Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 21 - 22
21 - SỐ PHẬN CỦA TRẦN THIÊM BÌNH
Trần Thiêm Bình tên thật là Nguyễn Khang (cũng có sách chép là Trần Khang) vốn chỉ là một gia nô. Vào năm Canh Ngọ (1390) quân Chiêm Thành tràn ra đánh phá nước ta. Một số tôn thất họ Trần, trong đó có Trần Tôn, đã ngầm thông mưu với quân Chiêm. Đến khi tan giặc, triều đình nghiêm xử những kẻ phản quốc. Trần Tôn sợ quá, nhảy xuống nước tự tử. Nguyễn Khang vì cùng phe đảng với Trần Tôn nên cũng hoảng sợ mà chạy sang đất Lão Qua (thuộc đất Lào ngày nay). Từ Lão Qua, Nguyễn Khang men theo đường Vân Nam mà tìm đến Yên Kinh (Trung Quốc). Nguyễn Khang tự đổi họ tên là Trần Thiêm Bình (nhưng sử của nhà Minh lại chép là Trần Thiên Bình), tự nhận là con cháu của họ Trần và nhân danh họ Trần để tố cáo việc tiếm quyền bạo ngược của họ Hồ. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 12, tờ 10) chép:
"Thiêm Bình nói dối vua Minh rằng, dòng dõi họ Trần chỉ còn một mình tôi, tôi cùng giặc họ Hồ không thề đội trời chung, dám xin thiên tử cho sáu quân (ý nói số quân đông mà chỉ thiên tử mới có được - ND) đi đánh kẻ có tội để tỏ rõ oai trời.
Sau khi Lý Kỳ trở về Trung Quốc (Lý Kỳ sang sứ nước ta năm Giáp Thân, 1404 - ND), Hán Thương liền sai Nguyễn Cảnh Chân dâng tờ biểu tạ tội và vờ xin đón Thiêm Bình về tôn làm chúa. Vua Minh sai chức Hành nhân là Niếp Thông đem tờ sắc dụ cho Hán Thương, nói rằng: "Nếu quả đón Thiêm Bình về tôn làm chúa thì sẽ ban cho khanh tước thượng công và phong cho một quận lớn.” Hán Thương lại sai Cảnh Chân theo Niếp Thông sang báo cáo về việc đón Thiêm Bình. Đến đây, vua Minh sai bọn Hàn Quan đem 5000 quân hộ tống Thiêm Bình về nước.”
Nói là đi hộ tống Thiêm Bình, nhưng vừa đến biên giới nước ta, quân Minh đã bất ngờ tấn công. Hai tướng của nhà Hồ là Phạm Nguyên Côi và Chu Bỉnh Trung bị tử trận. Song, sau phút hốt hoảng vì bị bất ngờ, quân đội nhà Hồ đã lấy lại được bình tĩnh. Các tướng Hồ Xạ và Trần Đĩnh đã vây chặt đội quân trực tiếp hộ vệ Trần Thiêm Bình do bộ tướng của Hàm Quan là Hoàng Trung chỉ huy. Bí thế, Hoàng Trung liền chọn cách thí bỏ Trần Thiêm Bình để cứu lấy mạng sống của mình. Cũng sách trên (tờ 11) chép:
"Hoàng Trung sai người thầy thuốc trong quân ngũ là Cao Cảnh Chiếu đưa thư và giải Thiêm Bình sang cho quân nhà Hồ. Trong thư, (Hoàng Trung) nói:
- Theo lời Thiêm Bình, hắn chính là con của vua An Nam (Trần Thiêm Bình mạo nhận là con của Trần Nghệ Tông - ND). Nếu đúng thì khi đưa hắn về nước, dân khắp nước ở đâu mà chẳng hưởng ứng. Thế nhưng từ khi đưa hắn về nước đến nay, trong nước không một người nào theo cả, như thế cũng đủ rõ là gian dối. Nay đưa Thiêm Bình trả lại và xin để cho quân lính (nhà Minh) được ra khỏi quan ải.
Hồ Xạ nhận lời, giải nộp Thiêm Bình để tâu công chiến thắng. Hán Thương sai chém Thiêm Bình, cho người có công đều được thưởng tước ba tư (tư là thứ bậc cao thấp trong cùng một phẩm tước ND). Hồ Xạ vì cớ không bắt được Hoàng Trung nên chỉ được thưởng tước hai tư.”
Lời bàn: Trấn Thiêm Bình thực lòng vì họ Trần chăng? Quyết không phải, bởi vì nếu có chút lòng vì họ Trần, trước đó hắn đã chẳng cam lòng về phe với Trần Tôn để ngầm thông mưu với Chiêm Thành. Con người tráo trở ấy, chẳng có cách gọi nào khác hơn là tên phên quốc có hệ thống.
Hắn đã bị lưỡi gươm của phép nước thời Hồ chặt đầu, lại còn bị búa rìu của dư luận đời sau bằm xẻ, nhục thay!
22 – CUỘC THẢM BẠI CỦA NHÀ HỒ
Dầu đã để mất con bài chính trị lợi hại là Trần Thiêm Bình, cuối năm Bính Tuất (1406), nhà Minh vẫn xua quân sang xâm lược nước ta. Lúc đầu, Tổng chỉ huy quân xâm lăng là Chu Năng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 53 - a) cho biết rõ:
“Trước đó, nhà Minh sai Thái tử Thái phó, tước Thành quốc công là Chu Năng làm Tổng binh, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem quân đi xâm lược phương Nam. (Chu) Năng đến phủ Thái Bình ở Quảng Tây thì chết (vì bệnh).”
Khi dừng chân ở Quảng Tây, Chu Năng yết bảng kể tội họ Hồ và rêu rao việc tìm người họ Trần để cho khôi phục lại vương tước. Khi được thay Chu Năng chỉ huy quân xâm lăng tướng giặc là Trương Phụ và Mộc Thạnh đã lấy lời văn trong các bảng yết ấy viết vào nhiều mảnh gỗ khác nhau rồi thả xuống sông cho trôi vào nước ta. Cũng sách trên (tờ 53 - a) chép tiếp:
"Các quân (của nhà Hồ) người nào trông thấy (những bảng văn ấy) cũng đều cho là đúng, hơn nữa, họ lại chán nản chính sự hà khắc của họ Hồ nên không còn bụng dạ nào chiến đấu nữa.”
Bên cạnh những người chán nản là không ít những kẻ đầu hàng, cam tâm làm tay sai cho giặc. Trong số đó có Mạc Địch, Mạc Thúy, Mạc Viễn, Nguyễn Huân v.v... Đầu tháng 12 năm Bính Tuất (1406), quân Minh đã chiếm được Việt Trì. Cũng sách trên (tờ 53 - b và 54 - a) chép:
"Đêm ngày mồng 9 (tháng chạp năm Bính Tuất - ND), quân Minh đánh úp quân họ Hồ ở bãi Mộc Hoàn. Tướng chỉ huy quân Tả Thần Dực là Nguyễn Công Khôi đang vui chơi nữ sắc, không hề phòng bị, thuyền bị (giặc) đốt cháy gần hết, toàn quân bị tiêu diệt (chẳng ai kịp phản kháng, tất cả) lặng im như không có tiếng động của chiến trận. Thủy quân (của nhà Hồ) ở phía trên và phía dưới không đến ứng cứu, chỉ đứng ở xa xin Tả tướng quốc (Hồ Nguyên) Trừng xem ai có thể thay giữ chỗ đó. Quân Minh liền vượt sông bằng cách làm cầu phao. Sáng ngày 12 (chỉ huy) quân Minh là Trương Phụ dẫn Đô đốc Hoàng Trung, Đô chỉ huy Thái Phúc tiến công phía tây bắc thành Đa Bang. Mộc Thạnh dẫn bọn Đề đốc Trần Tuấn tấn công phía đông nam thành. Xác (giặc) chất cao ngang với thành mà giặc vẫn tiến đánh, không tên nào dám ngừng lại. Bọn Nguyễn Tông Đỗ (là) tướng chỉ huy quân Thiên Trường đào thành cho voi ra. Người Minh dùng hỏa tiễn bắn voi. Voi lui lại, nhân đó người Minh theo voi đánh vào. Thành liền bị hạ. Các quân ở dọc sông đều tan vỡ. (Họ Hồ) cho quân lui giữ Hoàng Giang. Người Minh vào Đông Đô, bắt cướp con gái, ngọc lụa, thống kê lương thảo, chia quan làm việc và chiêu tập dân xiêu tán, tính kế ở lâu dài. (Chúng) thiến nhiều con trai nhỏ tuổi và thu tiền đồng ở các xứ, cho chạy trạm đưa về Kim Lăng (Trung Quốc).”
Lời bàn: Trần Hưng Đạo nói: “Quân quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (quân lính cốt ở tinh nhuệ chứ không phải ở số đông). Quân đội nhà Hồ rất đông, vũ khí và trang bị tốt, nhưng lại thiếu tất cả những yếu tố căn bản nhất để có thể gọi là đội quân tinh nhuệ.
Không có tinh thần phụ tử chi binh (quân đội trên dưới như cha con một nhà), ấy là cái thiếu thứ nhất. Không gắn bó với nhà Hồ vì chán ghét chính sự hà khắc nên không có tinh thần và lí tưởng chiến đấu, ấy là cái thiếu thứ hai. Không được nhân dân ủng hộ, ấy là cái thiếu thứ ba. Không có một nhà chiến lược đủ uy tín và tài năng để chỉ huy quân dân cả nước, ấy là cái thiếu thứ tư. Thiếu cả bốn cái không thể thiếu ấy, thảm bại là điều không thể tránh khỏi.
Sau trận thảm bại này, đất nước bị quân Minh đô hộ hơn 20 năm. Đau xót và nhục nhã thay!