Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 01 - 02
1 - HỒ QUÝ LY VỚI ĐỢT CÔNG PHÁ ĐẦU TIÊN VÀO TRIỀU TRẦN
Bởi có hai bà cô ruột cùng lấy vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) một bà là Hoàng phi Minh Từ, người sinh ra vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341), một bà là Hoàng phi Đôn Từ, người sinh ra vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377), nên Hồ Quý Ly rất được triều Trần biệt đãi. Đã thế, con gái của Hồ Quý Ly là Hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398), rồi bản thân Hồ Quý Ly cũng lấy Công chúa Huy Ninh là con của vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372) và em gái họ của Hồ Quý Ly lại lấy vua Trần Duệ Tông (người sinh ra vua Trần Phế Đế)... cho nên, quan lại triều Trần thời Nghệ Tông hầu như không ai không kiêng sợ Hồ Quý Ly.
Được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông che chở và tin cẩn, Hồ Quý Ly không còn coi ai ra gì nữa. Trong suốt thời gian Nghệ Tông làm Thượng hoàng (từ năm 1372 đến năm 1394), Hồ Quý Ly đã gần như thao túng được toàn bộ các hoạt động của triều đình, đồng thời dùng mọi cách để lần lượt thủ tiêu những kẻ đối nghịch. Cuộc công phá có quy mô lớn đầu tiên của Hồ Quý Ly vào triều Trần là việc lật nhào ngôi vị của vua Trần Phế Đế (1377 - 1388). Sự kiện này diễn ra vào tháng 8 năm Mậu Thìn (1388) và được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 10 - b và tờ 11 a) chép lại như sau:
"Vua (đây chỉ Trần Phế Đế - ND) bàn mưu với Thái úy Ngạc (tức Trang Định Vương Trần Ngạc - ND) rằng:
- Thượng hoàng tin yêu ngoại thích là Quý Ly, cho hắn mặc sức làm gì thì làm, nếu không lo trước đi thì sau sẽ rất khó chế ngự.
Con của Vương Nhữ Chu là (Vương) Nhữ Mai lúc ấy đang hầu Vua học, nhân đó biết mà tiết lộ mưu này nên Hồ Quý Ly biết được. Đa Phương (con Sư Tề, em kết nghĩa của Hồ Quý Ly - ND) khuyên Hồ Quý Ly tránh ra núi Đại Lại (tức núi Kim Ân, thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - ND) để chờ xem biến động thế nào. Phạm Cự Luận nói:
- Không được. Một khi đã ra ngoài (kinh thành) thì khó mà lo nổi chuyện sống còn.
Quý Ly nói:
- Nếu không còn phương sách gì thì ta đành tự tử, không để tay kẻ khác giết mình.
Cự Luận nói:
- Thượng hoàng trong lòng vẫn căm Vua về việc giết Quan Phục Đại vương (một trong những người con của Nghệ Tông - ND), và Vua cũng chẳng vui gì về chuyện này. Nay quyền bính trong thiên hạ đều ở đại nhân cả mà Vua lại mưu hại đại nhân thì ắt Thượng hoàng càng lấy làm ngờ lắm. Đại nhân nên hãy liều vào lạy Thượng hoàng, bày tỏ lợi hại thì nhất định Thượng hoàng sẽ nghe theo, chuyển họa thành phúc dễ như trở bàn tay vậy. Thượng hoàng có nhiều con đích, đại nhân cứ tâu rằng, thần nghe ngạn ngữ nói: "Chưa ai dám bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con" (ý muốn chỉ việc Nghệ Tông cho lập cháu nội là Trần Phế Đế, con của Trần Duệ Tông, làm vua mà không lập con mình lên ngôi vua - ND). (Nghe thế), may ra Thượng hoàng sẽ tỉnh ngộ mà đổi lập Chiêu Định Vương (tức Trần Ngung, con út của Nghệ Tông - ND) lên ngôi. Nếu đến lúc ấy mà Thượng hoàng vẫn không nghe thì chết cũng chưa muộn.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Quý Ly nghe theo, bí mật tâu với Thượng hoàng như lời Cự Luận bàn. Thượng hoàng cho là phải.”
Lời bàn: Nhờ có tài, lại nhờ mối quan hệ hôn nhân chằng chịt, Hồ Quý Ly đã tạo được thần thế cho riêng mình. Đã vậy, bên cạnh Quý Ly còn có võ tướng khét tiếng là Nguyễn Đa Phương, mưu sĩ trí xảo là Phạm Cự Luận, triều Trần đổ nát thật khó lòng mà quản chế nổi. Đến cả nhà vua mà còn bị gièm pha để rồi bị truất phế và bị giết một cách thê thảm, thì thử hỏi còn ai đủ sức qua mặt Hồ Quý Ly?
Hồ Quý Ly là người thế nào, khỏi bàn cũng đã rõ, chỉ tiếc là cái gốc của sự điên loạn lại nằm ngay trong phép dùng người của triều Trần.
Với Nghệ Tông, Trần Phế Đế là cháu nội, Trần Thuận Tông là con đẻ. Với Hồ Quý Ly, Trần Thuận Tông vừa là cháu họ lại vừa là con rể. Máu mủ trực hệ mà Nghệ Tông còn không thương tình, bảo Quý Ly phải thương xót con rể làm sao được? Sau, Quý Ly giết chết vua Trần Thuận Tông, cách nghĩ cách làm tuy có khác, nhưng mạch đức hạnh thì cũng chung nhau đó thôi.
2 - HỒ QUÝ LY MƯỢN TAY THƯỢNG HOÀNG NGHỆ TÔNG ĐỂ GIẾT VUA PHẾ ĐẾ
Ngày 6 tháng 12 năm Mậu Thìn (1388), nghĩa là bốn tháng sau khi nghe lời mật tấu đầy ác ý gièm pha của quan Đồng bình chương sự (Hồ Quý Ly - ND), cũng là thông gia của mình, thượng hoàng Trần Nghệ Tông quyết định phế bỏ vua Trần Phế Đế. Đây là một trong những cuộc phế lập rất thương tâm, được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8 tờ 11 a - b) chép lại như sau:
“Tháng 12, ngày mồng 6, sáng sớm, Thượng hoàng vờ ngự về An Sinh sai Điện hậu hộ vệ, rồi sai Chỉ huy hậu nội nhân gọi Vua tới bàn việc nước. Vua chưa kịp ăn, vội đi ngay, chỉ có hai người theo hầu mà thôi. Đến nơi, Thượng hoàng bảo Vua:
- Đại vương lại đây!
Nói rồi, lập tức cho người đem Vua ra giam ở chùa Tư Phúc, tuyên đọc nội chiếu rằng: "Trước đây, Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về, lấy con đích (của Duệ Tông) để nối ngôi, đó là đạo xưa. Nhưng, từ khi quan gia lên ngôi đến nay, lòng dạ trẻ con, giữ đức không thường, gần gũi bọn tiểu nhân, nghe lời Lê Á Phu, Lê Dữ Nghị gièm pha vu hãm công thần, làm lung lay xã tắc, nay phải giáng làm Linh Đức Đại vương. Song, quốc gia không thể không có chủ, ngôi báu không thể bỏ trống lâu, nên truyền đón Chiêu Định (tức Trần Ngung, con út của Nghệ Tông - ND) vào nối ngôi đại thống. Bá cáo trong ngoài để mọi người đều biết.”
Việc truất phế bất ngờ này đã gây nên một làn sóng phản kháng khá mạnh mẽ của quan quân và tướng sĩ. Cũng sách trên đã chép tiếp rằng:
“Nhiều tướng chỉ huy của các phủ quân cũ như tướng chỉ huy quân Thiết Liêm là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân (thiếu tên đơn vị - ND) là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết Sang là Nguyễn Bát Sách... định đem quân vào cướp lấy Vua đem ra. Vua viết hai chữ giải giáp đưa cho các tướng và răn bảo họ không được làm trái ý Thượng hoàng nên các tướng mới thôi. Lát sau, Thượng hoàng (sai người) dìu Vua xuống phủ Thái Dương thắt cổ cho chết.”
Lời bàn: Muốn cướp ngôi, trước phải làm cho thời loạn thêm loạn. Muốn làm cho thời loạn thêm loạn, trước phải làm cho hoàng tộc sát hại nhau. Lúc ấy, trong cuộc hoàng tộc giết hại nhau, không gì kinh khủng bằng việc Thượng hoàng giết vua. Nhà đã dột từ nóc tất phải gỡ đi mà làm lại. Quý Ly mượn được cả tay Thượng hoàng để giết vua, gớm thay! Mới hay, người cầm quyền bính mà tai thích nghe lời xu nịnh gièm pha thì không có chuyện gì lại không thể xảy ra.
Nghệ Tông xuống chiếu kết tội Phế Đế nhưng hậu thế lại kết tội chinh Nghệ Tông. Sinh thời cậy quyền cậy thế để tác oai tác quái, có biết đâu khi đã chết, dẫu ngàn năm vẫn chưa hết lời hậu thế chê bai.
Còn như Phế Để lúc ấy, thế dã vậy thì đành phải vậy. Đáng để trách chăng là ở chỗ, nhà vua ở ngôi lúc tuổi trẻ dồi dào sức lực và trí tuệ, song lại không làm được điều gì cho xứng với ngôi vị của mình. Làm vua như vậy, dễ thay!