Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 11 - 12

11 - THƠ HỒ QUÝ LY TẶNG VUA TRẦN THUẬN TÔNG

Ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly bức vua Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho con là Thái tử An, để rồi ngay sau đó đã tạm bố thí cho Thuận Tông một tước hiệu thật hài hước là Thái thượng nguyên quân Hoàng đế! Song, để tiện trong giao tiếp thường ngày, Quý Ly cứ gọi tắt là Nguyên Quân. Năm ấy, Trần Thuận Tông mới 20 tuổi. Đến tháng 4 năm sau (Kỉ Mão, 1399), Hồ Quý Ly lại cưỡng bức Thuận Tông phải rời kinh thành Tây Đô mà ra tận Quảng Ninh để tu luyện phép thuật của Đạo giáo. Chuyến đi Quảng Ninh năm ấy cũng là chuyến đi vào cõi vĩnh hằng của vị vua trẻ tuổi này. Hành trang mang theo dáng kể nhất của Thuận Tông, chỉ có bài thơ của Hồ Quý Ly. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 33 - b) viết:

"Mùa hạ, tháng 4, Quý Ly cưỡng bức Vua phải xuất gia thờ Đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh thuộc thôn Đạm Thủy (nay thuộc Đông Triều, Quảng Ninh - ND), (lại còn) mật sai Nội tẩm học sinh là Nguyễn Cẩn đi theo để trông coi. Vua hỏi rằng: "Ngươi theo hầu ta là muốn làm gì chăng?” Cẩn không nỡ trả lời. Quý Ly làm bài thơ bảo Cẩn rằng: "Nguyên Quân (chỉ Nhà vua - ND) không chết thì nhà ngươi phải chết.” (Quý Ly) lại làm bài thơ đưa cho Nguyên Quân như sau:

Phiên âm

Tiền hữu dung ám quân,

Hôn Đức cập Linh Đức,

Hà bất tảo an bài,

Đồ sử lao nhân lực.

Dịch nghĩa

Trước có vua tầm thường, ngu tối,

Như Hôn Đức (tức Dương Nhật Lễ và Linh Đức (tức vua Trần Phế Đế),

Sao không sớm sắp đặt đi,

Để cho người nhọc sức.

(Nguyễn) Cẩn bèn dâng thuốc độc. Vua không chết. Lại dâng nước dừa và không cho ăn mà Vua vẫn không chết. Đến đây, sai Xa kị vệ thượng tướng quân là Phạm Khá Vĩnh thắt cổ cho chết.”

Lời bàn: Nguyễn Cẩn dâng thuốc độc cho Vua, lại bất Vua nhịn đói, nhưng, đó chẳng qua là sự chẳng đặng đừng. Hồ Quý Ly đã có lời đe dọa trước rồi. Nguyễn Cẩn không nghe cũng chẳng được. Song, thuốc độc của Nguyễn Cẩn xem ra cũng chẳng độc bằng bài thơ của Hồ Quý Ly. Cổ nhân dạy rằng, văn dĩ tải đạo. Có đọc bài thơ này mới hiểu được đại đạo của Hồ Quý Ly. Lần này, cũng là ném đá giấu tay, nhưng bàn tay tội lỗi của Hồ Quý Ly lớn quá, không thể nào giấu hết nổi. Phần bàn tay thấy được ấy mới đáng sợ làm sao.

12 – VỤ TRU DI LỚN NHẤT THẾ KỈ XIV

Trần Thuận Tông bị giết rồi, triều thần chán nản, ai cũng căm ghét Hồ Quý Ly, kể cả những người từng có mối quan hệ chí thiết với Hồ Quý Ly. Bởi sự căm ghét đó, họ đã cùng nhau bàn mưu tính kế để giết Hồ Quý Ly. Tiếc thay, mưu lớn không thành, để đến nỗi tất cả đều phải chết một cách thê thảm trong vụ tru di diễn ra vào năm Kỉ Mão (1399). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 34 a - b) đã ghi lại sự kiện này cùng với lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên như sau:

“Bọn Thái bảo Trần Hãng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân mưu giết Quý Ly không thành, lại bị giết hại.

Hôm ấy, Quý Ly họp thề ở Đốn Sơn (một ngọn núi ở xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là hội thề đền núi Đồng Cổ nhưng lại được tổ chức ở kinh đô mới - ND). Bọn Khát Chân đã có ý giết Quý Ly. Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem (hội thề), cứ y như lệ thiên tử ngự đến các miếu, chùa. Cháu của (Phạm) Khả Vĩnh là Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm gươm định lên. Khát Chân trừng mắt ngăn lại nên việc không xong. Quý Ly chột dạ đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ (đưa Quý Ly) xuống lầu. Ngưu Tất vất gươm xuống đất, nói rằng:

- Chết uổng cả lũ thôi.

Sự việc bị phát giác. Bọn tôn thất (Trần) Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm ông Thiện, Phạm Ngưu Tất... và các liêu thuộc, thân thích, gồm hơn 370 người đều bị giết và tịch thu tài sản. (Con cái họ), gái bị bắt làm nô tì, trai từ một tuổi trở lên thì hoặc bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. (Quý Ly) sai lùng bắt dư đảng liền mấy năm không ngớt. Người quen biết nhau chỉ đưa mắt ra hiệu chứ không dám nói chuyện với nhau. Nhà dân không được chứa người đi đường xin ngủ trọ, hễ có người ngủ trọ thì phải báo nhà láng giềng để cùng nhau xét hỏi giấy tờ, hành lí và lí do đi qua để làm chứng cứ bảo lãnh. Các xã đều đặt điếm tuần canh, ngày đêm tuần tra canh giữ. Lễ minh thệ từ đó không cử hành nữa.

Khát Chân người Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - ND), ba đời làm tướng quân. Người đời truyền rằng, Khát Chân khi sắp bị hành hình, lên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng, chết qua ba ngày mà sắc mặt vần như khi sống, ruồi nhặng không dám bâu. Sau, nếu có hạn hán, cầu mưa là được ứng nghiệm ngay.

Nguyên Bưu người Tuyên Quang, tiên tổ là Thế Sung, từng làm Toát Thông Vương, kiêm Phụ đạo dưới thời Lý. Các con (của Thế Sung) là Văn, Hiến và Quế đều được phong Hầu. (Thời Trần), con của Quế là Hiếu Bão vì có công đánh (tướng giặc Nguyên) là Toa - đô, được phong tước Quan Phục hầu. Hiếu Bão sinh ra Thế Tắc, được phong là Lặc Thuận Hầu. Thế Tắc sinh ra Cúc Tôn, làm Quan sát sứ. Cúc Tôn sinh ra Nguyên Bưu.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đến đây, tội ác của Quý Ly đã chất đầy rồi. Trần Hãng đã đi lại, trước đã hẹn ước với các tướng văn võ, nếu biết thừa cơ quyết đoán, vạch rõ tội giết vua của Quý Ly, hiệp sức với Khả Vĩnh mà giết nó, thì chẳng những danh chính ngôn thuận mà việc cũng xong rồi. Đáng tiếc lại do dự sợ sệt, đến nỗi chuốc lấy bại vong.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3