Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 01
Chương 1:
“Anh là nhất đấy!”
Một người chạy tới nói với Đặng Thái
Sơn: “Anh đang làm gì trong đó? Anh ra hội trường ngay! Mọi người đang chờ anh!
Mở cửa mau lên!”
Người ta đập cánh cửa phòng khách sạn ầm ĩ. Gõ cửa hết lần này đến lần khác.
Lần sau mạnh hơn lần trước.
“Anh Sơn, tôi xin anh, làm ơn mở cửa đi, anh đoạt giải nhất và được công nhận
là người xuất sắc nhất cuộc thi. Lễ trao giải sắp bắt đầu rồi, anh phải mau
chóng đến hội trường ngay! Anh Sơn, nếu không có anh, lễ trao giải không thể
bắt đầu được!”
Đặng Thái Sơn đang ở trong phòng, anh bịt hai tai, cuộn người lại, chui vào
chăn, trùm kín mít cả đầu, và nằm run cầm cập. Anh ấn đầu vào trong gối để khỏi
nghe cái tiếng gõ cửa.
“Mình mà đoạt giải nhất ư, không thể như thế được. Mình không thể đến nơi đó
được. Chỉ cần được chơi trong vòng thi cuối cùng là mình đã mãn nguyện lắm
rồi... Mình nên làm gì bây giờ?”
Cuộc thi piano quốc tế Chopin được tổ chức năm năm một lần, là một cuộc thi có
lịch sử đáng tự hào. Cuộc thi này là niềm mơ ước của các nghệ sĩ dương cầm trẻ
trên khắp thế giới. Với Đặng Thái Sơn cũng vậy, từ ngày anh còn nhỏ, những gì
liên quan tới cuộc thi này vẫn luôn xuất hiện trong những câu chuyện xung quanh
anh, trong cả giấc mơ.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com -
gác nhỏ cho người yêu sách.]
Mùa thu năm 1980, cuối cùng Đặng Thái Sơn cũng có thể xuất hiện tại “đấu
trường” trong mơ ấy, và lọt vào tới tận vòng chung kết. Trong buổi thi ở
Vácxava, quê hương của Chopin, anh đã được biểu diễn cùng một dàn nhạc lớn
trước đông đảo khán thính giả quốc tế.
Chỉ như thế thôi, đối với anh là đã quá đủ rồi!
Cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ mười được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 19
tháng 10 năm 1980, cuộc thi lần này có số lượng thí sinh đông nhất từ trước tới
giờ. Ba nghìn thí sinh từ khắp nơi trên thế giới đã nộp đơn đăng ký về ban tổ
chức, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ban tổ chức chọn ra 180 thí sinh. Trong số đó,
khoảng 31 người từ bỏ, không thi. Như vậy cuộc thi bắt đầu với 149 thí sinh còn
lại. Và 12 người sẽ bước vào vòng hai.
Ngay từ vòng loại, Đặng Thái Sơn đã rất căng thẳng, nhưng khi bước vào vòng
hai, anh tự tin được một chút. Ở vòng ba, anh đã quen với sân khấu, tập trung
biểu diễn sao cho có thể phát huy tốt nhất những gì mình có, và cuối cùng là có
thể tiến vào vòng chung kết một cách an toàn. Đây là khoảnh khắc tuyệt vời nhất
trong đời anh.
Sau này Đặng Thái Sơn đã kể: “Đây là lần đầu tiên tôi được trình tấu cùng dàn
nhạc, tôi rất hạnh phúc. Dù đến đây là kết thúc đi chăng nữa, tôi vẫn cho rằng
mình là người chiến thắng!”
Sau khi thi xong, anh lập tức quay về khách sạn. Không ngồi lại nghe các thí
sinh khác biểu diễn, cũng không muốn nghe hay nói bất cứ điều gì về cuộc thi
nữa.
Anh muốn được yên tĩnh một mình. Sau ba tuần lễ căng thẳng, giờ đây, anh không
thể suy nghĩ gì hơn, chỉ muốn được thư giãn.
Nửa đêm, đột nhiên, chuông điện thoại reo lên. Giọng hổn hển của một người
trong ban tổ chức cuộc thi thông báo: “Anh Sơn, người ta công bố kết quả rồi
đấy. Chúc mừng, anh được giải nhất!”
Anh cảm thấy bị sốc, tim đập thình thịch. Thật vậy ư, mình thắng rồi sao?
Trước đó, một số nghệ sĩ đoạt giải cao nhất trong cuộc thi piano Chopin đã có
thể khắc tên tuổi mình để đời cùng với cuộc thi, như Maurizio Pollini, Martha
Argerich, Krystian Zimerman.
Đặng Thái Sơn không ngừng run, sau khi gác máy, cơ thể anh không cử động được
nữa. Hai tiếng “hạng nhất” cứ lởn vởn trong đầu anh.
Trời sáng, có người gõ cửa ầm ĩ. Đó là những người trong ban tổ chức cuộc thi
đến đón anh đi.
Cuối cùng, anh phải rời khỏi giường để ra mở cửa. Vừa ra, anh bị họ chộp lấy và
bị đẩy lên xe đưa đến nhà hát.
Nhà hát Quốc gia, “đại bản doanh” của Dàn nhạc Giao hưởng Vácxava, đặt tại thủ
đô Vácxava được xây dựng vào năm 1901; đến năm 1939, bị quân đội Đức ném bom.
Sau chiến tranh, nó được xây cất lại và có kiểu dáng như ngày nay. Có tất cả
1072 chỗ ngồi. Phía sau khán đài có gắn bức chân dung rất lớn của Chopin. Ngoài
tiền sảnh có trưng bày nhiều vật phẩm, sách nhạc, băng đĩa, bút tích của
Chopin, thu hút nhiều người từ các nơi trên thế giới đến tham quan và tìm mua
những thứ này. Trong đó, thứ được ưa chuộng nhất là các băng đĩa thu trực tiếp
từ các cuộc thi trước đó. Đài truyền hình Ba Lan đã thu âm các buổi biểu diễn
của các thí sinh và chọn lọc những tiết mục hay nên rất nhiều người mua làm kỉ
niệm.
Tại Cuộc thi piano quốc tế Chopin, các tác phẩm của nhà soạn nhạc Chopin trở
thành các “bài thi”. Chiến thắng sẽ thuộc về những nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc
các tác phẩm của Chopin từ vòng loại cho đến vòng chung kết. Với ý nghĩa đó, so
với các cuộc thi nổi tiếng khác thế giới như Cuộc thi âm nhạc quốc tế
Tchaikovsky (Nga), Cuộc thi âm nhạc quốc tế Nữ hoàng Elizabeth (Bỉ), Cuộc thi
piano quốc tế Leeds (Anh), cuộc thi âm nhạc quốc tế Geneva (Thụy Sĩ), Cuộc thi
piano quốc tế Van Cliburn (Mỹ), Cuộc thi piano quốc tế Rubinstein (Israel), thì
cuộc thi Chopin có nhiều nét đặc sắc nổi bật.
Nét đặc trưng của cuộc thi piano Chopin là chọn ra những người biểu diễn các
tác phẩm của Chopin một cách tài tình nhất. Qua cuộc thi, âm nhạc của Chopin
được thể hiện theo nhiều phong cách, quan điểm, cá tính khác nhau, và đó cũng
là điều mà cuộc thi này tìm kiếm: sự phong phú về cách thức trình diễn các tác
phẩm âm nhạc kinh điển.
Thành viên ban giám khảo thường là các chuyên gia hàng đầu về Chopin, đến từ
nhiều nơi trên thế giới. Bằng kinh nghiệm dày dạn của mình, họ vừa đánh giá
được tài năng của thí sinh trong cuộc thi, vừa có thể dự đoán được sự nghiệp
tương lai của những nghệ sĩ giành chiến thắng.
Cuộc thi piano Chopin gồm bốn vòng thi. Tại vòng một, thí sinh sẽ được đánh giá
năng lực thông qua việc thể hiện các khúc nocturne, etude, scherzo.
Ở vòng hai, thí sinh sẽ thể hiện các bản ballad, các khúc overture, các bản
valse và polonaise. Phần thi này nhằm khẳng định cá tính riêng của từng thí
sinh.
Vòng ba thì đòi hỏi tài năng thiên phú cao, thông qua việc trình diễn các bản
sonata và mazurka.
Đến vòng chung kết, thí sinh sẽ biểu diễn một bản concerto cùng với dàn nhạc.
Vòng này nhằm thẩm định trên mọi phương diện tài năng của thí sinh.
Nhà hát Quốc gia Vácxava chính là nơi diễn ra vòng thi quan trọng nhất này. Và
thí sinh sẽ được biểu diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Vácxava danh tiếng. Hầu hết
các thành viên trong dàn nhạc này đều là người Ba Lan. Họ hỗ trợ nhiệt tình cho
những thí sinh không quen việc cùng trình diễn với dàn nhạc và tạo bầu không
khí thân thiện, cốt sao cho thí sinh có thể phát huy tối đa thực lực của mình ở
vòng cuối cùng.
Ở cuộc thi này, biểu diễn các tác phẩm của Chopin cũng đồng thời là lúc người
nghệ sĩ piano thể hiện các trạng thái tình cảm và thậm chí cả tính cách của
mình. Các thí sinh thường được yêu cầu thể hiện theo một phương diện nào đó
trong các tác phẩm của Chopin, chẳng hạn như thể hiện một nỗi đau, hay một niềm
hy vọng, hướng tới tương lai... Tức là phải thể hiện được những tình cảm mang
tính nhân văn mà Chopin đã gửi gắm vào trong các tác phẩm của mình.
Những thí sinh vào tới vòng thi thứ ba, tức là sẽ nằm trong các thứ hạng từ một
đến sáu, đều được nhận bằng danh dự. Ngoài ra còn có các giải thưởng cho những
thí sinh thể hiện xuất sắc các thể loại: polonaise, mazurka, concerto... và
nhiều giải phụ khác.
Cuộc thi piano Chopin là một sự kiện thu hút được sự quan tâm của thế giới, và
được xem là con đường tiến thân của những nghệ sĩ dương cầm trẻ. Người đã sáng
lập ra cuộc thi này, chính là Jerzy Zurawlew, nghệ sĩ piano người Ba Lan, sinh
năm 1887 tại Rostov (Nga). Zurawlew đã dốc sức để xây dựng và phát triển cuộc
thi này ngày càng có uy tín. Thật buồn là vào ngày 4 tháng 10 năm 1980, cũng là
ngày thứ ba của cuộc thi piano Chopin lần thứ mười, ông đã từ trần. Đây cũng
chính là năm mà Đặng Thái Sơn có mặt ở cuộc thi này.
Jerzy Zurawlew nảy ra sáng kiến tổ chức cuộc thi piano Chopin vì ông muốn xoa
dịu nỗi sợ hãi, những bấn loạn trong lòng người dân khi họ đã phải hứng chịu
những tang thương do cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất gây ra. Lúc đó, ở
Ba Lan đang dấy lên lời kêu gọi ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, mà dòng nhạc của
Chopin thì đầy tính dân tộc, do đó Zurawlew cho rằng nhạc của Chopin không chỉ
phổ biến ở trong nước mà còn phải được lan truyền rộng rãi ra thế giới, đó là
niềm tự hào của Ba Lan trước nền âm nhạc thế giới. Và cuộc thi piano quốc tế
mang tên Chopin ra đời với quy định chỉ sử dụng các tác phẩm của Chopin.
Cuộc thi piano Chopin được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1927, cho đến trước
thời điểm Zurawlew mất, cuộc thi đã tổ chức được chín lần. Ông vô cùng vui mừng
khi thấy những người sau khi thắng giải ở cuộc thi này đã trưởng thành hơn, tự
tin thể hiện mình trên sân khấu âm nhạc khắp thế giới.
Ngay lúc này đây, Đặng Thái Sơn đang đứng trên sân khấu. Anh đang được trao tấm
bằng khen, giải thưởng bằng hiện kim và bó hoa tươi thắm từ vị trưởng ban giám
khảo. Các ống kính chĩa về phía anh, ánh đèn flash không ngừng lóe sáng để ghi
lại khoảnh khắc xuất hiện của một ngôi sao, một tài năng mới. Từ phía khán đài,
khán giả không ngừng vỗ tay, những thí sinh đoạt giải thưởng khác cũng cổ vũ
anh, cả hội trường vang vọng những lời tán tụng không dứt.
Trong đầu của Sơn lúc này hoàn toàn trống rỗng, anh có cảm giác như mình không
còn đứng vững được nữa. Các micro cứ chĩa về phía anh để phỏng vấn, nhưng anh
không nhớ là mình đã trả lời những gì.
Hôm sau, người của ban tổ chức đã đến khách sạn đón anh.
“Anh Sơn này, hôm nay, ở Hội Chopin có buổi lễ trao các giải thưởng phụ. Mấy
tấm bằng khen và số tiền thưởng mà anh đã nhận hôm qua ấy, anh để nó ở đâu? Tạm
thời anh nên cất giữ nó ở chỗ chúng tôi nhé!”
“ Cái gì, bằng khen và tiền thưởng hả? Tôi vẫn để ở ngoài đó...”
Mấy vị nghe xong, mặt tái xanh tái xám, họ chụp lấy tay Sơn, vội vã chạy đến
nhà hát. Cả khán phòng tối om, ngay chính giữa sân khấu, các phần thưởng của
Sơn đang nằm trơ trọi. Một người nói: “Anh Sơn, chúng tôi sẽ cất giữ số tiền
này ở hiệp hội Chopin cho đến năm sau nhé! Vì sang năm sẽ tổ chức một buổi hòa
nhạc dành cho anh nên tốt hơn hết lúc đó chúng tôi mới đưa lại cho anh!”
Tiền thưởng mà Sơn nhận được từ cuộc thi là đồng zloty của Ba Lan. Nếu đổi ra
đồng đô-la Mỹ thì rất ít và đồng zloty cũng không thể mang ra nước ngoài sử
dụng. Do vậy, Sơn quyết định sẽ dùng nó để mua trang phục và máy hát, số còn
lại, anh gửi nó vào Hội Chopin.
Tại buổi trao giải phụ của cuộc thi, Đặng Thái Sơn nhận được giải thưởng của
đài truyền hình NHK Nhật Bản, và nhận được 11 giải thưởng từ những nước như
Pháp, Anh, Tiệp Khắc. Tất cả những giải đó, anh được trao tặng bằng cả hiện vật
lẫn hiện kim. Tổng số tiền mà anh có được từ giải phụ còn cao hơn số tiền của
giải chính thức, tổng cộng là 2000 USD, đây là lần đầu tiên Sơn thấy tờ tiền
đô-la. Ở Việt Nam lúc bấy giờ, chỉ cần có 10 USD là có thể nuôi sống cả gia
đình trong vòng một tháng. Vậy sau cuộc thi này, Sơn sẽ trở thành “triệu phú” ở
Việt Nam.
Tin tức này lập tức được KGB (Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô) biết. Giáo sư
Vladimir Natanson, người thầy hướng dẫn của Đặng Thái Sơn ở nhạc viện Matxcơva,
đã bị KGB “hỏi thăm”.
“Học trò của ông đã để tiền lại Vácxava. Liệu anh ta có tính trốn lại đấy luôn
không?”
Natanson run lên, ông muốn thanh minh rằng Sơn không hề có ý định như thế đâu,
nhưng rốt cuộc, ông chẳng nói gì. Ông muốn được nghe lời nói chân thật thốt ra
từ miệng của học trò mình.
Với tư cách là người xuất sắc nhất của cuộc thi, Sơn đã tổ chức một buổi hòa
nhạc cho riêng mình, đây là chương trình mà bất cứ người nào, sau khi thắng
giải tại cuộc thi piano Chopin cũng làm thế. Tại đó, Sơn đã biểu diễn với một
tinh thần thoải mái, hân hoan và vui sướng.
Khán giả ở Vácxava liên tục vỗ tay cho người châu Á đầu tiên đoạt giải nhất ở
cuộc thi piano Chopin này, Sơn rất lấy làm cảm kích và anh hưng phấn thông báo
sẽ diễn theo yêu cầu. Và yêu cầu chính là bản “Polka de V.R.” của Rachmaninov,
với tiết tấu sôi động, khán thính giả cảm thấy như bị cuốn hút, như muốn bước
ra sàn nhảy để hòa cùng âm nhạc, và khi bản nhạc vừa kết thúc, mọi người đồng
loạt đứng lên vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.
“Thật tuyệt! Khán giả đã có được sự đồng điệu với tôi, đó là điều vui sướng
nhất của người nghệ sĩ. Khác với cuộc thi, lần biểu diễn này, tôi đã có thể
chơi đàn với một tinh thần vô cùng thoải mái!” Sơn chia sẻ.
Khi đến Vácxava, Sơn đi chuyến tàu đêm, khi về thì anh cứ nghĩ là mình có thể
đi bằng máy bay. Nhưng mà hành lý lại quá nhiều, gồm các bức tranh quý, các vật
lưu niệm, và những món đồ mà anh đã mua, do vậy, anh lại phải đi bằng chuyến
tàu đêm. Cuối cùng, anh cũng về đến Matxcơva, người đón anh là giáo sư
Natanson.
“Thầy ạ, con chưa từng nghĩ là mình sẽ trốn luôn ở Vácxava. Từ bây giờ trở đi,
con sẽ tiếp tục việc học tại Nhạc viện Matxcơva này. Con vẫn còn phải học rất
nhiều. Số tiền thưởng, con đã gửi lại ở đó để dành cho buổi hòa nhạc của con
vào năm sau!”
Đêm đó, Natanson đã có thể ngủ ngon giấc.