Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 10 - Phần 2

Tôi thấy mình phấn khởi hẳn lên vì những suy nghĩ, phán đoán về địch là đúng, liền ra lệnh: “Mục tiêu địch đã rõ, theo nhiệm vụ được giao, đơn vị nào nhìn thấy địch trước cho nổ súng trước vừa tranh thủ diệt địch vừa làm hiệu lệnh tiến công chung, cố đánh dứt điểm càng sớm càng tốt, tránh phi pháo địch.”

Được lệnh, tiểu đoàn 1 (trung đoàn 1) nổ súng vào 5 giờ 30 sáng, các đơn vị khác nổ súng tiếp. Như vậy là ngày N của ta và của địch đã trùng hợp. (Ngày N của ta quy định ngày 11 tháng 11 nổ súng tiến công Dầu Tiếng, nhưng được tin Mỹ nống ra đường 13 nên lùi lại ngày 12, thì chính ngày này Mỹ cũng khởi sự hành quân từ Bầu Bàng vào Dầu Tiếng.)

Cuộc chiến đấu hiệp đồng diễn ra ăn ý nhưng cũng rất ác liệt.

Địch co lại chống trả đồng thời dùng hỏa lực phi pháo sát thương ta, hỗ trợ cho bộ binh, máy bay B.52 trải thảm dọc đường Bầu Lồng - Căm Se - Thị Tính để dọn đường cho bộ binh vào Dầu Tiếng. Bom B.52 của địch rơi trúng cả vào khu vực cơ quan sư đoàn bộ. Số thương vong tăng lên, nhưng các đơn vị chấp hành lệnh của sư đoàn “bám thắt lưng địch” mà đánh, nhanh chóng thọc sâu, chia cắt địch thành từng cụm nhỏ để tiêu diệt chúng.

Địch bị dồn vào thế cùng nhưng chúng vẫn ngoan cố và xảo quyệt, lại có hỏa lực mạnh nên đã gây cho lực lượng ta bị tiêu hao, sức tiến công bị giảm, càng kéo dài thời gian ta càng bất lợi.

Trước tình hình ấy, tôi quyết định đưa tiểu đoàn 7 (trung đoàn 3) lực lượng dự bị của trận đánh vào chiến đấu. Sức mạnh xung lực được tăng cường, các đơn vị có thêm điều kiện mở trận công kích mới, đánh mạnh vào khu vực phòng thủ tung thâm của địch, đến 8 giờ 40 phút trận chiến đấu mới kết thúc. Hai tiểu đoàn, hai chi đoàn thiết xa vận Mỹ (khoảng 2.000 tên) bị ta loại khỏi vòng chiến đấu, cùng với 39 xe (phần lớn là xe tăng, thiết giáp), tám khẩu pháo bị phá hủy.

Nhưng về phía ta số tổn thất cũng không nhỏ, 109 cán bộ chiến sĩ hy sinh, 200 đồng chí khác bị thương? Đây là con số nói lên tinh thần chiến đấu xả thân của cán bộ, chiến sĩ ta rất cao; đồng thời cũng nói lên tính chất cực kỳ gay go ác liệt đầy gian nan vất vả trong cuộc đọ sức với một đối tượng tác chiến mới - quân đội Hoa Kỳ vẫn ngạo mạn tự nhận mình là “lực lượng chữa cháy” của “thế giới tự do” chưa biết thất bại là gì(!)

Vừa đau xót, khâm phục và tự hào những tấm gương sáng chói về chủ nghĩa anh hùng của đồng đội mình, chúng tôi lại vừa thấy rõ hơn, sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, những cán bộ chỉ huy trận đánh. Dẫu mất mát, hy sinh là điều tất nhiên trong cuộc chiến đấu của dân tộc, nhưng không thể vì thế mà lãnh đạo bỏ qua. Ngay sau trận đánh, chúng tôi tự kiểm điểm, nghiêm túc rút ra những bài học thiết thực, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất cái giá phải trả cho mỗi chiến thắng, để thực hiện yêu cầu càng đánh càng mạnh, đủ sức, đủ lực tiến theo cuộc chiến trường kỳ đến ngày toàn thắng.

Không gian sau trận đánh bỗng trở nên yên tĩnh. Chỉ còn nghe tiếng pháo bầy và tiếng bom tọa độ và bom trải thảm của các loại máy bay Mỹ thi nhau giương oai ở những nơi chúng nghi là có chủ lực Quân giải phóng.

Sự yên lặng tạm thời này báo hiệu những trận bão lửa sắp tới.

Tôi tranh thủ trao đổi với các đồng chí trong Bộ tư lệnh sư đoàn về một số việc cần phải làm trước mắt để sẵn sàng đối phó với đợt tiến công mới của địch, rồi tranh thủ về báo cáo tình hình với anh Trần Văn Trà lúc này đang ở gần cầu Thị Tính, căn cứ tỉnh ủy Bình Dương.

Vì phải căng thẳng theo dõi diễn biến tình hình đang trong thời điểm giao thời, lại vừa phải trao đổi kế hoạch với các đơn vị trong việc triển khai đối phó với máy bay B.52 đang gia tăng hoạt động, thấy tôi anh Trà hỏi:

- Đánh chưa?

- Đánh rồi! - Tôi trả lời.

- Sao nhanh vậy?

- Đánh Mỹ mà!

- Kết quả? - Anh Trà hỏi tiếp.

- Rất tốt.

Anh Trà cười thật to, cầm tay tôi lắc mạnh lần nữa và nói:

- Thế thì chúng ta phải về gấp báo cáo anh Thanh!

- Bao giờ đi? - Tôi hỏi.

- Ngay bây giờ. Anh tranh thủ thu xếp hành lý. Phải đi suốt đêm để sáng mai kịp gặp anh Thanh.

Tôi, anh Trà, anh Hai Chân và hai đồng chí bảo vệ mỗi người một xe đạp lên đường. Lúc này mặt trời đã lặn, màn đêm bắt đầu giăng phủ.

Dọc đường anh Trà thân mật động viên:

- Cố về Sở chỉ huy Miền, tao có gà tăng gia làm bữa cháo cho lại sức rồi hành quân tiếp.

Kiểu động viên hơi mang tính chất Tào Tháo của anh có hiệu quả nhất định. Mặc dầu đã thấm mệt, kèm theo là cái đói lan khắp cơ thể, trời tối, không có đường, dù là đường mòn, chúng tôi vẫn gắng sức, tăng tốc độ, chiếu theo hướng sao đêm mà xuyên rừng đi tới.

Lúc đến Sở chỉ huy Miền, thì trời đã về khuya. Bao hy vọng đều tiêu tan. Một quang cảnh vắng lặng hiện ra mờ ảo trong đêm, các căn lán không có tiếng người, tất cả chỉ còn lại tiếng dế kêu rên rỉ. Cơ quan được lệnh di chuyển đến địa điểm mới cách đây hai giờ vì quân báo Bộ thông báo máy bay B.52 Mỹ sắp đánh phá vùng này.

Theo hướng tây bắc chúng tôi tiếp tục lên đường, màn đêm càng dày đặc, lại gặp mưa, đường trơn càng vất vả. Qua Bến Củi đất nhão quánh, dính kết, anh Trà phải tháo phanh, chắn bùn mới đạp nổi nhưng chậm rì, chỉ nhanh hơn đi bộ một chút, mãi mờ sáng hôm sau mới tới căn cứ Bộ chỉ huy Miền.

Được đồng chí bảo vệ vào báo cáo, anh Thanh ra tận trạm gác đón. Thấy chúng tôi anh mừng rỡ:

- Nhận được điện báo cáo các cậu thắng Mỹ ở Bầu Bàng, mình không sao ngủ được vì quá vui.

Anh ôm hôn từng người rồi hồ hởi nói:

- Thế là chúng ta đã đánh được Mỹ ngay từ keo đầu, chúc mừng các cậu.

Một buổi sáng đầy sương mù và tiết trời hơi se lạnh, anh vận bộ áo quần bà ba đen cổ quấn chặt khăn rằn như một nông dân Nam Bộ thực thụ. Anh dẫn chúng tôi vào nơi ở và làm việc của anh - một căn hầm kèo ẩn dưới các tán cây, bàn làm việc, giường ngủ đều là những thanh lồ ô được chẻ nhỏ, vót nhẵn ken dày rất phẳng phiu đẹp mắt. Tuy chật hẹp, dã chiến nhưng ấm cúng, đàng hoàng.

Anh chiêu đãi bữa ăn nhẹ buổi sáng bằng mì ăn liền và sau đó là uống trà Blao (sản phẩm của vùng chè Bảo Lộc - Đà Lạt).

Nhìn tôi, anh hỏi:

- Làm việc được chưa Hoàng Cầm?

- Dạ được. - Tôi đáp.

- Ta vào việc ngay. Mình muốn nghe Hoàng Cầm báo cáo tỉ mỉ. - Anh nhìn đồng hồ, hai chân mày nhíu lại như đang tính toán điều gì, nói tiếp. - Nhưng không được dài, chỉ gói gọn buổi sáng nay, để các cậu còn trở lại đơn vị.

Sau khi tôi báo cáo, anh Thanh phân tích: địch phát hiện ta đánh Dầu Tiếng, nhưng ta đánh trận Bầu Bàng đã làm đảo lộn kế hoạch hành quân của chúng, âm mưu cất vó chủ lực của ta đã phá sản. Từ bị động chuyển sang chủ động, từ tiến công chuyển sang phản công, thắng địch giòn giã. - Bộ tư lệnh Miền quyết định khen thường các cậu. - Rồi anh nhìn tôi hỏi. - Nhưng mức khen thế nào là thích đáng?

- Tùy cấp trên. -Tôi đáp.

- Huân chương Quân công hạng nhất được không? - Anh cười sởi lởi, thân mật và tiếp. - Quyền hạn của bọn mình ở trong này chỉ được đến thế.

Rồi anh chuyển sang vấn đề khác.

- Trận Bầu Bàng lần đầu tiên ta đánh lớn cỡ sư đoàn với mục tiêu diệt từ một đến hai đại đội địch. Nhưng trong thực tế ta đã đánh tiêu diệt một cụm quân Mỹ (có cơ cấu biên chế từ 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đoàn xe thiết giáp 2 đại đội pháo, 8 khẩu 106, 17 tăng, có độ 2.000 quân Mỹ, vì địch không hành quân đơn lẻ cỡ đại đội), như vậy là giỏi, vượt yêu cầu đề ra. Tuy mới là trận đầu, nhưng ta đã đánh giá đúng địch, bước đầu đã nắm được thủ đoạn hành quân, đóng quân dã ngoại của chúng; rút ra được những bài học thiết thực về nghệ thuật chỉ huy chiến đấu, sử dụng lực lượng, cài thế. Rõ ràng muốn thắng Mỹ phải cơ động nhanh, linh hoạt điều quân, thực hành phân tán một cách đúng lúc, đúng thời điểm. Tập kích, vận động phục kích, đánh kiểu “vồ mồi” như anh Vương Thừa Vũ tổng kết là thích hợp nhưng không được chủ quan, cứng nhắc mà phải thường xuyên bồi bổ, rút kinh nghiệm sau mỗi trận đánh mà vận dụng thích hợp trong mỗi tình hình cụ thể, vì Mỹ rất thực tế, chúng cũng chịu rút kinh nghiệm và chịu sửa đổi sau mỗi thất bại.

Sau đó anh Thanh chỉ thị thêm:

- Tình hình đang rất khẩn trương, tuy bị thua đau ở Bầu Bàng nhưng chúng vẫn ngoan cố, chưa từ bỏ mục tiêu hành quân của chúng là khu vực Dầu Tiếng. Vì vậy sau buổi làm việc này các đồng chí phải trở lại sư đoàn để có kế hoạch đối phó với những âm mưu tiếp sau của Mỹ.

Như mã hồi, thời gian trở lại đơn vị khá nhanh, mặc dầu đoạn đường không thay đổi, khác chăng là chúng tôi có một số giờ đi vào ban ngày. Rời sở chỉ huy Miền lúc 13 giờ đến 18 giờ 30 cùng ngày chúng tôi đã có mặt tại sở chỉ huy sư đoàn.

Một cuộc họp Bộ tư lệnh sư đoàn được triệu tập. Tôi báo cáo lại ý kiến anh Thanh, sau khi nghe trận thắng Bầu Bàng và chỉ thị nhiệm vụ tiếp sau của anh cho sư đoàn.

Quán triệt ý kiến chỉ đạo của anh Thanh, dựa vào nguồn tin của quân báo Miền cung cấp, vào tài liệu thu được của địch sau trận Bầu Bàng, chúng tôi trao đổi đi đến thống nhất nhận định:

- Trong khi sư đoàn 9 triển khai kế hoạch tiến công Dầu Tiếng, thì theo lệnh tướng Oét-mo-len, tư lệnh quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam, chỉ huy sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ tại căn cứ Lai Khê cũng khẩn trương tổ chức lực lượng mở cuộc hành quân vào Dầu Tiếng nhằm giải tỏa cho lực lượng quân ngụy tại chỗ đang bị lực lượng vũ trang ta bao vây uy hiếp; đồng thời tiến hành “tìm diệt” chủ lực ta vì địch phát hiện sư đoàn 9 đang đứng chân ở vùng này.

Vì thế khi Sư đoàn 9 nổ súng đánh Bầu Bàng (5 giờ ngày 12 tháng 11) thì máy bay B.52 Mỹ trải thảm trên đường Bầu Lồng - Căm Se - Thị Tính, dọn đường cho bộ binh vào Dầu Tiếng. Khi cụm quân Mỹ ở Bầu Bàng bị ta loại khỏi vòng chiến đấu, thì cánh quân Mỹ từ Lai Khê vận động lên phía bắc tạm thời dừng lại sau đó tiếp tục nhiệm vụ giải tỏa Dầu Tiếng và “tìm diệt” chủ lực ta ở đây. (Lúc này ở khu vực Dầu Tiếng ngoài Trung đoàn 3, còn có tiểu đoàn địa phương và cơ quan huyện ủy Dầu Tiếng.)

Do phán đoán đúng ý định của quân Mỹ lên Bầu Bàng, tôi đề xuất và được các anh trong Bộ tư lệnh sư đoàn đồng ý là huy động toàn bộ lực lượng sư đoàn vào trận đầu, điều gấp Trung đoàn 3 từ Dầu Tiếng ra, trung đoàn 1 từ Đất Cuốc về, vì thắng trận Bầu Bàng đã làm đảo lộn ý định của địch, tạo đà cho các trận đánh tiếp sau của ta.

Trận đánh Bầu Bàng đã đạt được các yêu cầu của sư đoàn đề ra. Nhưng kẻ địch còn chủ quan, không cam chịu thất bại. Tuy ta có làm chậm tiến độ hành quân của địch, buộc chúng phải điều chỉnh lực lượng, nhưng Dầu Tiếng vẫn là mục tiêu hành quân “tìm diệt” của sư đoàn 1 “Anh cả đỏ”.

Từ nhận định trên, chúng tôi gấp rút điều chỉnh lực lượng, điều chỉnh nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị, tạo thế và cài thế để thực hiện chủ động, liên tục tiến công địch sau trận Bầu Bàng.

Ngay khi Bầu Bàng chưa kết thúc, sư đoàn lệnh cho trung đoàn 1 từ Đất Cuốc hành quân về gấp lót ổ ở làng 14; đưa trung đoàn 2 về phục sẵn ở Căm Se vì địch có thể lợi dụng con đường này hành quân bằng cơ giới vào Dầu Tiếng; trung đoàn 3 về đứng chân ở khu vực làng 10 làm lực lượng dự bị.

Như vậy là tất cả những nơi dự đoán địch đi qua, đóng quân dã ngoại để vào Dầu Tiếng sư đoàn đều có lực lượng vào trước lót ổ hình thành thế trận bày sẵn.

Đứng như phán đoán, ngày 21 tháng 11, một đoàn xe hơn ba trăm lính Mỹ hành quân trên đường Căm Se - Dầu Tiếng đã bị trung đoàn 2 phục sẵn tiến công, chia cắt chúng thành từng khúc, phá hủy hơn 20 xe, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên Mỹ.

Sau trận Căm Se chúng tôi càng khẩn trương điều động lực lượng hoàn chỉnh thế trận tại khu vực Dầu Tiếng, vì quân Mỹ đang ráo riết dọn đường tiến vào khu vực này; điện nhắc trung đoàn 1, trung đoàn 3 tăng cường theo dõi chặt động tĩnh ở khu vực đảm nhiệm, sẵn sàng tư thế chiến đấu bảo đảm thắng ngụy, làm mất chỗ dựa của Mỹ trước khi chúng nhảy vào.

Từ trung tuần tháng 11, trung đoàn 7 (sư đoàn 5 ngụy) mở nhiều cuộc hành quân càn quét các làng 18, 21, 22. Ngày 21 tháng 11 một bộ phận của trung đoàn này vừa đặt chân đến làng 10, liền bị trung đoàn 3 bố trí sẵn ở khu vực gần đó kịp thời vận động tập kích, đánh thiệt hại một tiểu đoàn bộ binh, phá hủy 26 xe quân sự.

Thực hiện kế hoạch chung, quân ngụy buộc phải mở các cuộc hành quân càn quét tiếp các làng 2, làng 6, làng 14 thuộc đồn điền cao su Mít-sơ-lanh nhằm thăm dò lực lượng ta, hỗ trợ cho bảo an, dân vệ giữ ấp chiến lược, bảo vệ các trục đường giao thông huyết mạch, dọn chỗ cho quân Mỹ nhảy vào “tìm diệt” chủ lực ta - tức sư đoàn 9. Chiều 27 tháng 11 địch từ làng 14 di chuyển đến làng 18 rồi đóng quân dã ngoại ở làng 32 và 33 để đánh lạc hướng. Nhưng chúng đã không lọt qua mắt Trung đoàn 1 lót ổ sẵn ở khu vực này. Chỉ huy Trung đoàn đã kịp thời tổ chức lực lượng tập kích sở chỉ huy trung đoàn 7 (sư đoàn 5) và hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn này, diệt và bắt sống 1.200 tên (trong đó có tên trung tá trung đoàn trưởng).

Các trận đánh diễn ra theo kế hoạch chủ động và liên tục trong thế trận bày sẵn: sau Bầu Bàng là trận Căm Se, sau Căm Se là trận làng 10, sau làng 10 là trận làng 32, 33; sau làng 32, 33 là trận Bầu Da Dốt. Ngày 5 tháng 12, phát hiện hai tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 2, sư đoàn bộ binh số 1 (Anh cả đỏ) đang mở đợt hành quân “tìm diệt” ở khu vực Thị Tính - Nha Mát đến Bầu Da Dốt (xã Long Nguyên, Bến Cát), trung đoàn 2 sau trận thắng địch ở Căm Se đã được lệnh của sư đoàn, chuyển quân gấp về đây phục sẵn, liền nhanh chóng cắt rừng triển khai lực lượng, hình thành thế trận bao vây. Một bộ phận vượt lên đội hình hành quân của địch chặn chúng lại, một bộ phận khác đánh vào phía sau. Quân địch hoang mang lúng túng vì bị bất ngờ, nhưng được hỏa lực không quân, pháo binh chi viện, địch chống trả quyết liệt. Chúng ném cả bom bi, bom xăng để sát thương bộ đội ta, hòng tạo ra sự ngăn cách với ta bằng hàng rào hỏa lực. Vận dụng kinh nghiệm “bám thắt lưng địch mà đánh” trong trận Bầu Bàng, trung đoàn 2 dũng cảm, mưu trí bám sát, đánh gần, thực hành chia cắt địch thành từng cụm nhỏ để tiêu hao, tiêu diệt. Trận đánh diễn ra gay go quyết liệt, kéo dài từ 10 giờ đến 16 giờ cùng ngày mới kết thúc.

Trung đoàn 2 lại lập thêm chiến công mới, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn Mỹ, thu 40 súng.

Đến đây chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng đã kết thúc.

Đây là một chiến dịch có nét riêng, diễn ra trong một thời gian không dài (mười sáu ngày), trên một không gian không rộng (quanh một khu vực của huyện Dầu Tiếng), tương quan lực lượng trực tiếp trên chiến trường ta không ưu thế hơn địch (địch: sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ cộng với trung đoàn 7, sư đoàn 5 ngụy; ta: sư đoàn 9 và một tiểu đoàn địa phương của tỉnh Bình Dương).

Ta từ chuẩn bị chiến dịch tiến công chuyển sang kế hoạch phản công; từ chuẩn bị đánh Dầu Tiếng chuyển sang đánh Bầu Bàng, phá ý định tiến công “tìm diệt” của địch vào Dầu Tiếng. Nhưng địch vẫn ngoan cố, ngạo mạn thực hiện ý định nên chuốc thêm thất bại.

Tuy nhiên con đường dẫn tới chiến thắng trong cuộc đọ sức ban đầu này không phẳng phiu chút nào. Trước hết, tính chất ác liệt khẩn trương của cuộc chiến tăng lên rõ rệt so với thời kỳ đối đầu với quân ngụy. Tỷ lệ thương vong của sư đoàn cao hơn, không phải trong lúc giáp chiến, do hỏa khí bộ binh mà chủ yếu do hỏa lực không quân và pháo binh của địch gây ra trong quá trình lui quân, tập kết. Số thương vong trong trận tiến công quân ngụy đóng trong công sự vững chắc ở chi khu quân sự Đồng Xoài diễn ra trong một đêm, một ngày tương đương với số thương vong khi sư đoàn tiến công cụm quân Mỹ đóng dã ngoại ở Bầu Bàng diễn ra trong vòng trên dưới ba tiếng đồng hồ.

Từ trong ác liệt ấy chúng tôi đã hiểu Mỹ hơn.

- Quân Mỹ rất mạnh vì có hệ thống hỏa lực, phương tiện cơ động nhiều và hiện đại, được huấn luyện kỹ, hệ thống và rất có bài bản. Nhưng chính vì cái mạnh không thể tưởng tượng này đã dẫn tới cái yếu rất cơ bản:

- Bất cứ một cuộc hành quân nào (dù tăng viện, giải tỏa hay càn quét “tìm diệt”) đều phải có sự chi viện tối đa của hỏa lực và phương tiện cơ động chuẩn bị dọn đường, dọn bãi đổ bộ, buộc phải đóng quân dã ngoại, để lộ, khó giữ được yếu tố bất ngờ vì đối phương dựa vào các quy luật hoạt động chi viện hỏa lực như đã nói trên dễ phát hiện, đề phòng và kịp thời đánh trả.

- Trong chiến đấu dù phòng ngự, tiến công hay phản công, quân Mỹ đều ỷ lại vào hỏa lực, coi đó là điều kiện tiên quyết, thường tìm cách dãn ra, phân tuyến vùng hỏa lực sát thương đối phương; rất ngại đánh gần, ngại thực hành bao vây vu hồi nhỏ vì sợ bị cô lập.

- Hệ thống bảo đảm hậu cần rất nặng nề.

- Lính Mỹ sợ đánh gần, đánh giáp lá cà.

- Lính Mỹ là loại lính công tử, không chịu được gian khổ.

Cái mạnh của ta là cuộc chiến đấu chính nghĩa, tư tưởng “dám đánh Mỹ” được chuẩn bị tốt nên bước đầu ta đã tìm ra cách đánh Mỹ và thắng Mỹ

- Tích cực áp sát địch, tạo và giữ thế xen kẽ với địch, thực hiện “bám thắt lưng địch mà đánh”.

- Thực hiện hành quân, trú quân cơ động, luôn luôn bám sát địch hạn chế thế mạnh của Mỹ: tìm cách phân tuyến để dùng hỏa lực sát thương ta.

- Phát huy cao độ tình thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn đánh vào chỗ yếu của Mỹ là lính công tử.

- Tập kích, phục kích và vận động phục kích là các hình thức chiến đấu đánh Mỹ có hiệu quả, cần được huấn luyện kỹ cho bộ đội nhất là đối với cán bộ trung cấp.

Từ những kinh nghiệm bước đầu mà sư đoàn 9 đã tổng kết, đầu năm 1966, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền viết thành tài liệu “Một số kinh nghiệm về chiến thuật của Mỹ và cách đánh Mỹ của chủ lực” để phổ biến cho các đơn vị trên toàn chiến trường.

***

Thế là tôi đã kể cùng bạn đọc về chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng hay là cuộc đọ sức mở đầu trên đường 13. Chắc chắn là kể chưa hết vì sự kiện đã lùi xa mà trí nhớ của con người là có hạn.

Nhưng có một điều mà tôi muốn lưu ý bạn đọc. Đó là tên gọi của chiến dịch này. Đúng là chiến dịch Dầu Tiếng - Bầu Bàng đã đi vào lịch sử, như một chấm son của giai đoạn đánh Mỹ ở chiến trường Đông Nam Bộ trong thập kỷ sáu mươi.

Chiến dịch Dầu Tiếng - Bầu Bàng đã được sách báo, được các tác phẩm tổng kết chiến tranh, lịch sử quân sự đề cập thành chuyên đề, hay thành một phần, chương tương xứng trong một tập sách.

Nhưng có một điều, theo cách hiểu riêng của tôi, với tư cách là người chứng kiến, một người trực tiếp tham gia vào sự kiện này thì gọi tên chiến dịch Dầu Tiếng - Bầu Bàng là đúng nhưng chưa thật thỏa đáng, mà phải gọi là chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng, vì mở đầu của chiến dịch này là trận Bầu Bàng - một trận đánh then chốt có ý nghĩa chi phối đến các diễn biến sau đó của chiến dịch, như đã trình bày cùng bạn đọc ở các trang trên.