Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 23 phần 2

Đúng vào lúc chúng tôi ngồi vào bàn ăn, chúng tôi nhận được tin về sự hi sinh của Henriette. Anna đã để lại trên mặt tủ buýpphê chiếc khăn ăn của Henriette cuộn tròn màu vàng theo chị chưa bẩn đến mức phải thay. Mắt chúng tôi đều hướng vào chiếc khăn ấy: hơi dính mứt, có một vệt nhỏ màu nâu nước xúp hoặc nước chấm. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy thật đáng sợ những đồ vật người ta để lại đằng sau mình lúc ra đi hoặc sau khi chết. Mẹ tôi bắt đầu ăn, cử chỉ ấy hẳn có nghĩa là: cuộc sống vẫn tiếp tục hoặc là cái gì tương tự, nhưng tôi biết chắc chắn không đúng như vậy. Bằng một cú đánh mạnh và nhanh tôi làm chiếc thìa xúp của bà rời khỏi các ngón tay bà và tôi chạy vụt ra ngoài vườn rồi lại quay trở vào nhà ngay sau đó trong tiếng la hét om sòm ở trong nhà. Nước xúp được đun sôi đã làm bỏng mặt mẹ tôi. Tôi chạy lên gác, bốn bực một, lao vào phòng của Henriette, mở toang cửa sổ ra và vơ lấy tất cả những gì có trong tầm tay vất tung ra ngoài vườn: hộp, quần áo, búp bê, nón, giầy, mũ bonê. Mở đến các ngăn kéo tủ nằm giữa xấp quần áo của chị, tôi thấy những vật nho nhỏ hẳn là thân thiết đối với chị: các bỏng hạt phơi khô, các viên sỏi, các bông hoa, các mẩu giấy và những bọc thư được buộc lại bằng một dải lụa màu hồng. Lần lượt các đồ vật rơi vào tay tôi, giày tennis, vợt, chiếu quả, và tôi đều quẳng hết ra vườn. Sau này Léo nói lại là người ta tưởng tôi phát điên và sự phản ứng quá mau không ai kịp ngăn lại. Sau khi đã lật đổ ba ngăn kéo đầy đồ qua mép cửa sổ, tôi lại lao vào nhà xe, vác ra vườn chiếc can xăng dự trữ lớn, đổ hết xăng lên các đồ vật tôi chất đống ở đó và châm lửa đốt. Tôi còn lấy chân gạt vào lửa đang cháy tất cả những gì chồi ra, rồi thu nhặt các mẩu giấy, các đồ vật nhỏ, những bông hoa ép khô, những bọc thư rải rác chung quanh, tôi cũng vứt hết vào lửa. Sau đó, tôi chạy vào phòng ăn lấy chiếc khăn ăn quấn tròn màu vàng trên mặt tủ buýp-phê đem ra đốt nốt. Sau này Léo nói lại với tôi là tất cả đã diễn ra trong có năm phút. Trước khi có ai kịp đoán ra ý định của tôi, thì tôi đã ném tất cả vào đống lửa đỏ rực rồi. Chúng tôi còn được một viên sĩ quan người Mĩ đến khám xét, tin chắc là tôi đã đốt đi các tài liệu mật, như những tài liệu của tổ chức “Ma Chó Sói”, nhưng ông ta đã đến quá chậm: tất cả đều đã cháy sém cháy đen, kinh khủng và hôi hám. Và khi ông ta định tịch thu một bọc thư, tôi đấm một cú vào tay ông ta và đổ nốt vào lửa chỗ xăng còn lại trong can. Một lát sau đến lượt những lính cứu hỏa xuất hiện, mang theo những vòi nước to một cách kì cục, đằng sau họ một tay rống lên một cách kì cục khẩu lệnh kì cục nhất tôi chưa bao giờ nghe thấy: “nước, chạy!” Và họ còn không thấy ngượng đem đến những vòi rồng rất lớn để phun nước, vào cái giàn thiêu khốn khổ của tôi, và vì có một khung cửa sổ hơi bị bén lửa, một đội viên cứu hỏa đã chĩa thẳng vòi nước lên, biến gian phòng thành bể bơi đến nỗi sau này ván sàn trong phòng bị vênh lên và mẹ tôi khóc sướt mướt trước khi gọi cho Công ty bảo hiểm để hỏi xem có thể coi đó là sự tổn thất được bảo hiểm bồi thường như là một sự thiệt hại về nước và do hỏa hoạn thuộc phạm vi bảo hiểm động sản hay không.

Tôi đưa cổ chai lên miệng làm một hụm cognac, cho lại chai vào túi áo, rồi rờ xem đầu gối, khi nằm duỗi ra đúng là tôi thấy đỡ đau hơn. Nếu biết điều và tập trung tư tưởng thì sự sưng phồng và cơn đau sẽ giảm đi. Tôi có thể kiếm một chiếc thùng đựng cam rỗng, mang ra ngồi ở cửa nhà ga, gảy đàn và hát các bài Kinh Cầu nguyện. Như thế ngẫu nhiên, tôi đặt chiếc mũ dạ hoặc mũ cátkét của tôi ở bên cạnh, và nếu có ai đó có ý nghĩ quẳng vào đó cho tôi một cái gì đó thì người khác cũng sẽ làm theo. Xem xét lại thấy mình không còn một điếu thuốc lá nào, tôi mới thấy thật cấp thiết phải có tiền. Chắc chắn hơn cả là tự mình đặt trước vào trong mũ một đồng groschen hoặc vài đồng năm pfennig. Léo chắc sẽ tìm được cách xoay xở kiếm cho tôi số tiền đó. Tôi đã hình dung thấy mình ngồi trong bóng tối trước mặt nhà ga với bộ mặt hoàn toàn bôi trắng, áo dệt kim màu lơ, áo vét tuýt màu đen, quần vải màu xanh và đã tự nghe thấy mình hát, cố gắng làm át đi tiếng ồn trên đường phố: Rosa mystice - ora pronobis - turis Davidica - ora pronobis - virgo fidelis - ora pronobis [130] - Tôi sẽ ngồi ở đấy cho đến khi chuyến tàu từ Rome tới, cho đến khi cô conjux in fidelis [131] của tôi và ông chồng Cơ Đốc giáo của cô xuống tàu.

[130] Lời cầu nguyện Đức Mẹ đồng trinh Marie.

[131] Người vợ không chung thủy (Latinh).

Lễ cưới bắt hắn phải khơi lên việc xem xét đến nhức đầu: Marie không góa chồng, không li dị chồng, và - điều mà cuộc đời tình cờ đã làm tôi biết chắc - em không còn là một thiếu nữ. Sommerwild hẳn phải bứt đầu bứt tai: đối với hắn một lễ cưới mà không có áo voan trắng như tuyết sẽ mất hết giá trị thẩm mĩ. Nhưng có thể còn có những thể thức nghi lễ đặc biệt cho các thiếu nữ đã từng bị quyến rũ, cho các cô nguyên là vợ không có cưới xin của một diễn viên hài? Ông giám mục đứng ra làm lễ cưới đã nghĩ như thế nào? Chắc chắn không chỉ có một ông giám mục. Một hôm, Marie đã lôi tôi đến dự một buổi lễ cầu kinh nhật tụng do một giám mục cử hành, và tất cả những sự lặp đi lặp lại (đặt xuống và nhấc lên mũ lễ, đặt xuống và nhấc lên dải dây màu trắng, dải quai bên này, dải quai bên kia, đặt xuống dải dây màu đỏ, nhấc lên dải dây màu trắng) đã gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Chất nghệ sĩ ở tôi làm tôi đặc biệt nhạy cảm với cái đẹp trong sự lặp đi lặp lại của một cử chỉ.

Tôi cũng nghĩ đến tiết mục kịch câm của tôi về chùm chìa khóa. Tôi có thể dễ tìm được bột nặn, lấy dấu các chìa khóa, đổ nước vào khuôn đã thành hình và đưa vào tủ lạnh làm đông nước lại. Tôi cũng nhất định có thể tìm được một chiếc tủ lạnh nhỏ xách tay để mỗi buổi tối làm đông lại trong đó chùm chìa khóa, chúng sẽ tan ra trong quá trình thực hiện tiết mục. Tất nhiên có thể thu được một cái gì đó từ ý tưởng này, nhưng tạm thời gác lại đã: nó quá phức tạp. Hơn nữa, bị phụ thuộc vào quá nhiều dụng cụ, có thể sẽ đẻ ra nhiều điều bất ngờ về mặt kỹ thuật: đúng là chỉ cần một tay bày cảnh trí trên sân khấu, có chuyện xích mích cũ với một người rênan trong chiến tranh, mở tủ lạnh ra, thế là tất cả sẽ đi tong. Tốt hơn hết là cố bám vào giải pháp kia: ngồi ở thềm sân ga Bonn với bộ mặt thật đã được trát phấn của tôi, hát những bài Kinh Cầu nguyện và tự đệm đàn. Tôi sẽ đặt bên cạnh tôi chiếc mũ trước kia tôi dùng trong những mô phỏng Charlot của tôi. Chỉ còn thiếu có vài đồng xu để làm mồi nhử: cùng ra một đồng groschen cũng tốt, nhưng một đồng groschen và thêm một đồng năm pfennig thì tốt hơn, và càng tốt hơn nữa nếu có ba đồng tiền; groschen, một đồng năm pfennig, thêm một trong hai đồng đó. Những người đi qua đồng thời hiểu ra rằng tôi không giống như những tín đồ cuồng tín coi khinh của bố thí và nhận thấy là một món tiền đóng góp nhỏ nhất, dù chỉ là một đồng tiền đồng, cũng được hoan nghênh. Sau này tôi sẽ còn bỏ thêm vào một đồng bằng bạc, như vậy để chỉ ra rõ là, thứ nhất, tôi không từ chối số tiền lớn hơn và thứ hai, đã có người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn đến như thế. Tôi cũng có thể đặt một điếu thuốc lá vào trong mũ, vì có nhiều người sẵn sàng trút bỏ bao thuốc của họ hơn là rút ví tiền ra. Tất nhiên có thể xuất hiện vào lúc nào đó một tay thuộc loại có nhiệm vụ kiểm tra việc tuân thủ các quy tắc trật tự: “Xin cho phép xem giấy phép hát rong...”, hoặc một tay của Uỷ ban Trung ương hội trấn áp tội phạm thánh buộc tội tôi là trong biểu diễn có động đến vấn đề tôn giáo. Trường hợp nếu người ta hỏi tôi giấy căn cước, thì chỉ cần ở gần chỗ tôi có một cục than bánh: mọi người đều biết cái câu ghi trên đó: Hãy sưởi ấm với Schnier, tôi sẽ cẩn thận gạch đít, bằng phấn đỏ cái tên chữ có màu than đen, và có thể tôi sẽ thêm vào trước nó một chữ H. Tấm danh thiếp ấy, dù ít tác dụng, ít ra cũng có lợi là không gây ra một sự hiểu lầm nào. Và rồi, có một việc bố tôi rất có thể làm được cho tôi, vì nó không làm ông tốn một xu nào: kiếm cho tôi một giấy phép hát rong. Chỉ một cú telephon cho ông thị trưởng đầu tiên nào đó, hoặc đôi lời trao đổi riêng ở câu lạc bộ hát ngẫu hứng là xong. Bố tôi không thể từ chối giúp tôi việc đó. Lúc ấy tôi chỉ còn có việc hoàn toàn bình thản ngồi trên thềm nhà ga và đợi ở đấy chuyến tàu từ Rome đến. Nếu Marie có thể đi qua trước mặt tôi mà không ôm hôn tôi, tôi vẫn còn có việc, đi tự vẫn... sau đó. Đúng là tôi có lùi bước trước ý định tự vẫn và vì một lí do có thể tỏ ra là quá tự đề cao mình: ý muốn của tôi về việc giữ gìn cho Marie người diễn viên hài của em. Bởi vì nếu em đi đến chỗ rời bỏ Zỹpfner, chúng tôi sẽ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh lí tưởng, hoàn cảnh của Besewitz. Em có thể là người vợ không có cưới xin của tôi, bởi vì sự li hôn tôn giáo với Zỹpfner vĩnh viễn bị cấm đối với em, và lúc đó tôi sẽ làm cho mình được máy thu hình phát hiện trở thành một nhân vật nổi tiếng buộc nhà thờ phải nhắm mắt làm ngơ. Vì tôi không có tham vọng về một lễ cưới tôn giáo, các ngài ấy cũng sẽ không phải sử dụng để chống lại tôi thứ vũ khí đã lỗi thời của họ: Henri VIII.

Tôi thấy trong người có khá hơn. Đầu gối hết sưng, chỗ đau dịu đi. Còn lại chứng đau đầu và nỗi u uất, nhưng tôi quen với chúng cũng như với ý nghĩ về cái chết mà người nghệ sĩ không rời khỏi nó, cũng như một linh mục không rời khỏi quyển Kinh Nhật tụng của ông ta. Tôi còn biết chính xác sự thể sẽ diễn ra như thế nào sau khi tôi chết: tôi không thể thoát khỏi hầm mộ nhà Schnier. Mẹ tôi đã khóc, bà thề thốt bà là người duy nhất hiểu tôi. Sau khi tôi chết, bà sẽ đi khắp nơi kể lể “Hans của chúng tôi thực sự là con người như thế nào”. Cho đến ngày hôm đó và có thể là cho đến tận cùng các thế kỉ, bà vẫn kiên quyết tin chắc là bà đã sinh ra một đứa con “dâm đãng” và “hám của”. Bà sẽ nói: “Hans của chúng tôi thật sự có năng khiếu, đúng thế, nhưng chẳng may lại là đứa con dâm đãng và hám của... còn hoàn toàn vô kỉ luật nữa, ôi!... mà sao nó có năng khiếu đến thế, có năng khiếu đến thế!” Sommerwild nói: “Schnier người bạn tốt của chúng ta, một chàng trai mới thú vị và tuyệt vời làm sao!... Không may bị mối oán hờn không rũ bỏ được đối với giới giáo sĩ, hoàn toàn thiếu quan điểm siêu hình”. Blothert sẽ tiếc là đã không thành công trong việc làm cho người ta phải chấp nhận đúng lúc ý kiến của hắn về án tử hình để có thể hành hình tôi một cách công khai. Fredebeul sẽ tuyên bố về tôi “một người không thể thay thế được, mặc dù hoàn toàn thiếu lôgic trong lĩnh vực xã hội”. Kinkel, hoàn toàn bị xáo lộn, khóc sướt mướt thật sự, nhưng đã quá chậm. Monika Silvs thổn thức, khóc quá mức như thể cô là vợ góa của tôi, đau khổ hối tiếc là đã không tức khắc đến làm cho tôi món trứng tráng. Không thể tin là tôi đã chết, Marie bỏ Zỹpfner, chạy đi tìm tôi ở khắp các khách sạn... uổng công.

Bố tôi thấm thía tính chất bi thảm của hoàn cảnh và hối tiếc là đã không, trước khi chia tay tôi, kín đáo đặt lên mặt tủ quần áo của tôi vài tờ giấy bạc. Karl và Sabine sẽ khóc không giấu giếm, một sự biểu lộ làm tất cả những người đến dự lễ tang tôi đều cho là khó coi. Sabine sẽ lén lút thọc tay vào túi chồng, vì bà ta lại một lần nữa quên không mang theo khăn tay. Edgar buộc phải cầm nước mắt lại và có thể, sau đám tang, sẽ trở lại vườn nhà chúng tôi để chạy dọc một lần cuối cùng đường đua một trăm mét, rồi một mình quay lại nghĩa trang đặt một bó hoa hồng trước mộ Henriette. Ngoài tôi ra, không ai biết cậu ta mê chị, không ai biết là những bức thư tôi đốt đi đều mang ở mặt sau cũng vẫn các chữ cái đầu: E.W. Nhưng đấy chưa phải là điều bí mật duy nhất tôi mang theo xuống mồ, bởi vì có một hôm mẹ tôi đã lén lút đi xuống hầm rượu, ở đấy tôi đã thấy bà mò vào chỗ để thức ăn dự trữ, cắt cho mình một lát giăm bông thật dày và đứng ăn rất vội, bằng tay. Điều đó không còn là ghê tởm, mà chỉ là đáng ngạc nhiên, và tôi thấy xúc động nhiều hơn là ghê sợ. Tuy không được phép, tôi đã xuống tầng hầm thật ra là để tìm những trái banh tennis cũ ở gian buồng để rương, hòm, khi nghe thấy tiếng bước chân của mẹ tôi, tôi vội tắt đèn đi. Và tôi thấy bà lấy trên giá xuống một lọ mứt táo nghiền, rồi đặt lại nó vào chỗ cũ, sau đó tôi nhận thấy khuỷu tay bà quay đi quay lại trước khi thấy bà cuộn lại và nhét lát giăm bông vào mồm. Tôi chưa bao giờ kể lại với ai tình tiết này và sẽ không bao giờ kể lại. Điều bí mật của tôi sẽ yên nghỉ dưới tấm bia đá hoa cương trong hầm mộ nhà Schnier. Dù lạ thường đến như thế nào, tôi vẫn yêu người đồng loại của tôi, loài người.

Khi một người đồng loại của tôi mất đi, tôi thấy buồn. Tôi cho rằng tôi vẫn khóc bên mộ của mẹ tôi. Trên mộ của già Derkum, tôi không sao tự chủ được: tôi không ngừng tay hất đất xuống mặt gỗ trần linh cữu của ông, nghe thấy cả ai đó thì thầm sau lưng tôi rằng làm như vậy là không phải phép, nhưng không lúng túng tôi vẫn tiếp tục hất đất cho đến khi Marie cuối cùng phải giằng lấy chiếc xẻng khỏi tay tôi. Tôi từ chối việc nhìn lại cửa hàng của ông, ngôi nhà của ông, và không nhận một vật kỉ niệm nào về ông. Không gì hết. Là một phụ nữ biết phân biệt phải trái, em bán đi cửa hàng và để dành tiền “cho các con của chúng tôi”.

Tôi đã có thể không còn khập khiễng đi ra tới phòng ngoài. Tôi lấy cây ghi ta ra khỏi bao rồi, trở lại phòng khách, đặt hai chiếc ghế bành đối diện với nhau, kéo máy telephon lại gần tôi, ngồi duỗi chân ra so dây đàn. Mấy tiếng đàn trong lúc so dây đã làm tôi thấy dễ chịu, và khi bắt đầu hát tôi cảm thấy mình gần như thoải mái: mater amabilis - mater amabilis[132]. Khi hát ora pro nobis [133], tôi còn đệm đàn. Rõ ràng là cách giải quyết này hợp với tôi. Đàn ghi ta trên tay, mũ để ngửa ra ở bên cạnh, tôi sẽ ngồi đợi chuyến tàu từ Rome về với khuôn mặt thật của tôi: mater boni consilii [134].

[132] Vật đáng yêu - vật đáng yêu (tiếng Latinh).

[133] Cầu nguyện cho chúng con.

[134] Điều quyết định tốt đẹp.

Marie đã chẳng nói với tôi hay sao, hôm tôi trở về với số tiền của Edgar Wieneken, rằng không bao giờ, không bao giờ chúng tôi xa nhau nữa: “Chỉ có cái chết mới chia lìa được chúng ta”. Tôi còn chưa chết. Bà Wieneken vẫn nói: “Người nào còn thèm ăn thì chưa chết được”. Tôi hát và tôi đói... tôi không thể tưởng tượng ra được một người như Marie lại có thể sống ru rú ở nhà: cùng với nhau, chúng tôi đã đi từ thành phố này đến thành phố khác, từ khách sạn này đến khách sạn khác, và khi chúng tôi phải ở lại một nơi trong nhiều ngày, em nói: “Những chiếc va li để mở chĩa vào em như những cái mõm đòi được ăn”. Và chúng tôi nhét đầy mõm các va li ấy. Khi tôi bắt buộc phải lưu lại một hay hai tuần lễ ở một thành phố, em đi khắp nơi như thể có ai nhắc đến em. Các rạp chiếu phim, các nhà thờ, các tờ báo dởm, cờ tào cáo. Có phải em thật sự muốn dự buổi đại lễ long trọng ngày Zỹpfner được thưởng huân chương xứ Malte [135], giữa các ngài thủ tướng và các vị chủ tịch? Tự em phải tẩy đi bằng bàn là các vết nến ở bộ đồng phục của chồng em? Đấy chẳng qua là vấn đề thị hiếu, Marie ạ... nhưng không phải thị hiếu của em. Tốt hơn cả là em nên tin vào một diễn viên hài không tin đạo, hắn kịp đánh thức em dậy để đi lễ nhà thờ được đúng giờ, khi cần hắn có thể gọi tắcxi cho em đi đến tận nhà thờ. Em không bao giờ phải giặt chiếc áo sợi dệt kim của anh.

[135] Huân chương do các tu sĩ làm phước dòng Saint Zean sáng lập 1099, sang lánh nạn ở Malte 1518 -1798. Được đặt ra ở Rome từ năm 1834.