Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 02

Chương 2: Bản etude đáng sợ
Đặng Thái Sơn muốn tham gia cuộc thi piano Chopin, và anh đã bắt đầu hành trình luyện tập vào năm thứ hai khi đang du học ở Nhạc viện Matxcơva. Nhưng anh vẫn không nói gì với giáo sư Natanson về nguyện vọng tham dự cuộc thi này. Khi đó anh nghĩ rằng chắc chắn thầy sẽ phản đối, sẽ nói: “Không được, vẫn còn sớm lắm!”
Đặng Thái Sơn đã tham khảo nội dung của các cuộc thi piano quốc tế như: Tchaikovsky (Liên Xô), Bach (Đông Đức), Enesco (Rumani), Budapest (Hungari), hay cuộc thi Smetana của Tiệp Khắc... và anh thấy rằng mình thích hợp nhất với cuộc thi piano Chopin, ngay từ thời còn bé, anh đã có cảm giác thân quen với những tác phẩm của Chopin rồi!
Năm 1980 có cuộc thi piano Chopin, năm 1982 có cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky.
“Trước tiên mình sẽ tham dự cuộc thi Chopin để xem khả năng mình đến đâu, sau đó mình sẽ thử thách ở cuộc thi Tchaikovsky!” Sơn tự nhủ.
Những bài học mà anh đã học ở nhạc viện Matxcơva vào năm thứ hai bao gồm một tác phẩm của J.S.Bach, một tác phẩm của Nga và một tác phẩm cổ điển tùy chọn. Sơn âm thầm học thêm các tác phẩm khác như “Fantasia & Fugue” cung Đô trưởng K.394 của Mozart, Concerto piano số 3 cung Rê thứ của Rachmainov, bản Poissons d’or trích từ tuyển tập Images II của Debussy. Song song đó anh còn học thêm rất nhiều các tác phẩm của Chopin.
Cuộc thi Tchaikovsky lần thứ 6 được tổ chức vào năm 1978 đã chỉ ra cho Sơn thấy được những điều tối cần thiết của một nghệ sĩ dương cầm khi tham gia một cuộc thi lớn.
Anh đã dự thính các buổi biểu diễn của nhiều nghệ sĩ piano từng đoạt giải tại cuộc thi Tchaikovsky, tiêu biểu là Mikhail Pletnev (giải nhất, Liên Xô), Pascal Devoyons (giải hai, Pháp), Andre Laplante (giải hai, Canada), Nikolai Demidenko (giải ba, Liên Xô), Evgeny Ryvkin (giải ba, Liên Xô).
Cuộc thi Tchaikovsky được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 5 năm 1958 và cứ bốn năm lại tổ chức một lần. Lúc đầu chỉ thi piano và violon, sau có bổ sung thêm cello. Cuộc thi diễn ra trong vòng một tháng, hiện nay thì nó thường diễn ra từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7. Thí sinh nào giành được giải thưởng cao nhất của cuộc thi Tchaikovsky thường sẽ trở nên nổi tiếng trên thế giới. Vì vậy mà các thí sinh từ khắp nơi trên thế giới đã ùn ùn đi đăng ký để có thể tham gia cuộc thi này. Có những nghệ sĩ trẻ chỉ qua một đêm thôi đã thay đổi cuộc đời, nói như thế, quả thật không quá chút nào. Thế nhưng sau đó, khi tham gia các cuộc thi khác, họ thi đấu với áp lực phải biểu diễn sao cho xứng tầm danh hiệu mà họ đã đạt được trước đó. Đặng Thái Sơn đã chứng kiến tất cả những điều này, và anh biết được bên cạnh sự hào quang là cả một trách nhiệm nặng nề mà cuộc thi đã đem lại cho người thí sinh.
Năm 1980, ở Nhạc viện Matxcơva, có tổ chức kỳ thi thử giành cho những ai có ý định tham gia cuộc thi piano Chopin. Ở Liên Xô, để có thể tham gia cuộc thi quốc tế này, thí sinh phải trải qua ba giai đoạn của kỳ thi thử. Trước tiên là thi thử ở Matxcơva, tiếp theo là thi thử ở Nga, cuối cùng là kỳ thi thử trên toàn Liên Xô. Các du học sinh nước ngoài được miễn thi thử ở Matxcơva, nhưng Sơn cũng tham gia luôn để thử sức. Những vị giáo sư hay những nghệ sĩ piano có tiếng tăm từ khắp mọi vùng miền (ngoại trừ Matxcơva) được mời tới làm ban giám khảo. Kỳ thi thử này cũng chọn các tác phẩm chủ đề giống với cuộc thi ở Vácxava.
“Được biểu diễn trước những vị giáo sư lừng danh là cơ hội mình không thể bỏ lỡ được. Mình muốn biết khả năng thể hiện nhạc Chopin của mình được đánh giá như thế nào.”
Kết quả là Đặng Thái Sơn vượt qua mọi vòng thi thử và được phép tham gia cuộc thi piano Chopin, đúng theo nguyện vọng. Cho đến trước thời điểm đó, vẫn chưa ai chú ý cái tên Đặng Thái Sơn, song từ cuộc tuyển chọn này, ở nhạc viện, tên anh đã dần được biết đến. Sơn đã có thể tự tin hơn trước được một chút.
Tatiana Nikolayeva, bà giáo sư đang giảng dạy tại nhạc viện Matxcơva, đã dự thính các buổi biểu diễn trong cuộc thi thử này. Tháng 6 đến tháng 7 cũng trong năm đó, bà đi du lịch ở Vácxava, tại đây, bà tuyên bố: “Nếu nói ai sẽ là người đứng đầu ở cuộc thi piano Chopin năm nay, thì đó chính là cậu bé đến từ Việt Nam!”
Tatiana Nikolayeva vốn là một nghệ sĩ piano, bà sinh năm 1924, tại vùng Bezhitsa của Nga. Từ năm mười ba tuổi, bà đã theo đuổi nghiệp dương cầm. Sau đó, bà học thêm sáng tác ở Nhạc viện Matxcơva. Năm 1950, bà xuất sắc giành được giải thưởng cao nhất tại cuộc thi piano Bach, tổ chức ở Leipzig. Lần biểu diễn đó đã truyền cảm hứng cho Shostakovich viết nên tác phẩm “24 Preludes & Fugues”; sau đó, ông gởi nó cho Nikolayeva, bà chính là người đầu tiên trình diễn tác phẩm này. Từ đó trở đi, bà tiếp tục sử dụng tác phẩm này đi lưu diễn ở nhiều nơi, và cũng có thu đĩa. Từ năm 1959, bà giảng dạy tại Nhạc viện Matxcơva, và đã đào tạo rất nhiều thế hệ.
Trong các buổi biểu diễn, Nikolayava luôn thể hiện bằng tất cả niềm đam mê, với những tình cảm dạt dào, do vậy, bà luôn để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng khán thính giả. Bà đã thể hiện xuất sắc khoảng năm mươi bản concerto của Bach. Vào năm 1993, trong chuyến lưu diễn ở Mỹ, bà bị đột quỵ và qua đời tại San Francisco. Bà có nhiều kinh nghiệm trong vai trò là giám khảo của các cuộc thi quốc tế, và bà luôn cố gắng tìm kiếm những tài năng mới.
Mặc dù đã qua được kỳ thi thử nhưng Sơn còn phải trải qua một cuộc sát hạch nữa. Những người được tham gia cuộc sát hạch này sẽ viết một bản tóm tắt về thông tin cá nhân gởi đến ban tổ chức cuộc thi. Có những thí sinh đã viết rất nhiều về thành tích của mình như: đã từng tham dự các cuộc thi trước đó, hay đã từng đoạt giải trong một kỳ thi nào đó... Sơn thì chỉ viết vỏn vẹn một dòng “Tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, hiện đang du học ở Nhạc viện Matxcơva”. Người của ban tổ chức vô cùng bối rối, không biết có nên chấp nhận cái tay pianist người Việt Nam kia chăng. Một thời gian, Sơn không nhận được bất cứ sự hồi âm nào.
“Không có một chút thành tích huy hoàng nào cả, liệu mình có được chấp nhận không? Cho đến bây giờ, chẳng ai nói gì với mình cả! Có lẽ mình không có cơ hội!”
Cuối cùng, ban tổ chức đã thống nhất với nhau rằng: “Nếu là sinh viên của Nhạc viện Matxcơva, hẳn người đó cũng cừ lắm!”, và họ quyết định chấp nhận để Sơn tham gia cuộc thi piano Chopin.
Năm 1980 cũng là năm tổ chức Thế vận hội Olympic Matxcơva. Những du học sinh nước ngoài đang ở tại ký túc xá của nhạc viện được chuyển đến ở vùng cắm trại gần Biển Đen, để dành chỗ cho những vận động viên nước ngoài đến tham dự Olympic.
Một tháng trời, Sơn sống mà không có cây đàn piano bên cạnh.
“Không xong rồi, đây là thời kỳ quan trọng nhất mà mình phải tập luyện, vậy mà không được đụng đến cây đàn một chút nào. Chẳng lẽ giấc mơ tham dự cuộc thi piano Chopin đến đây là kết thúc sao?”
Đặng Thái Sơn giảm sút nhanh về mặt tinh thần, anh muốn được luyện ngón ngay lập tức. Anh ngồi xuống ghế, nhịp nhàng các ngón tay trên đầu gối. Vừa nhìn tập nhạc vừa tưởng tượng ra các phím đàn, những giai điệu đang ngân lên trong đầu anh. Khi ngồi vào bàn ăn cũng vậy, anh không ngừng chuyển động các ngón tay, anh làm như vậy để ngón tay không bị cứng.
Cuối cùng, khi trở về Matxcơva, anh đã có thể chạm tay vào cây đàn, Sơn nhận thấy những gì mình làm trước đây là đúng, ngón tay anh có thể nhanh chóng lướt trên những phím đàn như trước.
Tháng 10, Sơn đến Vácxava. Có rất nhiều thí sinh đi thi cùng với gia đình, bạn bè, nhưng anh thì chỉ một mình. Ngoài việc đi thăm nhà hát nổi tiếng, nơi mình sẽ thi đấu, anh không đi đâu nữa, chỉ đi lại giữa khách sạn và nơi mình tập luyện. Sơn hoàn toàn cách ly với mọi người.
Ở vòng một, Sơn đã trình diễn các bản nhạc sau: Nocturne cung Rê trưởng, Op.(*)27, số 2; Scherzo cung Si giáng thứ, Op.31, số 2; Etude cung La thứ, Op.25, số 4.
(*) Opus: Sáng tác được đánh số của một nhà soạn nhạc (thường theo thứ tự công bố).
Vòng hai là các bản: Nocturne cung Mi trưởng, Op.62, số 2; Sailor’s song, Op.60; Andante Spianato và Polonaises cung Mi giáng trưởng, Op.13; Etude cung Fa trưởng, Op.10, số 8; Etude cung Sol thăng thứ, Op.25, số 6; Overture Op.28 từ bản số 21 đến bản số 24.
Vòng ba là các bản: Mazurka Op.59; piano Sonata cung Si thứ, Op.58, số 3.
Đến vòng chung kết, Sơn biểu diễn bản Concerto số 2 cung Fa thứ, Op.21.
Sơn cảm thấy thật thoải mái nhưng khi tới phần biểu diễn các khúc etude thì anh không tự tin, thậm chí anh cảm thấy sợ.
Trong cuộc thi, trình tự biểu diễn các bản nhạc do thí sinh tự quyết định. Ở vòng thi thứ nhất, Sơn đàn bản nocturne nhẹ nhàng, tiếp theo, đến phần biểu diễn bản etude, khúc nhạc đòi hỏi một kỹ năng biểu diễn tinh tế, anh cảm thấy hơi sợ, trước tiên anh làm ấm khán phòng lên bằng khúc nhạc scherzo, sau đó anh từ từ chuyển sang etude. Và anh đã biểu diễn thành công.
“Chà, vậy là tốt quá! Thi xong phần etude này là mình có thể an tâm rồi. Cũng không khó lắm!”
Ở vòng một Sơn vẫn cảm thấy sợ, nhưng khi vào được các vòng trong thì anh đã bình tĩnh hơn.
Vòng thi thứ nhất diễn ra trong sáu ngày, có bốn mươi hai người từ mười lăm quốc gia được đi tiếp vào vòng hai. Jean Marc Luisada, người đến từ nước Pháp đã giành được hạng năm ở lượt thứ mười một, thì bị loại khỏi vòng hai. Trước Sơn bốn người là Kevin Kenner, người Mỹ, đạt hạng hai (không có hạng nhất) ở lượt thứ mười hai, tham gia cuộc thi với tuổi đời còn rất trẻ, mười bảy tuổi, song đáng tiếc là anh ta cũng ngậm ngùi chia tay với mùa giải này. Đứng sau Sơn sáu người là Ivo Pogorelic (Nam Tư).
Sau vòng thi thứ hai, chỉ còn mười lăm người của mười một nước. Ngày 6 tháng 10, hội đồng ban giám khảo đã chọn ra bảy người của năm nước tiếp tục tiến vào vòng chung kết.
Lần này thì Pogorelic bị dính líu đến một vụ tai tiếng. Lúc đầu, một vị giám khảo người Anh là Louis Kentner, đã rất tức giận khi Pogorelic đậu vòng thi thứ nhất, và ông đã bỏ về nước. Hội đồng ban giám khảo nhốn nháo cả lên. Kế đó, Martha Argerich phản đối việc Pogorelic bị loại ở vòng ba, và bà tuyên bố từ chối tiếp tục làm giám khảo cuộc thi.
“Cậu ta là một thiên tài đấy chứ!”
Argerich đã hét trước ống kính của đài truyền hình như thế. Câu nói này, cho đến ngày nay vẫn còn được mọi người nhắc lại.
Sơn rất thích biểu diễn các bản nhạc của Chopin, và anh chỉ quan tâm điều đó thôi. Mặc dù xung quanh mọi người đang bàn tán rất sôi nổi về sự kiện Pogorelich, nhưng Sơn vẫn hoàn toàn không hay biết gì cả. Sau đó, anh cũng biết được thông qua Irina Pietrova, một sinh viên của nhạc viện Matxcơva, cũng đang tham gia cuộc thi này.
“Anh không biết gì ư? Nghiêm trọng lắm đấy! Pogorelic không thể trụ lại cuộc thi này, còn Argerich đã từ chức giám khảo!”
Cũng lúc ấy, Sơn biết mình đã lọt vào vòng thi cuối cùng.
Tuy nhiên, anh nhận ra rằng, mình chẳng có nổi một bộ vest chỉnh tề để xuất hiện trên sân khấu. Sơn vội vàng đi tìm khắp các cửa hàng và đã mua một bộ âu phục với kích cỡ dành cho trẻ em châu Âu. Nhóm bạn người Việt đã trách anh: “Này, anh bị làm sao thế! Không lẽ anh tính xuất hiện trên sân khấu Vácxava với bộ đồ như thế sao!”
“Sơn, cuộc thi này là sự kiện quốc tế, có quay phim lên truyền hình đấy! Liệu mà ăn mặc cho đàng hoàng chút đi!”
“Anh đang làm xấu hổ người Việt chúng ta đấy!”
Ngày thi chung kết, Sơn sẽ diễn cùng dàn nhạc. Cho đến lúc này, anh chưa từng được diễn cùng dàn nhạc bao giờ cũng như chưa từng đứng trên sân khấu đầy vẻ chuyên nghiệp như thế, anh cũng chưa từng đoạt một giải thưởng nào, chưa một lần đi đến một nơi mà cần phải ăn mặc thật chỉnh tề.
Anh chạy đến Hội Chopin. Ở Vácxava có rất nhiều công trình kiến trúc liên quan đến Chopin, trụ sở của hiệp hội Chopin là một trong số đó, đó là cung điện Ostrogskich. Cung điện này đã được Unessco công nhận là di sản văn hóa thế giới, được xây dựng từ thế kỷ 16, sau đó được tu bổ lại theo phong cách baroque.
Hội Chopin được thành lập vào năm 1934, với mục đích nghiên cứu và phổ biến nhạc của Chopin đến với công chúng. Hội đã chọn Ostrogskich làm trụ sở, làm khán phòng tổ chức các buổi hòa nhạc, làm bảo tàng... Lễ trao các giải thưởng phụ của cuộc thi piano Chopin cũng tổ chức tại đây. Ở Hội Chopin, mọi người đều biết việc Sơn lúc nào cũng đi một mình, họ chăm sóc anh rất chu đáo. Đặc biệt là những người phụ nữ, họ quan tâm anh như thể họ là mẹ anh vậy.
Sơn nhào tới những người phụ nữ này, hổn hển nói:
“Xin lỗi, các cô có biết chỗ nào có thể may liền cho cháu một bộ vest không ạ? Ngày mai cháu phải mặc bộ vest đó để đi thi!”
Họ nhìn Sơn một cách trìu mến:
“À, thì ra là Đặng Thái Sơn! Cháu được vào vòng chung kết rồi à, giỏi quá nhỉ! Cháu đợi chút đi, các cô sẽ lập tức đi tìm cho cháu ngay!”
Cuối cùng, Sơn cũng có được một bộ vest.
Vòng chung kết được bắt đầu trong bầu không khí ồn ào, náo nhiệt. Pogorelich cũng có mặt ở hội trường để nghe các thí sinh khác biểu diễn, các khán thính giả vây lấy anh. Nhưng thật tiếc là anh không thể biểu diễn.
Vòng chung kết diễn ra trong hai ngày, Sơn thi trong ngày đầu với số thứ tự là số 3. Người thi đầu tiên là Eric Berchot, người thứ hai là Tatiana Shebanova, cả hai thí sinh này đều bị choáng ngợp trước đông đảo khán giả, họ rất hồi hộp, cảm thấy không thể đàn được, nên đã đề xuất xin ban giám khảo cho họ được thi cuối cùng.
“Sơn, vậy thì anh thi đầu tiên nhé! Nhạc trưởng và dàn nhạc đều có mặt đầy đủ rồi! Nào, hãy nhanh chóng bước lên sân khấu đi!”
“Sao ạ? Sao lại thế chứ? Tôi thi liền bây giờ à?”
Sơn cũng đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng anh không ngờ lại phải thi đầu tiên như thế này. Thi đầu tiên thì hơi bất lợi nhưng mà... không còn cách nào khác.
“Được lọt vào vòng chung kết, vậy là đủ lắm rồi, chẳng cần thứ hạng làm gì! Bộ vest này vừa với mình quá, thế cũng vui rồi! Nếu đã vậy thì... mình thi đầu tiên thôi!”
Sơn trông thật bảnh bao trong bộ vest mới, đĩnh đạc bước lên sân khấu. Anh hoàn toàn không nghĩ gì tới mấy giải thưởng, anh biểu diễn một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Khán phòng vẫn huyên náo như cái chợ, nhưng anh không để ý đến điều đó, anh từ từ đi về phía cây đàn piano. Khi tiếng nhạc vừa vang lên, cả khán phòng bỗng trở nên im bặt, mọi người đều tập trung để lắng nghe. Những lần thi trước của Sơn luôn được đánh giá cao, và bây giờ, anh đang thể hiện kỹ năng của mình ở một bậc cao hơn thông qua giai điệu trữ tình và trong sáng, hòa cùng thanh âm lộng lẫy của dàn nhạc, tất cả những điều đó ngấm sâu vào trong lòng khán thính giả. Sơn đã cho mọi người thấy được rằng một người Việt Nam vẫn có thể đàn rất hay nhạc của Chopin. Sơn vào học ở Nhạc viện Matxcơva được ba năm. Cho tới khi đó, Việt Nam bị xem là một nước chậm phát triển nên lúc đầu, chẳng có ai chú ý tới anh cả.
“Nếu là người Nhật hay người Trung Quốc thì việc họ có thể chơi nhạc Chopin âu cũng là điều bình thường, song, đối với người Việt Nam thì không dễ được công nhận như thế. Nhưng tôi có thể chơi nhạc Chopin, bởi lẽ tôi yêu tha thiết nhạc của ông, tình yêu đó không thua kém bất cứ ai. Mong rằng mọi người hãy hiểu điều này cho tôi!”
Sơn chẳng màng gì giành được giải thưởng nhưng anh muốn mọi người hãy thừa nhận một sự thật rằng: Người Việt Nam cũng có thể chơi nhạc Chopin.
Mọi người vô cùng kinh ngạc trước một người đến từ đất nước Việt Nam, một đất nước mới vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh đầy máu lửa, lại có thể biểu diễn âm nhạc của Chopin một cách tài hoa như thế.
“Thật tuyệt!”
“Giai điệu thật trong sáng, như thể tẩy rửa được tâm hồn chúng ta!”
Mọi người trầm trồ với nhau. Ở hàng ghế của ban giám khảo, các thành viên cũng thì thầm trao đổi. Sau khi Sơn kết thúc phần trình bày của mình, khán giả đã vỗ tay nhiệt liệt trong niềm xúc động dâng trào. Nhà hát phút chốc lại trở nên ồn ào, nhưng theo một cách khác. Tên Đặng Thái Sơn được tung hô, lặp đi lặp lại nhiều lần, mọi người yêu cầu Sơn hãy bước lên sân khấu. Trước sự nồng nhiệt của khán giả, Sơn cảm thấy vô cùng hạnh phúc, rưng rưng như muốn khóc.
“Không được, dù vui hay buồn mình cũng không được khóc. Đứng ở đây mà khóc thì xấu hổ chết!”
Thế là, Sơn đành gượng cười, anh liên tục cúi đầu chào khán giả. Sau khi chào xong, anh cố gắng ngẩng thật cao đầu, mím chặt môi, để nước mắt không thể chảy ra. Khán giả vẫn liên tục vỗ tay khiến anh vừa sung sướng vừa cảm thấy hơi có chút ngượng ngùng.
Những người đã đoạt giải trong Cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ mười:
Giải nhất: Đặng Thái Sơn (Việt Nam), kèm theo các giải phụ cho trình diễn Polonaise, Mazurka, Concerto hay nhất.
Giải nhì: Tatiana Shebanova (Liên Xô), nhận thêm giải Polonaise, giải Concerto.
Giải ba: Arutyun Papazyan (Liên Xô).
Không có giải tư.
Giải năm: Ebi Akiko (Nhật Bản), Eva Poblocka (Ba Lan) kèm thêm giải trình diễn Mazurka.
Giải sáu: Eric Berchot (Pháp) và Irina Pietrova (Liên Xô).
Pogorelich nhận giải bình chọn của khán giả và giải của các nhà phê bình.
Thật ra, trong ngày thi chung kết, lẽ ra Martha Argerich đã về Geneve nhưng bà đã có mặt tại phòng nhạc. Mặc dù đã từ bỏ chức giám khảo, nhưng bà vẫn ngấm ngầm theo dõi các buổi biểu diễn của thí sinh trong trận chung kết này. Ngay sau khi về đến Geneve, bà đã gửi một bức điện cho ban tổ chức.
“Đặng Thái Sơn sẽ đoạt giải xuất sắc, chúc mừng anh nhé! Anh biểu diễn nhạc Chopin thật tuyệt vời! Từ bây giờ, tôi rất kỳ vọng ở anh đấy, hãy cố lên!”
Không thể trò chuyện trực tiếp với Argerich, nhưng bức điện này đã khiến Sơn vô cùng sung sướng.
“Cuối cùng cũng xong! Từ bây giờ mình phải vất vả lắm đây! Mình đã trở thành một nghệ sĩ piano xuất sắc thì phải làm sao để không hổ danh!”
Với danh hiệu này, Sơn biết mình đáng gánh một thứ rất nặng nề, đó là hai chữ “trách nhiệm”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3