Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Lời nói đầu
Lời nói
đầu
“Đặng Thái Sơn đã làm thay đổi cả
một nền âm nhạc!
Anh đã làm điều đó như thế nào?”
Sau khi nghe các bản sonata dành cho piano của Chopin, được ghi âm vào tháng 5
năm 2000, tôi vô cùng ngạc nhiên về sự thay đổi lớn trong nghệ thuật trình tấu
của Đặng Thái Sơn. Lần kế tiếp, tôi lại cảm nhận được sự thay đổi đó khi nghe
anh biểu diễn tuyển tập các tác phẩm của Mendelssohn và Liszt.
Phải đợi đến mùa thu năm 2002, trong buổi biểu diễn tại Nhật của Đặng Thái Sơn,
tôi mới tận mắt chứng kiến điều mà trước giờ tôi vẫn chỉ cảm nhận. Đó là khoảnh
khắc thật tuyệt vời với tôi, và tôi quyết định mình phải viết một cuốn sách về
Đặng Thái Sơn.
Đặng Thái Sơn vẫn thường nói sẽ biểu diễn những nhạc mục đa dạng, từ các bản
nhạc của Chopin cho đến các tác phẩm âm nhạc Nga, Pháp... Danh mục này càng mở
rộng, anh càng chứng minh được sự trưởng thành của một nghệ sĩ dương cầm tài
năng. Sau nhiều năm, thường xuyên viết bài về những nghệ sĩ dương cầm, nghe và
xem họ biểu diễn, tôi rút ra một kết luận: “Nghệ sĩ dương cầm thể hiện truyền
cảm nhất khi đến tuổi bốn mươi.”
Không biết có phải vì cây đàn piano quá lớn, không như violon, mà các nghệ sĩ
nhí, được gọi là “thần đồng”, thường xuất hiện trên sân khấu với loại nhạc cụ
có dây; còn chơi piano, nếu không qua một độ tuổi nhất định thì khó mà biểu
diễn thành công, chỉ dừng ở chơi cho vui, cho biết. Có lẽ cần nhiều thời gian
để một người có thể hiểu cơ cấu và cảm nhận về loại nhạc cụ phức tạp này.
Thông thường, các nghệ sĩ piano muốn thành công trên con đường sự nghiệp biểu
diễn quốc tế, có mặt trong các buổi hòa nhạc lớn ở các nhà hát lừng danh, không
còn cách nào khác hơn là tham gia các cuộc thi piano quốc tế từ độ tuổi mười lăm
đến ba mươi. Cũng có những trường hợp được các ông bầu nổi tiếng hay những công
ty sản xuất âm nhạc phát hiện, nhưng đây là những trường hợp rất hiếm. Tuy
nhiên, với nhiều người được vinh danh tại các cuộc thi âm nhạc, ngay sau khi
nhận giải thưởng, dù họ có tổ chức nhiều hoạt động rình rang, đình đám như thế
nào thì vài năm sau đó, tên tuổi của họ cũng dần trở nên im ắng. Cuộc đời của
những nghệ sĩ piano luôn nghiệt ngã như thế đấy! Bất chấp tất cả, họ vẫn tồn
tại, vẫn luyện tập từng giờ từng ngày, chấp nhận đánh đổi cuộc đời mình cho
nghiệp dương cầm. Chính vì vậy, khi biểu diễn, những thăng trầm của cuộc đời
người nghệ sĩ dương cầm được thể hiện rất rõ nét qua tiếng đàn. Từng nốt nhạc
vang lên phản ánh chân thực lối sống của người nghệ sĩ. Âm nhạc luôn luôn gắn
bó với họ. Ngay cả khi đi ngủ, những bản nhạc mà họ đang luyện tập vẫn cứ réo
rắt vang lên trong đầu.
Chúng ta, những khán giả thưởng thức âm nhạc, sẽ cảm nhận và hiểu hơn về lẽ
sống của người nghệ sĩ piano từ những buổi biểu diễn của họ, đó chính là cái mà
chúng ta gọi là sự “đồng điệu”.
Một nghệ sĩ piano ở lứa tuổi từ mười đến hai mươi thường cố gắng gia tăng số
lượng bài sở trường của mình. Ở độ tuổi ba mươi, họ trau dồi năng lực biểu
diễn, và ở độ tuổi bốn mươi, nghệ sĩ thể hiện bản nhạc điêu luyện nhất, vì khi
ở tuổi đó, họ đã đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống, có đủ sự tự tin và có
thể xác định được con đường phía trước của mình. Đời nghệ thuật của một người
nghệ sĩ dương cầm rất dài. Có người khi đã bảy mươi, tám mươi tuổi mới đặt bước
chân đầu tiên vào con đường này. Nên niềm hạnh phúc lớn nhất đối với người nghệ
sĩ piano là khi bước vào độ tuổi bốn mươi, cũng là lúc họ đạt được độ “chín” về
nghề nghiệp, và yên tâm đi trọn vẹn con đường riêng mà họ đã xác định cho riêng
mình. Người chứng thực cho kết luận này của tôi chính là Đặng Thái Sơn. Khi tôi
nhận ra sự thay đổi trong nghệ thuật trình tấu của anh thì đúng vào lúc anh
bước qua tuổi bốn mươi. Chính nhờ một ý chí vươn lên mãnh liệt trong cuộc sống
mà cuộc đời gian nan của Đặng Thái Sơn đã bước sang trang mới. Tất cả những gì
anh đã trải qua, nay dường như đều phảng phất trong các tiết mục biểu diễn của
anh.
Đặng Thái Sơn không chấp nhận sự cạnh tranh hạ bệ người khác để mình được tiến
thân. Anh luôn mong ước rằng mình có thể đi lên bằng chính con người thật với
mọi nỗ lực của mình. Anh yêu sự thanh khiết, rất trân trọng những giây phút một
mình suy ngẫm, hòa hợp cùng cỏ cây.
Đời người thay đổi, âm nhạc cũng đổi thay. Kinh nghiệm sống đem lại sự cảm nhận
tác phẩm sâu sắc và sự truyền cảm khi biểu diễn. Từ một cuộc sống đầy trắc trở,
điều mà Đặng Thái Sơn học được, đó là gì?
Tôi đã bắt đầu cuộc hành trình giải mã những điều bí ẩn xung quanh con người
Đặng Thái Sơn, bắt đầu từ câu hỏi đó!