Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 03

Chương 3: Một năm đầy ác mộng
“Kết quả kỳ thi cuối khóa, Đặng Thái Sơn: 5+.”
Đó là kết quả của kỳ thi cuối khóa năm 1977, được dán trên bảng thông báo của Nhạc viện Matxcơva. Việc xếp hạng có năm bậc, cao nhất là bậc năm, nếu có trường hợp xuất sắc hơn nữa thì người đó sẽ được bậc 5+.
Các ngón tay của Sơn bị xước, anh vừa nắn bóp bàn tay vừa thầm nghĩ:
“Quả là một năm thật may mắn. Mình thật hài lòng với kết quả này, phải đi cảm ơn các thầy mới được!”
Năm 1975, cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc. Nhà nước bắt đầu triển khai việc tuyển chọn một số học sinh đi du học nước ngoài, vì Liên Xô sẽ tài trợ học bổng cho các học sinh này. Lúc đó, chỉ những học sinh thuộc gia đình công chức nhà nước mới được đi du học. Việc kiểm tra hết sức gắt gao.
Sơn xuất thân từ một gia đình có mẹ là người rất đam mê âm nhạc, đang công tác tại nhạc viện Hà Nội, anh đủ tiêu chuẩn để được đi. Tuy nhiên, bố anh lại là một nhà thơ đang “có vấn đề”. Việc Sơn đi du học trở nên xa vời.
Những năm 1950, bố Sơn, nhà thơ Đặng Đình Hưng, có tham gia phong trào Nhân văn – Giai phẩm, từ đó, rắc rối theo ông suốt nhiều năm.
Một ngày nọ, nhân viên nhà nước phụ trách tuyển người đi du học hỏi Sơn thế này:
“Trong thời gian chiến tranh, anh đã ở suốt bên mẹ phải không! Bố anh thì ở bên nhà ông bà nội, và anh chỉ biết sống với mẹ mà thôi. Nếu là như vậy thì anh có thể được chấp nhận cho đi du học nhưng... anh có đồng ý điều này không?”
Sơn không trả lời được gì cả.
Mối quan hệ giữa bố mẹ Sơn, từ lâu đã không được tốt cho lắm. Bố anh không có thu nhập ổn định, nên mẹ đã phụ trách việc nuôi nấng Sơn. Ngay cả việc học hành của anh cũng do một tay mẹ gánh vác. Trong thời gian chung sống, bố mẹ Sơn lúc nào cũng cãi nhau. Sơn lớn lên trong một tâm trạng luôn lo sợ, bất an.
Khi hai người quyết định ly dị, anh cảm thấy thoải mái hơn là nuối tiếc hay đau khổ, cảm thấy như được giải thoát khỏi cảm giác lo sợ. Họ bắt đầu phân chia tài sản. Bố anh lấy một chiếc xe đạp, cái quạt bàn và cái chảo. Mẹ thì lấy cái giường, cái tủ, một chiếc xe đạp và cái nồi. Nhà thì là nhà thuê, không có tivi, tủ lạnh; cây đàn piano là đồ mượn của nhà trường.
Lúc bảy tuổi, Sơn vào lớp sơ cấp của Nhạc viện Hà Nội, sau đó lên trung cấp, rồi tiếp tục học chuyên sâu, anh tốt nghiệp vào năm 1976.
Nhạc viện Hà Nội là một trường đào tạo âm nhạc tiêu biểu của Việt Nam, được thành lập năm 1956, học sinh theo học tại đây phải hoàn thành bảy năm sơ cấp, bốn năm trung cấp, và thêm ba năm học chuyên môn. Phương pháp giảng dạy ở đây được tham khảo từ hệ thống giáo dục của Liên Xô.
Sơn, người đã tốt nghiệp nhạc viện với thành tích xuất sắc, được Bộ Văn hóa chú ý tới, đề xuất cho đi du học. Bố mẹ đã ly dị rồi, chuyện đi du học của Sơn đã dễ dàng hơn.
“Sơn, từ ngày mai, con sẽ sống ở nước ngoài, sẽ xa gia đình, nhưng con phải chăm chỉ học hành, phải học cho thật giỏi rồi mới được trở về nước nhé! Phải nghe lời của mọi người đấy! Tuyệt đối không để xảy ra chuyện gì bất trắc, phải tuân thủ quy tắc nơi đó, được không?”
Mẹ Sơn liên tục nhắc nhở từng li từng tí đứa con trai lần đầu tiên xa gia đình, nhắc đi nhắc lại nhiều lần như thể anh là đứa trẻ con ba tuổi.
Ngày 20 tháng 7 năm 1977, lúc nửa đêm, anh lên chuyến xe lửa đi Liên Xô cùng với những học sinh thuộc các ngành học khác.
Ngày lên đường, người chị cùng chồng con đã đến tiễn anh tại nhà ga. Khi đoàn tàu từ từ lăn bánh, chị anh đã bật khóc, sau đó mọi người cũng khóc theo, Sơn cứ vẫy tay cho đến khi không còn thấy họ nữa. Lúc đó, anh mười chín tuổi.
Dù biết là đi Liên Xô nhưng những du học sinh này không biết cụ thể sẽ đến đâu, ở Kiev, Odessa, Almaty hay Matxcơva? Hành trình chuyến đi kéo dài trong ba tuần, đi ngang qua Trung Quốc đã mất tới năm ngày, đoàn tàu chạy một mạch xuyên qua vùng đất rộng lớn này. Sơn cảm thấy thật vui sướng vì anh đang từng bước từng bước để bắt đầu một cuộc sống mới, thật lạ thay, anh không hề có cảm giác cô đơn, buồn bã, chắc có lẽ vì ở đây, anh đang có rất nhiều bạn bè. Sơn không để ý đến sự lo lắng của gia đình dành cho anh, anh chỉ thấy mãn nguyện với cảm giác được tự do.
Tàu dừng lại nghỉ ở Irkutsk, cạnh hồ Baikal. Mọi người xuống tàu để kiểm tra sức khỏe. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, người Việt Nam đã mắc phải rất nhiều căn bệnh, nên ở đây, họ phải kiểm tra sức khỏe để tránh đem dịch bệnh vào nước khác.
Buổi tối, mọi người tổ chức một buổi văn nghệ, phần lớn là những người không rành về âm nhạc, dân nghiệp dư cả, nhưng chủ yếu chơi cho vui. Có bốn người có chuyên môn về âm nhạc, và Sơn được yêu cầu biểu diễn một bản.
“Đặng Thái Sơn! Đàn một bài gì đó đi chứ!”
“Này, cậu học chuyên về âm nhạc mà, hãy cho mọi người nghe tiếng đàn piano của cậu đi!”
Đã lâu rồi Sơn không đụng đến cây piano, anh cũng chỉ biết đàn một vài bản thôi, và anh chọn bản Etudes Tableaux của Rachmaninov. Cây đàn cũ kỹ lắm rồi, các phím đàn cứ rời rạc, chẳng ăn khớp gì với nhau cả, âm thanh rất lớn nghe nhức óc.
Sau khi đàn xong, một người phụ nữ đã tiến lại gần anh.
“Đặng Thái Sơn, lát nữa phiền anh đến chỗ tôi một chút nhé!”
Sơn bối rối, không lẽ mình làm gì sai chăng?
Người phụ nữ hồi nãy đang công tác ở Bộ Giáo dục Liên Xô. Khi Sơn ghé chỗ bà, bà nói:
“Cậu có muốn vào Nhạc viện Matxcơva không?”
Sơn khẽ đưa mắt nhìn bà, ngập ngừng trả lời:
“Vâng, đó chính là ước mơ bấy lâu nay của cháu...”
“Quyết định vậy đi! Tôi sẽ đưa cậu vào Nhạc viện Matxcơva!”
Bà giữ lời hứa, đưa anh đi thi tuyển vào Nhạc viện Matxcơva. Cho đến thời điểm này, chưa từng có một du học sinh nào của Việt Nam đậu được kỳ thi tuyển vào Nhạc viện Matxcơva, họ phải tiếp tục học ở lớp dự bị hai, ba năm. Và Sơn chính là người đầu tiên được phép học tại đây, anh được xếp vào lớp của giáo sư Vladimir Natanson.
“Từ hôm nay, mình đã là sinh viên của Nhạc viện Matxcơva, phải thông báo cho mẹ biết mới được!”
Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng thì Sơn biết mình sắp bước vào những tháng ngày học tập thật vất vả. Từ hồi còn bé, mẹ đã dạy nhiều về piano cho anh, và anh cũng đã học piano ở Nhạc viện Hà Nội, vậy mà, ở đây, anh phải học lại từ đầu với những kiến thức rất cơ bản, phải thay đổi tất cả những phương pháp biểu diễn mà anh đã học trước đây, thật là khổ!
Nhạc viện Matxcơva có tên đầy đủ là “Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky Matxcơva”, được thành lập bởi Nikolai Rubinstein, một nghệ sĩ piano, đồng thời là nhạc trưởng, vào năm 1866.
Anh của Nikolai là Anton Rubinstein, một nhà soạn nhạc vĩ đại, và là một người có nhiều hoạt động nghệ thuật trên khắp châu Âu trong vai trò là một nghệ sĩ piano.
Cùng với Nhạc viện Saint Peterbourg do Anton Rubinstein thành lập, Nhạc viện Matxcơva là cơ sở giáo dục về âm nhạc có tầm cỡ lớn. Tchaikovsky, Taneyev đã từng đứng lớp ở đây. Những nhà soạn nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng như Rachmaninov, Skryabin, Medtner cũng được đào tạo ở đây.
Ở Nhạc viện Matxcơva, các du học sinh nước ngoài thường bị xem là có trình độ kỹ thuật kém hơn học sinh người Nga, và sẽ bị xếp ở lớp có cấp độ khác với học sinh Nga. Đặng Thái Sơn học ở lớp cơ bản của bộ môn piano và mỗi ngày phải học thêm tiếng Nga.
Chỗ ở là ký túc xá của nhạc viện. Tòa nhà gồm năm tầng, mỗi tầng có ba mươi căn phòng, mỗi phòng sẽ xếp một học sinh nước ngoài và một học sinh trong nước. Các phòng đều có đặt một cây đàn piano tủ. Riêng Sơn thì anh muốn tập luyện với đàn piano cánh hơn.
Loại đàn đó được đặt ở phòng luyện tập nằm dưới tầng hầm của ký túc xá. Chỉ ở đây mới có nhiều đàn piano cánh nên lúc nào cũng đông học sinh đến tập. Mỗi sáng, Sơn dậy lúc sáu giờ để xếp hàng vào phòng luyện tập trước. Những du học sinh người Việt Nam cùng hợp tác với nhau thành một nhóm rồi thay phiên nhau dậy sớm để túc trực ở đây. Khi phòng tập vừa mở cửa thì nhóm này sẽ lập tức để các cuốn sách nhạc lên các cây đàn, họ giành tới ba phòng, sau đó căn cứ vào giờ học của mỗi người, họ sẽ thay phiên nhau mà sử dụng.
Ngoài nhóm người Việt Nam ra còn có thêm một nhóm thường xuyên dậy sớm xếp hàng vào phòng tập, đó là nhóm du học sinh người Israel. Bất kể mùa hè hay mùa đông, hai nhóm này đều tranh nhau vào phòng tập trước. Vì vậy, nhóm của Sơn đã nghĩ ra một sáng kiến là họ dùng một sợi dây thun dài, buộc chặt tay cầm của cánh cửa để khi mở thì phải đẩy vào, nhưng nếu từ bên ngoài kéo ra thì sẽ có cảm giác như có ai đó đang ở trong phòng. Vì vậy mà nhóm của Sơn lúc nào cũng giành được phòng trước.
Dưới tầng hầm này cũng là nơi các sinh viên tụ tập, bàn tán đủ thứ chuyện, chẳng hạn như ai sẽ tham gia cuộc thi nào, ai sẽ lập kỷ lục mới, kỳ thi thử sẽ tổ chức như thế nào, ở đâu... Ở đây, Sơn cũng nghe được nhiều thông tin, nhưng anh cho rằng thật mất thời giờ để nói chuyện tạp nham.
Ở Việt Nam thì không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng thường phải làm việc. Khi ra nước ngoài làm việc hay học tập, dù cuộc sống khó khăn, họ vẫn cố gắng gửi tiền hay quà về cho gia đình ở quê nhà. Sơn cũng vậy, anh cũng muốn gởi tiền về cho bố. Nhưng thực tế thì anh chỉ có tiền học bổng thôi, với số tiền này, ăn còn không đủ. Tiền học bổng của Liên Xô thì ưu ái hơn cho người châu Âu, còn đối với những du học sinh đến từ các nước như Việt Nam, Cuba thì rất ít. Ăn ở căng-tin thì không đủ tiền nên thường nhóm học sinh Việt Nam hay tự nấu ăn với nhau, thế mà vẫn không đủ trang trải. Sơn đành phải đi tìm việc làm thêm. Anh làm thợ tiện trong một cơ xưởng về đồ điện, tiện những bộ phận của quạt máy, những đồ dùng gia dụng. Anh ngâm tay trong hóa chất giải nhiệt nhiều giờ liền nên tay chai ra, nhăn nheo, sần sùi. Với công việc này, nếu làm nhanh, chính xác, số lượng nhiều thì sẽ được tiền nhiều. Sơn đã làm thành thạo công việc này, dù bị rát tay nhưng anh vẫn cố gắng để có thể tăng thu nhập. Tay Sơn nóng lên và bắt đầu bị lột da.
“Em làm gì thế này? Sơn, Em hãy nghỉ ngay. Em còn phải đàn nữa đấy. Làm gì cũng được nhưng nếu công việc đó làm hư tay hay ngón tay thì hãy nghỉ ngay!”
Thầy Natanson hốt hoảng khi thấy Sơn bị như vậy. Sơn nghe lời thầy, không tiếp tục làm nữa.
Vào kỳ nghỉ, Sơn trở lại với công việc làm thêm, tám tiếng một ngày, công việc của anh là đi thu gom các vỏ chai. Các vỏ chai rượu, vỏ chai nước ngọt, nước suối... anh gom lại, rửa sạch rồi đem đến các vựa thu gom hàng tái sử dụng, anh sẽ nhận được một khoản tiền. So với tiền lương khi làm ở cơ xưởng thì khoản tiền này chẳng là bao, nhưng công việc này có thể duy trì lâu dài được. Sơn cùng với nhóm bạn tranh thủ thời gian để làm công việc này. Những ngày đông giá rét cũng như những ngày hè oi bức, Sơn vẫn làm, anh nhanh chóng làm xong việc là lại về ký túc xá luyện tập piano, anh chẳng lấy gì làm mệt mỏi. Vì nếu để dành được một ít tiền, anh có thể gởi về cho bố, có thể mua đồ ăn cho mình. Trong năm đầu này, anh vẫn đều đặn đến lớp học, về ký túc xá luyện tập, đi làm thêm, thời gian ngủ rất ít. Mặc dù vậy, anh vẫn thấy trong lòng hân hoan, không chút phiền não.
Mỗi năm một lần, Nhạc viện Matxcơva đều có tổ chức một kỳ thi, bất kể là sinh viên trong nước hay nước ngoài đều thi cùng một nội dung như nhau. Sơn đã trình bày các tác phẩm: The variations on a theme of Paganini của Brahms, Sonata cho piano số 21 của Beethoven, Prelude and Fugue cung Sol trưởng của J.S.Bach. Anh rất hài lòng với thành quả mà để có được, anh đã phải dày công luyện tập. Anh đã vượt qua những sinh viên khác một cách thuyết phục, vươn lên ở vị trí đầu bảng, và còn được đánh giá ở mức cao hơn là 5+.
Các sinh viên Liên Xô chẳng bao giờ để ý tới các du học sinh của những nước như là Việt Nam. Và với Sơn cũng vậy, có quy định hạn chế tiếp xúc với người nước ngoài nên hầu như anh không giao lưu với họ. Tuy nhiên, tên tuổi của anh giờ đây nổi như cồn khắp nhạc viện với mức điểm 5+, lý do là từ lúc thành lập nhạc viện cho tới giờ, đây là sinh viên nước ngoài đầu tiên đạt được mức ấy.
“Những việc mình làm từ trước tới giờ, không có gì sai cả. Năm nay quả là một năm đầy gian nan, nhưng cuối cùng mình cũng có thể an tâm bước qua năm hai!”
Từ giờ phút này, có rất nhiều vị giáo sư cũng bắt đầu để ý Sơn. Vera Goronostaeva, vị giáo sư công tác tại nhạc viện Matxcơva từ năm 1971, chuyên dạy về nhạc Chopin, đã phát biểu trên tờ báo của nhạc viện rằng ông đánh giá cao tài năng của Sơn.
Cả Natanson cũng vậy, đối với ông, đây là cậu học trò mà ông tự hào nhiều nhất. Ông đã viết một lá thư thông báo, gửi cho mẹ của Sơn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3