Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 23 - 24

23. TÀI VÀ ĐỨC CỦA TRẦN KHÁNH DƯ

Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 52b, 53a và 53b) có đoạn chép về Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư như sau:

“Khi ấy (1288 - ND), thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh thất lợi, thượng hoàng hay tin liền sai trung sứ đến xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói với trung sứ rằng: “Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất vài ba ngày để tôi mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn.” Trung sứ theo lời xin đó. Khánh Dư đoán biết thủy quân giặc đã qua, thuyền vận tải lương tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu, thuyền vận tải quả nhiên đến, Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được quân lương, khí giới nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Khánh Dư vội sai lính chạy ngựa về báo ngay. Thượng hoàng tha cho tội cũ và nói: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo, khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng.” Nói rồi bèn thả tù binh về doanh trại quân Nguyên để báo tin. Quân Nguyên quả nhiên rút lui, cho nên, vết thương của dân không thảm thê như những năm trước. Khánh Dư có phần công lao trong đó.

Trước đây, Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, mọi thức ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên, quần áo, đồ dùng đều theo tục của người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang và ra lệnh rằng, quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt. Vậy, phải đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón), ai trái tất phải phạt. Nhưng, Khánh Dư đã ngầm sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, thuyền chở nón đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ban ra, Khánh Dư lại ngầm sai người phao tin trong trang rằng, hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đến đậu. Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón. Ban đầu, mua không tới một tiền, sau giá đắt một chiếc nón đổi một tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người khách phương Bắc có câu: “Vân Đồn gà chó hết thảy đều kinh sợ”, là nói thác sợ phục uy danh của Khánh Dư, mà thực là châm biếm ngầm ông ta.”

Lời bàn: Nhờ tài cao mà lập được công lớn, nhưng cũng bởi đức mỏng mà để tiếng xấu với đời. Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư quả có lí lịch khác thường vậy. Sau, Trần Khánh Dư còn nói: “Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ.” Sợ thay!

Hóa ra, kẻ cầm quyền mà tham lam cũng kể như là giặc trong chỗ tưởng như không có giặc vậy.

24. LÊ TÒNG GIÁO VÀ ĐINH CỦNG VIÊN

Trong triều đình nhà Trần có hai cơ quan khá đặc biệt. Cơ quan thứ nhất là Hàn lâm viện, chuyên lo soạn thảo ý vua thành văn bản hẳn hòi. Cơ quan thứ hai là ti Hành khiển, chuyên nhận bản thảo của Hàn lâm viện để tuyên đọc cho đình thần nghe. Quan hành khiển muốn đọc lưu loát, cắt nghĩa rạch ròi thì phải có bản thảo trước mấy hôm để xem qua. Năm 1288, quan coi Hàn lâm viện là Đinh Củng Viên và quan coi ti Hành khiển là Lê Tòng Giáo lại có chuyện xích mích với nhau. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 55a và 55b) chép rằng: “Ngày tuyên đọc lời vua đã đến rồi mà Củng Viên vẫn cố ý không đưa bản thảo. Tòng Giáo đòi nhiều lần vẫn không được. Hôm ấy, xa giá sắp ra ngoài cung, Củng Viên mới đưa bản thảo. Tòng Giáo tuyên đọc tờ chiếu đại xá, âm nghĩa không rõ nên phải im lặng. Vua gọi Củng Viên đứng đàng sau nhắc bảo âm nghĩa, Tòng Giáo rất thẹn. Tiếng nhắc của Củng Viên to dần mà tiếng đọc của Tòng Giáo lại nhỏ đi, trong triều chỉ còn nghe tiếng của Củng Viên mà thôi. Vua về trong cung, gọi Tòng Giáo dụ bảo rằng Củng Viên là sĩ nhân, người là trung quan (tức quan hoạn - ND), sao lại bất hòa đến thế? Ngươi là lưu thủ Thiên Trường, dùng con rươi, quả quýt làm quà đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có việc gì? Từ đó, Tòng Giáo và Củng Viên giao hảo với nhau rất gắn bó.”

Về chuyện này, sử thần Ngô Sĩ Liên có một lời bàn khá dài, xin được trích một đoạn như sau: “Vua bảo bề tôi giao hảo với nhau là để cùng nhau làm tốt việc của nhà vua. Nhà Trần trung hậu như thế nào, kể cũng đã đủ rõ. Nhưng, lấy hoạn quan không biết chữ làm hành khiển cũng không phải.”

Chép chuyện này vào bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 8, tờ 10) các sử gia trong quốc sử quán triều Nguyễn cũng có một lời phê rất ngắn gọn, nguyên văn như sau: “Ông vua này có thể gọi là thiên tử hòa giải.”

Tiếp lời các sử thần lỗi lạc xưa, người kể chuyện cũng xin có thêm lời bàn mạo muội như sau: Lê Tòng Giáo quả không tự biết mình, chữ nghĩa kém cỏi mà dám nhận chức vị cao, bị Đinh Củng Viên chơi khăm cũng dễ hiểu. Tòng Giáo tuy bị mất mặt trước bá quan văn võ, nhưng, chính nhờ đó mà các quan nối chức sau Tòng Giáo phải lo học hành sao cho xứng với chức vị của mình. Kể ra nếu vua Trần Nhân Tông bắt Tòng Giáo học hành nghiêm chỉnh thì có lẽ hay hơn việc chỉ cho Tòng Giáo đi tặng quà cho Củng Viên.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3