Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 68 - 69 - 70 - 71
68. PHÉP ỨNG XỬ CỦA TRẦN NGUYÊN ĐÁN
Từ đời Trần Duệ Tông (1372 - 1377), nhờ khôn khéo, lại cùng nhờ có chút tài, Hồ Quý Ly được thăng quan tiến chức rất nhanh. Khoảng cuối đời Trần Phế Đế (1377 - 1388), Hồ Quý Ly thực sự là một quyền thần, thao túng mọi hoạt động của triều chính. Trước, hai bà cô ruột của Hồ Quý Ly (cũng là hai chị em ruột) đều là hoàng phi của vua Trần Minh Tông. Bà Minh Từ sinh ra vua Trần Hiến Tông và vua Trần Nghệ Tông, còn bà Đôn Từ thì sinh ra vua Trần Duệ Tông. Sau, con gái của Hồ Quý Ly lại là hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông. Em gái họ của Hồ Quý Ly lấy Trần Duệ Tông, sinh ra Trần Phế Đế. Đó là chưa nói bản thân Hồ Quý Ly cũng lấy công chúa Huy Ninh là con gái của vua Trần Nghệ Tông...
Dựa vào mối quan hệ hôn nhân phức tạp này. Hồ Quý Ly từng bước củng cố địa vị của mình, quý tộc và quan lại đương thời, ai cũng lấy đó làm mối lo hàng đầu, nhưng không sao trừ diệt được.
Quan tư đồ Trần Nguyên Đán (ông nội của Trần Nguyên Hãn và cũng là ông ngoại của Nguyễn Trãi) thấy nguy cơ họ Trần mất ngôi là điều không thể tránh khỏi, bèn tính kế giữ thân. Năm Ất Sửu (1385), nghĩa là năm vừa tròn sáu chục tuổi, Trần Nguyên Đán xin về trí sĩ ở Côn Sơn (Hải Dương). Trước khi xa lánh chính trường, Trần Nguyên Đán đem các con là Mộng Dữ, Thúc Giao và Thúc Quỳnh gởi gắm cho Hồ Quý Ly. Đáp lại, Hồ Quý Ly cũng đem công chúa Hoàng Trung gả cho Mộng Dữ và cho Mộng Dữ làm chức đông cung phán thủ, các em của Mộng Dữ là Thúc Giao và Thúc Quỳnh đều được làm tướng quân. Công chúa Hoàng Trung vốn là con của cố tôn thất Trần Nhân Vinh và công chúa Huy Ninh. Khi Nhân Vinh mất, vua Trần Nghệ Tông đem Huy Ninh gả cho Hồ Quý Ly. Bởi vậy, với công chúa Hoàng Trung, Hồ Quý Ly là bố dượng, còn đối với Trần Nguyên Đán, Hồ Quý Ly là chỗ thông gia. Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly ép vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400) nhường ngôi cho mình. Nhà Trần dứt và nhà Hồ được dựng lên kể từ đấy. Thiếu Đế vốn là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết, song, tôn thất họ Trần thì mắc họa kể cũng nhiều. Tư đồ Trần Nguyên Đán cùng gia quyến của ông tất nhiên là vẫn được yên ổn.
Lời bàn: Hai mươi ba năm trước lúc về hưu, Trần Nguyên Đán viết bài Nhâm Dần niên lục nguyệt tác (thơ viết tháng sáu năm Nhâm Dần - 1362), trong đó có câu:
Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,
Bạch đầu không phụ ái dân tâm.
Nghĩa là:
Đọc ba vạn quyển sách vẫn chẳng có nơi dùng đến,
Đầu bạc đành phụ lòng thương dân.
Xem thế cũng đủ biết Trần Nguyên Đán thất vọng ngay từ hồi còn trẻ. Thói thường, kẻ thất vọng chán chường dễ mất chí tiến thủ. Trần Nguyên Đán thì khác, ông rút lui mà không gây xung đột, náu ở chốn điền viên mà vẫn giữ được nét thanh tao viết để lại cho đời bộ Bách thế thông khảo (sách khảo về thiên văn và lịch pháp) cùng nhiều tác phẩm có giá trị khác. Tài đức của ông đủ để các bác danh nho như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Hán Anh lấy làm hân hạnh khi được làm nghĩa tế, mô phạm đủ để dạy dỗ cháu nội và cháu ngoại thành bậc kì tài của thiên hạ. Như ông ai dám nói hưu là nghỉ!
69. CHUYỆN HAI NGƯỜI CON GÁI CỦA QUAN TƯ ĐỒ TRẦN NGUYÊN ĐÁN
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 8b) chép chuyện này như sau:
“Nguyên Đán có hai người con gái, trưởng là Thái, thứ là Thai, sai nho sinh đem văn chương dạy cho cả hai người, Nguyễn Ứng Long dạy Thái, Nguyễn Hán Anh dạy Thai. Ứng Long nhân gần gũi lả lơi, làm thơ ca bằng chữ Nôm khêu gợi Thái, thông dâm với Thái. Hán Anh cũng bắt chước Ứng Long mà làm thơ tặng Thai. Rồi Thái có thai, Ứng Long sợ mà bỏ trốn. Đến ngày Thái sinh nở, Nguyên Đán hỏi Ứng Long ở đâu. Người nhà trả lời rằng Ứng Long vì sợ mà đã trốn đi rồi. Nguyên Đán nói:
- Vận nước sắp hết (ý nói nhà Trần sắp đổ - ND) việc này biết đâu chẳng phải là trời xui nên thế, vị tất không phải là phúc?
Nói rồi, bèn cho người gọi Ứng Long và Hán Anh đến bảo rằng:
- Người xưa cũng đã có chuyện này, các ngươi không biết chuyện nàng Văn Quân với Tương Như đó hay sao? Nếu các người làm được như Tương Như, truyền lại danh tiếng cho đời sau thì đó là điều mong muốn của ta.
Hai chàng cám ơn sâu nặng mà chăm chỉ học hành. Đến khi thi, cả hai đều đỗ (thái học sinh, tức tiến sĩ - ND). Thượng hoàng (đây chỉ Trần Nghệ Tông - ND) nói:
- Bọn chúng có vợ giàu sang, như thế là kẻ dưới mà dám phạm thượng.
(Triều đình nghe vậy) bèn bỏ không dùng. Sau, Hán Anh làm quan (cho nhà Hồ) đến chức chuyển vận sứ, Ứng Long cũng được nhà Hồ cất nhắc sử dụng, đổi tên là Nguyễn Phi Khanh.”
Người kể chuyện xin có mấy chú thích nhỏ. Một là về thời gian, chuyện này xảy ra trước ngày Trần Nguyên Đán về Côn Sơn (Hải Dương) trí sĩ, tức là trước năm Ất Sửu (1385). Hai là trong chuyện, Trần Nguyên Đán có nhắc đến Tương Như và Văn Quân. Tương Như ở đây là Tư Mã Tương Như, người Trung Quốc đời Hán Cảnh Đế, làm quan vũ kị thường thị, hay dùng tiếng đàn để mê hoặc người thiếu phụ góa bụa là nàng Trác Văn Quân (con gái yêu của Trác Vương Tôn). Sau, hai người lấy nhau. Tương Như nhờ Trác Vương Tôn giúp đỡ mà trở nên giàu có, được làm quan tới chức hiếu văn viên lệnh, rất nổi tiếng về tài văn chương. Ba là, người con của Nguyễn Ứng Long và Trần Thị Thái, chính là Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, người được xếp vào hàng danh nhân văn hóa của nhân loại, được cả thế giới long trọng kỉ niệm sáu trăm năm ngày sinh vào năm 1980.
70. SỰ MẪN CẢM CỦA GIA TỪ HOÀNG HẬU
Gia Từ hoàng hậu vốn người họ Lê, là em họ của Hồ Quý Ly. Năm Quý Sửu (1373), bà được vua Trần Duệ Tông sách phong làm hoàng hậu. Đến năm Đinh Tị (1377), Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, thua trận, chết trong đám loạn quân. Được tin này, bà Gia Từ hoàng hậu liền cắt tóc đi tu, còn thượng hoàng Trần Nghệ Tông thì quyết định lập con trưởng của Duệ Tông là thái tử Hiện lên ngôi hoàng đế. Đó là vua Trần Phế Đế (1377 - 1388). Thái tử Hiện lúc này mới được mười sáu tuổi, tài chưa đủ để cứu vãn cơ nghiệp đế vương họ Trần đang trên đà sụp đổ. Biết rõ điều đó, bà Gia Từ liền hết lời can ngăn, than khóc van xin thượng hoàng Trần Nghệ Tông đừng đưa con bà lên ngôi, nhưng thượng hoàng không nghe. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 13a) chép rằng:
“Hậu từ chối không được, bèn khóc lóc nói với những người thân thích rằng, con ta phúc bạc, khó lòng gánh vác nổi trách nhiệm lớn, nó đến phải tai họa vì việc đó thôi. Tiên hoàng xa lìa cõi thế, kẻ chưa chết này chỉ muốn chết theo, không muốn trông thấy việc đời nữa, huống chi lại phải nhìn thấy con mình sắp bị nguy hiểm nữa.”
Lời tiên đoán của bà quả không sai. Hai năm sau khi bà mất, chính thượng hoàng Trần Nghệ Tông vì nghe lời xúi giục của Hồ Quý Ly mà bắt giam Trần Phế Đế, giáng làm Linh Đức Công, sau lại còn ép phải thắt cổ tự tử chết một cách thê thảm.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Linh Đức được lập nên là do Nghệ hoàng, bị phế bỏ cũng do Nghệ hoàng. Trước, (Nghệ hoàng) bất chấp lời can của hoàng hậu Lê thị (tức bà Gia Từ) là vì nghĩa, sau nghe lời gièm của Quý Ly là vì tư tình. Thế thì trước lập nên sao mà sáng suốt, sau phế bỏ sao mà ngu tối thế. Lại còn ép thắt cổ Linh Đức thì quá lắm.”
Lời bàn: Có bao nhiêu người bước vào hoạn lộ thì cũng gần như có bấy nhiêu người khát khao được thăng quan tiến chức. Có bao nhiêu người được thăng quan tiến chức thì cũng gần như có bấy nhiêu người hả dạ mừng vui. Thái tử Hiện được lên ngôi chí tôn mà mẹ đẻ là bà Gia Từ buồn rầu khóc lóc, chuyện ấy quả rất lạ. Bậc thông tuệ không bao giờ dám nhận những chức mà xét không đủ sức làm. Biết có thể mang họa vào thân mà vẫn nhận, kẻ háo danh xin hãy lấy sự mẫn cảm của Gia Từ hoàng hậu để tự cảnh tỉnh mình.
71. HAI LẦN NỔI DANH CỦA HỒ TÔNG THỐC
Hồ Tông Thốc người Diễn Châu, Nghệ An, sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết dưới triều Trần Phế Đế (1377 - 1388), ông làm quan đến chức hàn lâm học sĩ phụng chỉ và thọ đến hơn tám mươi tuổi Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 9b) có ghi lại hai mẩu chuyện, phản ánh hai lần nổi tiếng khác nhau trong cuộc đời của Hồ Tông Thốc.
Chuyện thứ nhất kể rằng, tuổi trẻ, Hồ Tông Thốc đỗ cao song tiếng tăm chưa lớn lắm. Một hôm nhân tiết Nguyên Tiêu, có vị đạo nhân ở kinh sư tên là Lê Pháp Quan treo đèn đặt tiệc, mời khách văn chương đến dự rất đông vui. Có rượu ắt phải có thơ, được chủ mời, Hồ Tông Thốc nhận thiếp xin đề thơ, làm xong cả trăm bài thơ trong bữa tiệc. Khách dự tiệc xúm lại xem, ai cũng thán phục. Từ ấy, tiếng tăm Hồ Tông Thốc vang dậy cả kinh sư, được người đời kính trọng.
Chuyện thứ hai kể rằng, khi Hồ Tông Thốc còn làm chức an phủ sứ, có bòn rút của dân, việc bị phát giác. Vua Trần Nghệ Tông lấy làm lạ, thân hỏi việc này, Hồ Tông Thốc lạy tạ thưa rằng:
- Một người được ơn vua, cả nhà ăn lộc trời!
Nghệ Tông chẳng những tha tội mà sau đó còn cho thăng chức nhiều lần, Hồ Tông Thốc nhờ vậy mà làm chức đến hàn lâm học sĩ phụng chỉ kiêm thẩm hình viện sứ.
Lời bàn: Lần thứ nhất, Hồ Tông Thốc nổi danh nhờ có thực tài. Lần thứ hai, Hồ Tông Thốc nổi danh bởi lòng tham. Sử cũ công bằng, mỗi lần nổi danh một cách nhưng đã là nổi danh thì đều phải ghi lại. Ở đây, chỉ có một người không hề công bằng, đó là vua Trần Nghệ Tông. Mới hay, giữ đức thanh liêm và giữ được sự minh bạch công bằng, quả là khó lắm. Cũng vì khó quá mà cả đến hoàng đế cũng không giữ được chăng?