Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất - Mở Đầu

Lời giới thiệu

Cuốn sách nhỏ này viết về cuộc đời và thơ ca của Tsangyang Gyatso, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 “sinh vì Phật, sống vì tình”, người đã viết câu thơ bất hủ: “Thế gian sao có đôi đường vẹn, Chẳng phụ Như Lai chẳng phụ nàng.”

Tsangyang Gyatso (Thương Ương Gia Thố 1683-1706) là thủ lĩnh chính trị tôn giáo Tây Tạng, là Phật sống, nhưng vẫn quyến luyến hồng trần, vấn vương tình ái. Ngài cũng là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất Tây Tạng, những bài thơ của Ngài phóng khoáng lãng mạn mà chân thành sâu sắc, được lưu truyền rộng rãi suốt ba trăm năm qua. Tuy Tsangyang Gyatso đã vi phạm thanh quy giới luật của bậc tu hành, nhưng người đời vẫn một lòng kính yêu Ngài, họ chép tay, truyền miệng, ngâm nga những vần thơ đẹp đẽ cảm động của Ngài. Đối với họ, Ngài là vị Phật sống hữu tình, dám rời bỏ cung vàng điện ngọc, đi vào dân gian, cùng chúng sinh “gặp lại chốn hồng trần sâu nhất”.

Bằng văn phong trau chuốt bay bổng, mang hơi hướng “thiền”, tác giả Bạch Lạc Mai dẫn dắt chúng ta đi qua từng giai đoạn thăng trầm trong cuộc đời đầy sắc thái truyền kỳ của Tsangyang Gyatso, cũng là thời kỳ lịch sử nhiều biến động của Tây Tạng. Tây Tạng huyền bí quyến rũ hiện lên giữa các trang sách, với những núi thần hồ thánh thảo nguyên, với những cung điện và tu viện Phật giáo Tạng truyền nguy nga, với những người dân Tạng thành kính mộ đạo…

Phụ lục của sách giới thiệu đầy đủ 66 bài thơ của Tsangyang Gyatso, được chuyển ngữ sang tiếng Việt dựa trên bản dịch tiếng Trung của Tăng Giam.

Đây là một cuốn sách nên đọc chậm, nhưng nếu bạn có hứng thú tìm hiểu thêm về Tây Tạng và Tsangyang Gyatso, nếu bạn chuộng lối viết tản văn thanh nhã của Bạch Lạc Mai, hẳn bạn sẽ thích nó. Nhấm nháp một tách trà ngon, thong thả lật giở từng trang sách, thế giới bận rộn ồn ã bên ngoài dường như lùi xa, trước mắt bạn thấp thoáng bầu trời Tây Tạng xanh ngăn ngắt tưởng chừng với tay chạm được, bên tai bạn văng vẳng thơ ca du dương của một vị tình tăng có tên là Tsangyang Gyatso…

Lời tựa

Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất

Rất nhiều năm trước, tôi thích thơ của Tịch Mộ Dung[1]. Lúc ấy cứ luôn mong mỏi có một cuộc gặp gỡ trong sáng với người hữu duyên nào đó trên ngọn núi nở đầy hoa dành dành. Có lẽ sau này thật sự đã gặp, cũng từng thật sự nắm tay nhau đi qua nẻo đường hồng trần. Rồi cho tới một ngày, chúng tôi lại cô độc đến lãng quên đôi bên.

[1] Tịch Mộ Dung, sinh năm 1943, nữ nhà thơ, nhà tản văn, họa sĩ nổi tiếng của Đài Loan. Tác phẩm tiêu biểu: Cây nở hoa, Hương bảy dặm… Bài thơ Chờ mong của bà có hai câu: “Nếu có thể trên sườn núi nở đầy hoa dành dành. Cùng anh gặp gỡ.”

Dòng chảy thời gian ngày càng sâu, nhiều sự việc đã mơ hồ không rõ. Chúng ta luôn nói rằng, nếu không gặp nhau, chưa biết chừng cuộc sống trôi qua phần nào yên ả, nhưng lại tĩnh lặng bình an. Số mệnh nhân quả của thế gian đã sớm có an bài, mỗi người đều có một quyển sách số mệnh định sẵn, không cho phép bạn và tôi tùy ý thêm bớt, sửa đổi.

Chúng ta nên tin tưởng rằng vạn vật trên đời đều có tình duyên. Dù là đá cứng đất cằn, cỏ khô cây mục, chỉ cần ban cho chúng nắng rạng mưa lành, cho từ bi yêu thương, không vật nào không khiến ta cảm nhận được sự thần kỳ của tạo hóa thiên nhiên và xứ mệnh mà cao xanh trao cho chúng. Do đó ở Tây Tạng[2], chúng ta đều nguyện ý thừa nhận cách nói của các tín đồ nơi này, tin rằng mỗi một con bò, con cừu đều có tình cảm, mỗi một ngọn cỏ gốc cây đều có linh hồn, mỗi một đám mây đang lờ lững trôi đều có nước mắt, còn núi non sông ngòi, chim chóc sâu kiến đều có tính Phật và tôn nghiêm không thể nói thành lời của chúng.

[2] Tây Tạng: một khu vực cao nguyên tại châu Á, ở phía Đông Bắc của dãy Himalaya, thuộc Trung Quốc. Đây là quê hương của người Tạng cũng như một số dân tộc Monpa, Khương, Lhoba… Hiện nay cũng có đông đảo người Hán và người Hồi sinh sống. Tây Tạng là khu vực có độ cao lớn nhất trên Trái Đất, với độ cao trung bình là 4.900m. Từ “Tây Tạng” trong tiếng Hán bắt nguồn từ việc hoán dụ tên gọi Tsang quanh Shigatse, cộng thêm tiền tố “Tây”. Các tên tiếng Hán khác từng dùng để chỉ Tây Tạng: Thổ Phồn, Ô Tư Tạng…

Tsangyang Gyatso[3] cũng là một hạt bụi nhỏ trong vạn vật, nhưng Ngài lại là một hạt bụi khiến chúng sinh cảm động. Đọc thơ tình của Ngài, tựa như gặp gỡ dịu dàng thương cảm, chúng ta bị tình yêu êm ái làm tổn thương, nhưng vẫn một lòng hướng đến không hề hối hận. Hàng ngày, đều có người trèo đèo lội suối tìm kiếm Ngài, chỉ bởi một lời hứa tình nguyện. Hàng ngày, đều có người vì Ngài thắp sáng một ngọn đèn bơ, quỳ mãi không dậy trước Đức Phật. Dường như nhất định phải dùng phương thức si tình ấy mới có thể đổi được một lần lướt vai, một cái ngoảnh nhìn.

[3] Tsangyang Gyatso (Thương Ương Gia (Mục) Thố, 1683-1706): Đạt Lai Lạt Ma thứ 6. Gyatso tiếng Tạng nghĩa là biển cả.

Nhưng lại không biết, vị Phật sống[4] nhân gian Tsangyang Gyatso sớm đã hóa thành cát bụi, chỉ để cùng chúng sinh gặp lại chốn hồng trần sâu nhất. Còn chúng ta, không cần túc trực nơi bến đò hoang vu hay dưới cây bồ đề lúc mặt trời lặn, si ngốc đợi Ngài nữa. Đã tin vào nhân quả, nên biết đời người duyên khởi duyên diệt, đến đến đi đi, ly ly hợp hợp, không thể cưỡng cầu.

[4] Phật sống: Tây Tạng dùng từ Châu-cô (tulku), Mông Cổ dùng từ Hô-tất Lặc-hãn (khublighan), đều để chỉ các dòng tái sinh và các vị tái sinh, chỉ các vị khi chết không quên bản tính, đầu thai trở lại, tiếp nối chức vị và sự nghiệp hoằng hóa trước. Đó là những người được công nhận là sự tái sinh của một người đã chết, sau khi được thử thách kiểm nghiệm. Các vị Châu-cô thường được dân chúng tôn là “Phật sống”. Trước khi hoàn thành nghi thức tọa sàng chính thức trở thành Châu-cô, các vị tái sinh được gọi là linh đồng chuyển thế.

Mộng như nước chảy, khắp nơi xuân xa. Khi gác bút, viết một bài thơ nhỏ, chẳng vì hững hờ tiễn biệt, cũng chẳng bởi cố ý nhớ đến ai. Chỉ là trong năm tháng ngắn ngủi, muốn trân trọng một cách khoan dung. Sự đời mênh mang rộng lớn, mong vạn vật sinh linh giữa nhân thế đều có thể gặp sao yên vậy.

Tất cả thành ra quá khứ rồi

Gặp chàng trong ký ức mà thôi

Ở chốn hồng trần sâu thẳm nhất

Gió nhạt mây nhòa vội chia phôi

Em vẫn là em thuở ban đầu

Chàng vẫn là chàng dẫu bể dâu

Bỗng một ngày kia trong thời loạn

Vui mừng, nghe hơi thở của nhau

Đợi được trùng phùng thật gian nan

Đắm chìm trong khói lửa nhân gian

Em nhận lời chàng, em xin hứa

Sẽ chẳng dễ dàng nói ly tan

Ở chốn hồng trần sâu thẳm nhất

Gió nhạt mây nhòa vội chia phôi