Ngang trái phủ Tây Hồ - Chương 13

13

Nguyễn Trãi rất chu đáo. Ông xây cho bố vợ một ngôi nhà khá đẹp bên cạnh phủ Tây Hồ. Một buồng giữa rất đẹp, ông đồ có thể dạy học trò. Ông Trãi mướn một người hầu gái dịu dàng, nết na có học để ông đồ sai phái. Mười hai tên gia nô tin cẩn của ông, được ông giao cho đến trông coi vườn tược, hầu hạ… Ông đồ rất hài lòng. Ông dạy học rất hào hứng, và những buổi học trò nghỉ, ông không đem theo người hầu, chỉ gọi một mình người học trò yêu, đến nhà mấy ông Cử, ông Nghè, bạn cũ hiền đạt, để ngâm vịnh. Ông đã chép được nhiều bài văn, bài thơ hay để đến đó cùng phẩm bình.

Nguyễn Thị Lộ hàng ngày vẫn vào hoàng thành dạy cung nữ!

Thái Tôn, dù đã bắt tay thực sự vào triều chính, song, như một ma lực nào rất mơ hồ, ràng buộc ông vua trẻ này với người đẹp, mà có lúc, buột miệng nói với lũ người hầu:

- Thế gian này có một người đẹp thì thằng già Nguyễn Trãi cướp của ta mất rồi.

Một bữa, đang vui, Đinh Thắng hỏi vua:

- Bệ hạ cho con gái thế nào là đẹp?

Thái Tôn trả lời ngay:

- Mặt đẹp, ngực đẹp, chân tay đẹp và mông đẹp!

Thắng nói:

- Đó mới là cái đẹp trời ban.

Vua đang say, bá cổ Đinh Thắng nói:

- Mày giỏi, mày biết ta cần ai, thích ai… Nhưng mày nói ra, tao sẽ beng đầu mày!

Đinh Thắng lạnh hết sống lưng, vội tâu:

- Thần biết cái điều phải chôn chặt đáy lòng chứ!

Vua đang say, cười ha hả:

- Hôm nay ta mới hiểu mi! Mi đừng nịnh ta như bọn Lương Đăng, Nguyễn Cung, Tạ Thanh này nhé! Chao ơi, bọn thái giám chúng bay quá lắm! Chúng bay không có đàn bà, rỗi thì giờ hay nghĩ lắm trò quỉ quyệt, xảo trá. Liệu hồn đấy, không ta chém tất, chém tất!

Lương Đăng tủm tỉm, Nguyễn Cung sầm mặt, vục đầu vào bát yến sào. Tạ Thanh đưa mắt cho Đinh Thắng biết rằng y đã đi quá xa, qua mặt những kẻ đang ngồi trên đầu y. Tuy nhiên, chúng đều hô câu vạn tuế, và nói những điều xu nịnh rất lộ liễu. Tạ Thanh nhờn vua hơn ai hết, nói:

- Vua có cái bọn thái giám không có, cho nên Đức vua phải nói cho bọn thần nghe thứ khoái cảm mà Ngài được hưởng.

Lương Đăng biết Tạ Thanh quá lời, vội đứng lên cầm chén rượu thưa:

- Thần Lương Đăng, thơ phú làng nhàng, xin dâng lên Đức Vua một bài thơ nói về cuộc vua tôi chan hòa bữa nay…

- Đọc đi, đọc đi… Thái Tôn gào lên.

Lương Đăng đọc:

Hoa tận núi cao. Người muốn hái,
Cheo leo vách đá dựng như thành,
Rừng sâu, hoa thắm càng thêm thắm
Tầng tầng đá dựng vẫn chênh vênh

Vua nói:

- Lương Đăng đọc lại đi.

Đăng đọc thêm một lần nữa. Vua như tỉnh rượu, gạn hỏi, bỗ bã:

- Này Đăng, ngươi cũng biết điều ta đang khao khát hả?!

- Tâu bệ hạ, thần phải biết, những điều chủ cần.

- Ngươi có thể giúp ta hái hoa được chăng?

- Xin để còn lựa xem thế nào đã…

*

Một bữa. Nguyễn Thị Lộ vừa bước vào hoàng thành có hai thị nữ ra chắn ngang đường nói:

- Thưa Lễ nghi học sĩ, Đức vua có lệnh mời Bà!

- Sao, ta đang có việc kia mà?

- Thưa, đây là lệnh chỉ!

Nguyễn Thị Lộ cau mày, nghĩ một chút:

- Vậy hả, thì đi…

Thị Lộ bước vào nội điện. Thái Tôn ân cần ra đón tận bên cổng.

Vua nói:

- Lễ nghi học sĩ mê đám cung nữ hơn mọi thứ trong hoàng thành, đến ta, muốn mời nàng, mà cũng chẳng được lưu ý.

- Bệ hạ dạy quá lời. Thần thiếp đâu dám thế!

- Nói vui thôi, mời học sĩ vào đây!

Vua ân cần hơn mọi lần. Thị Lộ vẫn giữ lễ. Vua đuổi hết thị nữ. Thị Lộ ngạc nhiên hỏi:

- Sao thần thiếp đến, Đức Vua cứ gây hoài nghi cho mọi người.

Thái Tôn đáp không chần chừ:

- Ta làm vua từ bé, thích gì được nấy, nàng không biết hay sao?

Thị Lộ nhíu lông mày, ngồi lặng im, không nói nữa!

Vua hồn nhiên tự rót trà mời người đẹp. Thị Lộ đặt tay lên đùi, dáng thật nghiêm trang.

Thái Tôn bật cười:

- Đức Vua cười gì vậy!

- Ta cười đàn bà hay có thói giữ gìn quá đáng. Nàng thấy đấy, ta đã nói, nếu ta thích nàng, ta có thể cướp được nàng từ tay quan Hàn lâm thừa chỉ kia mà, thậm chí ta có thể bày đặt ra tội lỗi mà loại trừ kẻ làm vướng đường ta đi…

Thị Lộ chỉ cười không nói gì cả.

Thái Tôn nói:

- Nhưng ta trọng nàng. Ta trọng quan Hàn lâm viện thừa chỉ! Ta không muốn như thế.

Một chút gì đó, Thị Lộ tỏ vẻ cảm mến ông vua trẻ, kém mình đến mấy tuổi này!

Vua nói:

- Bữa nọ nghe nàng khuyên, ta về mới đọc kỹ thêm thơ Đường, quả có hay thật.

- Bệ hạ thích những nhà thơ nào? Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Trần Tử Ngang, Thôi Hiệu…?

- Những ông ấy đều hay cả. Nhưng ta chỉ thích một nhà thơ.

- Ai vậy.

- Lý Thương Ẩn.

Nguyễn Thị Lộ hơi ngạc nhiên. Nhà vua quả là người thông tuệ, minh mẫn, tính khí khác đời. Lý Thương Ẩn là nhà thơ lớn thời Văn Đường. Thơ ông khác hẳn những nhà thơ nổi tiếng trước ông. Nàng hỏi:

(có vẻ như thiếu câu hỏi trong bản in)

- Ta chỉ thích hai bài thôi.

Vua đọc:

Vô đề

Nối nghiệp tiên nhân, thuộc một kinh.
Chẳng ngờ bước tới áng công danh
Cảm ơn, nỡ phụ muôn đời chúa,
Phải lụy vì chưng một chữ tình.
Láng giềng, khao khát áng mây bạc,
Khách khứa, nương nhờ dải núi xanh
Còn đâu phút vui vầy suối cũ
Lòng thơ nghìn dặm nguyệt ba canh…

Giọng vua trong và trẻ. Lại vì lòng đang xúc động trước vẻ đẹp của người ngồi trước mặt, lòng chân thành như một nho sĩ nghèo, nghe thật hay. Nguyễn Thị Lộ có một chút mềm lòng, không khó chịu như thường vẫn ngồi trước mặt vua. Nàng khen rất thực lòng:

- Bài thơ bệ hạ khen hay thật đích đáng. Lý Thương Ẩn không nói thế sự, không nói về rượu, mà chỉ nói thứ khao khát về tình yêu tự đáy lòng mình. Thần thiếp cũng thích ông này lắm.

Vua nói:

- Nàng hiểu thơ sành lắm. Dịch thử cho ta nghe đi!

Thị Lộ cầm bài thơ lên suy nghĩ. Vua trọng sự yên lặng tập trung của người đẹp, đứng dậy, đi ra phía ngoài đứng chờ. Rất lâu sau, vua mới trở vào:

Vua thân mật hỏi:

- Thế nào, học sĩ dịch xong chưa?

- Dạ xong.

- Đọc cho ta nghe nào.

Nguyễn Thị Lộ cầm tờ giấy hoa tiên lên ngang mày, cất giọng đọc:

Không đề

Khó gặp nhau rồi, lại khó xa
Gió không còn sức, để tàn hoa
Tằm xuân đến thác, tơ còn cuốn
Nến lụi trơ rồi, lệ vẫn sa
Gương sớm buồn soi thương tóc bạc
Thơ khuya thấm nỗi ánh trăng tà
Bồng lai đường đến đâu xa mấy
Nhỡ cánh chim xanh hãy giúp ta!

Vua khen:

- Nàng dịch nhanh mà hay thật. Ta còn thích bài này nữa.

- Tâu cũng của Lý Thương Ẩn?

- Đúng vậy. Ta đọc, nàng lại dịch nhé:

Mã ngôi

Hải ngoại đồ văn cánh cửu châu
Tha sinh vị bốc, thử sinh lưu
Không văn hổ lữ minh tiêu tức

Vô phục kê nhân báo hiểu trù.
Thử nhật, lục quân đồng trú mã,
Đương thời, thất tịch tiếu khiên ngưu.
Như hà tứ kỷ vi thiên tử

Bất cập Lư Gia hữu mạc sầu.

Nguyễn Thị Lộ cười:

- Tâu, dịch thơ đâu phải đọc xong là dịch ngay được. Vả lại, có thích, có say bài thơ ấy thì dịch mới hay được.

- Thôi, đừng nên thế, nàng là học sĩ kia mà, hãy dịch ta nghe.

Thị Lộ vâng lời, cầm bút. Lần này, vua không ra phía cửa đứng nữa, mà đứng lui ở phía sau nàng im lặng như một thằng hầu. Rất miễn tiệp, Thị Lộ đọc vài lần, cầm bút dịch ngay. Nàng viết chữ nôm khá đẹp:

Gò Mã ngôi

Chín châu ngoài bể có nghe đồn
Lỡ phận kiếp nao cũng chuốc buồn
Trướng hổ chẳng nghe, quân giục mõ.
Điện chầu, quạnh vắng, thẻ mời không.
Bữa nao, tướng sĩ, dừng chân ngựa,
Thất tịch, sao Ngưu, ngắm lạnh lùng.
Dư bốn mươi năm ngôi thánh chúa,
Đọc chuyện chàng Lư, luống sượng sùng!

Vua rót rượu ngon, đưa tận tay:

- Nàng dịch hay lắm, hay lắm. Ta giữ những bản này để ngâm nga. Nàng hãy uống cùng ta vài chén rượu.

Thị Lộ vâng lời uống cạn. Vua cũng uống, vua bỗng bối rối, tay vua vẫy vẫy, rồi cầm chặt lấy chén rượu, mặt cúi xuống bàn:

- Nàng tài hoa quá! Tài hoa quá! Ta thèm có một người luôn luôn ở bên cạnh được như nàng.

Và vua, không dừng được nữa ôm chầm lấy Thị Lộ, lùa tay vào ngực tròn đầy của nàng.

Thị Lộ sợ hãi, cúi mình xuống cưỡng lại. Vua càng khao khát ôm chặt lấy nàng. Mùi thơm của da thịt một thanh niên hào hoa, cái cuồng nhiệt chân tình, vẻ đẹp thanh tú của một chàng trai vừa lớn dậy, khiến Thị Lộ muốn cưỡng cũng không cưỡng nổi. Vua thì thào bên tai Thị Lộ:

- Ta muốn, ta muốn nàng là Dương Quý Phi của ta. Và vua dìu Thị Lộ về giường ngủ. Thị Lộ miệng luôn nói:

- Đừng đừng, tâu Thánh thượng!

Nhưng chân nàng thì vẫn cứ chiều theo ý của Thái Tôn. Cuộc tình đầy hào hứng, thơm tho. Lần đầu tiên Thị Lộ biết chiếc giường vua êm ái, quyến rũ đến nhường nào. Nàng ôm chặt lấy vua, dâng hiến…

Từ buổi gặp vua, Thị Lộ như người nửa mê nửa tỉnh. Vua cho Lộ nhiều thứ quý giá. Châu, ngọc chẳng tiếc gì. Vua mê da thịt nàng. Vua nhớ tiếng nói của nàng. Từ khi chung đụng với nàng, vua quên hết cung tần, mỹ nữ… Vua thích ở trong hoàng cung hơn là coi buổi chầu. Vua thích nghe giọng nàng ngâm thơ, thích nhìn nàng cầm hoa quả, ngắm lâu hơn một lúc rồi mới ăn…

Vua gặp nàng trong mơ. Vua lởn vởn có ý nghĩ tuyển nàng về cung và trọng nàng như Dương Quý Phi mà Đường Minh Hoàng, yêu đắm đuối.

Nguyễn Thị Lộ thì dùng dằng, nửa yêu vua, nửa yêu Nguyễn Trãi. Vua nồng say, đắm đuối nàng hơn. Còn, Nguyễn Trãi thì lúc nào cũng chừng mực, yêu cũng giữ gìn kín đáo, đến nỗi vợ con, hầu thiếp, gia thần, vệ sĩ, đầy tớ cũng không hề biết.

Khi chỉ có hai người, ông già ngót nghét sáu mươi này cũng nồng nhiệt, mê đắm như tuổi hai mươi. Có lúc ông hưởng cái đặc ân trời cho hơi quá, khiến cho người ban thưởng khó chịu và bực mình. Khốn một nỗi, da thịt của ông nhẽo nhợt mất rồi, những nốt ruồi đã hiện trên da mặt ông. Đôi mắt tinh anh chẳng còn sáng long lanh như thuở ngồi viết cáo Bình Ngô nữa… Ông hay thở dài. Thị Lộ đẹp quá! Nàng thu hút hồn ông, nhưng nhiều lúc ông cảm thấy người đẹp không phải của mình.

Song ông vẫn yêu nàng hơn tất cả thê thiếp. Nàng biết điều ấy. Danh vọng của ông lại quá lớn, thậm chí còn hơn cả vua. Ông tuy chẳng cầm quyền binh nhưng trong nhà tấp nập vào ra, mà toàn những danh nhân, đại thần cả.

Học trò đã làm quan to ở trong triều còn quấn quít với ông cả ngày. Công trình Dư Địa Chí do Viện Hàn lâm soạn thảo đang đến lúc dâng trình lên vua, nên các bậc túc nho, thường đến làm việc với ông từ buổi sáng… Tòa Đô Ngự Sử, bên Hình sự, bên Nội Mật viện chỗ nào chẳng có bạn bè của ông… Đám văn thần coi ông như thầy, ông không làm vua mà chân rết ở khắp mọi nơi. Chỉ có đám quốc thích, hoàng thân, võ quan, quan hoạn là ít lui tới nhà ông mà thôi.

Chỉ khi đêm phủ xuống Nguyễn Trãi mới có thời giờ tìm đến với Thị lộ. Có đêm, ông cũng còn mải phân phát ân huệ cho những tì thiếp trẻ khác. Ông như một cây trĩu quả, mà ai muốn níu vào hái cũng được. Nhiều khi, Thị Lộ cũng buồn. Ngay khi còn chưa là vợ Nguyễn Trãi, nàng cảm thấy ông là của nàng tất cả. Nhưng khi đã là vợ ông rồi, thì nàng chỉ còn cái phần bé nhỏ của hàng chục hàng trăm bổng lộc mà Nguyễn Trãi ban phát hàng ngày. Khi giữ vẹn sự trinh tiết cho Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị lộ vẫn yêu ông, quý ông, trọng ông.

Nhưng khi thân thể mơn mởn, nửa trẻ con, nửa trai tráng, ngây thơ, ham hố, khùng dại của Thái Tôn đụng chạm được đến da thịt nàng thì mọi ý nghĩ đảo lộn tất thảy.

Những ngày hôm sau, Thị Lộ thường về muộn. Chiều nào, trước khi dậy lễ nghi cho cung nữ xong. Đức vua đều vời nàng vào hầu. Nàng chẳng bao giờ cưỡng lệnh.

Nguyễn Trãi buồn lắm. Một nỗi buồn dai dẳng, sâu xa, thầm kín. Một đời ông, sự nghiệp lớn đã xong. Mà những thần toán ngày xưa ông để đâu mất cả… Ông vẫn sống theo những tình cảm nhân hậu và cảm tính. Nguyễn Trãi, bây giờ mới thấm, hoá ra, ông vẫn luôn luôn là một con người tình cảm. Và, những lúc ông sống theo tình cảm, thường là hỏng việc…

Ông đang có một cuộc sống bình lặng ở quê xa lắc, nơi ấy hầu thiếp đủ đầy, cần gì có nấy… Đầy tớ đi lại rộn rịp, nhà cỏ, nhà lầu muốn ngồi đâu thì ngồi. Ngắm trăng bên suối, uống rượu ở đỉnh Bàn Cờ, đàm đạo về kinh kệ với sư, uống trà sớm với người yêu núi… vậy mà, chỉ một lời thỉnh cầu của Lê Lợi, ông đã vội về triều, tưởng như nhà vua tới lúc lâm chung đã nghĩ lại, hối hận về những việc làm thủa mình còn sống.

Thì ra, nếu đánh bạn với nhau, chỉ là ngang tầm, ngang cảnh, bạn với vua, với người hơn mình, thường là muốn làm bạn mà không nổi, muốn biết ở hết tình mà thường vẫn cứ xảy ra những thứ dở hơi.

Đến bây giờ, ông mới hiểu, Thái Tổ mời ông về chẳng qua là để kìm hãm việc chuyên quyền của cánh quan võ đang nắm quyền bính!

Nhưng, ông nào có kiềm chế gì nổi họ… Lê Sát, Lê Ngân quá ỷ vào lòng vua yêu, đã chui cổ vào những thòng lọng treo sẵn của bọn Lương Đăng, Tạ Thanh, Nguyễn Cung, Đinh Thắng… Trịnh Khả còn ngu đần hơn Lê Sát mà giờ nắm cả vận mệnh quốc gia. Vua đã trưởng thành, nhưng chúng gần vua, chúng thơn thớt, chúng biết lựa lúc nói ngon nói ngọt hoặc sàm báng, và vua thì đâu đủ trí minh mẫn để nhìn thấu suốt cả triều đình.

Đám văn thần có học, đã lăn lóc ở triều đình để cố hạn chế cái dở thành phổ biến, ngăn chặn những phán quyết chưa được sáng suốt, hoặc bâu vào để che chở cho một chính kiến đáng lý được thi hành ngay… Song vua là hết thảy, vua nói là trời nói, biết làm thế nào?

Vả lại, văn cũng năm bảy đường văn, võ cũng năm bảy đường võ, nho giả, nho thực có lúc túc trực sẵn ở một con người. Nguy hại nhất là những ham muốn giầu sang thì chẳng có giới hạn nào cả… Vì thế có đại thần học rộng đã cam tâm thành viên thư ký quèn của Lê Sát; quan coi việc hình sự vì vài chục lạng vàng mà làm một vụ án giết người thật sự hóa một vụ án oan… Một sứ giả Trung Hoa sang, các nhà giầu ở phủ này phủ nọ đều cố sức chèo kéo để mua lụa là gấm vóc, trao đổi, những thứ hai bên cùng có lợi…

Nếm mật nằm gai, lòng người tụ về một hướng. Khi đầu ngõ là chín cái đầu lâu Trương Phụng bêu, khi ruộng đất mình, quân Minh cho ngựa chà lên lúa sắp gặt, mà không giữ nổi, thì, lời thề tụ nghĩa thiêng liêng hơn cả mọi lời thề. Còn bây giờ, cảnh thanh bình nhung lụa, mắt người nhìn nhau đâu còn thấy những bọn lính từng băng vết thương cho nhau, cõng nhau lẩn trốn khi quân Minh đuổi dồn đến phút cùng đường. Bây giờ LÀ NGỌC, LÀ VÀNG, LẦU CAO, GÁC TÍA, LÀ NGƯỜI ĐẸP, LÀ THÓC NÚI, RUỘNG THẲNG CÁNH CÒ BAY…

Nguyễn Trãi bất giác tự cười mình… Hoá ra mình cũng không phải là bậc thánh, bậc thần như xung quanh hằng xưng tụng… Mình vẫn ý tài, vẫn muốn nắm quyền bính như xưa, muốn sau vua là mình quyết định chứ không phải ai khác, muốn nàng Thị Lộ đẹp ngời ngợi là riêng của mình, và mình phải được nàng cúc cung hầu hạ như bất cứ một thê thiếp nào trong nhà…

Việc đưa Thị Lộ lên hàng phu nhân đối với ông, như một ân sủng… Những người đẹp, họ lại có một thứ quyền uy khác, mà họ nắm chắc hơn cả quyền lực ở trong tay nhà vua.

Bây giờ Nguyễn Trãi đã thấm đòn của sắc đẹp…

Ông đau đớn lắm khi những tin đồn tai ác về sự buông thả rất nhanh của Thị Lộ với nhà vua. Đức vua cũng yêu nàng lắm lắm! Nguyễn cảm thấy điều hạnh phúc vừa đến, đã ngay lập tức trở thành bất hạnh!

Ông buồn, ngồi thừ bên song cửa. Một bài thơ viết dở dang chờ phần hoàn chỉnh. Lòng ông the thắt. Ông bặm môi, cầm bút viết nốt những câu thơ cuối. Những vuông chữ chứa chất đầy tâm trạng hiện lên:

Nối nghiệp tiên nhân, thuộc một kinh.
Chẳng ngờ bước tới áng công danh
Cảm ơn, nỡ phụ muôn đời chúa,
Phải lụy vì chưng một chữ tình.
Láng giềng, khao khát áng mây bạc,
Khách khứa, nương nhờ dải núi xanh
Còn đâu phút vui vầy suối cũ
Lòng thơ nghìn dặm nguyệt ba canh…

Nguyễn Trãi nghĩ ngợi lung tung lắm, vừa hay lúc đó, Đinh Thắng bước vào!

Nguyễn Trãi cần có người đối thoại, lại gặp viên hoạn quan sủng ái của Đức Vua, vừa biết, vừa tham, vừa người, vừa ngợm. Nguyễn rất cần dò hỏi Đinh Thắng trong lúc này.

Nguyễn mời Thắng vào nhà. Thắng vẫn tôn sùng Nguyễn Trãi như thầy, hết sức khiêm tốn. Nguyễn Trãi gọi người hầu trà, ân cần hỏi Đinh Thắng:

- Ông vẫn mạnh giỏi đấy chứ?

Thắng cười:

- Cám ơn tướng công, đám hoạn quan chúng tôi như trời đầy, đứa nào cũng béo, mặt mũi trơn bóng, hồng hào, giọng nói thì ẽo ẹt như đám đàn bà, con gái, do đó, càng khỏe thì giọng lại chua lòm, cứ cái mẽ bề ngoài ấy, ai nhìn qua đã thấy ghét.

Nguyễn Trãi cười:

- Tôi chỉ thấy ông rất vui tính, lại biết điều. Nhân ông đến chơi, tôi xin hỏi. Công việc của bà Lễ nghi học sĩ nhà tôi ở trong đó thế nào?

Đinh Thắng cười rất hồn nhiên:

- Lễ nghi học sĩ từ ngoài hoàng thành bước vào làm cho tất cả người đẹp trong cung cấm một sớm, một chiều tan tác như ong vỡ tổ.

Câu nói làm cho Nguyễn Trãi đau nhói tận trong lòng. Đinh Thắng không hề có ý xúc phạm Nguyễn, mà vô tâm, Thắng nói thêm:

- Bà học sĩ vừa đẹp, vừa có học. Tướng công có thấy hối hận là đã để phu nhân lọt vào mắt của Hoàng đế không!

- Quả là ta quá ngu, không biết giữ nàng. Tất cả mọi sự xảy ra hôm ta đưa nàng đến viện Tập hiền tiếp sứ. Lúc ấy, nàng thích biết chỗ này, chỗ nọ ở hoàng cung. Ta thì đang đắm đuối về nàng… Gần đây, ta nghe những tin đồn chẳng hay ho gì, giờ nghe ông mới thấy phần hư thực…

Đinh Thắng ngồi lặng không nói. Không khí trong phòng trầm mặc, nặng trĩu. Một lúc sau, Nguyễn Trãi nói:

- Những lời tâm huyết bữa trước ông đến khuyên ta, ta rất cảm kích, song ta càng ngẫm, càng thấy khó thực hiện. Lòng ta ưa yên ổn, chuộng nhân nghĩa, không thể ở ác được… Nếu bây giờ ta lại ham hố quyền hành, tất phải sát phạt, yêu người này, ghét người khác, công tâm bỏ mất, thủ đoạn thi hành. Được lòng người này mất lòng người khác… Rồi đụng độ, vu khống, thêu dệt viện kẻ vô tội thành kẻ có tội, đưa kẻ bất tài ngồi lên đầu kẻ có tài, điều ấy, Nguyễn Trãi không làm được.

Nguyễn Trãi gọi rượu mời Đinh Thắng. Lòng ông đã quyết rồi. Ông ngồi trầm ngâm, tay xoa nhẹ chiếc chén ngọc và nói:

- Có lẽ ta sẽ lui về Côn Sơn thôi, ông Thắng ạ! Ta muốn nhờ ông giúp ta ở bên trong. Bây giờ, nếu ta dâng sớ, chờ lệnh vua thì lâu lắm. Mà, Trịnh Khả, Lương Đăng lại cho ta có ý kia khác… Vua thì lại đang cần đến Lễ nghi học sĩ. Chỉ còn một cách nói về việc dời mộ tổ tiên về Chi Ngại, Chí Linh, rồi do ngày giờ ấn định quá gấp mà về, thì họa chăng mới ra khỏi kinh đô được. Tờ tấu ta xin về lo việc nhà đây, ông xem thử, liệu lời lẽ đã được chưa.

Đinh Thắng cảm động lắm. Thắng không ngờ Nguyễn Trãi lại tin cậy mình đến thế! Thắng giơ tờ tấu ra đọc:

Hàn lâm viện thừa chỉ, nhập nội hành khiển, á thượng hầu, thần, Nguyễn Trãi lạy trước Hoàng đế Bệ hạ, xin được soi xét:

Thần đức mọn tài hèn, được Tiên hoàng đế triệu về, hàng năm nay, đã dốc lòng thờ chúa, việc to, việc nhỏ, chẳng việc gì dám từ nan. Cửa khuyết vẫn ban ơn, lòng già hằng kính mộ.

Song phần mộ ở Chi Ngại chưa yên ổn. Gò hoang mối đục, thú phá… Ơn đức tiên tổ, Trãi này chưa đền trả được, thật vô cùng áy náy!

Kính mong, Hoàng đế Bệ hạ, cho Trãi lui về Côn Sơn ít tháng, lo xây mộ, lập am cho tiên tổ, gọi là chút lòng thành báo đáp sinh thành…

Dẫu phải xa chốn cung đình, lòng trung vẫn hướng về cửa khuyết.

Trăm lần sợ hãi, kính cẩn dâng lời…

Đinh Thắng xem rồi nói:

- Tướng công đã nhờ đến Thắng này, tôi xin hết lòng, chẳng dám từ nan. Nếu Hoàng thượng chuẩn tấu, xin báo về ngay.

Thắng về, lên ngay chỗ Trịnh Khả, Lương Đăng, nói như vẻ Nguyễn Trãi biết phận, chỉ muốn lui về quê chăm nom phần mộ tổ tiên và an dưỡng tuổi già… Trịnh Khả tin là thật. Nhưng Lương Đăng thì cười nham hiểm:

- Ông già này muốn tách con bé Thị Lộ ra khỏi Đức vua đây mà. Nhưng thôi, lão này không phải là loại đáng gờm, chẳng qua là một kẻ hủ lậu, suốt ngày lên tiếng nhân nghĩa giữa một bọn quỉ ma. Bọn chúng có nghe đâu kia chứ. Tôi nghĩ quan đại tư mã nên tâu với Hoàng thượng cho Nguyễn Trãi được như ý.

Trịnh Khả băn khoăn:

- Nhưng Nguyễn Trãi đi thì Thị Lộ cũng phải đi theo, lúc đó Đức vua biết quở phạt tôi và ông thì biết làm thế nào?

Lương Đăng cười:

- Thôi ngài tể tướng để tôi lo việc này cho.

Vào buổi chiều vua chơi bời đã mệt, Lương Đăng đem một loạt sớ tấu xin phê chuẩn. Thái Tôn nghe kỹ lưỡng những tờ tấu có việc quan trọng, còn những việc thông lệ khác, thường nghe qua loa… Việc nào thấy rắc rối là bác, việc nào thấy lời lẽ êm ái, biết cách xin, thì không bài bác gì cả, cho thái giám đóng nhật ấn vào và đưa cho Đăng…

Nguyễn Trãi được vua bằng lòng cho về quê cũng là nhờ cách khéo léo của Đăng biết xếp tờ tấu xuống hàng gần cuối.

*

Nguyễn Thị Lộ rất ngạc nhiên khi thấy con hầu vào báo: “Tướng công nói: Phu nhân gấp thu xếp hàng trang để trở về Côn Sơn”.

Thị Lộ cau mày vặn hỏi:

- Sao ta chưa thấy tướng công nói gì?

- Việc gấp, không thể nói trước được.

- Thế còn công việc của ta ở triều đình.

- Tướng công đã lo liệu chu đáo cả rồi!

- Hoàng thượng cũng bằng lòng cho ta đi theo Nguyễn Trãi.

Đứa con hầu rắn rỏi trả lời:

- Phận gái phải theo chồng, thưa bà, chắc là vua biết vậy nên không giữ bà!

- Việc gì mà như lửa đốt trôn ấy?

Thị Lộ lúc cáu vẫn thường hay thốt ra những lời khiếm nhã.

Con hầu đủng đỉnh, cười nhạo, lễ phép thưa:

- Dạ, bà hỏi tướng công xem.

Nói đoạn, lui ra. Thị Lộ ức lắm. Lão già này sinh chuyện đây. Chắc là lão biết mình ân ái với Hoàng thượng rồi. Lão ở đây, thi thố tài năng không có chỗ, bọn Trịnh Khả, Lương Đăng thù ra mặt, có cô vợ đẹp vui thú, thì bây giờ bị phỗng tay trên… Lão ấy về Côn Sơn là phải. Thị Lộ đã nhận ra ý đồ chuyến đi hớt hải vội vã này của Nguyễn Trãi.

Nàng buồn lắm. Ngồi phịch xuống ghế, muốn hét to lên, muốn quát mắng đập phá. Muốn trườn lại, không đi theo Nguyễn nữa. Nhưng thế thì cũng không ổn. Nàng ở đây với ai. Con gái phải theo chồng. Chồng đi, ở lại một mình điều tiếng lắm, huống chi, lấy ai cung phụng chu cấp cho mình. Về nhà bố ở ư? Càng không ổn! Con gái về ở với bố, chỉ có cách là chồng đuổi thôi! Ôi cái lão già này thâm hiểm thật. Nhưng dù sao, thì ta cũng phải về thăm cha ngay chiều nay đã… Sáng mai, ta dùng dình, xuống thuyền muộn thì họ vẫn phải chờ ta, kia mà!

Vừa lúc ấy, lại có một người hầu trai từ chỗ Nguyễn Trãi đến:

- Bẩm bà, tướng công sai con đến đón bà về thăm phủ Tây Hồ…

Thị Lộ bỗng dịu lòng xuống. Ra, Nguyễn Trãi vẫn hết sức lưu ý đến cha mình. Nàng đến trướng phủ, Nguyễn Trãi đang ở đấy. Trông ông quắc thước, đẹp đẽ hơn mọi ngày. Từ ngày lấy được cô vợ trẻ, ông cũng phải chăm chút thần xác hơn. Mỗi buổi sáng, hoặc khi làm việc khuya, ông thường tĩnh lại, nhập thiền, làm những động tác uyển chuyển dẻo dai rất khéo léo… Sau đó, ông dùng nhẹ một bát yến…, dạo chơi trong vườn khoảng nửa khắc hoặc vài khắc rồi đi ngủ…

Sáng dậy, ông gọi trà ngon uống một mình, chờ mặt trời rạng hồng ở khu vườn đầy những cây và hoa tươi thơm, rực rỡ…

Thị Lộ khẽ cúi chào Nguyễn Trãi, cố dồn nén những cơn tức bực. Nguyễn Trãi ôn tồn nói:

- Nàng đừng giận ta nhé! Đừng hiểu lầm ta. Quả thật là việc mồ mả ở Côn Sơn không ổn, mà ở quê họ cứ phải chờ ý ta mới dám làm. Việc phong thủy, đất cát không thể coi thường. Hôm nay ta cùng nàng về chào ông già, rồi kịp về nghỉ ngơi. Ngày mai, là lênh đênh trên sông nước, cũng dễ mệt mỏi lắm đó.

Thị Lộ và Nguyễn Tãi đến Tây Hồ. Nguyễn để lại cho cha nàng hai trăm lạng bạc và một tấm đoạn để may quần áo… Ông xin lỗi vì phải đi vội, đi xa. Ông hẹn, buổi về chầu mùa xuân tới, sẽ có mặt ở kinh đô. Nhìn bố hồn nhiên vui vẻ, tỏ vẻ ra không ước muốn gì hơn, Thị Lộ buồn rũ.

Ông đồ là thế. Ông lấy việc gả con cho một vị huân thần là vinh hạnh. Con gái lấy chồng già, nhưng là loại quyền quý, học thức vào loại nhất nước, còn mong ước gì nữa. Từ ngày lo xong chuyện cho con gái, ông nhận nuôi mấy đứa trẻ, mùa xuân, mùa thu, những lúc nông nhàn, dạy dỗ chúng cho vui. Ngoài ra ông theo lối hàn sĩ, ẩn nho, không thích đến nhà các bậc vương hầu, không thích yến tiệc, mà chỉ thích vui một hội thả thơ ở nhà một ông nghè ở Đại Mỗ hoặc ăn một bữa gỏi cá tháng tám, thưởng trăng, nghe hát ca trù ở nhà một thầy khóa hào hoa…

Ông không hề nghĩ ngợi gì về con gái nữa. Ông thanh thản, vô tư đến nỗi con gái ông cũng thấy bực mình.

Khi thấy người hầu đặt mâm bạc hai trăm nén ra giữa nhà, ông cười vang, vui vẻ nói:

- Ông Trãi, ông đem nhiều bạc đến đây để làm gì. Để ta cho vay nặng lãi ư? Ta đang thực hiện câu thơ của ông đây: “Quê cũ nhà ta thiếu của nào, rau trong nội, cá trong ao!... Khách đến, vườn còn hoa lá. Thơ nên, cửa thấy trăng vào…” Đủ cả, đủ cả rồi, ta nhận bạc của ông mà làm gì!

Thị Lộ nhìn cha, chợt lòng thương cảm rộn ràng, nàng ứa nước mắt nói:

- Thưa cha, tiền bạc có là gì đâu. Đó là tướng công chu đáo thành tâm biếu cha… Chắc là người nghĩ: tướng công và con về Côn Sơn xa kinh thành, xa phủ Tây Hồ mà lần này đi lành ít dữ nhiều, không biết bao giờ mới về thăm cha được.

Nguyễn Trãi vẫn ngồi im lặng lẽ uống trà. Ông đồ vốn vui tính, vỗ vai con gái nói:

- Chia ly dễ rơi nước mắt. Đó là lệ thường! Sao con nói gở thế. Con đừng lo gì cho cha cả. Con biết đấy, quanh phủ Tây Hồ này, bạn bè, học trò của ta rất đông, không ai bỏ đói ta đâu mà sợ. Có tiền để trong nhà, chỉ tội có kẻ nhòm ngó thôi.

Thị Lệ giọng hơi xẵng:

- Thì cha cứ nhận lấy để giữ mình, việc gì cứ khăng khăng từ chối thế. Vài trăm lạng bạc có nghĩa lý gì.

Nguyễn trãi nói thêm nữa, bấy giờ ông đồ mới chịu nhận.