Nô tỳ Isaura - Chương 01 - 02

Chương 1

Vào những năm đầu của triều đại Don Perdro, trên dải đất Goitacases phì nhiêu và trù phú, có một điền trang tuyệt đẹp trải dọc con sông Paraiba, cách thị trấn Campos mấy dặm đường.

Một tòa dinh thự nguy nga với những đường nét hài hòa mọc lên trên vùng đồng bằng canh tác, dưới chân mấy ngọn đồi phủ rừng đã có phần được những người tiều phu khai phá. Quanh vùng ấy, thiên nhiên hãy còn giữ nguyên vẻ hoang dã nguyên thủy, nhưng trong khu vực gần dinh thự bàn tay con người đã thuần phục cái thế giới thực vật quá phồn vinh để gầy dựng những khu vườn cây ăn quả, những bãi chăn súc vật tươi tốt và những vườn hoa cỏ xén phẳng phiu. Lác đác đó đây mới thấy những cây đại thụ - những cây xoài khổng lồ, những cây thông bá hương và những khóm chuối - hắt bóng lên cảnh vật như những di tích còn lại của sức sống mãnh liệt của rừng xưa. Họa hoằn lắm mới thấy một dãy tường, một hàng rào hay một quãng hào hố. Những cánh đồng cỏ và những khu trồng trọt lân cận được phân giới bằng những lũy tre khiến cho toàn cảnh nom như một khu công viên rộng mênh mông.

Tòa nhà trông thẳng ra mấy ngọn đồi.Trước mặt nhà là dãy thềm bậc đá dẫn đến một khung cửa bám đầy những cây leo lúc nào cũng nở hoa. Phía sau tòa dinh thự là khu nhà phụ thuộc: những túp lều của nô lệ, những dãy chuồng bò và những kho chứa thóc và rơm rạ. Xa hơn nữa là những khu vườn hoa, vườn trồng cau và một khu vườn ăn quả rộng mênh mông chạy dài ra đến bờ sông.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Ấy là một buổi chiều tháng mười quang đãng và yên tĩnh. Mặt trời như vẫn chần chừ không muốn lặn; nó cứ nổi lềnh bềnh cuối chân trời, treo lơ lửng trên những đám mây viền kim tuyến chốc chốc lại đổi màu. Một làn gió nhẹ và thơm khẽ lay động đám cây con và những tàu lá dừa soi mình trên nước sông trong vắt.

Ánh tà dương đỏ rực chiếu thẳng vào các cửa kính trông như thể ở bên trong các phòng lửa đã tràn ngập khắp nơi. Cảnh vật chìm trong im lặng. Mấy con bò cái tơ nằm dưới bóng cây cao nhai cỏ chầm chậm, dáng hiền hòa. Đàn gà vịt tha thẩn đi nhặt thóc quanh nhà, mấy con cừu chốc chốc lại kêu lên vài tiếng “bê-ê-bê bê-ê-bê”, và mấy con thỏ thong thả về chuồng, thỉnh thoảng cất tiếng rống buồn bã. Tòa nhà dường như hoàn toàn hoang vắng. Chỉ có mấy cánh cửa lớn ở phía trước và mấy cánh cửa sổ ở phòng khách mở rộng là còn cho biết rằng trong nhà vẫn có người.

Bỗng trong bóng hoàng hôn êm ả nổi lên những tiếng dương cầm thánh thót, rồi một giọng nữ du dương và tha thiết, tươi mát và trong trẻo lạ thường, cất tiếng hát. Giọng hát tuy có phần bị nén lại nhưng vẫn có một âm hưởng vang dội. Điệu hát buồn buồn, nghe như xa vắng khiến người ta nghĩ đến lời than thở của một tâm hồn bị giày vò đau đớn.

Lời hát rằng:

Từ thuở lọt lòng tôi đã thở

Không khí đắng cay của kiếp nô lệ

Như một mầm cây gieo xuống

Một mảnh đất bị rủa nguyền

Suốt đời tôi than khóc

Thân phận kẻ tôi đòi.

Hai cánh tay tôi bị kìm hãm

Chẳng còn ôm ấp được ai

Đôi môi và đôi mắt của tôi

Nào có dám nói lấy một lời âu yếm

Trời cho tôi một quả tim

Chỉ để tôi đau khổ hơn nữa mà thôi.

Trong gió đồng nội cất lên

Hoa tỏa hương ngây ngất

Chim chóc tự do ca ngợi

Vẻ đẹp của rừng

Riêng kẻ nô tỳ tội nghiệp

Làm gì có được một lời ca!

Hãy im đi, kẻ nô tỳ đáng thương

Lời than của mi đầy tội lỗi

Mi không có quyền

Hát lên những niềm tủi cực

Đời mi nào phải của mi

Mà tim mi cũng không: hãy nhớ lấy.

Giọng hát dịu êm chỉ có thể làm cho khách càng thêm muốn lại gần người đang hát: đó chỉ có thể là một nàng tiên, hay một thiên thần. Vậy ta hãy bước thêm những bậc thềm để vào tiền sảnh. Ở bên phải dãy hành lang, một cánh cửa cao hé mở cho phép ta nhìn vào một căn phòng khách trang hoàng lộng lẫy. Ngồi trước dương cầm là một thiếu nữ dáng dấp như một bà hoàng. Khuôn mặt trông nghiêng của nàng, tương phản với mái tóc dày đen nhánh, nổi rõ trên màu gỗ huyền của cây đàn. Những nét mặt ấy thanh tú và trang nhã một cách tự nhiên đến nỗi ai nhìn cũng phải thấy tâm hồn xao xuyến và lý trí tê dại đi. Da nàng cùng màu với những phím ngà trên đàn - một màu trắng mịn và êm. Cổ nàng vẽ thành một nét dịu dàng tiếp tục những đường cong của thân hình nàng một cách vô cùng duyên dáng. Mái tóc dài lượn sóng chảy xuống hai vai nàng thành những búp màu hạt huyền dày rậm và phủ gần kín hết cả lưng tựa của chiếc ghế nàng đang ngồi. Trên vầng trán mịn màng, ánh sáng của trời chiều nhuốm một màu hồng ấm áp. Nó khiến người ta nghĩ đến những chiếc chao đèn huyền diệu lưu giữ ở bên trong qua lớp tơ mờ ảo, ngọn lửa thiêng của niềm cảm hứng. Lúc này nàng đang quay mặt ra cửa sổ và mắt nàng nhìn đăm đắm vão cõi xa xăm.

Vẻ đẹp của người thiếu nữ đang hát còn được các trang phục rất giản dị - hết sức sơ sài nữa là đằng khác - làm cho nổi bật lên hơn nữa. Một tấm áo dài bằng vải mỏng màu thiên thanh tô rõ thêm cái thân hình thanh tú và dáng ngồi trang nhã của nàng. Những nếp gấp của tấm váy khâu nhíu lượn tròn xung quanh tấm lưng thon thả của nàng như một đám mây nhẹ: trông nàng như một vệ nữ từ dòng suối nhô lên hay một thiên thần hiển hiện từ làn sương mờ ảo. Một cây thập tự nhỏ bằng huyền thạch đeo trên cổ bằng một dải lụa đen là món trang sức duy nhất của nàng.

Dứt lời ca, cô thiếu nữ ngồi yên một hồi lâu, dáng mơ mộng, mấy ngón tay thon thả còn đặt trên phím đàn, như đang lắng nghe những dư âm của bài ca tan dần trong ánh chiều.

Bỗng tấm màn mu-xơ-lin trên cánh cửa mở vào một phòng trong được vén lên, một nhân vật mới bước vào phòng khách.

Đó cũng là một người đàn bà, và cũng đang ở cái tuổi tràn đầy ánh hào quang của thanh xuân. Các trang phục sang trọng và tinh tế, dáng đi đài các của nàng làm cho nàng có cái vẻ hơi kiểu cách mà các thiếu nữ con nhà trâm anh thường có, ngay cả những khi họ chỉ một mình. Quả vậy, Malvina vốn tự hào về nhan sắc và địa vị xã hội của mình, nhưng đôi mắt xanh rất to của nàng cho thấy rõ nàng là người có tấm lòng nhân hậu.

Malvina lặng lẽ đến cạnh người thiếu nữ vừa hát, dừng lại đứng sát sau lưng nàng và nhẹ nhàng đặt bàn tay lên vai nàng.

- Isaura... - Malvina khẽ gọi.

- Ô! phu nhân! - Isaura hơi giật mình. - Em không biết có phu nhân ở đây.

- Không sao cả, em cứ hát đi. Giọng em hay quá. Nhưng giá em hát bài nào khác thì hơn. Sao em thích cái bài buồn thảm ấy đến thế?

- Em thấy nó hay quá, vả lại... À phải! Em không được nói...

- Em cứ nói đi, Isaura ạ. Chị đã bảo là em đừng giấu chị điều gì, đừng sợ gì cả kia mà!

- Bài hát này làm em nhớ đến mẹ em, người mà em chưa từng biết mặt. Nhưng nếu phu nhân không thích, em sẽ không bao giờ hát bài ấy nữa.

- Quả thật chị không thích lắm, Isaura ạ. Nghe em hát bài ấy người ta có thể tưởng em bị bạc đãi, nghĩ rằng em là một người nô tỳ khốn khổ bị những người chủ xấu bụng hành hạ. Thế nhưng em cũng biết rằng chẳng thiếu gì những người tự do ước ao có được một cuộc sống như em. Em được chủ quý trọng. Em được giáo dục như một tiểu thư con nhà quý phái. Em xinh đẹp, và da em trắng trẻo mịn màng đến nỗi không ai có thể tưởng tượng rằng có một ít máu Phi châu tuần hoàn trong các các huyết mạch của em. Hơn nữa em cũng biết rằng trước khi qua đời mẹ chồng của chị đã gởi gắm em lại cho hai vợ chồng chị. Chị sẽ suốt đời tôn trọng ý nguyện của người đàn bà thánh thiện ấy. Em cũng biết đấy: chị đối với em là một người bạn nhiều hơn là một bà chủ. Không đâu Isaura ạ, - Malvina nói tiếp, giọng trách móc nhẹ nhàng, - chị mong sẽ không bao giờ nghe thấy em hát bài ca buồn bã ấy nữa. Nếu không, chị không bao giờ cho phép em chơi dương cầm nữa đâu.

- Nhưng thưa phu nhân, em chỉ là một nô tỳ. Sự giáo dục mà em được hưởng, cái nhan sắc mà mọi người ra sức ca ngợi, nào có ích gì cho em đâu? Cùng lắm đó cũng chỉ là những thứ trang hoàng bên ngoài trên túp lều của một kẻ nô lệ da đen. Dù có trang hoàng thế nào, đó cũng chỉ là một túp lều khốn khổ.

- Em than thân trách phận sao, Isaura?

- Em đâu dám, thưa phu nhân? Em không có lý do gì để làm như vậy. Chẳng qua em muốn nói rằng mặc dầu được hưởng nhiều đặc ân, em cũng nhận rõ vị trí của em trong tòa nhà này.

- Thôi đi, Isaura, chị thừa biết cái gì làm em buồn rồi. Vả lại bài hát kia cũng cho thấy rõ. Đẹp như em, chắc chắn là phải có người yêu!

- Ô thưa phu nhân! Làm gì có ạ!

- Có thì đã sao? Chẳng có gì lạ hết! Nào thú thật đi, em có người yêu cho nên mới buồn khổ vì nỗi không được là người tự do, không được quyền tự do yêu người đã chinh phục trái tim em và cũng đem lòng yêu em tha thiết chứ gì?

- Em xin phu nhân tha thứ cho em. - Cô nô tỳ đáp với một cười ngây thơ. - Phu nhân lầm rồi. Em không hề nghĩ đến chuyện đó.

- Thật không đấy? Em không không giấu được ai đâu, Isaura yêu quý ạ. Em đang yêu và một người xinh đẹp và có học thức như em khó lòng có thể phải lòng một anh nô lệ, trừ khi đó là một anh nô lệ giống như em, nhưng làm gì có một người nô lệ như vậy! Chị cho là em yêu một thanh niên tự do tuấn tú, cho nên tiếng hát của em mới buồn như vậy. Nhưng em đừng buồn phiền nữa Isaura ạ, chị hứa với em là chỉ nay mai em sẽ được tự do. Chỉ cần đợi Leoncio về là xong. Chị không muốn một thiếu nữ như em phải chịu mãi thân phận nhục nhã của một nô tỳ.

- Thưa phu nhân, xin phu nhân tin cho rằng em không hề nghĩ đến tình yêu, và càng không hề nghĩ đến tự do. Chẳng qua có những lúc em buồn vô cớ thế thôi.

- Cũng chẳng sao. Chính chị muốn cho em được tự do, và em sẽ được tự do.

Đến đây, cuộc trò chuyện giữa hai người đàn bà bị cắt ngang, có hai người kỵ mã dừng ngựa trước thềm.

Hai cô vội chạy ra cửa sổ.

Chương 2

Hai người kỵ mã vừa xuống ngựa là hai chàng thanh niên tuấn tú, ăn mặc sang trọng. Họ từ thị trấn Campos đến. Cứ trông cái dáng dấp thoải mái của họ khi đi vào nhà, cũng biết ngay đó là những người thân thuộc.

Quả nhiên một trong hai người là Leoncio, chồng của Malvina, và người kia là Henrique, em trai của nàng.

Trước khi kể tiếp câu chuyện, ta hãy dừng lại trong chốc lát để làm quen với hai nhân vật mới này.

Leoncio là con một của trang chủ quý tộc Don Almeida, chủ nhân của khu điền trang lộng lẫy mà ta đang đến thăm. Don Almeida đã già nua ốm yếu lắm rồi khi cậu con trai lấy vợ: đám cưới được cử hành một năm trước khi câu chuyện của chúng ta bắt đầu. Ngài đã ủy thác cho Leoncio cai quản toàn bộ tài sản và đã lên định cư ở thủ đô với niềm hy vọng sẽ điều trị được những bệnh tật đang làm khổ ngài.

Leoncio từ bé đến lớn bao giờ cũng được nuông chiều. Những sự chiều chuộng vô hạn độ của song thân đã từ lâu làm cho tâm hồn chàng hư hỏng và trí tuệ chàng lệch lạc. Là đứa trẻ nghịch ngợm và vô kỷ luật, Leoncio đã mấy lần phải đổi trường học, và sở dĩ cậu thi đỗ chẳng qua cũng là nhờ danh vọng của gia đình: các thầy dạy cậu không bao giờ dám xúc phạm đến ngài Almeida tôn quý.

Được ghi danh vào trường Y học, ngay từ năm thứ nhất Leoncio đã chán ngành này. Với sự ưng thuận của song thân, cậu rời đi Olinda để học Luật. Nhưng sau khi đã phung phí một phần gia sản của phụ thân để thỏa mãn những sở thích hoang tàn của mình, chẳng bao lâu cậu đã mất hết hứng thú đối với ngành Luật. Tin chắc rằng chỉ có châu Âu mới cho phát triển trí thông minh và thỏa mãn chí ham hiểu biết. Leoncio bèn viết thư cho phụ thân và lập tức được ngài ưng thuận cho sang Pháp. Ở Paris, Leoncio đã tìm thấy cái thế giới của xa hoa và của những lạc thú dễ dàng vốn thích hợp với mình, cho nên cậu rất ít khi đến trường nghe giảng, và có đến trường chăng cũng chỉ để mua vui. Người ta lại càng khó lòng có thể gặp cậu trong các thư viện, các câu lạc bộ văn hóa hay các viện bảo tàng. Ngược lại, cậu rất chuyên cần lui tới các hiệu cà phê, các tiệm rượu, các hý viện và các phòng khách thính thời thượng, và chẳng bao lâu cậu đã trở thành một trong những trang công tử đàng điếm nhất của chốn thủ đô. Sau mấy năm cư trú ở Paris, xen kẽ với những thời gian nghỉ ngơi ở các trung tâm hưu dưỡng có suối nước khoáng và với những chuyến ngao du ở các đô thành lớn nhất châu Âu, những món chi tiêu điên rồ của cậu đã tổn hại đến gia sản đến mức ngài Almeida tôn quý, mặc dầu thương con rất mực, vẫn buộc lòng phải gọi cậu về Campos để tránh cho gia tài khỏi khánh kiệt hoàn toàn. Và để khỏi làm cho cậu chạnh lòng vì một cách kết thúc quá đột ngột cái thời chơi bời hoang phí của cậu, người cha hào phóng ấy liền sử dụng ánh hào quang của một triển vọng kết hôn đầy hứa hẹn về tài chính.

Leoncio giác ngộ rất nhanh quyền lợi của mình và lên đường về nước không chậm trễ. Chàng trai đã hấp thụ các cung cách của giới thượng lưu châu Âu một cách hoàn hảo đến nỗi người ta có thể tưởng chàng là một công vương chính hiệu. Nhưng với cái vỏ hào nhoáng và trang nhã bên ngoài ẩn nấp một tính cách ti tiện và một tâm hồn đã suy đồi vì trác táng. Những xu hướng tốt lành và hào phóng vốn là bẩm sinh trong tính cách của chàng không đủ sức ngăn ngừa cho chàng khỏi hấp thụ những quan điểm đồi bại được minh họa bằng những tấm gương còn tai hại hơn nữa.

Khi rời châu Âu trở về nước, Leoncio đã hai mươi lăm tuổi. Ngài Don Almeida, sau khi chọn lựa lời lẽ một cách công phu, đã nói cho chàng hiểu rằng đã đến lúc chàng phải nghĩ đến tương lai và chọn lấy một nghề nghiệp. Chàng đã hưởng khá đầy đủ những lạc thú mà tài sản của cha mẹ có thể cung cấp, và bây giờ chàng phải học cách quản lý, nếu không phải là gia tăng cái di sản mà không chóng thì chầy sẽ nằm trọn trong tay chàng.

Sau nhiều lần do dự đắn đo, Leoncio quyết định theo đuổi nghề thương mại, mà chàng thấy độc lập và chắc chắn hơn cả. Nhưng những cách suy nghĩ táo bạo của chàng trong lĩnh vực này chẳng bao lâu đã làm cho cha chàng khiếp sợ. Công việc nhập cảng và xuất cảng hàng hóa, dù là ở quy mô lớn, cũng như công việc buôn nô lệ da đen, ngài Almeida đều thấy là những lối làm ăn bất lương, hèn hạ, không xứng đáng là bao với cái địa vị xã hội và nền giáo dục tinh vi mà ngài cho là đã ban cấp cho người kế nghiệp duy nhất của ngài.

Về phía mình, Leoncio không thỏa mãn với những công việc kinh doanh vụn vặt kiểu mua sỉ bán lẻ. Chàng chỉ quan tâm tới những cuộc đầu tư lớn vào những thủ thuật ngân hàng và những chuyến buôn đại quy mô trong đó có thể đầu tư những số vốn kếch xù. Vốn đã từng lui tới thị trường chứng khoán ở Paris và các thủ đô Âu châu khác, chàng tự thấy mình đủ thông thạo để điều khiển những ngân hàng cỡ lớn hoặc những xí nghiệp công nghệ phồn vinh.

Tuy vậy cha chàng cũng vẫn không sẵn lòng giao tài sản của mình cho nhà kinh doanh tài chính trẻ tuổi này, vì kể cho đến giờ này chàng chỉ tỏ ra có khả năng phung phí những món tiền lớn trong một thời gian rất ngắn nhiều hơn là có khả năng sử dụng vốn liếng, để thu lại lợi nhuận. Cho nên Don Almeida quyết định không bàn đến chuyện này nữa, hy vọng rằng chàng trai sẽ tỏ ra chín chắn hơn.

Nhận thấy cụ thân sinh bắt đầu lảng tránh thường xuyên việc chi cho chàng những món tiền cần thiết cho việc thực hiện các ý đồ của mình, chẳng bao lâu Leoncio đã đi đến chỗ kết luận rằng hôn nhân là phương tiện đơn giản nhất và tự nhiên nhất để gầy dựng một sản nghiệp riêng.

Ở thủ đô có một nhà doanh nghiệp rất giàu vốn là bạn thân của Don Almeida, từ lâu đã hứa gả cô con gái là Malvina cho con trai ngài. Leoncio và Malvina gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Ít lâu sau, mẹ Leoncio mất. Người đàn bà đáng kính này sinh thời chẳng được hạnh phúc là bao nhiêu. Don Almeida là một người thô lỗ và lạnh lùng, không mấy quan tâm đến cuộc sống vợ chồng. Ngài sống một cuộc đời phóng đãng làm cho vợ ngài đau khổ rất nhiều. Khổ nhất cho bà là bao nhiêu con cái của bà sinh hạ đều chết lúc còn nhỏ, chỉ trừ mỗi một mình Leoncio.

Bà tiếc nhất là Trời không cho bà có được một mụn con gái để làm bạn với bà và an ủi bà khi đã già yếu.

Tuy vậy sự tình cờ đã muốn rằng bà có được niềm an ủi này trong một sinh vật yêu kiều và mỏnh manh, cuối cùng cũng đã lấp đầy được cái khoảng trống không trong trái tim bà. Một đứa bé nô lệ đã ra đời ngay trong nhà bà, và bà đã lập tức trút hết tình thương yêu vào đứa bé ấy.

Isaura - đứa bé ấy chính là nàng - vốn là con của một nô tỳ lai da đen làm hầu phòng cho phu nhân Almeida, cũng là gia nhân trung thành nhất của bà. Ngài Almeida, vốn là người vô đạo, coi tất cả nô tỳ như những súc vật giống cái dành riêng cho mình và vẫn thường nhìn cô hầu phòng xinh đẹp của vợ với đôi mắt đầy thèm muốn. Cô gái lai da đen trong một thời gian đã cố hết sức cưỡng lại những mưu đồ dâm đãng của chủ nhân, nhưng rồi cuối cùng cũng không chống cự nổi khi ngài dùng đến sức mạnh phũ phàng. Khi biết chuyện này, phu nhân Almeida chìm ngập trong một nỗi đau buồn tuyệt vọng.

Bị hạ nhục trước những lời trách móc cay đắng của vợ, ngài Almeida không còn dám cưỡng ép người nô tỳ đáng thương kia nữa, nhưng mặc dầu đã hết sức cố gắng, ngài cũng không sao xóa được cái cảm giác ghê tởm của người nô tỳ đối với ngài. Căm giận vì bị cự tuyệt, ngài trả thù bằng cách sai người ấy làm đủ các thứ việc nặng nề và hễ sơ suất một chút là ra tay trừng trị bằng những hình phạt khủng khiếp nhất. Ngài không cho cô ta làm việc hầu hạ trong nhà nữa, vì ở đây cô chỉ được giao những việc nhẹ cần đến sự khéo léo tinh vi, đuổi cô ta ra ở lều và bắt làm những việc đồng áng nặng nhọc, lại ra lệnh cho viên quản lý không nương nhẹ cô ta khi giao việc cũng như khi trừng phạt. Viên quản lý này là một người đàn ông ở tuổi trung niên, tính vốn nhân hậu hơn chủ. Ông ta đã đem lòng thương xót cô nô tỳ, và hơn nữa, đã xúc động sâu xa trước vẻ kiều diễm của cô. Ông không những không hành hạ cô ta, mà còn cưng chiều hết mức và tặng rất nhiều quà cáp, đến nỗi chín tháng sau cô ta sinh hạ được một đứa con gái. Tức giận điên cuồng, Don Almeida đuổi viên quản lý ra khỏi trang viện, bắt cô nô tỳ làm những việc hết sức nặng nhọc và hành hạ cô ta đủ điều, đến nỗi cô ta chết trong khi đứa con hãy còn ẵm ngửa.

Nàng Isaura xinh đẹp đã ra đời như vậy. Song le, như để đền bù cho cái thân phận côi cút của nàng đã có một người đàn bà thánh thiện cúi mình trên chiếc nôi của đứa trẻ đáng thương và hết lòng che chở nó dưới đôi cánh từ bi của mình.

Đối với phu nhân Almeida, đứa hài nhi đáng yêu này là một ân sủng của Trời để đền bù lại những nỗi buồn mà cách sống phóng đãng của chồng bà đã gây ra. Bà thề với vong linh của người đàn bà lai da đen kia là sẽ chăm sóc đứa bé, sẽ nuôi dạy cho nó thành người như thể chính con mình đẻ ra.

Và phu nhân đã giữ đúng lời hứa. Khi đứa bé đến tuổi đi học, phu nhân dạy cho nó học đọc, học viết, học khâu vá và học cầu nguyện. Sau đó bà lại tìm thầy dạy âm nhạc, dạy khiêu vũ, dạy vẽ, dạy tiếng Ý và dạy tiếng Pháp cho cô bé. Bà mua sách cho cô bé đọc. Nói tóm lại, bà cố hết sức làm sao cho cô bé được dạy dỗ hết sức tối ưu, như thể đó là con đẻ của bà, coi việc này như một điểm danh dự của bà. Về phía mình, Isaura, đã xinh đẹp lại được Trời phú cho một tư chất thông minh nhạy bén, luôn luôn làm cho bà hài lòng, vượt xa những điều bà kỳ vọng. Kinh ngạc trước những bước tiến nhanh chóng của cô bé, phu nhân Almeida thường tìm mọi cơ hội để cho trí thông minh của cô bộc lộ ra trước mắt mọi người, như người ta vẫn đem khoe ánh hào quang lấp lánh của một viên ngọc quý mà mình được chiếm hữu.

Từ nay, phu nhân coi đây là niềm diễm phúc của đời mình. Phu nhân thường nói:

- Trời đã không muốn ban cho tôi một mụn con gái do chính tôi xé ruột đẻ ra, nhưng Trời đã ban cho tôi một đứa con gái tinh thần.

Tuy nhiên, điều làm cho người ta ngạc nhiên hơn cả ở cô bé kiều diễm này là cách cư xử giản dị, khiêm nhường mà cô giữ được đối với những người cùng thân phận. Mặc dầu được săn sóc nuông chiều hết mức, cô không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo hay hống hách đối với những người nô lệ khác. Cách giáo dục cầu kỳ không hề mảy may làm thay đổi lòng nhân hậu tự nhiên và tính nết hiền dịu của cô. Cô bao giờ cũng vui vẻ ân cần đối với các nô tỳ, ngoan ngoãn và lễ độ đối với các chủ nhân.

Dĩ nhiên Don Almeida rất khó chịu với sự tình này. Ngài cho rằng cách cư xử của phu nhân đối với Isaura chẳng qua là một thói đỏng đảnh dở hơi của một mụ đàn bà không bình thường. Ngài thường thốt lên, giọng thương hại:

- Thật ngu xuẩn! Việc gì lại ra sức dạy dỗ cái con ngốc ấy như vậy? Chẳng bao lâu nữa lớn lên nó sẽ cười vào mặt cho ấy! Về già là các bà đều đâm ra như thế, bà thì suốt ngày đâm ra cầu nguyện với than thở, bà thì quay ra nuôi chó con hay gà con, riêng bà này thì lại một mực muốn biến cái con lai da đen kia thành một bà chúa. Một cách giết thì giờ tốn công tốn của. Mà thà có thu được lợi lộc gì cho cam! Thôi, trong khi bà vất vả với nó như thế thì ít nhất bà cũng làm ơn làm phúc miễn cho tôi những lời giáo huấn ngớ ngẩn và những lời phê phán nhục nhằn của bà...

Ít lâu sau lễ cưới của Leoncio, cả gia đình trở về sống trong tòa dinh thự ở Campos. Chính lúc bấy giờ ngài Almeida đã quyết định cho con trai hưởng trọn quyền sở hữu điền trang. Ngài trao luôn cho Leoncio cả quyền cai quản lẫn quyền chiếm hữu nô lệ. Ngài nói là ngài tự thấy mình đã quá già, quá mệt mỏi, khó bề gánh vác việc cai quản điền trang. Giải quyết xong xuôi việc trao quyền thừa hưởng gia tài, ngài lập tức lên đường đi thủ đô. Về phần phu nhân, bà tỏ ý muốn ở lại với con trai. Don Almeida thuận lòng ngay.

Malvina, cô vợ trẻ của Leoncio, tuy là người thuộc dòng dõi quý tộc, song có tâm hồn nhạy cảm và đại lượng. Nàng quan tâm ngay đến Isaura, lại còn đem lòng yêu mến cô bé nữa. Dĩ nhiên Isaura vốn hiền dịu và khiêm nhường, xinh đẹp và thông minh đến nỗi ai tiếp xúc với cô cũng đều đem lòng yêu mến và quý trọng ngay từ đầu. Cho nên chẳng bao lâu cô không những trở thành người nữ tỳ ưa chuộng của Malvina mà còn là người bạn gái thân thiết của nàng nữa. Vốn quen được hưởng những thú vui của chốn kinh thành, nàng rất mừng là đã tìm thấy ở cái nơi hẻo lánh mà nàng sẽ phải coi là nhà mình này một người bạn đáng mến như vậy.

Một hôm Malvina nói với mẹ chồng:

- Sao mẹ không trả tự do cho cô bé này? Một con người nhạy cảm như Isaura sinh ra không phải để làm nô tỳ, mẹ ạ.

- Con nói rất phải, con ạ, - vị phu nhân già đáp dịu dàng, - nhưng biết làm thế nào được con? Mẹ không đủ can đảm trả lại tự do cho con chim xinh đẹp mà Trời đã gửi để xoa dịu những nỗi đau của mẹ. Vả lại, trả tự do cho nó để làm gì kia? Ở đây, cứ như thế này nó chẳng được tự do là gì? Nó còn được tự do hơn cả mẹ nữa ấy, vì mẹ không còn thấy thú vị gì trong cuộc sống, mà cũng chẳng còn sức để hưởng những ngày còn lại nữa. Con muốn mẹ để cho nó cất cánh bay đi ư? Thế nếu nó lạc mất, nếu nó không còn tìm được lối về lồng cũ nữa thì sao? Không được đâu con ạ. Chừng nào mẹ còn sống, mẹ vẫn muốn giữ nó bên cạnh mẹ, mẹ vẫn muốn nó là của mẹ, nó chỉ thuộc về một mình mẹ mà thôi. Có lẽ mẹ chỉ là một mụ già ích kỷ, nhưng mẹ còn sống có được bao nhiêu đâu: nó chẳng phải hy sinh gì nhiều lắm! Mẹ chết đi rồi, nó sẽ được tự do, và mẹ sẽ lo việc để lại cho nó một món tiền kha khá.

Quả nhiên vị phu nhân già đã mấy lần tìm cách sửa đổi tờ di chúc đã viết từ trước để thêm những điều khoản bảo đảm được tương lai cho đứa con nuôi. Nhưng với sự đồng lõa của con trai, Don Almeida đã viện khi lý do này khi lý do khác để lần lượt trì hoàn cái việc mà theo như ngài nói quả quyết với vợ, chỉ là một thủ tục thuần túy hình thức, cho đến cái ngày phu nhân liệt giường sau một cơn bệnh cấp phát rồi lịm dần đi, không một phút nào còn trở lại đủ tỉnh táo để bày tỏ những ý nguyện của mình.

Bấy giờ Malvina liền tự phát nguyện với bản thân là sẽ che chở cho cô bé khốn khổ và trông nom cô bé đúng như người đàn bà quá cố từng mong ước. Isaura khóc rất lâu, người đã từng đối với cô là một người mẹ ân cần và đầy tình thương xót. Cô vẫn giữ thân phận nô tỳ, và nay, không còn được sự che chở của người mẹ nuôi nhân hậu nữa, cô trở thành miếng mồi ngon cho một gã đàn ông hư hỏng, độc đoán và tàn nhẫn.