã làm được như vậy.”

Hóa ra, người chống gậy không để tâm ở gậy, nhưng người nhìn người chống gậy chừng như lại thấy gậy ấy có chứa cái tâm. Miếng sắt bịt gậy nặng chẳng đáng là bao, vậy mà vứt nó đi, ai cũng thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Mới hay, lòng thành phải được thể hiện một cách nghiêm cẩn qua từng chi tiết nhỏ, thì lòng thành ấy mới được người đời xác nhận vậy.

22. CÁI CHẾT CỦA TRẦN ÍCH TẮC

Trần Ích Tắc là con thứ của Trần Thái Tông (1225 - 1258), em ruột của Trần Thánh Tông (1258 - 1278) và là chú ruột của Trần Nhân Tông (1278 - 1293). Ngay lúc còn nhỏ, Trần Ích Tắc đã nổi tiếng thông minh tài trí, năm 1267 lại được phong vương, danh tiếng và quyền uy lừng lẫy một thời.

Nhưng, khác hẳn với cha, anh và cháu ruột của mình, Trần Ích Tắc thuộc làu kinh sử mà chẳng biết gì về thời thế, uyên bác mà hẹp hòi, ích kỉ đến độ quên hết giang sơn, xã tắc. Năm 1285, quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, Trần Ích Tắc đã cùng bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long... đem gia quyến đi đầu hàng Thoát Hoan. Về hành động nhục nhã này, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 47b và 48a) chép: “Trước kia, khi Ích Tắc chưa sinh, Thái Tông mộng thấy thần nhân ba mắt từ trên trời xuống, nói với Thái Tông rằng, thần bị thượng đế quở trách, xin thác sinh làm con vua, sau lại sẽ về phương Bắc. Đến khi Ích Tắc sinh, giữa trán có cái vết lờ mờ như hình con mắt, hình dáng giống hệt người trong mơ. Đến năm mười lăm tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật, vẫn còn có ý tranh đoạt ngôi đích trưởng. Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn, xin quân Nguyên xuống Nam. Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Người Nguyên phong cho Ích Tắc làm An Nam quốc vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc.”

Lời bàn: Từng nghe nói đến chết trận, chết bệnh, chết già, chết đói, hoặc giả là chết vì uất ức, đến đây lại có thêm cái chết vì hổ thẹn. Sử chép chuyện nằm mơ của Trần Thái Tông, có lẽ cũng chỉ cốt để bào chữa khéo cho Trần Ích Tắc đó thôi. Song, bàn tay nhỏ chẳng thể che hết được nắng trời, năm 1289, Trần Ích Tắc và bọn phản bội bị triều Trần đem ra xử tội vắng mặt Trần Ích Tắc vì là bậc đại tôn thất nên không bị đổi thành họ Mai (như Trần Kiện bị đổi là Mai Kiện), nhưng lại bị gọi là Ả Trần, ý nói nhát gan như đàn bà vậy. Than ôi, sử thần xưa đã nương tay không phải chỗ, đàn bà thời Trần dũng cảm đánh giặc, để lại biết bao gương sáng cho đời sau noi theo, nào ai hèn nhát và cam tâm theo giặc như Trần Ích Tắc đâu!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3