Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 56 - 57 - 58

56. HIẾN TỪ TUYÊN THÁNH THÁI HOÀNG THÁI HẬU

Hiến Từ Tuyên Thánh thái hoàng thái hậu nguyên là trường nữ của đại vương Trần Quốc Chẩn, được vua Trần Minh Tông sách phong làm hoàng hậu vào tháng 12 năm Quý Hợi (1323). Đến năm Đinh Dậu (1357), Trân Minh Tông mất, bà được vua Trần Dụ Tông tôn phong làm thái hoàng thái hậu. Ngày 14 tháng 12 năm Kỉ Dậu (1369), bà bị kẻ tiếm ngôi là Dương Nhật Lễ giết chết. Nhân cách của bà ra sao, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 30 a-b và tờ 31 a-b) vừa chép vừa bàn rất xác đáng như sau:

“Thái hậu vốn tính nhân hậu, có nhiều công lao giúp dập. Trước kia, khi Minh Tông còn ngự ở Bắc cung, có tên gác cổng bắt được một con cá bống trong giếng Nghiêm Quang, mồm có ngậm vật lạ, moi ra thấy có chữ, toàn những lời trù yểm, ghi tên Dụ Tông, Cung Túc, Thiên Ninh (đều là con đẻ của Hiến Từ). Tên gác cổng cầm lá bùa tâu lên vua. Minh Tông sợ lắm, truyền bắt hết cung nhân, bà mụ, thị tì ra tra hỏi. Thái hậu thưa:

- Khoan đã, sợ trong đó có kẻ bị oan, thiếp xin tự mình bí mật xét hỏi trước.

Minh Tông nghe theo. Thái hậu sai người hỏi tên gác cổng:

- Gần đây, phòng nào trong cung có mua cá bống?

Tên gác cống trả lời là thứ phi Triều Môn. Thái hậu nói cho Minh Tông biết, Minh Tông lập tức ra lệnh tra xét cho ra. Thái hậu tâu rằng:

- Đây là việc trong cung, không nên hở ra ngoài. Thứ phi Triều Môn là con gái của Cung Tĩnh Vương, nếu để hở ra thì quan gia sẽ sinh hiềm khích với thái úy. Thiếp xin bỏ qua chuyện này, không xét hỏi nữa.

Minh Tông khen bà là người hiền. Đến khi Minh Tông băng, vị tướng quân là Trần Tông Hoắc muốn tỏ ra trung thành với Dụ Tông, bèn thêu dệt việc này, làm thái úy suýt nữa bị hại, nhờ thái hoàng cố sức cứu đỡ mới thoát. Người bấy giờ ca ngợi bà là đã trọn đạo làm mẹ, tuy là phận con trưởng, con thứ không giống nhau, mà lòng nhân từ của bà thì đối với con nào cũng thế. Với bà, ân nghĩa vua tôi, cha con, anh em, không một chút thiếu sót, từ xưa đến nay chưa ai có được như vậy. Người xưa có nói ‘Nghiêu, Thuấn trong nữ giới’, thái hậu được liệt vào hàng ấy. Bà từng hối tiếc về việc lập Nhật Lễ. Sau Nhật Lễ ngầm đánh thuốc độc giết bà.”

Người kể chuyện không dám góp thêm lời bàn, chỉ xin có một chú thích nhỏ: mấy chữ “Nghiêu Thuấn trong nữ giới” vốn là lời vua Tống Anh Tông (Trung Quốc) ca ngợi Cao hoàng hậu nhà Tống, nguyên văn phiên âm Hán Việt là “Nữ trung Nghiêu Thuấn”.

57. CHU VĂN AN

Chu Văn An sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông mất vào năm Canh Tuất (1370), được vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372) truy tặng tước công và được tòng tự (cho được thờ tự) ở Văn Miếu. Ông tên chữ là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, thụy là Văn Trinh. Sử cũ đã trang trọng dành nhiều đoạn để ca ngợi danh tiết của ông, nay xin theo Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 34 a-b và tờ 35 a-b) kể tóm lược như sau:

“(Chu Văn) An người Thanh Đàm (nay là Thanh Trì, ngoại ô Hà Nội - ND), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng khắp cõi, học trò đầy nhà. Có người đỗ đại khoa như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát, làm đến chức hành khiển mà vẫn nghiêm giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi mới đi xa là lấy làm mừng lắm. Kẻ xấu thì ông nghiêm khắc quát mắng, thậm chí la thét không cho vào. Ông sống trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy.

Vua Minh Tông mời ông làm quốc tử giám tư nghiệp và dạy thái tử. Vua Dụ Tông ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần lắm kẻ coi thường phép nước, (Chu Văn) An khuyên can mà Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ có thế lực, được vua yêu, người bấy giờ gọi sớ ấy là ‘thất trảm sớ’. Nhưng, sớ ấy dâng lên mà không được vua trả lời, ông liền treo mũ áo mà về quê.

Ông thích núi Chí Linh (Hải Dương - ND), bèn đến ở đấy, khi nào có triều hội lớn thì về kinh sư. Dụ Tông đem chính sự giao cho ông nhưng ông từ chối không nhận. Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo:

- Ông ta là người không thể bắt làm tôi được, ta làm sao mà có thể sai bảo được ông ta.

Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông, ông lạy tạ ơn xong rồi đem cho người khác hết, thiên hạ cho ông là bậc cao thượng. Đến khi Dụ Tông băng (1369), giềng mối họ Trần suýt mất, nghe tin các quan lập vua mới (chỉ Trần Nghệ Tông - ND), ông mừng lắm, chống gậy đến xin bái yết, xong lại trở về quê, từ chối không nhận chức gì cả. Ông mất, vua sai quan đến tế, ban tặng tên thụy là Văn Trinh. Ít lâu sau lại lệnh cho ông được tòng tự ở Văn Miếu.”

Lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên: “Người hiền được dùng ở đời thường lo vua không thi hành điều sở học của mình. Vua thì dùng người hiền mà hay lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên, vua tôi gặp nhau, từ xưa đã là rất khó. Nho gia nước Việt ta được dùng rất nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh kẻ thì lo làm giàu, kẻ chỉ xu phụ, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, ít ai chịu để tâm đến đạo đức, lo nghĩ việc giúp vua, nêu đức tốt để cho dân được nhờ. Tô Hiến Thành thời Lý và Chu Văn Trinh đời Trần có lẽ cũng gần được (là người để tâm đến đạo đức, giúp vua nêu gương sáng cho đời). Nhưng Hiến Thành gặp được vua sáng nên công danh sự nghiệp được thấy ngay đương thời, còn Chu Văn Trinh đời Trần không gặp được vua anh minh nên chính học của ông phải đến đời sau mới thấy được. Văn Trinh thờ vua thì thẳng thắn mà can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lí, đào tạo người tài thì công khanh đều ở cửa nhà ông mà ra, tiết tháo của ông cao thượng đến thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được. Huống chi, tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há kẻ điêu ngoa lại không thành liêm chính, kẻ yếu hèn lại không biết tự lập hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông xứng đáng được coi là ông tổ của Nho gia nước Việt để thờ trong Văn Miếu. Những người khác như Trần Nguyên Đán là bậc hiền tài trong khanh sĩ, cùng họ với vua, tuy có khí phách trung phẫn nhưng lại bó tay bỏ mặc vận nước không biết làm sao, chỉ lánh quyền tướng quốc để mong bảo toàn gia thuộc. Trương Hán Siêu là quan văn học, tài vượt hẳn mọi người, tuy cứng cỏi, chính trực nhưng lại chơi với kẻ không đáng chơi, gả con gái cho người không đáng gả. Họ so với Văn Trinh có gì đáng kể, huống hồ những kẻ còn kém hơn hai ông này.”

(Đây là lời Ngô Sĩ Liên, cơ sở chứng cứ của những lời bàn này đến nay vẫn chưa được biết đầy đủ. Sinh thời Trương Hán Siêu không chơi với văn quan hay võ quan mà chỉ thích giao du với hoạn quan. Có lẽ vì thế mà bị Ngô Sĩ Liên cho là “chơi với những kẻ không đáng chơi” chăng? Riêng việc gả con cho những người không đáng gả thì vẫn chưa rõ, chỉ xin dẫn nguyên văn lời của Ngô Sĩ Liên mà thôi - ND.)

58. HÔN ĐỨC CÔNG DƯƠNG NHẬT LỄ

Vua Trần Minh Tông có bảy vị hoàng tử. Năm 1329, Minh Tông nhường ngôi cho hoàng tử trưởng là thái tử Vượng, đó là vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341) để lên làm thái thượng hoàng. Ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị (1341), vua Trần Hiến Tông mất, con thứ của Minh Tông là hoàng tử Hạo lên ngôi, đó là vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369).

Về thế thứ, Hạo là hoàng tử thứ tư, trên Hạo, ngoài vua Hiến Tông đã mất, còn có Cung Túc Vương Dục và Cung Tín Vương Trạch.

Ngày 25 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369), vua Trần Dụ Tông mất, cuộc tranh giành quyền lực trong quý tộc bắt đầu. Hoàng hậu của Minh Tông, lúc này được tôn là Hiến Từ Tuyên Thánh thái hoàng thái hậu, đã ủng hộ con thứ của Cung Túc Vương Dục là Nhật Lễ lên nối ngôi. Bấy giờ, Cung Túc Vương Dục đã mất, Nhật Lễ cũng không phải là con đẻ của ông. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 29a) chép rằng:

“Nhật Lễ là con của người làm trò tên là Dương Khương. Mẹ Nhật Lễ khi diễn trò có tên là Vương Mẫu. Sở dĩ có tên này vì bà hay diễn tích ‘Vương Mẫu hiến bàn đào’ mà vai Vương Mẫu do bà đóng, nhân đó lấy làm tên mình. Bấy giờ, bà đang có thai, Dục thích sắc đẹp nên lấy làm vợ, khi bà sanh, Dục nhận (Nhật Lễ) làm con mình. Lúc ấy, thái hậu bảo các quan rằng, Dục là con đích trưởng mà không được nối ngôi vua, lại sớm lìa đời, Nhật Lễ chẳng phải là con Dục đó sao. Nói rồi, đón Nhật Lễ làm vua, truy phong Dục làm thái bá.”

Nhật Lễ lên ngôi, tôn phong bà Hiến Từ Tuyên Thánh làm thái hoàng thái hậu, nhưng chỉ được sáu tháng sau thì đánh thuốc độc giết chết bà ở ở trong cung. Nhật Lễ lấy lại họ Dương, hòng cướp lấy ngôi báu của họ Trần. Cũng sách nói trên (tờ 31b) viết rằng:

“Nhật Lễ tiếm vị, rượu chè dâm dật, hằng ngày chỉ rong chơi, thích các trò hát xướng, muốn đổi lại họ Dương, các bậc tôn thất và quan lại đều thất vọng.”

Tháng 11 năm Canh Tuất (1370), Nhật Lễ bị tôn thất nhà Trần và triều thần hợp sức lật đổ. Nhật Lễ bị giáng làm Hôn Đức Công, còn mẹ Nhật Lễ thì chạy vào cầu cứu Chiêm Thành, chiến tranh Chiêm - Việt từ ấy xảy ra triền miên.

Lời bàn: Trước đó Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật mê ca hát nên trong nhà không lúc nào dứt tiếng cầm ca, người đời không ngớt lời khen là tao nhã cũng chí phải. Cung Túc Vương Dục mê ca hát thì ít mà mê con hát thì nhiều nên bắt luôn con hát là vợ của Dương Khương về làm vợ mình, đâu biết trước đó bà đã mang thai, cho nên, người đời chê bai cũng là chí phải. Mới hay mầm hại của nhân luân và xã tắc vẫn thường nảy nở ở sự ăn chơi trác táng. Nhật Lễ cũng như bao đứa trẻ vô tội khác, tập nhiễm thói hư của Cung Túc Vương Dục từ nhỏ, làm sao mà lớn lên lại có thể có được chút hiếu nghĩa thủy chung.

Cái chết tức tưởi của Hiến Từ Tuyên Thánh thái hoàng thái hậu âu cũng là lời cảnh tỉnh cho những người cầm quyền đã quá cả tin và bất cẩn trong việc chọn người nối nghiệp.

Trong sự giữ gìn, không khó gì bằng giữ đức. Đức nghiệp dòng họ Trần tích tụ hơn một thế kỉ, bỗng chốc bị bọn hôn quân gian thần đổ hết. Cái cơ họ Trần sắp mất ngôi kể thế cũng đã là quá rõ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3