Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 31 - 32

31 - ĐÁNG ĐỜI PHAN LIÊU

Tháng tư năm Quý Tị (1413), quân Minh đánh chiếm được Nghệ An, lực lượng của Trùng Quang Đế chỉ còn giữ được vùng Hóa Châu nữa mà thôi. Hóa Châu tuy địa thế hiểm trở nhưng đất hẹp, dân thưa, không thể làm căn cứ vững chắc cho lực lượng của Trùng Quang Đế.

Hai tháng sau khi chiếm được Nghệ An, Trương Phụ và Mộc Thạnh họp các tướng để chuẩn bị đánh trận quyết định với Trùng Quang Đế. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 22 - a) cho biết:

“Tháng 6, Trương Phụ và Mộc Thạnh nhà Minh họp các tướng bàn kế đánh chiếm (Hóa Châu). Thạnh nói:

- Hóa Châu núi cao biển rộng, chưa dễ lấy được.

Phụ nói:

- Tôi sống được cũng là nhờ Hóa Châu, có làm ma thì cũng làm ma Hóa Châu. Hóa Châu mà chưa dẹp được, tôi còn mặt mũi nào nhìn Chúa thượng nữa.

Xong, bèn đem thủy quân đi, mất 21 ngày (thì đến và) đánh vào thành của châu Thuận Hóa.”

Trận này, Trùng Quang Đế đại bại, phải chạy sang Lão Qua (đất Lào ngày nay), nhưng rồi cũng bị quân Minh đuổi theo, lùng bắt được và giải về Trung Quốc. Dọc đường, Trùng Quang Đế nhảy xuống cửa sông tự tử.

Vì sao Trương Phụ dám đánh nhanh và kết quả là đã thắng thật nhanh ở Hóa Châu như vậy. Có một điều bí mật mà có lẽ cả đến Mộc Thạnh cũng không hay. Cũng sách trên (tờ 23 - b và tờ 24 - a) ghi rõ:

“Trước đây, nhà hậu Trần (thỉ chung Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng - ND) dấy binh mưu việc phục hưng, có viên Trấn thủ cũ là Phan Quý Hựu góp công tính mưu giúp sức nên (Quý Hựu) được thăng dần đến Thiếu bảo. Khi Trương Phụ vào đánh cướp Nghệ An, Vua (chỉ Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng - ND) ngự tới Hóa Châu, Quý Hựu liền hàng giặc. Phụ mừng lắm. Nhưng, được mươi hôm thì Quý Hựu vì bệnh mà chết. Phụ cho con (của Quý Hựu) là Liêu làm Tri châu Nghệ An và hậu thưởng cho gia thuộc của Quý Hựu. Liêu đem tình trạng hay dở của các tướng văn võ, số lượng quân đội và hình thế núi sông (ở Hóa Châu) nói cho Phụ biết. Bấy giờ, Phụ mới quyết chí đánh Hóa Châu.”

Song le, kẻ phản bội làm sao thoát nổi lưới trời, Phan Liêu về sau cũng chết bởi sự trừng trị đích đáng của Lê Lợi. Xin mượn lời bàn của Ngô Sĩ Liên (trong Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 24 a - b) thay cho phần kết của mẩu chuyện về tên phản quốc Phan Liêu:

"Trùng Quang Đế dấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước đang trong cơn loạn lạc chia lìa, kể cũng như lấy một cây gỗ nhỏ để chống giữ ngôi nhà lớn đang đổ, có đâu lại không biết rằng sự thể đã đến lúc không sao cứu vãn được nữa? Dẫu vậy, cứ làm hết bổn phận phải làm để mong có thể thay đổi được mệnh trời. Còn như khi bị giặc bắt đem về, (Vua) giữ nghĩa không chịu nhục, cam lòng nhảy xuống sông mà chết, cùng mất với nước như thế, thực đúng là vua của nước, chết vì đất nước. Các bề tôi của Ngài như Cảnh Dị chửi giặc mong cho chúng giết ngay mình, Nguyễn Biểu kể tội của giặc rồi chết... đều là những người tiêu biểu đáng ca ngợi cả.

Chỉ có Hồ Ngạn Thần đi sứ làm nhục mệnh Vua đã bị giết rồi, Phan Liêu đem tình hình mạnh yếu trong nước mà báo cho giặc, tuy được thoát chết trong một thời, nhưng sau lại bị Thái Tổ Cao Hoàng đế ta (chỉ Lê Lợi - ND) giết chết.

Than ôi, kẻ làm tôi trung với nước, chết vì nghĩa, danh thơm mãi còn, bọn bất trung phản quốc, không thể tránh khỏi cái chết, lại còn để tiếng xấu ngàn năm. Quả đúng vậy!"

32 – TIẾT THÁO CỦA TRÙNG QUANG ĐẾ, ĐẶNG DUNG, NGUYỄN CẢNH DỊ

VÀ NGUYỄN SÚY

Tháng chạp năm Quý Tị (1413) quân Minh đập tan hoàn toàn lực lượng của Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng. Toàn bộ các lãnh tụ của phong trào yêu nước này đều bị giặc bắt và tất cả đều đã anh dũng hi sinh. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 12, tờ 40) chép rằng:

“Từ khi quân của Hoàng đế Quý Khoáng thất trận, phải ẩn náu trong rừng, tàn quân không sao tập hợp lại được nữa. Cảnh Dị và Đặng Dung muốn chạy sang Tiêm La (tức Thái Lan ngày nay - ND) nhưng (Trương) Phụ đuổi theo, bắt được. Cảnh Dị mắng chửi Phụ rằng:

- Chính ta muốn giết mày, bây giờ lại bị mày bắt!

(Cảnh Dị) mắng chửi mãi không nghỉ miệng, (Trương) Phụ bèn đem giết rồi lấy gan ăn. Đế Quý Khoáng chạy sang Lão Qua (đất Lào ngày nay - ND), Nguyễn Súy chạy đến Minh Linh (Quảng Bình - ND) cũng đều bị quân Minh bắt.”

Tháng tư năm Giáp Ngọ (1414), Trương Phụ giải Trùng Quang Đế Đặng Dung và Nguyễn Súy về Trung Quốc. Cũng sách trên (tờ 41) đã chép lại việc áp giải vua tôi Trùng Quang Đế, kèm theo lời phê của các sử gia trong quốc sử quán triều Nguyễn như sau:

“Trương Phụ bắt được Hoàng đế Quý Khoáng cùng (các bề tôi là) (Đặng) Dung, (Nguyễn) Súy, bèn dẫn quân về Đông Quan (tức Hà Nội - ND) rồi sai người đưa vua tôi Quý Khoáng về Yên Kinh (Trung Quốc - ND). Dọc đường, Hoàng đế Quý Khoáng nhảy xuống sông mà chết, (Đặng) Dung cũng nhảy theo, duy chỉ (Nguyễn) Súy bị người lính canh bắt lại. Súy bèn ngày ngày cùng người lính canh đánh cờ, dần dà làm thân, sau lấy bàn cờ đánh chết người lính canh, rồi cũng nhảy xuống sông mà chết.

Lời phê: Lúc đầu, đời Trấn may mà gặp Thoát Hoan nhà Nguyên; lúc cuối, đời Trần không may mà gặp Trương Phụ nhà Minh, sự được thua hưng suy vừa do ở trời vừa do ở người. Nhưng, vua tôi biết chết theo xả tắc, làm sảng tỏ đến ngàn đời.”

(Câu này ý nói Thoát Hoan kém cỏi còn Trương Phụ thì có tài. Lời phê này chưa thật thỏa đáng, tuy nhiên tôn trọng nguyên bản chúng tôi xin dịch như vậy - ND).

Lời bàn: Trùng Quang Đế cùng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy và nhiều bậc tướng tài giàu lòng trung nghĩa khác, đã sống một cuộc đời quả cảm, ngang dọc tung hoành, tỏ cho quân Minh biết thế nào là hào kiệt nước Nam.

Đến khi thế cùng lực kiệt, họ cam chịu nỗi đau của người bại trận và trút bỏ xác phàm để bước vào thế giới vĩnh cửu của sự tôn nghiêm mà hậu thế muôn đời trân trọng dành cho họ.

Ngọn đèn sắp tắt bao giờ cũng lóe sáng lên một lần cuối cùng, nhà Trần như ngọn đèn cạn dầu tàn bấc từ cuối thế kỉ XIV, đến đây, hoạt động của Giản Định Đế và Trùng Quang Đế kể cũng như là lần lóe sáng cuối cùng vậy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3