Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 65 - 66 - 67
65. NGUYỄN MỘNG HOA KHUYÊN CAN VUA TRẦN NGHỆ TÔNG
Tháng 6 năm Quý Hợi (1383), quân Chiêm Thành do Chế Bồng Nga cầm đầu lại tấn công Đại Việt. Giặc mới đến Quảng Oai (vùng Ba Vì, Hà Tây ngày nay), kinh sư đã nháo nhác lo sợ. Tướng Lê Mật Ôn đem quân ra chống giữ nhưng chẳng may bại trận, bị giặc bắt, triều thần càng lắm kẻ hoảng hốt hơn.
Trong lúc vận nước lâm nguy, dân cần có người trấn an thì thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã vội vã lên thuyền ngự, bỏ chạy lên mạn Đông Ngàn (Bắc Giang). Có người học trò tên là Nguyễn Mộng Hoa thấy vậy thì tức lắm, liền liều mạng mặc nguyên áo mũ mà lội xuống nước, đưa tay giữ thuyền ngự, khẩn thiết xin thượng hoàng Nghệ Tông ở lại chỉ huy quan quân đánh giặc, chớ nên vội đi lánh nạn mà làm nản lòng người. Thượng hoàng Nghệ Tông vẫn cho thuyền đi gấp, không đếm xỉa gì đến lời của Nguyễn Mộng Hoa. Mãi đến sáu tháng sau, thượng hoàng Nghệ Tông mới trở về. Trong khoảng thời gian sáu tháng đó, Nghệ Tông vui thú ở vùng Tiên Du (Bắc Ninh), cùng đám hầu cận viết bộ sách Bảo Hòa dư bút gồm đến tám quyển, nói là để dùng vào việc dạy bảo quan gia (tức vua Trần Phế Đê). Nghệ Tông lo dạy dỗ Phế Đế thế nào không rõ, chỉ biết là đến tháng chạp năm Mậu Thìn (1388), Nghệ Tông đã bắt giam và sau đó ép Phế Đế phải thắt cổ tự tử.
Lời bàn: Kẻ nhát gan lại viết sách dạy đời, nào có khác chi kẻ thất đức lại giảng dụ về đạo hạnh hoặc kẻ mù chữ lại muốn khắp thiên hạ phải gọi mình bằng thầy. Đáng khen thay người học trò như là Nguyễn Mộng Hoa. Đáng trách thay thượng hoàng Trần Nghệ Tông yếu bóng vía. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 6b) có ghi lời bàn về việc này của Ngô Sĩ Liên như sau:
“Nghệ Tông thiếu can đảm. Giặc chưa tới đã lánh trước thì người trong nước sẽ ra sao? Mộng Hoa tuy chỉ là một học trò mà còn biết giữ Nghệ Tông lại, những kẻ ăn thịt (chỉ đám quan lại giàu có - ND) thật đáng khinh thay.”
66. THÁM HOA TRẦN ĐÌNH THÁM ĐI SỨ
Trần Đình Thám sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông người làng Phúc Đa, huyện Đông Triều (nay thuộc Hải Dương), đậu thám hoa trong khoa thi năm Giáp Dần (1374) đời vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377). Tháng 9 năm Đinh Tị (1377), ông được triều Trần cử làm sứ giả sang Trung Quốc để báo việc Duệ Tông mất và việc con trưởng của Duệ Tông là thái tử Hiện lên ngôi. Về chuyến đi sứ này của Trần Đình Thám, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 46 a-b) chép như sau:
“Sai Trần Đình Thám sang cáo phó với nước Minh, nói là Duệ Tông đi tuần biên giới bị chết đuối và báo tin lập vua nối ngôi. Người Minh từ chối (việc đến viếng), lấy cớ rằng có ba thứ chết không có lễ viếng, đó là chết vì sợ, chết vì bị đè và chết đuối. Đình Thám cãi lại, nói rằng người Chiêm gây loạn quấy nhiễu ở biên cương, còn Duệ Tông có công chống nạn cứu dân, sao lại không viếng? Nhà Minh nghe vậy mới sai sứ đi điếu. Bấy giờ vua Minh đang có âm mưu muốn thôn tính nước ta, định lợi dụng sơ hở đó (để xua quân sang). Thái Sư Lý Thiện Trường can rằng, em chết vì nạn nước mà anh lập con của em lên, xem việc người như vậy thì có thể biết được mệnh trời. Việc ấy bèn bỏ đi. Đình Thám từ thám hoa lang, trải làm trung thư thị lang, kiêm tri thẩm hình viện sự. Khi họ Hồ cướp ngôi, ông giả cách làm tai điếc, bị trung thừa là Đồng Thức hặc tội, phải giáng làm đồng giám tu quốc sử bí thư giám.”
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: kẻ sĩ lúc bé đi học là muốn biết những điều lớn lên mình sẽ làm, rồi lớn đi làm tức là làm những điều mình đã học, học ba trăm bài thơ trong Kinh Thi đi sứ bốn phương không làm nhục mệnh vua (lời Khổng Tử trong sách Luận Ngữ - ND). Đình Thám là người được như thế đó. Huống chi gặp thời (gian thần) tiếm vị, cướp ngôi, lại biết tự giấu mình để tránh quyền vị, thực đáng gọi là kẻ sĩ, không phụ với học vấn của mình vậy.
67. CHỨC TƯỚC CỦA NGUYỄN NHIÊN
Nguyễn Nhiên chữ nghĩa ít ỏi đến độ kể như mù chữ, vậy mà tháng 10 năm Canh Tuất (1370), đang ở chức chi hậu nội nhân phó chưởng, Nguyễn Nhiên được đưa lên làm hành khiển, đường đường là quan đầu triều. Chưa hết, đến tháng 5 năm Nhâm Tí (1372), Nguyễn Nhiên được vua cho kiêm luôn chức tri khu mật viện chánh chưởng, và đến tháng 9 năm Tân Dậu (1381), Nguyễn Nhiên lại được thăng làm nhập nội hành khiển hữu ti. Giao chính sự cho kẻ mù chữ, có phải là bấy giờ, nhân tài đất nước cạn hết rồi chăng? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 32b và 33a) chép rằng:
“Khi vua chưa ra đi (đây chỉ việc Nghệ Tông chạy loạn Nhật Lễ - ND), chi hậu nội nhân phó chưởng là Nguyễn Nhiên khuyên ngài: ‘Người ta muốn làm hại ông (lúc này Nghệ Tông chưa lên ngôi nên Nguyễn Nhiên gọi bằng ông như vậy - ND), sao ông lại không xem thời cơ mà hành động trước.’ Đến khi vua lên ngôi, lấy Nhiên làm hành khiển, thăng làm tả tham tri chính sự. Nhiên chữ nghĩa ít, khi phê giấy tờ, vua thường bảo vẽ các nét chữ đưa cho Nguyễn Nhiên xem.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Báo cho vua tai nạn là ơn riêng, ban tước cho người giữa triều là việc công. Vua nhớ ơn Nguyễn Nhiên, đền đáp bằng vàng lụa thì được, còn cho làm hành khiển là chức quan trọng thì không thể được. Chức hành khiển thời bấy giờ cũng như ‘lục khanh’ đời Chu, là các quan chức điều hành chính sự của đất nước, mà lại để cho người không biết chữ làm thì không phải chọn người vì việc công vậy.”
Lời bàn: Nghệ Tông nổi tiếng nhát gan, giặc chưa đến đã lo chạy, nhưng trong việc phong chức ban tước cho Nguyễn Nhiên thì xem ra lại quá liều. Nghệ Tông đã liều mà Nguyễn Nhiên còn liều hơn. Mới hay, những kẻ tầm thường vẫn luôn có chỗ để gặp nhau.