Ngang trái phủ Tây Hồ - Chương 14 - Phần 2 (Hết)

Vua không hề nghĩ đến lộ trình… Đoàn thuyền ngự cứ ngược dòng đi chậm chạp về phía sông Lục đầu. Tháng tám, trời đã vào thu, nước cạn… Bỗng vua thấy phía trước xôn xao, rồi đoàn thuyền dừng cả lại không đi nổi… Đám tùy tùng xớn xác… Vua chạy ra đầu mũi thuyền hỏi Lương Đăng và Đinh Thắng:

- Có chuyện gì vậy?

- Tâu không hiểu sao, thuyền ngự kéo mãi không đi nổi!

- Cho người lặn xuống xem luồng nước ra sao…

- Dạ nước vẫn ngập chưa quá mớn! E có điều gì gàn quải.

Vua gắt:

- Nói bậy! Thử cho người đi hỏi dân chúng trong làng xem.

Đinh Thắng vội đem tùy tùng đi hỏi ngay. Một lúc sau, Đinh Thắng quay về, quỳ xuống tâu:

- Thần vào trong xóm dò hỏi mới biết ở đây có mộ Bạch sư thiêng lắm!

- Bạch sư là thế nào.

- Dạ, đó là một đạo sĩ hay mặc áo trắng. Hồi còn sống có phép thần thông, tinh giỏi pháp thuật hay trừ ma, khắc quỷ trong vùng. Khi chết mộ chôn cạnh sông này, dân trong vùng đã lập miếu cúng tế. Hỏi người già trong làng, họ nói, phải tế bằng nghé non, thì thuyền mới có thể trẩy tiếp về kinh được.

Vua sai Đinh Thắng:

- Thì ngươi cho làm ngay đi!

Thắng vội cho người đi bắt nghé non, đâm tiết, thân vào tế…

Cho đến chiều, nước dâng lên nhờ một trận mưa lạ, rồi có gió lay động rất mạnh, như có người từ trên trời xuống giúp đẩy thuyền… Quân sĩ hò reo mừng rỡ.

Vua Thái Tôn lại vào trong thuyền với Thị Lộ. Người đã mệt nhoài vì những chuyện vớ vẩn, song nhìn thấy dáng nguời đẹp, làm cho cả khoang thuyền lộng lẫy, những ham muốn, gợi cảm, khiến Đức vua quên hết mọi mệt nhọc.

Bọn lính gác thấy vua vào đi vội ra xa… Vua nhìn Thị Lộ, đắm đuối, đắm đuối. Vua sà đến ôm chầm lấy nàng. Nhưng nàng, hình như có những nét gì đang buồn bực… Và nàng trở nên khó tính. Nàng hất tay vua, và xoay lưng lại.

Vua bực mình lắm. Ngài coi như một thứ phạm thượng, bởi bao nhiêu thứ ở trên đời này, vua chỉ tay một cái, đã thuộc về Người rồi.

Nhưng bây giờ, vua đâu có là vua, vua là một kẻ đi chinh phục. Người đàn bà kia, ả Thị Lộ, một người đẹp trời cho, có lẽ bao nhiêu người đẹp bên vua từ trước tới nay, đều mời đi cả, quyền uy tất cả ở trong tay nàng…

Vua nhìn người đẹp xoay lưng lại mình, lại càng thấy đẹp… Vua nhìn nàng, đắm đuối, đắm đuối.

Vua se sẽ tiến lại gần, bước những bước rụt rè.

Thị Lộ biết cả những bước chân rụt rè của vua. Nàng hồi hộp. Vua đến gần, đến gần và gọi nàng:

- Nguời đẹp! Người đẹp! Sao em giận ta dễ thế!

Nàng lặng im. Nàng run sợ. Nàng chờ đợi. Và vua đã khẽ khàng ngồi đến. Hơi đàn ông trẻ quen thuộc có sức hấp dẫn lạ kỳ. Nàng ngả đầu vào vai vua. Vua ghì chặt lấy nàng đến nghẹt thở. Nàng kêu khe khẽ, trong một nỗi khắc khoải:

- Đừng Hoàng thượng, đừng Hoàng thượng. Cần giữ gìn ngọc thể!

Nhưng bàn tay đài các, quý phái, trẻ trung, mát và mềm đã lùa vào cổ nàng, bụng nàng, ngực nàng… nàng áp má vào vua. Vua áp má vào nàng, vua gọi, vua nói gấp gáp:

- Trời ơi, ta nhớ em như điên như cuồng.

- Em cũng thế! Hoàng thượng biết không, em mong nhớ từng ngày.

Vua ôm chặt nàng như sợ nàng bay ra khỏi thuyền lầu. Còn nàng cũng ghì chặt vua, để bù lại những tháng ngày xa cách.

Vua lại yêu nàng, yêu hết mình. Nàng dâng hiến cho vua hết mình, không gìn giữ. Vua cảm thấy mình được yêu đến độ, quên hết tất cả những người đàn bà từng gần gũi mình bằng xác thịt… Vua yêu nàng, yêu nàng với sự ham muốn của một cơ thể tuyệt hảo…

Sóng đập mạnh vào lầu ngự, bọt tung lên trắng xoá; tấm rèn che cửa nhiều lúc tốc lên, để lộ hình hài cuộn vào nhau như đôi rắn đến thời giao phối… Đinh Thắng bên rèm, vội vã kéo rèm lại, nhưng những cơn gió vẫn cứ thốc, thốc lên.

Vua ngủ một giấc dài. Thị Lộ tỉnh trước, sửa lại xiêm áo, nhìn vua ngủ, rồi chợt nhớ đến chức phận của mình, nàng bước ra khỏi thuyền ngự, ngồi trên khoang tư lự…

Những cơn gió làm bay mái tóc nàng. Vua vẫn ngủ trong thuyền lầu. Sóng cồn lên phía trước, lòng nàng bâng khuâng vời vợi… Nàng không biết số phận mình trời đất dun dủi đến đâu… Nàng khẽ thở dài…

Thuyền vua xuôi dòng, nhưng cũng không kịp về kinh thành. Trời đã tối. Trịnh Khả, Lương Đăng, Đinh Thắng vào tâu:

- Từ đây về kinh thành, đi bằng thuyền, ít nhất nửa đêm mới đến. Bệ hạ suốt ngày rong ruổi đã mệt, xin được nghỉ tại hành cung Lệ Chi Viên mai sớm về kinh thành.

Vua đang lúc vui vẻ, khen:

- Được lắm! Được lắm!

Đoàn thuyền ngự neo tại bến Gia Định. Đám ngự thiện vội vã kéo nhau lên lo việc nghỉ qua đêm của Đức vua. Vua tìm Thị Lộ, thấy nàng vẫn ngồi thừ ở trong khoang. Vua đến bên, nâng tay nàng, khẽ bảo:

- Đêm nay, ta nghỉ lại Lệ Chi Viên, ta sẽ vui với nhau suốt đêm nhé. Ta muốn được nghe thơ của nàng, trong những ngày xa cách.

*

Theo lệnh của Đức vua, vườn vải hôm nay treo đèn, kết hoa lộng lẫy…

Vua tắm xong, gọi Thị Lộ đến cùng ăn, trong khi vua ăn cùng người đẹp, đám thị tỳ múa hát… Vua hỏi nàng:

- Xa kinh đô mà Lễ nghi học sĩ chịu được ư?

Thị Lộ thưa:

- Phận đàn bà, nhiều thứ gò bó lắm. Số kiếp trôi nổi đến đâu, thần thiếp cưỡng làm sao nổi!

- Cho ta nghe những bài thơ nàng viết hồi còn ở Côn Sơn đi…

- Thơ của thiếp buồn lắm!

Vua hồi hộp hỏi:

- Nàng viết cho ai?

- Thiếp viết cho mình, chẳng cho ai cả…

Vua khẩn khoản:

- Nàng đọc đi! Ta muốn được nghe.

Thị Lộ dáng buồn chưa hết, trông càng đẹp. Nàng cất tiếng đọc:

Nhớ kinh đô

Sương đục, cây dày, lá biếng xanh,
Trúc tre vương vít chuyện đa tình.
Bướm bay rợp mắt, rừng đang động
Nai tác đầu ghềnh, suối vắng tanh.
Chơ chỏng nơi nơi, bầy cá cỗi,
Lênh đênh đây đó, chiếc thuyền mành!
Kinh thành ngoái lại, mù tăm cá,
Phận gái đành cam kiếp nổi nênh!

Vua nói:

- Thơ hay nhưng buồn quá. Nàng đọc thơ vui đi…

- Thiếp làm gì có thơ vui.

- Để ta đọc vậy!

Và vua đọc:

Con chim đánh trống, thổi kèn
Con người thẽ thọt chật lèn thế gian.
Nguời gàn mà hoá người ngoan
Nguời khôn bạn với kẻ gian hại người!
Muốn cười chẳng được thì thôi,
Những khi muốn khóc lại cười râm ran…

Thị Lộ ngạc nhiên hết sức. Chàng trai này, ông vua này lại thế. Vua mà thường dân. Thường dân mà vua. Chàng là ai vậy. Thị Lộ vui hẳn lên, mắt long lanh.

Nàng quên tất cả. Trước mắt nàng đây chỉ là một người mà nàng đang ước mơ, đang khao khát, nàng tìm mà không thấy.

Chàng đẹp, chàng vui, chàng hóm hỉnh, chàng đầy quyền lực, chàng mềm yếu lúc này, cứng rắn lúc khác, chàng có những nỗi buồn thoáng chốc và những trận vui hết cỡ… Chàng hạnh phúc mà vẫn chưa cảm thấy hạnh phúc. Chàng ở giữa cái đẹp mà vẫn đi tìm cái đẹp.

Đêm ấy, Thị Lộ như lạc vào những hoan lạc mới. Nàng dâng mình cho vua. Và cho đến lúc vua đắm đuối về sắc đẹp của mình, vua uống liền với nàng ba chén rượu ngon. Mắt nàng long lanh. Ngực nàng phập phồng thở rộn ràng.

Trăng vừa lên, dịu nhẹ, mời mọc. Gió nhẹ mơn man. Chợt vua hét lên:

- Cho chúng bay lui. Lui hết đi... mọi thái giám, thị nữ, hoàng môn quan thân cận nhất đều lui hết.

Vua dang tay ra đón nàng, nàng ngã vào lòng, vua ghì chặt, lần tìm, cởi xiêm áo của nàng. Vua vội vã, hối hả. Nàng thì hầu như chỉ biết có dâng hiến. Chưa bao giờ vua thấy một người đẹp lại đàn bà đến thế! Vua yêu nàng, yêu nàng, nàng sung sướng chiều chuộng... Nàng khoan khoái... Vua lịm trên ngực nàng, rồi tắt lặng như một cơn chọc tức... Nàng bực mình... Nàng tưởng như vua lại giở cái tính xấu hàng ngày. Bực bội, nàng hất vua xuống chiếu ngự... Nàng quay lại, nhìn:

- Trời ơi, Vua chỉ là một cái xác!

Nàng thét lên, thét lên như một con điên và cuống cuồng gọi:

- Thái giám! Thái giám.

Và Thị Lộ cuống quít hối hả mặc xiêm áo chui ra khỏi màn vua.

Nghe tiếng kêu thốt lên của Nguyễn Thị Lộ, đám hoạn quan kéo đến. Lương Đăng, Đinh Thắng, Tạ Thanh, Đinh Phúc, Nguyễn Cung và cuối cùng đến Trịnh Khả.

Nguyễn Thị Lộ, ngồi rũ ra, khóc nức nở.

Xác vua đã cứng đờ... Sau một phút bàng hoàng, chúng đưa mắt nhìn nhau. Lương Đăng giục Trịnh Khả lên tiếng.

Trịnh Khả quát:

- Con Nguyễn Thị Lộ kia! Mi giết vua hả! Tội mi đáng chém!

Nguyễn Thị Lộ nức nở:

- Không! Không! Tôi không giết vua! Vua yêu tôi! Vua yêu quá, thế rồi vua chết!

Trịnh Khả bối rối, chưa biết nói thế nào, thì Lương Đăng đã lên tiếng khá dõng dạc.

- Vệ sĩ, trói nó lại. Nhét giẻ vào mồm nó! Tội mi đã rành rành, chối làm sao được! Đồ rắn độc! Đồ giết vua! Ta không tha cho mi đâu!

Nguyễn Thị Lộ lại khóc to hơn trước. Nàng đau đớn, vật vã. Nàng hiểu những điều gì sẽ xảy đến cho nàng. Nàng hò:

- Hoàng thượng! Nguyễn Trãi! Hoàng thượng! Nguyễn Trãi!

Nghe mấy thứ tiếng đó khiến Lương Đăng, Trịnh Khả đều lộn ruột. Cả hai đều quát:

- Con nghịch tặc! Trói nó lại… Nhét giẻ vào mồm nó!

Bọn vệ sĩ thực thi ngay… Thị Lộ giãy giụa. Những tiếng kêu bị chặn lại. Tiếng người đàn bà tội lỗi và oan ức bị chặn đứng trong cái đám giẻ bẩn thỉu, vừa lau những vệt rượu đổ lên trên bàn tiệc hành lạc của nhà vua…

Trói được Thị Lộ rồi, Trịnh Khả, kéo Lương Đăng về trướng riêng của mình. Khả hỏi:

- Ông Đăng! Ông Đăng! Bây giờ làm thế nào?

Lương Đăng làm ra vẻ tư lự, kỳ thực, mọi mưu mẹo đã bày đặt ngay khi nhìn thấy quang cảnh Đức vua nằm chết ngay ngắn trong màn gấm dưới gốc cây vải lớn.

Đăng xấc xược hỏi Trịnh Khả:

- Ông có dám loan tin vua chết không?

Khả cũng chẳng vừa, hỏi lại Lương Đăng:

- Ý ông thế nào?

Đăng biết đã đến lúc không đùa cợt, thử bụng nhau nữa. Y nói:

- Nếu nói thực ra thì ông cũng chết và tôi cũng chết mà kẻ thắng sẽ là Thị Lộ, Nguyễn Trãi. Đằng sau chúng là một lũ văn thần không thể coi thường!

- Sao vậy?

- Làm sao họ tin được vua chết về Thượng Mã Phong. Có ai dám loan tin tày trời ấy. Như thế Thị Lộ thoát được tội giết vua. Vậy nếu Thị Lộ không giết vua, thì ai giết? Đám lính ngự lâm ư? Vô lý. Chỉ còn lại Trịnh Khả, Lương Đăng, Tạ Thanh, Nguyễn Cung, Đinh Thắng, Đinh Phúc, những người luôn luôn bên Thái Tôn mà thôi… Bọn Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Thiên Tích nhân dịp này sẽ hạch tội chúng ta… Và, lúc ấy, thì nguy lắm!

Trịnh Khả hỏi:

- Bây giờ phải làm thế nào?

- Thế nào ư? Trước hết hãy gọi đám ngự lâm đến làm chứng, bọn Đinh Thắng, Đinh Phúc hầu bên vua, gần nhất cũng phải ghi nhận sự việc này. Sau đó, liệm Ngự thể, lặng lẽ đem về cung, để hoàng hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính, tôn Thái Tử Bang Cơ lên làm vua. Tiếp đến, buộc tội cho Thị Lộ - Nguyễn Trãi giết vua, giao cho đình thần nghị tội!

Trịnh Khả cau mày hỏi:

- Thị Lộ giết vua, chứ Nguyễn Trãi có hại vua đâu! Nói điều này thế nào cho người ta tin được?

- Nếu không ghép Nguyễn Trãi – Thị Lộ cùng giết vua, thì hóa ra lại thừa nhận vua mắc thượng mã phong cùng với Thị Lộ hay sao? Phải gán tội cho Nguyễn Trãi, như thế thì đào cỏ mới đào tận rễ… mới bịt miệng được triều đình, bắt họ phải thi hành đúng như những trù định của ta…

Trịnh Khả gật đầu, cho Lương Đăng tính toán thế là phải. Và Khả khấp khởi mừng thầm, những ý nguyện sâu xa của y đã được thực thi… Nay mai, y sẽ ngồi vào ngôi Tể tướng… Y sẽ…

Mấy ngày liền, kinh đô xao động hẳn lên… Nguyễn Trãi bị bắt giam vào ngục đại hình. Lúc đầu, ông cũng chưa biết gì cả. Cho đến một buổi, Lương Đăng đến, mặt mày phởn phơ. Gã tiểu nhân, nhăn nhở cười:

- Chào quan Hàn lâm viện thừa chỉ! Ông còn nhớ tôi chứ?

Mang gông trên cổ, chân bị xiềng, tay cùm cùng với gông, Nguyễn Trãi ngẩng mặt nhìn Lương Đăng, rồi lặng lẽ cúi xuống, điềm nhiên, không nói năng gì cả!

Lương Đăng khẹ một tiếng khinh bỉ! Y làm ra bộ nhân đức:

- Ông có thư khiếu oan gì chăng? Nếu ông nhờ, tôi có thể giúp ông dâng lên vua và hoàng thái hậu.

Nguyễn Trãi vẫn không thèm nói gì cả. Ông như một pho tượng gỗ. Cứ nhìn cái gông trên cổ, những chiếc xiềng đồng to ở chân, cũng đủ thấy cái nỗi đời trên một thân hình nho nhã.

Những con muỗi đói vẫn lăn xả vào đốt ông… Những tiếng hợm hĩnh của Lương Đăng vo ve bên tai ông… Ông đờ ra như một pho tượng gỗ…

*

Bãi chém người ở phía tây hoàng thành, trong một khu vườn rậm rạp. Vụ án Lệ Chi Viên, Nguyễn Trãi bị tru di đến ba họ… Thị Lộ giết vua. Nguyễn Trãi bị tội. Giờ đây, người đẹp bị trói cùng cọc với ông. Nàng cũng bị chết chém. Nàng cúi mặt xuống không dám nhìn ông… Và ông, thì vẫn nhân hậu nghĩ đến nàng. Ông không oán gì nàng cả… Cho đến lúc thả nàng theo Đức vua, và được tin dữ truyền về, Nguyễn Trãi giật bắn mình thốt kêu lên:

- Trời hại ta rồi! Trời hại ta rồi!

Và người ông lạnh toát! Nguyễn Trãi rùng mình… Chẳng lẽ là một người hiếu với cha, trung với vua, biết vẻ đẹp, muốn đời ngày càng có nhiều niềm vui mà lại nhận đủ thứ oan trái thế này… Ông lại kêu lên:

- Trời hại ta! Trời hại ta!

Đội truy bắt do bốn trung sứ của Hoàng thái hậu mẹ của vua Nhân Tôn đang nhiếp chính, đã xuống chiếu để bọn Trịnh Khả, Lương Đăng, Tạ Thanh đi lùng bắt cả nhà Nguyễn Trãi… Lúc này Nguyễn Trãi quên hết, chỉ thoáng nhớ đến Đinh Thắng, một gã mặt nhẵn đã khuyên mình liên kết với Lê Ngân, để diệt hại bọn hoạn quan đang lộng hành… Và Nguyễn Trãi đã từ chối.

Ông thốt lên:

- Ta trót không nghe lời Đinh Thắng…

Lương Đăng vẫn còn lởn vởn quanh nhà ngục, nhưng nghe rõ lời ông… Hắn cau mặt lại:

- Đinh Thắng, Đinh Phúc, hai thằng giặc này là ong tay áo! Phải diệt nó mới được.

Và ngay nửa giờ sau, Phúc và Thắng cũng đều bị hạ ngục…

*

Những tia máu vọt ra trên bãi chém! Đao phủ đã chém nhiều. Viện Đô sát cử người đi giám sát, không ai chịu đi.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Cả ngày hôm ấy, kinh thành mưa sầu gió thảm. Nhưng sắc chỉ đã ban, không dừng lại được. Mấy tên thi hành lệnh chém đã mỏi tay. Người bị chém đầu tiên là Nguyễn Trãi. Máu của ông già phun ra bãi cỏ xanh. Chiếc đầu từng khuất phục được bao tướng tài của giặc Minh, từng làm cả một đạo quân lớn đầu hàng và bại trận, sập xuống cổ. Máu vọt ra. Mưa xối xuống, mưa hòa vào máu tưới lên cỏ… Cỏ nhận máu nhân tài, hóa thành một bãi cỏ thông minh… Trong mình có mùi thơm. Đem xức lên, thì, hương thơm thơm mãi chẳng bao giờ nhạt.

Thị Lộ bị chém thứ hai. Người đẹp ủ rũ, buồn, nhưng mắt không ngấn nước. Nàng bặm môi… Không dám nhìn sang Nguyễn Trãi… Máu của nàng đọng thành vũng, chảy xối vào một gốc cây cơm nguội… về mùa xuân, cây lá đẹp rực rỡ… Nhưng chỉ khoảng một tháng sau, lá khô cứng, cây rũ buồn. Nửa năm về sau, càng vàng úa, héo hon… Sau đó những hàng cây cơm nguội mọc dài ngay từ phía đầu phủ Tây Hồ… như tự mình nhắc lại những ngang trái của một người đẹp…

Cả kinh thành, người thì xót thương Nguyễn Trãi, người thì giữ thái độ lặng lẽ sợ liên lụy… Hàng trăm người, chết chém trong cuộc giết sạch ba họ, được vứt vào mộ chôn chung…

Nhưng, đám chôn người, sợ đến hết hồn, khi kiểm lại thấy mất hai cái xác Thị Lộ và Nguyễn Trãi… Đầu của họ phải đem vào trình Trịnh Khả và Lương Đăng, sau đó mới đem lắp vào xác… Nhưng, xác của họ không còn… Đám chôn nguời chôn qua quýt hai cái đầu cho xong… Ngay đêm ấy, hai cái đầu cũng mất nốt.

Không ai biết kẻ nào đã đánh cắp và mộ của một người tài danh vượt bậc, một người đẹp nhất nước ấy ở đâu!

Chỉ đọng lại ngang trái từ phủ Tây Hồ một loại cỏ thơm và hàng cây cơm nguội.

Ngày Đinh Mão, tháng ba năm Quí Dậu

1993