Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 20 - Phần 1

Chương 20

Mở cánh cửa thép tiến vào Sài Gòn.

Trước khi vào chuyện chính, chúng tôi còn phải qua một bước đệm. Đó là nhiệm vụ mở rộng hành lang, chuẩn bị địa bàn tạo thế trận cho các đơn vị chủ lực khác cùng tiến công đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định theo định hướng của kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm của Bộ Chính trị và cũng là để thực hiện kế hoạch chiến lược của Bộ Tổng tư lệnh nhằm cụ thể hóa thực hiện kế hoạch hai năm.

Theo mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu và Bộ chỉ huy Miền, Quân đoàn 4 có nhiệm vụ chuẩn bị địa bàn trên hai hướng đông bắc và tây bắc Sài Gòn. Thế là một lần nữa Quân đoàn lại tác chiến phân tán thành nhiều lực lượng. Nhưng không có cách nào khác. Lúc này ở hướng tây bắc - đó là Dầu Tiếng; ở hướng đông bắc - đó là Định Quán. Đây là hai mục tiêu đều cần phải “nhổ” để tạo điều kiện cho ta áp sát Sài Gòn càng gần càng tốt, khi đó “thì có gặp mùa mưa cũng không trở ngại lắm”(1). Hoạt động mở hành lang này còn có tác dụng kìm chân chủ lực quân đoàn 3 ngụy, thu hút lực lượng dự bị chiến lược của chúng, tạo điều kiện cho Mặt trận Tây Nguyên và các chiến trường khác hoạt động. Mặt khác chúng tôi cũng thấy nếu đánh đội hình quân đoàn vào một hướng lúc này hơi lãng phí, vì sau thắng lợi chiến dịch Đường 14 - Phước Long, quân địch ở Đông Nam Bộ bị giáng một đòn mạnh về tinh thần, một thuận lợi cần được khai thác, không cho địch hồi sức. Một điều nữa chúng tôi cũng tính đến, cần phải phân cực là đúng, tiết kiệm thời gian, cùng một lúc ta giải quyết được hai mục tiêu, đó cũng là yêu cầu cần phải thực hiện trong bối cảnh cuộc chiến đấu của chúng ta đang đi vào giai đoạn nước rút - dồn dập và khẩn trương.

(1) Nghị quyết Bộ Chính trị 25/3/1975.

Ý thức như thế, Bộ tư lệnh và Đảng ủy Quân đoàn họp quyết định:

- Hướng bắc, tây bắc do tôi phụ trách, lực lượng đảm nhiệm gồm có Sư đoàn 9, Trung đoàn 16, một tiểu đoàn tăng, hai tiểu đoàn pháo cao xạ, đánh chiếm chi khu quân sự Dầu Tiếng, tạo bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng tây, tây bắc, đồng thời mở rộng vùng giải phóng về phía tây sông Sài Gòn từ Bến Củi đến đường 26, hỗ trợ và phối hợp với Sư đoàn 5 đang hoạt động ở hướng Bến Cầu, Đức Huệ.

- Hướng đông bắc do Phó tư lệnh Bùi Cát Vũ (có sở chỉ huy nhẹ đi cùng giúp việc), lực lượng đảm nhiệm là Sư đoàn 7, một bộ phận Sư đoàn 341(2) phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 7, Quân khu 6 đánh chiếm chi khu quân sự Định Quán, giải phóng đường 20, tỉnh Lâm Đồng, mở hành lang và bàn đạp tiến công trên hướng bắc, đông bắc Sài Gòn.

(2) Sư đoàn chủ lực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, được bổ sung vào chiến trường miền Đông Nam Bộ tháng 3/1975.

Sự phân công nhiệm vụ thật hợp lý. Anh Ba Vũ lên đường mang theo cái háo hức, bồi hồi, sự da diết từ bên trong. Sau hai mươi bảy năm anh lại trở về chiến trường cũ với bao kỷ niệm, sâu đậm nhất là trận La Ngà đại thắng mà anh đã góp phần.

Tuy cùng trong Bộ tư lệnh kể từ ngày thành lập Quân đoàn (20/7/1974) nhưng chúng tôi cứ như vợ chồng Ngâu, chỉ gặp nhau khi trận chiến đấu kết thúc và lại xa nhau khi nhiệm vụ mới được giao. Lúc anh lên Bù Đăng, tôi ở lại Đồng Xoài khi tôi ngược Bù Đăng lo trận đánh mở đầu, anh về Phước Vĩnh lo việc vây lỏng Đồng Xoài, tổ chức và chỉ huy thế trận nghi binh đã được Bộ tư lệnh Quân đoàn thống nhất. Trong trận tiến công thị xã Phước Long anh ở một hướng, tôi một hướng, mọi xử trí tình huống đều qua hệ thống thông tin, thế mà vẫn hiểu nhau, cùng nhau cộng tác trên tình đồng chí vì lợi ích chung, đạt hiệu quả cụ thể - kết thúc thắng lợi giòn giã chiến dịch đường 14 - Phước Long.

Một buổi chiều đẹp trời, tại một địa điểm gần Đồng Xoài mới được giải phóng tôi tiễn chân anh lên đường về hướng đông bắc. Nắm chặt tay anh tôi chúc:

- Anh Ba lên đường gặp nhiều may mắn khi gặp lại cảnh cũ người xưa.

Khi lực lượng đảm nhiệm hướng đông bắc lên đường tôi thấy phấn hứng, tự tin vì Sư đoàn 7 làm lực lượng chủ công đã dày dạn chiến đấu qua những trận thắng ở chiến dịch Nguyễn Huệ, mà đỉnh cao là thiết lập trận địa chốt chặn kết hợp vớỉ vận động tiến công ở khu vực Tàu Ô trên quốc lộ 13, đã lập công xứng đáng ở Đồng Xoài, Phước Long. Anh Ba Vũ, con người của lịch sử vùng đó nay trở lại chắc chắn sẽ kết hợp được cái truyền thống hôm qua và hôm nay trong điều hành chỉ huy trận đánh.

Ngày 12/3/1975, tôi gửi điện ngắn động viên Sư đoàn 7 đánh tốt, thi đua với Dầu Tiếng, không được để đội hình vón cục, phải nắm chắc tinh thần thừa thắng và không quên thông báo tin vui Mặt trận Tây Nguyên thắng to, ta đã giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột.

Ngày 20/3/1975, sau bốn ngày chiến đấu liên tục, Sư đoàn 7 đã giải phóng hoàn toàn chi khu quân sự Định Quán.

Một trong những cửa ngõ kiên cố của địch ở địa đầu quân đoàn 3, phía đông bắc Sài Gòn bị phá. Đoạn cuối cùng của hành lang chiến lược đã được mở dài năm mươi ki-lô-mét, đủ cho một vài sư đoàn của ta vùng vẫy tiến về mục tiêu cuối cùng.

Xin được trở lại cánh quân hướng bắc, tây bắc Sài Gòn mà tôi được phân công điều hành. Nếu nhìn trên bản đồ, ta dễ thấy lúc đó ở hướng này có các căn cứ địch là thị xã An Lộc, chi khu quân sự Chơn Thành và Dầu Tiếng đều là những mục tiêu cần phải đánh chiếm, vì nó là những vật cản ngăn ta lập địa bàn áp sát Sài Gòn. Nhưng Bộ chỉ huy Miền và Bộ tư lệnh Quân đoàn sau khi phân tích đã quyết định chọn Dầu Tiếng là mục tiêu chủ yếu cần tiến công trước trong đợt hai chiến dịch hoạt động tạo thế mùa khô 1974 - 1975.

Dầu Tiếng đối với tôi và Sư đoàn 9 trở nên thân quen, gắn bó từ lâu. Rừng cao su Dầu Tiếng đã trở thành “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”; những tên làng 8, làng 10, làng 12, làng 14... là những địa danh đùm bọc chúng tôi những ngày đầu đánh Mỹ, đã khiến chúng tôi nhức nhối mỗi khi nhìn về phía chi khu, thấy địch vẫn còn đó; chúng kìm kẹp khống chế, khủng bố nhân dân trong các ấp chiến lược.

Dầu Tiếng đã nhiều lần ghi trong kế hoạch tác chiến của chúng tôi. Ngay sau khi kết thúc chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài tháng 6 năm 1965, anh Thanh lệnh cho Sư đoàn mở tiếp chiến dịch Dầu Tiếng, kết hợp đánh viện, thừa thắng phât triển xuống Bến Cát, Bình Dương hỗ trợ nhân dân đô thị nổi dậy đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Và bây giờ là lần thứ ba, Dầu Tiếng lại được chọn làm mục tiêu tiến công. Vì Dầu Tiếng (chứ không phải An Lộc, Chơn Thành) có vị trí quan trọng đặc biệt cả về chiến dịch, chiến lược trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, thực hiện kế hoạch hai năm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Dầu Tiếng nằm giữa ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long được giải quyết, ta có một bàn đạp rất quan trọng có thể đưa những binh đoàn lớn từ phía bắc theo hai đường 14 và 13 áp sát tuyến phòng thủ cơ bản của địch, tiến đánh Sài Gòn từ phía tây bắc. Dầu Tiếng được giải quyết sẽ uy hiếp trực tiếp Chơn Thành, An Lộc, càng đẩy các căn cứ quân sự chủ yếu này rơi vào thế bị cô lập, buộc phải rút bỏ; đồng thời hỗ trợ cho hướng Tây Ninh.

Sự mong đợi từ lâu nay được thực hiện trong bối cảnh tiến công giải phóng, chứ không như trước chỉ là thực hiện đánh điểm diệt viện, ta vẫn thắng nhưng chưa giải phóng được đất đai. Tiến công Dầu Tiếng thắng lợi, làm chuyển biến mạnh mẽ thế và lực của ta ở hướng tây bắc Sài Gòn. Chúng tôi phấn khởi, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt công tác chuẩn bị vì đã ý thức thật rõ về ý nghĩa của công việc mình đang làm và sắp làm.

Biết hoạt động của Quân đoàn 4 lúc này là nằm trong kế hoạch phối hợp với mặt trận đồng bằng sông Cửu Long, với hướng tây nam Sài Gòn và với các chiến trường Quân khu 6, Tây Nguyên, đồng bằng Khu 5, Thừa Thiên, Quảng Trị, trong khuôn khổ cuộc tiến công chiến lược năm 1975 đã được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương phê chuẩn, được Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền vạch kế hoạch triển khai cụ thể trên chiến trường B2. Nhưng không biết ngày giờ, hướng phối hợp cụ thể, vì lúc này giữ bí mật quân sự là yêu cầu tối thượng(3). Ngày 11 tháng 3, được tin các đơn vị trên mặt trận Tây Nguyên đã hoàn thành đánh chiếm mục tiêu cuối cùng trong thị xã Buôn Ma Thuột, thì tất cả chúng tôi vui mừng khôn xiết; và tôi nói với anh em trong sở chỉ huy cơ bản đang bù đầu vào nhiệm vụ: “Buôn Ma Thuột thất thủ, thì nhiều chuyện sẽ xảy ra.”

(3) Lúc này ở B2, anh Phạm Hùng đã yêu cầu kiên quyết thực hiện bốn không: không nói gì về hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ; không nói gì về kế hoạch hai năm 1975 - 1976, không nói gì về tổng công kích, tổng khởi nghĩa; không nói gì về Nghị quyết mới, xem như chỉ có Nghị quyết 21, nghị quyết mà địch đã nắm đến lúc này chúng chỉ biết tới đó.

Thật là một kế hoạch hoạt động phối hợp tuyệt đẹp. Thắng lợi Buôn Ma Thuột bay về như một luồng gió mới tiếp thêm cho chúng tôi lòng tin và sự phấn chấn quý giá! Cũng từ đây chúng tôi càng ý thức rõ hơn, mạnh mẽ và nghiêm túc hơn về việc làm của mình. Phải gắn với cái chung, hỗ trợ cho các chiến trường, trước hết là cho chiến trường Tây Nguyên giành thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 12/8/1975 cuộc tiến công trên hướng tây bắc bắt đầu. Với ý thức đầy đủ trách nhiệm như đã trình bày trên đây, với sự chuẩn bị kỹ, lại ở một chiến trường, một mục tiêu quen thuộc và tinh thần chiến thắng của chiến dịch Đường 14 - Phước Long cổ vũ, chiều 12 tháng 3, Sư đoàn 9 cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã hoàn thành giải phóng quận lỵ và chi khu Dầu Tiếng.

Cùng với sức tiến công của ta ở nhiều nơi, việc mất Dầu Tiếng là sức ép càng có uy lực trực tiếp, buộc quân đoàn 8 ngụy phải quyết định rút bỏ thị xã An Lộc. Thừa thắng, chúng tôi dồn sức gồm Sư đoàn 9 và Trung đoàn 273 (sư đoàn 341), cùng các lực lượng binh chủng yểm trợ, có bốn khẩu pháo 130 ly yểm trợ, mở cuộc tiến công binh chủng hợp thành. Nhưng phải qua chín ngày chiến đấu liên tục mới giải phóng được chi khu quân sự Chơn Thành, trong khi chi khu Dầu Tiếng mạnh hơn, ta chỉ cần có năm mươi tám tiếng là dứt điểm. Rõ ràng đã có thế mạnh nhưng lực lượng sử dụng chưa tốt, nhất là lại chủ quan xem thường địch, đơn giản trong công tác chuẩn bị chiến đấu, rất có thể dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành với giá phải trả.

Chỉ trong thời gian ngắn, Quân đoàn 4 đã sử dụng thích hợp, có kế hoạch tiến công cụ thể, biết phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương, tranh thủ lợi thế chung trên toàn chiến trường, nhất là sau khi thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng, đã tiến công dồn dập, liên tục hoàn thành nhiệm vụ tác chiến tạo thế, đánh chiếm Dầu Tiếng, Chơn Thành, Định Quán trên hai hướng tây bắc và đông bắc Sài Gòn, mở ra các hành lang cơ động lực lượng và vận chuyển vật chất, kỹ thuật quy mô lớn vào chiến trường trọng điểm Đông Nam Bộ, tạo bàn đạp trên những hướng quan trọng nhất, chuẩn bị trước địa bàn tập kết cho mình và cho các đơn vị bạn với quyết tâm thực hiện “tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể để chậm(4).

(4) Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 3/3/1975.

***

Giải phóng chi khu Dầu Tiếng, nhiệm vụ cơ bản được giao ở mặt trận phía bắc, tây bắc Sài Gòn đã hoàn thành, Quân đoàn 4 được lệnh của Bộ chỉ huy Miền lật cánh sang hướng đông Sài Gòn, để thực hiện một yêu cầu chiến lược “nhanh chóng tập trung lực lượng phía đông, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây cô lập Sài Gòn từ Bà Rịa, Vũng Tàu; sẵn sàng quả đấm chủ lực thật mạnh, để lúc thời cơ xuất hiện, lập tức đánh thẳng. vào Sài Gòn”(5). Đội hình của quân đoàn thật gọn nhẹ, chỉ có các thành viên trong Bộ tư lệnh, sở chỉ huy cơ bản của quân đoàn và một số đơn vị trực thuộc. Vì anh Ba Vũ, phó tư lệnh và Sư đoàn 7 đã sang bên đó từ tháng 2, làm nhiệm vụ giải phóng chi khu quân sự Định Quán, phát triển lên Bảo Lộc, Đà Lạt.

Từ đây cơ cấu tổ chức Quân đoàn có sự điều chỉnh. Sư đoàn 9 tạm thời tách khỏi đội hình Quân đoàn tăng thêm lực lượng cho Đoàn 232 “nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ chia cắt và bao vây chiến lược trên hướng tây - nam, áp sát Sài Gòn, triệt hẳn đường 4, cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long”(6).

(5) (6) Đại tướng Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, trang 220, 221.

Ngoài Sư đoàn 7, Quân đoàn được bổ sung sư đoàn 341, sư đoàn 6 (thiếu) của Quân khu 7, Trung đoàn 95 của Quân khu 5.

Chúng tôi đến địa điểm dự định đặt sở chỉ huy cơ bản của Quân đoàn ở đông nam cầu La Ngà vào một buổi chiều nắng đẹp thời tiết như mùa thu ngoài Bắc, bầu trời xanh trong không một gợn mây, càng hiện rõ cảnh vật nơi đây thật ngoạn mục như một bức tranh thiên nhiên sinh động. Núi đồi, đường sá, sông ngòi, thôn áp, thị trấn gắn quyện vào nhau sao mà hài hòa đến thế, sung túc đến thế. Nếu ta có rừng cọ Phú Thọ, thì ở đây có “rừng” chuối. Chuối mọc khắp nơi, leo lên cả các triền núi hai bên đường, xanh cây tốt quả.

Ngày 2/4/1975, anh Trần Văn Trà, tư lệnh Bộ chỉ huy Miền xuống sở chỉ huy Quân khu 7 đặt bên bờ sông Đồng Nai thuộc khu vực Vĩnh An giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4, Quân khu 7 phối hợp thực hiện nhiệm vụ tiến công thị xã Xuân Lộc. Hôm đó có mặt đầy đủ thành phần được triệu tập: Anh Nguyễn Như Ý (Năm Chữ) bí thư Khu ủy Khu 7, Sáu Trung, Thường vụ Khu ủy, Đặng Ngọc Sĩ, phó tư lệnh Quân khu kiêm tư lệnh Sư đoàn 6, Trần Văn Trân, tư lệnh Sư đoàn 341, tôi và anh Ba Vũ trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 4. Giây phút gặp gỡ trong lúc tình hình đang khẩn trương như thế này thật là quý hiếm, niềm vui được thả sức, phút nghỉ giải lao lại đủ thứ chuyện nói với nhau, hỏi han, trao đổi. Anh Năm Chữ người nhỏ gầy nhưng nét mặt rạng rỡ, phấn chấn. Câu chuyện anh trao đổi với anh Trà (nghe sao mà cảm phục chứa đựng mơ ước cháy bỏng bấy lâu bị dồn nén) càng thêm thôi thúc chúng tôi phải ráng sức hơn nữa. Anh nói với anh Trà: “Tình hình phấn khởi quá! Tôi nóng ruột mong về thăm Sài Gòn sớm, thăm xóm nghèo ở Tân Định, nơi ta đặt cơ quan bí mật và cũng bị mật thám vây bắt tại đó.”

Giữa tôi và anh Trần Văn Trà có quan hệ gắn bó qua mười năm chiến đấu. Khi đặt chân đến đất miền Đông tôi đã được gặp anh. Ngay những buổi đầu tiên trong hội nghị tổng kết chiến dịch Bình Giã ở căn cứ Mã Đà, tôi và anh đã gặp nhau ở tư tưởng cần phải có bộ đội tập trung, phải có quả đấm chủ lực để thực hiện đánh lớn. Rồi chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài lần thứ nhất, chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng, đến chiến dịch Nguyễn Huệ đều cùng có mặt. Tôi rất tôn trọng anh không phải chỉ vì anh là cấp trên mà còn vì anh là một đồng chí hoạt động ở Nam Bộ từ lâu, trước cách mạng tháng Tám 1945, gắn bó và trưởng thành từ mảnh đất này, nên càng tin cậy vào anh, nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến chỉ đạo của anh, luôn luôn trao đổi xin ý kiến anh.

Nhưng không bao giờ xuôi chiều; cũng có lúc trao đổi, tranh luận khi anh giao nhiệm vụ. Nhưng lần này, trong buổi họp giao nhiệm vụ ở vào thời điểm đang đi vào giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh, cuộc trao đổi, tranh luận có phần gay gắt.

Những ngày này anh thật vất vả, tất bật ngược xuôi, vui vì công việc, lo lắng, trăn trở đến quên ngủ, quên ăn, người gầy sút cũng vì công việc. Nay hướng bắc, mai hướng tây, rồi hôm sau qua hướng đông để xem xét tình hình, nắm thực tiễn và trực tiếp bàn bạc giao nhiệm vụ cho cấp dưới, trao đổi các biện pháp cụ thể thực hiện trong thời điểm “một ngày bằng hai mươi năm”.

Trong buổi họp này, anh là cấp trên xuống giao nhiệm vụ, tôi là cấp dưới nhận nhiệm vụ, chỉ có trách nhiệm thi hành; phải tiến công đánh chiếm một mục tiêu, một địa bàn mang ý nghĩa chiến lược quân sự quan trọng thì còn gì phải bàn?

Vậy mà hôm nay trong cái “giờ phút trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch đã bắt đầu nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc”(7), lại có ý kiến tranh luận như có cái gì không bình thường?

(7) Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 31/3/1975.

- Cắt Sư đoàn 9 nhưng lại giao nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc sớm, Sư đoàn 7 đang từ Bảo Lộc phát triển lên Di Linh, Đà Lạt, sao không chờ chủ lực của Bộ vào phối hợp cùng đánh, đảm bảo chắc thắng?

- Sớm hay muộn, khi đã tiến công Xuân Lộc phải đồng thời đánh chiếm Vũng Tàu (đề phòng lính thủy đánh bộ Mỹ liều lĩnh nhảy vào biến đây thành bàn đạp tiến hành phản kích), áp sát Biên Hòa. Thời cơ đến, nhổ luôn sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy.

Anh Trà lắng nghe với sự cảm thông. Anh chờ tôi nói tiếp - một phút yên lặng, đoán như tôi không trao đổi tiếp nữa, anh mới xen vào, vừa như nhắc nhở chỉ thị vừa như động viên:

- Bộ điện vào nhắc tụi mình cần chủ động, không trông chờ.

Tôi cũng chỉ có một đề nghị:

- Miền cho Quân đoàn lùi nổ súng vào ngày 9 tháng 4.

- Đồng ý! - Anh Trà trả lời.

Còn một ý - đánh Xuân Lộc lúc này là muộn, giữa lúc địch gượng lại, hy vọng giữ được Sài Gòn, định trao đổi. Phút im lặng kể trên là lúc tôi kiềm chế không đặt ra nữa, vì thấy có đặt ra cũng không giải quyết được vấn đề, trong khi tình hình đang đòi hỏi “phải sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động, không chờ đợi tập trung lực lượng đông đủ mới làm ăn”(8).

(8) Điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các anh Ban chỉ huy mặt trận Sài Gòn ngày 1/4/1975.

Những ý kiến nêu ra trên đây khi anh Trần Văn Trà xuống giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 tiến công Xuân Lộc là những suy tư trăn trở của những hối thúc bị dồn nén được dịp bung ra mong nhận được một lý giải, một lời khuyên để có thêm dữ kiện cho đáp số cần tìm, cho một yêu cầu vừa cách mạng và khoa học - “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” như điện của đồng chí Tổng tư lệnh nhắc nhở toàn quân.

Quan hệ giữa chúng tôi lại trở nên gắn bó hơn, lại một lần trên hiểu dưới, dưới hiểu trên. Chúng tôi nắm chặt tay nhau trong tình cảm đồng chí, cùng chung trách nhiệm, cùng chúc nhau giữ sức khỏe tốt, có mặt trong chặng đường cuối cùng, đi tới đích cuối cùng mà mỗi người đều mơ ước đến cháy bỏng trong cuộc đời chiến đấu của mình.

Anh Trà tạm biệt chúng tôi và đi gần như suốt đêm hôm đó kịp về lại sở chỉ huy Miền, vì được tin anh Văn Tiến Dũng từ Tây Nguyên đã vào đến Lộc Ninh chiều ngày 3 tháng 4 để bàn kế hoạch cụ thể tiến công giải phóng thành phố Sài Gòn.

Thời gian quá gấp, chỉ còn năm ngày cho công tác chuẩn bị, phải làm gì và làm như thế nào đáp ứng được yêu cầu thắng lợi của trận đánh. Một điều đáng lo nếu không nói là chủ yếu, đó là Sư đoàn 7 hiện vẫn đang trên đường từ Di Linh quay trở lại với một tình hình quân số, vũ khí thiếu hụt, sức khỏe cán bộ, chiến sĩ giảm sút qua trận vận động tiến công trên một đoạn đường dài hơn một trăm ki-lô-mét. Làm sao đến nơi có thể bước vào chiến đấu được ngay với nhiệm vụ đánh vào hướng chủ yếu, diệt mục tiêu chủ yếu: căn cứ sư đoàn 18 tại thị xã Xuân Lộc?

Ngày 3 tháng 4, sau khi anh Trần Văn Trà giao nhiệm vụ, chúng tôi tiến hành họp Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn. Trong khi trao đổi nhiều ý kiến nêu lên: đánh Xuân Lộc bằng cách nào để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất; đánh chiếm thị xã Xuân Lộc trước hay diệt lực lượng đến cứu viện trước; hướng phát triển của trận đánh, của các sư đoàn sau khi giải quyết xong Xuân Lộc, vân vân.

Đánh cách nào cũng được nhưng phải quán triệt yêu cầu: tiêu diệt sinh lực địch và làm chủ Xuân Lộc, phục vụ nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn “tốt nhất là trong tháng 4”.

Từ nhận thức trên, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định, trên cơ sở đánh chắc tiến chắc nhưng phải khẩn trương, táo bạo sử dụng một bộ phận bộ binh, toàn bộ xe tăng, pháo binh tiến công thẳng sở chỉ huy tiểu khu và sở chỉ huy sư đoàn 18, thực hành bao vây, chia cắt, diệt viện, giải phóng khu vực thị xã.

Tiêu diệt địch và làm chủ đã được thực hiện từ cuộc tiến công chiến lược năm 1972, thì tiến công và nổi dậy càng được coi trọng, nhất là từ sau Hiệp định Paris được ký kết.

Vào trận đánh Xuân Lộc hôm nay, chúng tôi đã dành thời gian thích đáng quan hệ với Đảng bộ địa phương, để nắm địch, nắm ta, để thống nhất hợp đồng giữa tiến công và nổi dậy.