Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 19 - 20
19 - CHUYỆN HOÀNG HỐI KHANH
Hoàng Hối Khanh sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông được sử sách nhắc tới lần đầu tiên vào năm Tân Mùi (1391). Tiếc thay, đó cũng là lần Hoàng Hối Khanh được nhắc tới bởi những hành vi chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Bấy giờ, Hồ Quý Ly ngày càng chuyên quyền, giết hại không biết bao nhiêu là tôn thất và quan lại. Các tướng ở Hóa Châu là Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê cũng vì không đồng tình nên có trách bóng trách gió Hồ Quý Ly mấy câu liền bị Hoàng Hối Khanh mật tâu với Hồ Quý Ly rằng họ có ý làm phản. Hai tướng Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê bị giết, còn Hoàng Hối Khanh thì nhờ đó mà bỗng chốc được đưa lên hàng đại phu, chức Chính hình viện.
Lần thứ hai Hoàng Hối Khanh được nhấc đến cũng là lần chẳng có gì đáng lên án hơn. - Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 11, tờ 39 và tờ 40) viết:
"Trước đây (trước năm Tân Tị, 1401 - ND) Quý Ly bàn mưu với bầy tôi rằng, làm sao để có được một trăm vạn quân để đối địch với giặc phương Bắc. Quan Đồng tri Khu mật sứ là Hoàng Hối Khanh nhân đó xin gộp nhân số lại làm thành sổ sách, từ hai tuổi trở lên thì ghi tên vào...” “Khi sổ làm xong, kiểm điểm người từ 15 đến 60 tuổi được gấp bội hơn số trước, từ đấy, tuyển quân lính được nhiều hơn.”
“Lúc ấy, bọn Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hy Chu và Đồng Thức cứ lựa theo ý họ Hồ, thường khuyên Hán Thương giết hại con cháu nhà Trần, giảm bớt số điền nô để đè nén thế lực họ Trần.”
Lần thứ ba là năm Ất Dậu (1405), cũng sách trên (tờ 7, quyển 12) viết:
“Trước đây, thổ quan châu Tư Minh (Trung Quốc - ND) là Hoàng Quảng Thành có tâu với vua Minh rằng Lộc Châu nguyên là đất cũ của châu Tư Minh. Vua nhà Minh sai người sang nước ta dụ bảo trả lại đất ấy cho châu Tư Minh nhưng Quý Ly không nghe. Nay lại cho sứ sang đòi lần nữa, Quý Ly cử Hối Khanh làm cát địa sứ (quan coi việc cắt đất - ND). Hối Khanh đem 59 thôn ở Cổ Lâu trả cho nhà Minh. Sau, Quý Ly quở trách Hối Khanh về tội trả đất quá nhiều, những thổ quan do nhà Minh đặt ra để giữ đất mới trả lại ấy đều bị Quý Ly ngầm sai người địa phương đánh thuốc độc cho chết.”
Sau, sử sách cũng còn nhắc đến Hoàng Hối Khanh thêm vài lần nữa, nhưng chỉ là nhắc thoảng qua, không có gì đáng để ý. Lần cuối cùng Hoàng Hối Khanh được nhắc tới là vào năm Đinh Hợi (1407). Năm ấy, Hoàng Hối Khanh quẫn chí mà thắt cổ tự tử ở Cửa Hội (Hà Tĩnh). Bấy giờ, quân Minh xâm lược nước ta, Hoàng Hối Khanh tuy chẳng hề cầm quân đánh giặc, nhưng sau khi ông chết, tướng giặc là Trương Phụ cũng cắt đầu ông đem về bêu ở chợ Đông Đô (Hà Nội).
Lời bàn: Đạp lên xác đồng liêu để tìm công danh, tội ấy, rõ là không thể dung tha được. Trong bổng lộc Hoàng Hối Khanh ăn lúc sinh thời, có máu của bằng hữu, khiếp thay!
Bởi muốn làm vừa lòng cha con họ Hồ mà Hoàng Hối Khanh đã bày mưu bắt tất cả những ai có thể bắt để đẩy họ vào lính, đồng thời, giết lần giết mòn tôn thất họ Trần, khiến cho dân tình khốn khổ, thế nước ngày một suy, đấy cũng là tội không thể dung tha được.
Được cử làm cát địa sứ nghĩa là Hoàng Hối Khanh chẳng qua chỉ lả kẻ thừa hành. Song, nếu nhà Hồ hèn nhát không giữ nổi đất thì Hoàng Hối Khanh còn hèn hơn một bậc nữa. Cả gan cắt một lúc 59 thôn dâng cho giặc, Hoàng Hối Khanh lại phạm thêm một tội không thể dung tha.
Ai nói chết là hết. Hoàng Hối Khanh chết rồi mà tội lớn đã hết được đâu?
20 - LỜI HỒ NGUYÊN TRỪNG
Từ năm Giáp Thân (1404) trở đi, mối quan hệ bang giao giữa nước ta với nhà Minh ngày càng căng thẳng. Năm ấy, sứ giả nhà Minh đã không hề che giấu ý đồ gây hấn với nước ta. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 46 - b) chép:
"Nhà Minh sai chức Hành quân là Lý Kỳ sang nước ta. Kỳ tự quyền tác oai tác quái, đánh đập các quan lo đón rước, bắt phải đi nhanh không kể độ đường. Trước đây, sứ giả đi từ Đông Đô (tức Hà Nội - ND) đến Tây Kinh (tức Tây Đô, Thanh Hóa - ND) phải mất mười hai ngày, Kỳ chỉ đi có tám ngày. Đến nhà công quán, (hắn) quan sát khắp mọi hình thế. Khi Kỳ trở về, Quý Ly sợ tiết lộ sự tình, bèn sai Phạm Lục Tài đuổi theo để giết đi. Nhưng (khi Lục Tài) đến Lạng Sơn thì Kỳ đã ra khỏi cửa ải rồi. Kỳ hặc tấu (với vua nhà Minh) là họ Hồ đã xưng đế và làm thơ có những lời lăng mạ.”
Sang năm Ất Dậu (1405), nhà Minh bất đầu xâm lấn vùng phía Bắc nước ta. Triều Hồ đã phải cử quan Hành khiển là Hoàng Hối Khanh làm Cát địa sứ và Hoàng Hối Khanh đã vì yếu hóng vía mà cam tâm cắt một lúc 59 thôn dâng cho giặc.
Nhà Hồ càng nhân nhượng thì nhà Minh càng lấn tới. Hai bên chuẩn bị bước vào một cuộc đọ sức quyết liệt với nhau. Cuối năm Ất Dậu (1405), triều Hồ đã triệu tập một cuộc hội nghị có tầm quan trọng rất đặc biệt. Cũng sách trên (tờ 49 - b) chép rằng:
"Hán Thương xuống chiếu truyền gọi các quan An phủ sứ ở các lộ về triều để cùng với quan ở kinh họp bàn kế nên đánh hay nên hòa. Có người khuyên nên đánh vì sợ để mối lo về sau. Quan Trấn thủ Bắc Giang là Nguyễn Quân cho rằng nên tạm hòa, chiều theo những điều chúng muốn để hoãn binh thì hơn. Tả tướng quốc (Hồ Nguyên) Trừng nói: "Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo.” Quý Ly (nghe thế) liền ban thưởng cho (Hồ Nguyên Trừng) cái hộp trầu bằng vàng.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: "Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó. Không thể vì cớ họ Hồ mà bỏ câu nói của Trừng được.”
Lời bàn: Hồ Nguyên Trừng là con cả của Hồ Quý Ly. Đầu năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly xét lời ứng đối của Hồ Nguyên Trừng, cho rằng ông chỉ có chí làm rường cột cho xã tắc chứ không có chí làm vua. Ngôi chí tôn vì thế mà về tay em ông là Hồ Hán Thương.
Địa vị tuy có thấp hơn em nhưng lời ngắn gọn trên đây của Hồ Nguyên Trừng thì quả là vô cùng sâu sắc, em ông chẳng thể nào sánh kịp.
Xưa nay, sức mạnh của quân đội trước hết là ở sức chở che đùm bọc của nhân dân. Không được lòng dân, dẫu có bao nhiêu binh hùng tướng mạnh thì rốt cục vẫn đại bại.
Ngô Sĩ Liên nói: "Không thể vì cớ họ Hồ mà bỏ qua câu nói của Trừng được.” Tiếp cách suy nghĩ ấy, chúng ta cũng có thể nói rằng, không thể vì cớ đầu hàng của Trừng sau này mà quên mất câu chí lí này được. Hồ Quý Ly thưởng ngay cho Trừng cái hộp trầu bằng vàng là phải lắm.
Bấy giờ, lòng dân li tán, ai mà chẳng rõ? Khác nhau chăng chỉ là ở chỗ dám hay không dám nói lên sự thật chua xót này mà thôi.