Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 41 - 42 - 43

41. TRẦN KHẮC CHUNG BỊ PHẠT TỘI

Sau vụ tư thông với công chúa Huyền Trân (10 - 1307), uy danh của quan hành khiển Trần Khắc Chung suy giảm rõ rệt. Các quan trong triều thường kiếm cớ để đàn hặc ông, kể cả khi xem ra ông chẳng có lỗi gì đáng kể. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6) có chép lại hai chuyện Trần Khắc Chung bị đàn hặc và bị phạt. Chuyện thứ nhất (chép ở tờ 33a) xảy ra vào tháng 6 năm 1315, dưới đời Trần Minh Tông (1314 - 1329).

“Lúc ấy Trần Khắc Chung làm chức hành khiển. Quan Ngự sử dâng sớ nói rằng, chức vụ của tể tướng, trước hết phải lo điều hòa âm dương. Nay Khắc Chung ở ngôi tể tướng, không biết phối hợp trời đất cho khí tiết điều hòa, để đến nỗi mưa nắng trái trời, thế là làm quan không được công trạng gì cả. Khắc Chung cãi, tôi lạm giữ chức tể tướng, chỉ biết cố sức làm những việc mà chức vụ phải làm, còn như hạn hán thì hỏi ở Long Vương, Khắc Chung đâu phải là Long Vương mà đổ tội được. Sau, nước sông lên cao, vua đích thân đi xem xét việc đắp đê. Quan Ngự sử lại tâu, bệ hạ nên chăm sửa đức chính chớ xem làm gì việc đắp đê nhỏ nhặt ấy. Nghe thế, Khắc Chung nói, khi dân bị nạn lụt, người làm vua phải cứu giúp tai họa khẩn cấp đó, sửa đức chính không gì lớn hơn là việc này, cần gì phải ngồi thinh, tư lự rồi bảo là sửa đức chính.”

Chuyện thứ hai (chép ở tờ 45 a-b), xảy ra vào mùa hè năm 1327, cũng dưới thời vua Trần Minh Tông. Chuyện kể rằng:

“Mùa hạ, tháng 5, sét đánh lăng tẩm, quần thần bàn việc ấy. Vua xuống chiếu phạt bọn Thiếu bảo Trần Khắc Chung và Hành khiển Đoàn Nhữ Hài, nặng nhẹ khác nhau. Sau hôm sét đánh, các quan họp bàn ở Nội Nhân Văn Cục. Các vương hầu cùng giải lao với Trần Khắc Chung và Đoàn Nhữ Hài. Khắc Chung nói chuyện với giọng hài hước, Nhữ Hài vội đứng dậy bỏ đi. Khắc Chung nói xong, mọi người đều cười, bị quan ngự sử hặc tội, vua liền xuống chiếu phạt Khắc Chung và Nhữ Hài. Nhữ Hài cãi, lúc cười đùa thì thần đã đi rồi. Vua nói, Nhữ Hài nghe biết là đùa cợt mà không ngăn, lại bỏ mà đi, thế là cốt ý hãm thầy vào tội lỗi mà tính kế né tránh cho mình. Rất cuộc vẫn phạt cả Nhữ Hài.”

Lời bàn: Cười khi nghỉ giải lao có lẽ chưa phải là lỗi, cái lỗi là ở chỗ người từng phạm lỗi như Trần Khắc Chung sao còn dám cười. Quan ngự sử vạch lá tìm sâu, lẽ ấy cũng dễ hiểu. Vua phạt Trần Khắc Chung, lại phạt luôn Đoàn Nhữ Hài, ấy là nhà vua muốn nhân một chuyện cụ thể để dạy các quan không được vu hãm lẫn nhau đó thôi.

42 - TRẦN ANH TÔNG TRẢ LỜI SƯ PHỔ HUỆ

Ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320), thượng hoàng Trần Anh Tông mất, thọ bốn mươi bốn tuổi (1276 - 1320). Những ngày Anh Tông ngả bệnh, bà Bảo Từ thái hậu cho gọi nhà sư Phổ Huệ (cũng có sách viết là Phổ Tuệ) đến chùa Phổ Minh mở hội Quán đỉnh (Abhiseka), cầu Phật cứu độ cho Anh Tông mau khỏi. Nhưng rồi bệnh tình Anh Tông mỗi lúc một nặng thêm. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 39b) chép rằng:

“Anh Tông bệnh vừa chuyển nặng, Phổ Huệ xin được gặp để trình bày sự sống chết. Anh Tông sai người ra trả lời rằng:

- Sư hãy đến đây, ta chết rồi, quan gia (chỉ vua Trần Minh Tông) có sai bảo gì thì cứ việc làm. Còn như chuyện sau khi chết ra sao thì nhà sư cũng chưa chết, biết sao được mà trình bày việc chết với ta.”

Lời bàn: Thời Trần, Phật giáo thịnh lắm. Nhiều vua Trần đi tu. Chính thân phụ của Anh Tông là Trần Nhân Tông, sau khi nhường ngôi một thời gian ngắn cũng đã đi tu, là người sáng lập, cũng là đệ nhất tổ của phái thiền tông Trúc Lâm Yên Tử. Ở giữa thời Phật thịnh đến thế mà vẫn không thèm nghe nhà sư nói sự sống chết thì kể cùng là điều lạ.

43. TẤM LÒNG CỦA ĐẶNG TẢO VÀ LÊ CHUNG

Đặng Tảo đỗ thái học sinh (tức Tiến sĩ), làm quan dưới triều Trần Anh Tông (1293 - 1314), rất được nhà vua tin dùng nên luôn được hầu cận. Lê Chung tuy chỉ là gia nhi (tức tôi tớ) nhưng nhờ lòng thành và siêng năng chăm chỉ, nên cũng được vua Trần Anh Tông rất mực thương yêu. Năm 1314, Trần Anh Tông nhường ngôi cho con để lên làm thái thượng hoàng, Đặng Tảo và Lê Chung cùng được Anh Tông cho theo hầu. Năm 1320, Anh Tông lâm bệnh nặng, Đặng Tảo ngày đêm túc trực bên giường để sẵn sàng viết di chiếu, còn Lê Chung thì lo săn sóc mọi sự cho thượng hoàng. Khi Trần Anh Tông mất, vua Trần Minh Tông tự mình lo việc khâm liệm. Giúp việc hệ trọng này, ngoài quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn, vua cũng chỉ cậy nhờ thêm Đặng Tảo và Lê Chung mà thôi. Vậy mà an táng xong xuôi, Đặng Tảo và Lê Chung không màng đến ân thưởng. Cả hai cùng dọn nhà đến Yên Sinh để trông nom lăng tẩm của thượng hoàng Anh Tông.

Hằng năm, vua Trần Minh Tông đều về bái yết lăng tẩm, nhưng lần nào Đặng Tảo và Lê Chung cũng lánh mặt, chẳng hề kể công để xin riêng điều gì. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 40a) chép rằng:

“Vua thương Tảo nghèo, ban cho hai mươi mẫu ruộng, sai quan là Trần Thế Hưng mang giấy đến cho. Ruộng này, do trước đã ban cho thứ phi của vua là bà Thiên Xuân nên bà Thiên Xuân cứ giữ lấy giấy cũ mà cày cấy, vậy mà Tảo cũng không tranh chấp. Thế Hưng hay được, liền tâu thực với vua. Vua lập tức thu giấy của Thiên Xuân, đem ruộng ban cho Tảo, vậy mà Tảo cũng chẳng lấy làm mừng. Lê Chung thì dời hết cả mồ mả tổ tiên, bán hết gia tài điền sản, đem gia quyến vợ con đến Yên Sinh, chôn cất và làm nhà ở đấy. Cả hai người đều ở Yên Sinh cho đến lúc mất.”

Lời bàn: Người xưa hay ghép lợi với danh để rồi luẩn quẩn suốt đời trọng vọng danh lợi. Ông nghè Đặng Tảo và gia nhi Lê Chung thì khác hẳn. Hai người tuy phận có khác nhau mà tâm thành thì chỉ là một. Dẫu đã có Trần Thế Hưng nhắc nhở, vua Trần Minh Tông cũng chẳng thoát tiếng vô tâm. Đặng Tảo mất ruộng không hề buồn, được ruộng không hề vui, bởi hai chục mẫu ruộng đâu có thể sánh được với tấm lòng bao la của ông.