Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 03 - 04
3 - CUỘC SÁT HẠI CÓ QUY MÔ LỚN CỦA HỒ QUÝ LY
Trong những ngày trị vì cuối đời của Trần Phế Đế, không ít quý tộc và quan lại của triều đình tỏ ra căm ghét Hồ Quý Ly. Họ muốn trừ khử Hồ Quý Ly nhưng lại không biết chung lưng sát cánh để bàn mưu tính kế với nhau, bởi vậy, tất cả đều bị Hồ Quý Ly lần lượt thủ tiêu. Trước khi chính thức mượn tay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông để giết Trần Phế Đế, Hồ Quý Ly đã tìm đủ mọi cơ hội để chặt bớt vây cánh của nhà vua. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 12 - a) chép rằng:
“Trước đó, theo lệ cũ ở các đài, sảnh, chỉ các quan từ chức Đồng bình chương sự trở lên mới được ngồi ghế sơn đen có tựa. Bấy giờ, Trang Định Đại vương (Trần) Ngạc làm Thái úy, Lê Quý Ly làm Đồng bình chương sự. Quan trị thẩm hình viện là Lê Á Phu nói với Ngạc bỏ ghế của Quý Ly đi, không cho ngồi cùng nữa. (Ông) lại bí mật tâu vua giết Quý Ly. Cơ mưu bị lộ mà thất bại, bọn (Lê) Á Phu, (Nguyễn) Khoái, (Nguyễn) Vân Nhi, (Nguyễn) Kha, (Nguyễn) Bát Sách, (Lê) Lặc, và người học sinh được tin yêu là Lưu Thường đều (lần lượt ) bị giết cả. Trước khi bị hành hình, Lưu Thường có làm bài thơ rằng:
Phiên âm:
Tàn niên tứ thập hựu dư tam,
Trung ái phùng chu tử chính cam,
Bảo nghĩa sinh tiền ưng bất ngỗ,
Bộc thi nguyên thượng cánh hà tàm.
Dịch thơ:
Đời tàn vào tuổi bốn ba,
Chết vì trung ái cũng là đáng thôi.
Hết lòng giữ nghĩa một đời,
Dẫu cho đồng nội thây phơi sá gì."
Trong số những người chống đối, chỉ có Lê Dữ Nghị là được Hồ Quý Ly tạm cho tha chết, bắt phải tội đi đày, sau cũng vờ cho phục chức, nhưng rồi lại bị Hồ Quý Ly khép vào tội kết bè kết cánh mà giết đi. Nguyễn Bát Sách thì hoảng sợ mà bỏ trốn, Hồ Quý Ly không thèm đuổi mà cho người bắt giam mẹ của ông. Vì thương mẹ già bị tù tội mà Nguyễn Bát Sách phải ra hàng, rốt cuộc cũng bị Hồ Quý Ly giết nốt.
Sau khi Trần Phế Đế cùng những người thuộc vây cánh của nhà vua bị giết, Hồ Quý Ly còn cho cả Thượng hoàng Trần Nghệ Tông lẫn triều đình mắc lỡm. Trong hoàng tộc lúc ấy, chỉ có Trang Định Đại vương Trần Ngạc (con của Thượng hoàng Nghệ Tông) là người tỏ vẻ căm ghét Hồ Quý Ly ra mặt. Trước đó, chính Trang Định Đại vương đã mật bàn với nhà vua về việc giết Hồ Quý Ly, nhưng Hồ Quý Ly không bị giết, ngược lại nhà vua bị Thượng hoàng giết chết. Đã bày mưu sát hại nhà vua là cháu nội của Thượng hoàng, nay nếu lại bày mưu giết ngay Trang Định Đại vương là con của Thượng hoàng nữa, Hồ Quý Ly sẽ khó mà tiếp tục lợi dụng được Thượng hoàng. Nghĩ vậy, Hồ Quý Ly bèn cho người nói phao lên rằng, Trang Định Đại vương Trần Ngạc sắp được đưa lên ngôi vua. Thấy phe đảng chẳng còn ai, Trang Định Đại vương Trần Ngạc sợ hãi mà vội đính chính tin đồn đó. Hồ Quý Ly chỉ chờ có vậy để đưa con út của Thượng hoàng Nghệ Tông (cũng là con rể của Hồ Quý Ly) lên ngôi vua, đó là vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398). Trang Định Đại vương Trần Ngạc chỉ được tạm yên thân một thời gian ngắn. Đến tháng 6 năm Tân Mùi (1391) ông cũng bị Hồ Quý Ly lập mưu giết chết.
Lời bàn: Trần Nghệ Tông danh nghĩa là Thượng hoàng nhưng thực ra chỉ là con cờ trong tay Hồ Quý Ly vậy. Các bậc tôn thất đại thần và văn quan võ tướng nhà Trần căm ghét Hồ Quý Ly thì có thừa mà sao chẳng có lấy được một chút cơ mưu nào đáng kể, khiến Hồ Quý Ly có thể giết hại dễ như trở bàn tay. Cất cái ghế tựa sơn đen ở đài sảnh của Hồ Quý Ly thì có khác gì tự mình đưa đầu cho Hồ Quý Ly chém?
Than ôi! Thời loạn mọi sự đều loạn. Lấy lễ thường để xét đoán thời loạn là không thể được vậy. Hồi chuông cáo chung của nhà Trần bắt đầu điểm những tiếng đầu tiên.
4 - CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN ĐA PHƯƠNG
Nguyễn Đa Phương người Thanh Hóa, con của Sư Tề. Thuở còn hàn vi, Hồ Quý Ly từng theo học võ nghệ với Sư Tề, nhân đó kết nghĩa anh em với Nguyễn Đa Phương. Là con dòng cháu giống, Nguyễn Đa Phương sớm có tài, từng là võ tướng khét tiếng của nhà Trần thời Trần Phế Đế (1377 - 1388). Cùng với Phạm Cự Luận là người túc trí đa mưu, bộ ba Hồ Quý Ly, Nguyễn Đa Phương và Phạm Cự Luận đã khiến cho cả triều đình phải khiếp sợ. Đến đời Trần Thuận Tông (1388 - 1398), quyền bính hầu như nằm hết trong tay bộ ba nguy hiểm này.
Tháng 10 năm Kỉ Tị (1389), quân Chiêm Thành tiến ra đánh phá vùng Thanh Hóa, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai Hồ Quý Ly đem quân đi đánh giặc. Cùng đi với Hồ Quý Ly còn có một số tướng lĩnh cao cấp khác như Nguyễn Đa Phương, Phạm Khả Vĩnh v.v… Lần ấy, Hồ Quý Ly bị thất bại, tướng chỉ huy quân Thánh Dực là Nguyễn Chí (cũng có sách chép là Trần Đình Quý) bị giặc bắt, 70 tướng khác bị tử trận. Hồ Quý Ly trốn về xin Thượng hoàng cho thêm quân cứu viện nhưng Thượng hoàng không chấp thuận, nhân cớ đó, Hồ Quý Ly xin thôi, không cầm quân đi đánh nữa. Thượng hoàng phải cử tướng Trần Khát Chân đi thay. Tình thế quân đội triều Trần lúc ấy rất nguy, may nhờ Nguyễn Đa Phương dùng kế nghi binh mới thoát được.
Khi về triều, Nguyễn Đa Phương cậy mình có chút công lao, hay chê bai Hồ Quý Ly bất tài. Hồ Quý Ly cũng gièm pha lại rằng: bởi Hồ Quý Ly nghe lời của Nguyễn Đa Phương nên mới bại trận. Nói rồi, Hồ Quý Ly xúi Thượng hoàng xuống chiếu thu lại hết toàn bộ số quân do Nguyễn Đa Phương chỉ huy. Dẫu ở thế cô, Nguyễn Đa Phương vẫn chưa hết kiêu ngạo. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 16 - b) chép rằng:
"Thượng hoàng nói:
- Nên trị tội nhẹ để cảnh cáo hắn.
Quý Ly tâu rằng:
- Đa Phương rất gan góc và tráng kiện, thần sợ hắn sẽ trốn sang nước Minh ở phương Bắc hay nước Chiêm Thành ở phương Nam, tức là thả cọp để lại mối họa về sau, chi bằng giết đi là hơn.
Rồi sau (Thượng hoàng) bắt Đa Phương phải tự tử. Đa Phương than rằng:
- Ta vì có tài nên được giàu sang, lại cũng vì có tài mà đến nỗi chết, chỉ hận là không được chết ở nơi chiến trận mà thôi.”
Lời bàn: Hồ Quý Ly kết nghĩa anh em với Nguyễn Đa Phương, mượn tình nghĩa tử mà moi cho bằng hết những bí quyết nhà nghề của thầy là Sư Tề, sau cũng để có thêm Nguyễn Đa Phương tăng thêm vây cánh, chứ đâu phải là để nghe lời chỉ bảo hay gièm pha của Nguyễn Đa Phương.
Nguyễn Đa Phương nhận mình là người có tài, e chưa được phải lắm. Nói cho ngay, Nguyễn Đa Phương chỉ mới có biệt tài cầm quân, còn như tài xét đoán người và xét đoán sự đời thì ông chưa có. Sống giữa thời loạn mà không có tài xét đoán sự đời thì chết dễ như chơi. Về mặt này, Nguyễn Đa Phương làm sao mà sánh được với Phạm Cự Luận, cũng là người cùng phe cánh với ông.