Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 39 - 40

39. TRẦN MINH TÔNG DẠY HOÀNG TỬ

Trần Minh Tông húy là Mạnh, được vua cha là Trần Anh Tông truyền ngôi năm 1314, ở ngôi vua mười lăm năm, nhường ngôi cho con là thái tử Vượng (tức vua Trần Hiến Tông sau này) năm 1329 để làm thái thượng hoàng hai mươi tám năm, mất ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357), thọ năm mươi tám tuổi.

Bình sinh, thượng hoàng Trần Minh Tông thường hay lấy gương tốt, xấu của bề tôi các đời vua trước và lấy ngay nếp sống thanh đạm của chính mình để dạy các vị hoàng tử. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 9, tờ 27 và 28) chép rằng:

“Sau khi đã nhường ngôi, thượng hoàng lui về ở hành cung phủ Thiên Trường, mỗi khi các hoàng tử vào chầu, thượng hoàng thường bình luận đến nhân vật bản triều. Uy Túc Vương Văn Bích nói:

- Phàm bình luận nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nói đến việc của người hay, còn việc người dở, hãy gạt bỏ đi, không nên nói để cho người nghe bắt chước.

Thượng hoàng nói:

- Việc làm của kẻ hay, người dở đều nên bàn đến cả, không thể gác bỏ thiên lệch được. Nếu con ta quả là người hiền thì nghe việc hay tất nghe mà bắt chước, nghe việc dở tất ghét mà tránh đi. Thế thì, kẻ hay, người dở đều có thể làm gương cả. Nếu con ta quả không hiền thì cứ gì phải thấy việc dở rồi sau mới bắt chước. Cứ xem như Thái Khang (vua thất đức của nhà Hạ, sau bị Hậu Nghệ đuổi đi - ND) là kẻ hôn quân, thì có phải vì ông vua đời trước chơi bời luông tuồng mà Thái Khang bắt chước đâu? Dưỡng Đế nhà Tùy, miệng nói việc của Nghiêu, Thuấn mà làm thì bạo ngược hơn Kiệt, Trụ, thế có phải thấy người hay mà bắt chước được đâu?

Uy Túc Vương nghe nói, cúi đầu tạ tội.

Một hôm, thượng hoàng mời Huệ Túc Vương là Đại Niên vào tẩm điện (nơi ăn ngủ của vua - ND), bảo ngồi chơi. Thượng hoàng ăn cơm chay. Huệ Túc Vương vốn tính hay bài bác đạo Phật và đạo Lão, nhân đó nói rằng:

- Thần không biết ăn chay có lợi ích gì?

Thượng hoàng dụ bảo:

- Ông cha ngày trước ăn chay nên ta cũng bắt chước, còn như bảo rằng ăn chay có ích lợi hay không thì ta không biết.

Huệ Túc Vương lặng lẽ lui ra.”

Lời bàn: Dạy con, trước phải hiểu con. Minh Tông hiểu con mình cũng là hàng hiền nhân quân tử nên mới bạo dạn đem hết việc hay dở của người xưa ra bàn. Đã bàn thì phải tin ở người nghe. Uy Túc Vương Văn Bích là bậc vương giả mà thiếu hẳn niềm tin ở các bậc vương giả, cúi đầu tạ tội là phải lắm.

Huệ Túc Vương bài bác việc ăn chay, nào biết bữa cơm chay của thượng hoàng chẳng phải tình cờ mà Huệ Túc Vương thấy được. Hẳn là khi biết mình lỡ lời mà lặng lẽ lui ra. Huệ Túc Vương phải hiểu được thâm ý của thượng hoàng. (Thời ấy Phật giáo được coi là quốc giáo, ăn chay là việc thường. Bài bác xã hội ăn chay cũng là xúc phạm quốc giáo, hậu quả của việc làm dại dột ấy thật khó mà lường trước được.) Phép dạy người của thượng hoàng Minh Tông quả đáng ghi vào sử sách.

40. VUA TRẦN DẠY HIỆU KHẢ

Dưới triều Trần Minh Tông (1314 - 1329) có viên quan tên là Hiệu Khả, tài cán chẳng bao nhiêu nhưng lại liến thoắng và hay nịnh hót, đã thế còn ăn ở bất hiếu với cha mẹ. Sách Đại Việt sứ kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 45b) có chép hai chuyện vua Trần dạy Hiệu Khả.

Chuyện thứ nhất kể rằng, một lần, vua Trần Minh Tông muốn thử lòng dạ Hiệu Khả, liền lấy ra hai cái tráp đựng quần áo, sai Hiệu Khả xếp loại tốt, xấu. Hiệu Khả chưa làm, vua đã nói:

- Một cái thì do chính tay thái thượng hoàng tự làm, một cái do nội nhân Lê Kế làm. Ta thấy cả hai đều tinh xảo, ngươi nói cái nào khéo hơn.

Hiệu Khả xem đi xem lại một lúc lâu rồi nói giọng úp mở theo kiểu nước đôi rằng:

- Chúa thượng có cái khéo của chúa thượng, bề tôi cũng có cái khéo của bề tôi.

Vua Trần Minh Tông nghe xong liền phì cười.

Chuyện thứ hai kể rằng, có lần, Hiệu Khả ca ngợi vua Trần Minh Tông giỏi hơn vua cha là Trần Anh Tông (1293 - 1314). Vua biết Hiệu Khả là kẻ bất hiếu, muốn cho Hiệu Khả một bài học, bèn nghiêm sắc mặt, ngăn không cho Hiệu Khả nói tiếp, rồi phán rằng:

- Ai mà khen người khác giỏi hơn cha họ thì người ấy hẳn là bất hiếu với cha mẹ mình.

Lời bàn: Nếu phỗng đá mà biết nghe thì nghe xong chuyện thứ nhất, phỗng cùng phải phì cười, nhưng là cười khẩy chớ không phải là cười suông như vua Trần; nghe xong chuyện thứ hai, phỗng cũng phải chảy nước mắt, nhưng không phải vì buồn mà là vì thẹn. Sử cũ nói Hiệu Khả là kẻ lòng dạ trí trá, kể cũng chí lí lắm thay. Người xưa nói, làm con bất hiếu thì làm bạn tất sẽ bất nghĩa, làm tôi tất sẽ bất trung. Ai dám bảo lời ấy là ngoa!