Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 53 - 54 - 55

53. CHUYỆN ĐOÀN KHUNG XÉT ĐOÁN VIỆC CHỮA CHÁY

Đoàn Khung làm quan thời Trần suốt ba đời vua là Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông. Thời Trần Anh Tông (1293 - 1314) ông giữ chức kiểm pháp quan, nổi tiếng là bậc xét án minh bạch, vẫn được vua khen là người thông minh và nhớ lâu.

Thực sự, chức vụ ban đầu của ông là nội thư gia. Bởi chức ấy mà ông luôn có dịp được hầu cận nhà vua, có điều kiện thuận lợi để thi thố tài năng của mình ngay trước mặt vua. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 37a và 37b) có chép một đoạn khá độc đáo thời ông làm chức nội thư gia đời Trần Thánh Tông (1258 - 1278) như sau:

“Hồi đó, nhà dân ở kinh thành thường bị cháy về ban đêm. Vua ra ngoài thành xem xét việc chữa cháy. Nội thư gia Đoàn Khung đi theo. Vua sai điểm xem người nào đến chữa cháy và ai đã đến trước. Khung ấn đầu từng người một, bảo ngồi xuống để đếm, xong, tâu rõ người nào đến trước, người nào đến sau. Vua hỏi: ‘Tại sao biết được?’ Khung trả lời: ‘Thần ấn đầu từng người, thấy ai tóc thấm mồ hôi và có tro bụi bám vào nhiều thì đó là người đến trước và cố sức chữa, người nào đầu tóc không có mồ hôi và tro bụi khô bay là người đến sau không kịp chữa.’

Vua cho là giỏi, có ý cất nhắc để dùng.”

Lời bàn: Vua đích thân đi xem xét việc chữa cháy, đó âu cũng là một sự lạ. Vua kiên nhẫn xem xét cho đến lúc qua cơn hỏa hoạn, lại còn sai quan ghi nhận công lao của từng người chữa cháy, sự ấy có lẽ còn lạ hơn. Gặp được vua ấy, bậc có tài trí như Đoàn Khung được cất nhắc là phải lắm. Tài mọn mà còn được đấng chí tôn biết đến, huống chi kế sách mưu lược lớn của lương thần. Thuật dùng người của Thánh Tông thật đáng để cho chúng ta suy ngẫm lắm thay!

54. DOÃN ĐỊNH VÀ NGUYỄN NHƯ VI BỊ BÃI CHỨC

Năm Nhâm Ngọ (1342), triều Trần sai trùng tu Ngự sử đài. Việc xong, thượng hoàng Trần Minh Tông ngự tới xem xét, cùng đi có quan ngự sử trung tán là Lê Duy theo hầu. Bởi việc này mà các quan giám sát ngự sử là Doãn Định và Nguyễn Như Vi bất bình, rồi cũng vì bất bình mà hóa ra gàn dở nên cả hai bị bãi chức. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 11b và 12a) chép rằng:

“Bấy giờ đã trùng tu xong Ngự sử đài. Sáng sớm, thượng hoàng ngự tới, ngự sử trung tán Lê Duy theo hầu. Thượng hoàng trở về cung rồi Doãn Định và Nguyễn Như Vi mới đến. Cả hai bèn làm sớ kháng nghị, nói là thượng hoàng không được vào Ngự sử đài, lại còn hặc tội Lê Duy không biết can ngăn, lời lẽ rất gay gắt. Thượng hoàng gọi họ đến, dụ rằng:

- Ngự sử đài cũng là một trong các cung điện, chưa từng có cung điện nào mà thiên tử lại không được vào. Vả chăng, trong Ngự sử đài xưa kia còn có chỗ để thiên tử giảng học, các bạ thư chi hậu dâng hầu bút nghiên cũng ở đó cả. Đó là việc cũ về việc thiên tử vào Ngự sử đài. Ngày xưa, Đường Thái Tông còn xem cả thực lục, huống chi là việc vào Ngự sử đài.

Bọn Định cố cãi, mấy ngày vẫn không thôi. Vua (chỉ Trần Dụ Tông - ND) dụ họ hai ba lần cũng không được, bèn bãi chức hết cả.”

Lời bàn: Theo điển lễ, thiên tử không nên tới Ngự sử đài, ấy là vì làm thế sẽ tạo ra sự thân mật quá mức bình thường, khiến các quan ngự sử khó bề can gián khi vua có lỗi. Thiên tử phải chăm chú đọc sử, nhưng chỉ là sử viết về cha ông đã khuất của mình, học chỗ hay, tránh chỗ dở và nghiêm xét lời bình phẩm của sử gia để sửa đức chính, chứ không được đọc thực lục là sử viết về chính mình, cốt giữ cho sử gia sự khách quan và trung thực, không bị mang vạ khi viết về chỗ dở của thiên tử đang trị vì. Thượng hoàng Minh Tông ngự đến Ngự sử đài ngay sau khi mới trùng tu ấy là sự thường, không trái điển lễ. Doãn Định và Nguyễn Như Vi trách cứ cả thượng hoàng trong việc này là quá đáng. Làm phức tạp một việc vốn chỉ rất đơn giản là điều tối kị của đấng chăn dân. Ôi, chính trực và gàn dở vốn dĩ hoàn toàn khác nhau, vậy mà sao người đời dễ lầm lẫn thế!

55. BẢO UY VƯƠNG VỚI CÁI GIÁ CỦA MỘT TẤM ÁO

Tháng 6 năm Đinh Hợi (1347), Bảo Uy Vương phạm tội, bị triều đình nhà Trần đuổi khỏi kinh sư, nói là cho làm chức phiêu kị tướng quân ở trấn Vọng Giang (đất Diễn Châu, Nghệ An ngày nay) nhưng Bảo Uy Vương đi chưa đến nơi thì đã bị võ sĩ của triều đình đuổi theo và giết chết. Vì sao một quý tộc cao cấp như Bảo Uy Vương lại bị giết chết một cách thê thảm như vậy. Đầu đuôi vụ án này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 13b và tờ 14a) chép lại như sau:

“Buổi đầu dựng nước, thuyền buôn nước Tống sang dâng người nước Tiểu Nhân, thân dài bảy tấc, tiếng như ruồi nhặng, không thông ngôn ngữ, lại dâng một tấm vải hỏa hoãn, giá mỗi thước ba trăm quan tiền, cất giữ nhiều đời làm của quý. Sau, đem may áo cho vua (đây chỉ Trần Dụ Tông - ND), vì cắt hơi ngắn nên vua sai cất trong nội phủ. Bảo Uy Vương tư thông với cung nhân và lấy trộm áo ấy. Một hôm, Bảo Uy mặc áo ấy vào trong, mặc thêm áo khác che ở ngoài rồi vào chầu, tâu việc trước mặt thượng hoàng, ngờ đâu, tay áo trong lộ ra. Thượng hoàng trông thấy, có ý nghi bèn sai người kiểm xét lại, quả thấy áo quý cất giữ đã mất. Người cung nhân (tư thông với Bảo Uy Vương) sai thị tì già đến nhà Bảo Uy Vương lấy áo đem về, rồi ngầm đem vào cung dâng trình. Thượng hoàng không nỡ giết, đuổi Bảo Uy ra làm quan ở trấn ngoài, nhưng lại sai võ sĩ đi thuyền nhẹ đuổi theo, trên sông Vạn Nữ (tức sông Trinh Nữ ở Yên Mô, Ninh Bình) thì kịp, giết chết Bảo Uy Vương, quăng xác vào bãi cát rồi về.”

Lời bàn: Người nước Tiểu Nhân, chắc chỉ là người lùn không rõ lái buôn Trung Quốc bắt ở đâu đem đến, có lẽ sử cũ thấy lạ nên chép là người nước Tiểu Nhân. Vải hỏa hoãn cũng tức là vải hỏa cán, được sách xưa giải thích nhiều cách khác nhau, khi thì bảo là vải chịu lửa, khi lại nói vải giặt bằng lửa, đại khái, ta cứ cho là thứ vải vừa quý vừa lạ.

Xưa nay, có thể có kẻ “đói ăn vụng, túng làm càn” còn như đường đường là đấng vương tước như Bảo Uy, có đâu nghèo đến nỗi phải ăn trộm áo vua.

Tư thông với cung nhân đã là một lần ăn trộm, ấy là trộm tình. Mượn tay cung nữ để lấy áo vua là lại thêm một lần ăn trộm nữa, ấy là trộm của. Sinh ra trên nhung lụa mà vẫn ăn trộm thì con người ấy chẳng đáng sống giữa cõi đời. Cái giá của tấm áo mà Bảo Uy phải trả sao mà đắt thế!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3