Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 13 - 14

13 - HỒ HÁN THƯƠNG LÊN NGÔI THÁI TỬ

Thái tử hay Thế tử nguyên nghĩa là con trai đích trưởng của nhà vua, nhưng cũng còn là tên của một tước vị, dành để chỉ người sẽ được chính thức nối ngôi, nên Thái tử hay Thế tử là những từ không phải lúc nào cũng dùng để chỉ con trai đích trưởng của nhà vua. Xin nêu vài thí dụ:

- Có khi Thái tử là con gái, thậm chí là con gái thứ, như trường hợp Lý Chiêu Thánh (tức vua Lý Chiêu Hoàng), là con gái của vua Lý Huệ Tông.

- Có khi Thái tử không phải là con vua mà là em vua, như trường hợp của Trần Kính (tức vua Trần Duệ Tông) là em của vua Trần Nghệ Tông.

- Có khi Thái tử lại là cháu vua, như trường hợp của Trần Hiện (tức vua Trấn Phế Đê), là cháu của vua Trần Nghệ Tông.

- v.v…

Riêng trường hợp của Hồ Hán Thương thì chẳng giống ai cả. Hồ Hán Thương được lập làm Thái tử vào tháng 1 năm Canh Thìn (1400) lúc ấy, cha của Hồ Hán Thương chưa phải là vua. Người có hư vị Hoàng đế lúc ấy là Trần Thiếu Đế thì mới được 4 tuổi và là vai cháu của Hồ Hán Thương. Hồ Hán Thương là người khác họ đã đành, lại còn là con thứ nữa. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 36 - b) chép về việc Hồ Hán Thương được lập làm Thái tử như sau:

“Mùa xuân, tháng giêng, Lê Quý Ly lập con là Hán Thương làm Thái tử. Trước đó, Quý Ly đã định lập Hán Thương, nhưng ý còn chưa quyết, bèn mượn cái nghiên bằng đá mà ra câu đối rằng:

- Thử nhất quyển kì thạch, hữu thì vi vân vi vũ dĩ nhuận sinh dân. (Nghĩa là: Hòn đá lạ bằng nấm tay này, có lúc làm mây làm mưa để nhuần thấm sinh dân).

Xong, sai con trưởng là (Hồ Nguyên) Trừng đối lại để qua đó mà biết xem ý hướng thế nào. (Hồ Nguyên) Trừng đối lại rằng:

- Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc. (Nghĩa là: Cây thông nhỏ chỉ ba tấc kia, ngày khác làm rường làm cột để chống nâng xã tắc).

Bấy giờ (thấy Nguyên Trừng chỉ có chí làm rường cột, tức làm quan chứ không phải làm vua nên Hồ Quý Ly) ý mới quyết định.

Tháng 2, ngày 28, Quý Ly bức vua (đây chỉ Trần Thiếu Đế - ND) phải nhường ngôi và buộc tôn thất cùng các quan phải ba lần dâng biểu khuyên (Hồ Quý Ly) lên ngôi. Quý Ly giả vờ cố tình từ chối, nói rằng:

- Ta sắp xuống lỗ đến nơi rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa.

Rồi (Quý Ly) tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu và đổi (từ họ Lê) thành họ Hồ.”

Lời bàn: Hiển nhiên, triều Trần tàn tạ đã đến lúc cần phải được loại bỏ khỏi vũ đài chính trị của nước nhà, song, cướp ngôi thế nào cho xứng kẻ cướp ngôi, chuyện ấy cũng chưa dễ mấy ai làm được. Hán Thương không đối câu đối của cha nên chẳng rõ chí hướng Hán Thương thế nào, chỉ biết lúc ấy, im lặng đúng là vàng, ngôi Thế tử về tay mà chẳng nhọc công suy tìm chữ nghĩa.

Quý Ly nhận mình là người “sắp xuống lỗ” cũng phải lắm. Song le, chẳng phải Quý Ly sắp xuống lỗ vì năm ấy Quý Ly đã 64 tuổi mà vì ngai vàng của họ Hồ sau đó chẳng bao lâu thì bị quân xâm lược nhà Minh đập nát tan tành. Cái “lỗ” mà Hồ Quý Ly củng Hồ Hán Thương phải chui xuống lại ở trên đất Trung Quốc. Thôi thì âu cũng là giúp cha con Hồ Quý Ly khỏi phải xấu hổ vì “còn mặt mui nào trông thấy tiên đế (của họ Trần) ở dưới đất (Đại Việt) nữa!” Kể thì họ Hồ đến chết vẫn còn gặp may.

14 - HỒ QUÝ LY VỚI LỜI PHÊ VÀO THƯ CỦA NGUYỄN CẢNH CHÂN

Cuối năm Canh Thìn (1400), nghĩa là chỉ mới được mấy tháng sau khi cướp ngôi họ Trần, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương để lên làm Thượng hoàng. Bấy giờ, mối lo hàng đầu của cha con Hồ Quý Ly là làm sao để đè bẹp được Chiêm Thành và mở rộng được biên cương vào phía Nam. Các tướng như Đỗ Mãn, Trần Vấn, Trần Tùng (tức Hồ Tùng), Đỗ Nguyên Thác, Nguyễn Vị, Nguyễn Bằng Cử, Đinh Đại Trung... đều được sai cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Tháng 7 năm Nhâm Ngọ ( 1402), quân đội nhà Hồ đã giành được đại thắng, chiếm hết đất Chiêm Động và Cổ Lũy của Chiêm Thành, rồi chia đất ấy làm bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (nay là vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi), giao cho an phủ sứ lộ Thăng Hoa trực tiếp trông coi.

An phủ sứ đầu tiên của lộ Thăng Hoa là Nguyễn Cảnh Chân. Trước đó, ông là An phủ sứ lộ Thuận Hóa, có tiếng là người giàu kinh nghiệm phủ dụ dân ở biên ải phía Nam. Nhận chức, ông liền dâng thư về triều, trình bày phép trị dân mà ông tiếp nhận được từ sử sách của Trung Quốc, nay định áp dụng ở lộ Thăng Hoa. Thư ấy được Thượng hoàng Hồ Quý Ly xem và hạ bút phê những lời rất khinh mạn. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 41 - a) chép rằng:

“Hán Thương điều An phủ sứ lộ Thuận Hóa là Nguyễn Cảnh Chân vào làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa. Cảnh Chân dâng thư nói rằng, xin hãy theo việc cũ của nhà Hán, nhà Đường mà mộ người nộp thóc để (tích trữ mà lo) việc phòng bị biên cương cho đầy đủ. Ai nộp thóc thì ban tước cho họ hoặc miễn tội tùy theo mức độ khác nhau. Quý Ly phê (vào thư) rằng: "Biết được mấy chữ mà dám nói việc Hán, Đường? Thực là thằng ngọng hay nói, chỉ chuốc lấy tiếng cười mà thôi.”

Lời bàn: Lời thư của Nguyễn Cảnh Chân hay dở thế nào, xin để tùy người đời phán xét, chỉ biết đó là lời thành thật, mà ở đời, lời hay đã ít mà lời thành thật lại càng ít hơn. Trong số rất ít ỏi những lời thành thật ấy, may mắn lắm mới có một lời bay vào hoàng cung, vì vào thời suy vi, ở hoàng cung luôn chật ních những lời xu nịnh, lời thành thật chen vào không nổi.

Tiếp nhận lời thành thật ấy, Hồ Quý Ly chẳng biết đó là cơ may lại còn phỉ báng một cách trịch thượng. Hồ Quý Ly nói là Nguyễn Cảnh Chân “chỉ chuốc lấy tiếng cười,” nào có biết đâu, hậu thế lại cười Hồ Quý Ly. Mới hay, nghe bằng tai là chỉ mới nghe được âm thanh phát ra từ đâu đó, nghe bằng tất cả tấm lòng trân trọng người nói thì mới có thể nghe được những gì chứa trong mỗi tiếng phát ra.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3