Bốn Mươi Năm Nói Láo - Phần I - Chương 1

PHẦN I

BÁO TẾU

“Nói láo” mà chơi, nghe láo chơi Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi Chuyện đời đã chán không buồn nhắc Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời. Bồ Tùng Linh, tác giả Liêu Trai Chí Dị, mở đầu tập truyện bất hủ bằng bốn câu thơ trên, đã cho người ta hé thấy ông lấy làm vinh dự làm nghề nói láo, không coi thiên hạ ra gì. Ờ, nói láo đấy, nghe láo đấy, thử hỏi đã chết ai chưa? Họ Bồ hơn thiên hạ về chỗ đó: dám nhận huỵch toẹt ngay là mình “nói láo”, mình ưa “nói láo”, “nói láo” nói lếu như thế còn hơn là nói chuyện đời: xấu quá.

Bây giờ, người ta gọi nghề làm báo là nghề nói láo ăn tiền. Kẻ viết bài này ngã vào nghề đó đã lâu, hôm nay, ngồi giở lại cuốn sổ ký ức của mình, xin nhận ngay là mình làm nghề “nói láo”. Vì thế tác giả lấy đầu đề tập ký ức là “Bốn mươi năm Nói Láo” chớ không dám đề là “Bốn mươi năm Làm Báo”, vì tác giả nhận thấy rằng “nói láo” là một cái vinh dự, làm nghề “nói láo” là làm một nghề đặc biệt ít ai dám đem ra khoe khoang. Thực vậy, đa số các nhà làm báo bây giờ nghe thấy danh từ “làm báo nói láo ăn tiền” ngoài mặt thì có vẻ bất cần, nhưng thâm tâm thì hơi giận: tại sao làm một cái nghề cao quý như nghề báo, tại sao lãnh một cái sứ mạng nghiêm trọng là hướng dẫn dư luận, tại sao phụng sự một quyền lực lớn mạnh vào bực thứ tư trên trái đất này mà có người dám bảo là làm nghề “nói láo”?

Thú thực có lắm lúc tôi cũng tưởng là tôi oai, mà nghề tôi là nghề ghê gớm thực; nhưng gặp lúc mây chiều gió sớm, mình rất thành thực với lòng, tôi cảm thấy rằng nghĩ như vậy, chỉ là mình tự dối mình. Để lòng lên bàn tay, tôi chỉ thấy tôi là một anh nói láo trường kì, nói láo vô tội vạ, nói láo ra tiền, để kết cục đến bây giờ mang lấy cái nghiệp vào thân, không sao gỡ được, đành là cứ phải tiếp tục nói láo cho đến chết - vì tôi biết chắc sẽ không thể nào thoát được hai bàn tay sắt bọc nhung của bà chúa báo. Ngay khi bắt đầu làm cái nghề điêu đứng này, có phải tôi đã nghe thấy các bậc đàn anh lập đi lập lại câu nói của Jules Janin: “Nghề báo đưa người ta đi đến bất cứ đâu - miễn là thoát được nó ra.”?

Tôi không tin như vậy. Lúc còn ít tuổi, tôi không tin gì hết: tôi không tin thuốc phiện có ma, tôi không tin có nghiệp chướng làm cô đầu, làm đĩ điếm, tôi không tin câu nói của Nguyễn Du:

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.

Tôi chỉ biết một điều: thích thì làm, thích làm báo thì viết báo, chớ cũng chẳng xây mộng lớn lao gì hết.

Không bao giờ tôi nghĩ như Carlyle: “Cao quý thay nghề làm báo! Mỗi ông chủ báo có khả năng há chẳng phải là một nhà cai trị thế giới vì là một trong những người thuyết phục thế giới; mặc dầu không do thế giới cử mà chỉ do mình cử mình thôi; tuy nhiên cũng được đảm bảo bằng những con số báo bán ra cho thiên hạ đọc.” Tôi không “trì” quá khứ như Goethe coi thường nghề làm báo: “Từ lâu, tôi vẫn tin rằng báo chí sanh ra đời là để cho đại chúng người ta tiêu khiển giết thời giờ và lòe bịp họ nhất thời; hoặc vì có một sức mạnh nào đó ở bên ngoài ngăn viên ký giả nói ra sự thực, hoặc vì tinh thần đảng phái đánh cho y lạc hướng đi; vì thế tôi không đọc một tờ báo nào hết.” Mà tôi cũng không khinh miệt báo chí, gọi tuốt là lá cải, là giẻ rách, là đồ bỏ như thi hào Beaudelaire: “Bất cứ tờ báo nào cũng vậy, từ trang đầu đến trang cuối cũng chỉ là một cái ổ chứa những cái gì gớm ghê, kinh tởm. Chiến tranh, giết chóc, trộm cướp, hà hiếp, hành hạ, tội ác của các vua chúa, tội ác của các quốc gia, tội ác của các tù nhân, biết bao nhiêu là sự say sưa cuồng loạn của vũ trụ loài người. Ấy thế mà người ta dùng báo để làm đồ khai vị, vì người văn minh đã dùng tờ báo để làm đồ khai vị, cho bữa ăn buổi sáng. Tôi tin rằng không có một bàn tay trong sạch nào cầm lấy tờ báo mà không cảm thấy muốn buồn nôn buồn mửa.”

Không. Đối với nghề báo, tôi không đứng ở thái cực nào. Tôi chỉ nhớ rằng thuở nhỏ tôi ưa đọc sách là vì nhà tôi là nhà bán sách, ngoài thời giờ học bài; tôi phải ngồi bán sách, xếp sách để gửi bán đi khắp nước. Lúc rảnh, tôi vồ lấy sách để đọc; từ đọc sách tôi thích đọc báo; đọc mãi thấy hay hay thì tôi làm thơ, tôi viết báo, thế thôi, chớ chẳng vì lý do gì hết. Bài báo thứ nhất của tôi đã viết ra hồi Phạm Tất Đắc xuất bản cuốn “Chiêu Hồn Nước”. Bài báo ấy vẻn vẹn có mấy câu đại khái:

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

“Chúng tôi kính biếu quý báo cuốn sách nhỏ này và xin quý báo, nếu tiện, cho đăng mấy dòng sau đây: Sách ‘Chiêu Hồn Nước’ của Phạm Tất Đắc đã có bán ở khắp các hiệu sách, rất hay, rất lâm ly, xin hải nội chư quân tử tìm đọc ngay kẻo hết.”

Các bài đặc biệt ấy dớ dẩn đến thế mà có báo hồi ấy đăng lên thật. Tôi đọc đi đọc lại mãi đến thuộc lòng; chưa đủ; tôi cắt ra dán vào an bom. Và từ đó tôi thấy mình là nhà báo thực sự mà chính tôi không tự biết, cũng như ông Jourdain trong bài kịch “Trưởng giả học làm sang” của Molière nói lên văn xuôi mà không biết mình làm văn xuôi. Tôi mê nghề báo từ lúc đó. Lúc đó báo ra kì có “Nam Phong”, “Hữu Thanh”, toàn bàn về vấn đề xã hội và văn hóa. Người viết báo, nói thực ra là làm văn chớ không phải làm báo. Một cái đoản thiên ngắn bao giờ cũng bắt đầu bằng một đoạn tả cảnh biền ngẫu, kiểu “Tuyết Hồng lệ sử”; còn xã thuyết thì bàn về chữ “tín”, chữ “nghĩa”, và thường là phải bắt đầu bằng câu “Phàm người ta ở trên đời”. Vì thế, người viết báo trước hết phải tập viết văn cho nhịp nhàng, thánh thót.

Làm báo là làm một nghề không có trường, không có thầy. Tôi thích viết báo và muốn làm nghề đó quá, nhưng biết làm sao bây giờ? Không có cách gì hơn là bạ tờ báo nào cũng đọc, bạ cuốn sách truyện nào cũng coi, rồi... học thuộc lòng từng đoạn, kiểu mười bốn, mười lăm tuổi đi chim gái, các chàng trai mới lớn lên mượn mẫu thư tình, cóp lại để vứt vào trong nhà người yêu lý tưởng! Tự nhận mình là nhà báo chính cống, tôi khổ công mài giũa, rèn luyện văn chương con cóc. Thơ và văn xuôi của Tản Đà, Nam Hương, Nhượng Tống, Thi Nham, Đàm Xuyên làm cho tôi bái phục. Học thuộc lòng chưa đủ, tôi còn phải cắt ra dán vào một quyển sách để gối đầu giường.

Đến đây, tôi xin mở một dấu ngoặc.

Lúc còn nhỏ, đi học, tôi không đến nỗi dốt quá, nhưng trí nhớ rất kém, cho nên không thể nào học được về môn toán. Lên đến trung học, giáo sư toán chê, liệt vào ngoại hạng, cho một hột vịt không đủ, phải cho hai hột mới đã. Kịp đến khi lớn hơn một chút, tôi sa đọa, hút xách, rượu chè be bét, trí nhớ lại càng tồi. Rồi đến giai đoạn cai rượu, cai thuốc phiện: trí nhớ tôi hoàn toàn bị “liệt”. Vì thế, coi tập hồi ký này, xin các bạn đừng buộc tôi phải ghi năm tháng, đừng bắt tôi phải nhớ hết các báo chí tôi đã làm mà cũng đừng bắt tôi nhớ hết tên các nhà báo, nhà văn liên hệ. Nhớ được đến đâu, nhớ được cái gì, tôi cứ viết đại ra. Nhưng nói thế không có nghĩa là tôi viết ẩu, viết không có hệ thống.

Mục đích của tôi là thuật lại thật đúng các giai đoạn làm báo nói láo ăn tiền của tôi để nhân đó may ra các bạn có nhận thấy diễn tiến của nghề báo ở nước ta ra thế nào. Thêm nữa, tôi bắt đầu làm báo từ khi người mình còn sống dưới sự đô hộ của Pháp; qua thời kì Nhật vác kiếm lê trên mặt đất, đá Pháp một cú vào mông rồi đuổi đi; đến Việt Minh bí mật; rồi Nhật thua, Việt Minh nắm chính quyền; quân đội Lư Hán tiếp thu rồi quân đội Pháp lại trở về Việt Nam; dân ta kháng chiến... rồi Pháp thua ở Điện Biên Phủ, ký hiệp định Genève chia đất nước làm đôi, con sông Bến Hải chia hai ân tình, vác va ly vào Sài Gòn hầu hạ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, cho tới bây giờ sống nhờ vào quân đội Mỹ “ô kê, salem...” rất có thể cứ thuật lại hết những giai đoạn nói láo của mình, chưa biết chừng mình lại vẽ lại được một giai đoạn lịch sử đau thương, tang tóc đã qua. Nếu quả được như thế thì hay biết mấy.

Bây giờ tôi xin khép ngoặc lại.

Vậy là tôi học thuộc lòng văn của người khác rồi bắt chước tứ văn và cả ý văn của họ để viết bài. Bây giờ, tôi không còn nhớ những bài văn ấy ra sao, chỉ mang máng là ngoài mấy cái truyền đơn in thạch phản đối Pháp bắt Phạm Tất Đắc, tôi có làm một tập thơ đủ các loại: lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn cổ phong, yết hậu... và mấy vở hát cải lương Nam Kì theo kiểu “Bội phu quả báo” ký tên là An Sơn, Thu Tâm Tử... Cố nhiên những tác phẩm ấy không bao giờ được ra đời. Như vậy cũng là một cái hay, bởi vì nếu hồi ấy tôi có phương tiện in thành sách, mà văn khố thư viện còn giữ đến bây giờ, có lẽ chính tôi phải “từ” tôi, vì sao tôi lại có thể liều lĩnh và lố lăng đến thế!

Nhưng lúc đó mình mới có mười hai, mười ba tuổi, có biết thế là lố lăng đâu. Tôi vẫn yên trí là một nhà văn ghê gớm thực sự và có triển vọng đi xa, đi rất xa như Nguyễn Du, Ôn Như Hầu... Nói cách khác, tôi hi vọng một ngày kia thành một “tên tuổi trong nền văn chương quốc tế”. Vì nghĩ như thế, tôi tìm các lý do để hạ các nhà văn tiền bối, mặc dầu tôi vẫn phục. Tôi tìm cách hạ thầm họ ở trong bụng để mình lại đánh lừa mình rằng mình có khả năng tiến xa hơn cả họ, mình sẽ là một “ken coong” chớ không phải chỉ là một nhà văn, nhà báo quèn có vài ngàn người đọc.

CHỮ TÀI, CHỮ TAI

Thế là tôi tưởng tôi có tài. Nếu cứ nghĩ mình có tài là tự nhiên mình có tài thực thì quả là cái tài của tôi liền với cái tai. Chứng cớ là đến đệ ngũ trường Albert Sarraut, về toán, tôi ngu như con bò, đến đệ tứ, đệ tam thì dốt đặc cán thuổng; về vật lý và hóa học, giáo sư nào cũng gớm mặt không buồn kêu lên bảng, vì gọi lên vô ích, tôi không biết một li gì hết. Từ năm thứ sáu, tôi chỉ học ròng về văn chương Pháp, đọc truyện Pháp, anh em trong lớp đọc gì thì bảo nhau tìm đọc và nghiên cứu từng chữ dùng, từng cách kết cấu, từng chi tiết tả cảnh, xuýt xuýt xoa xoa như được thưởng thức một món ăn gì ngon lắm.

Tôi bắt đầu đọc Alexandre Dumas, André Theuriet, Guy de Maupassant, Flaubert... từ hồi đó và nhớ rằng có hai cuốn làm tôi rung cảm nhất là “Les feuilles mortes” của André Theuriet thì do Trần Mai giới thiệu, còn cuốn “Manon Lescaut” thì do Lê Khắc Quyên giới thiệu.

Bây giờ, anh em cũ học Lycée Albert Sarraut tan tác mỗi người một ngả. Joseph Trần Lê, Nguyễn Sĩ Dinh, Bửu Lộc, Bửu Thọ, Nguyễn Văn Chi, Paulus Hiếu, Trần Lệ Xuân (tức là bà Ngô Đình Nhu), Trần Mai, Hoàng Văn Chí, Nguyễn Kim Hồng, Nguyễn Kim Hải, Marie Điện... kẻ thì làm nên, người thì đã chết, có kẻ lại lạc loài sương gió bốn phương, mỗi khi mưa chiều gió sớm, sực nhớ lại thuở anh em cùng chung một mái học đường cũng thấy hiu hiu buồn, không thể nào quên được những kỷ niệm xa xưa.

Tuy nhiên các kỷ niệm về sự học hành, tôi gần như không còn nhớ được gì. Duy có một điều không bao giờ tôi quên được là chính ở vào thời kì đó, giữa một không khí Pháp, bắt buộc phải theo tác phong Pháp, nói tiếng Pháp với nhau (ai nói tiếng Việt mà kiểm soát viên bắt được thì ăn công xinh mệt), chúng tôi, một bọn anh em gồm bốn năm người, đã “xuất bản” một tập báo viết tay đề là “Hồn Nước Nam” để chuyển tay nhau đọc. Lúc đó, chúng tôi quan niệm lạ lắm: báo mà không có xã thuyết thì không phải là báo. Vì thế nguyệt san “Hồn Nước Nam” số nào cũng có một bài xã thuyết như ai, nói những vấn đề rặng đa bà cụ “nước ta văn hiến bốn ngàn năm”, “hùng khí của các bậc anh hùng như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo...” và đến dịp giỗ Hai Bà cũng làm một bài thơ “Vịnh Trưng Vương” thi đua với Hoàng Cao Khải. Tôi làm thư ký tòa soạn của báo. Nghĩ nát óc ra, cũng không biết ngoài bài xã thuyết thì nên có những mục gì, tôi “chế” ra mục thơ và một mục kêu là “Linh tinh beng” đăng những tin tức liên quan đến học sinh người Việt trong trường Pháp, còn bao nhiêu đăng toàn truyện ngắn. Có truyện cóp Guy de Maupassant; có truyện kêu là “Bức tranh xã hội” con nhà giàu viết lăng nhăng về xã hội người nghèo; có truyện buồn cười, anh nào đọc tiếu lâm Pháp thấy hay thì tán rộng ra thành một bài láo lếu.

Anh em đua nhau viết. Tôi làm mặt quan trọng, bỏ cả làm luận và học kịch “Le Cid”, chỉ ngồi đọc văn lai cảo. Nghe thấy mang máng rằng làm thư ký tòa soạn báo thì phải sửa văn người khác, tôi cũng trịnh trọng gạch, xóa, lộn câu đầu xuống đít, lộn câu đít lên đầu, rồi tấm tắc tự cho là bảnh lắm. Kết quả bảnh chẳng thấy đâu, bị ngay bọn ác ôn nó chửi và cấm không được sửa một chữ, “mem” cái phẩy. Tôi tưởng chừng như có ai cho một nhát búa vào đầu, nhưng sau làm ra mặt oai, hừ một cái rồi kết luận: Đó là cái vinh, cái nhục của nghề làm báo!

Bù lại cái đau ấy, tôi được một cái sướng rơn là mục “Linh tinh beng” của tờ “Hồn Nước Nam” lại được anh em tán thưởng. Là vì mục này viết bằng một giọng văn tếu, chửi cứ vong mạng cả lên! Lúc đó, chúng tôi còn trẻ, khí huyết phương cương, bất cứ anh nào bị chọc cũng đều hăng say muốn đấm đá, xin tí gân hay tí huyết. Không hiểu một hôm Trần Mai nói gì, bị một bọn trẻ con Tây lấy tay làm cái “chân mũi” chế anh; chúng tôi viết một cái “pô tanh” huých Trần Mai. Anh này cao lớn, khỏe mạnh, tức sôi lên, chạy ngay ra cái phông ten vục đầu vào nước lạnh, rồi tìm lũ trẻ con Tây sanh sự. Chúng tôi học ban B, chúng học ban A.

Đại diện cho ban A là thằng Wintrebert cao như hộ pháp. Một cuộc đánh giáp lá cà diễn ra sau giờ học. Wintrebert cho Trần Mai “nốc ao”. Anh em tức tưởng chừng hộc máu. Chúng tôi đặc biệt ra một số in thạch kêu gọi anh em “đại đoàn kết” đánh bỏ mẹ Tây đi. Rồi y như những thằng khùng, chúng tôi không biết làm cách gì để tỏ rằng “ta đây không coi Tây ra cái thá gì”, chúng tôi cứ hễ trông thấy Tây là ngáng, chửi và nghĩ cách làm tên tẩm thuốc độc để giết không còn một mống.

Kết quả học trò Tây vẫn sống nhăn mà chỉ có bọn chúng tôi “chết đầu nước”. Sau một cuộc điều tra gay gắt của ông “săng sơ” mập thù lu, tờ báo của chúng tôi bị đóng cửa vô hạn định, còn mấy nhân viên bị đưa lên hội đồng kỷ luật do hiệu trưởng lúc bấy giờ là Loubet chủ tọa. Hội đồng phán quyết đuổi chúng tôi, nhưng sau cho hưởng một đặc ân để kịp thời hối lỗi: cho học thêm sáu tháng nữa; nếu trong thời kì đó, tỏ ra có hạnh kiểm tốt, chăm chỉ học hành thì lại cho học lại.

Thế là mộng làm báo của chúng tôi tan tành. Nhưng thiếu niên nào mà chẳng thế: hách sì sằng. Mấy bạn quá khích của tôi, trả thù, nhất định “bất hợp tác” với học trò Tây. Riêng tôi, tôi chơi trội: không được xuất bản báo viết, tôi xuất bản báo miệng, nói nôm là tôi chửi thề. Chửi bằng tiếng Việt. Gặp thằng Tây con nào cũng chửi. Một hôm, thầy thể thao là Patche bắt tập một môn nằm ép xuống cỏ. Tôi mặc quần dài nằm xuống cỏ ướt bị lấm bê bết, tức mình tôi chửi “Đ... mẹ cha mày!” Vô phúc thằng cha nghe tiếng. Ang chừng nó ăn cơm Việt mòn răng ra rồi, hay là nó lấy vợ lô can thì không rõ, nhưng vừa nghe thấy thế nó trợn mắt, gọi tôi lên “sửa lưng” cho một trận ra gì và trình lên hiệu trưởng. Lần này, tôi yên trí đi đời, nhất định được mời về nhà; nhưng không hiểu trường nó quên, hay là kỉ luật nhà trường lỏng lẻo, tôi chỉ ăn ba công-xinh tô-tan, ba chủ nhật đi đến trường ngồi một mình một chỗ như con cú để “tự phê bình kiểm thảo”.

Sự chán nản bắt đầu từ đó. Nghề báo đã hại tôi. Nhưng kì lắm: nghề báo cũng như nghề “hát nhà trò” ngày trước, hay nghề “bán ba” bây giờ. Nó là cái nghiệp: đã mắc phải nó thì mê, không chịu được. Tôi thích cái nghề báo hại tôi như thế. Tôi sẽ lấy cớ chán nản ấy để trốn học đi lên Hồ Tây, vườn Bách Thảo để đọc văn, đọc báo và “tìm một lối đi cho ngày mai”.

NGHỀ BÁO ĐƯA NGƯỜI TA ĐẾN BẤT CỨ ĐÂU

Trong những dịp suy ngẫm như thế, có một câu thường năng đến với đầu óc tôi: “Nghề báo đưa người ta đến bất cứ đâu, miễn là thoát được nó ra”. Thú thực, lúc đó tôi suy ngẫm rất nhiều mà vẫn không hiểu thấu tư tưởng ấy. Đưa đến đâu? Tôi không biết nghề báo đưa người ta đến đâu hết. Riêng tôi, tôi chỉ thấy nó đưa tôi đến chỗ chán chường, bỏ học bỏ hành, đi nói dối cha về nhà nói dối chú. Là tại thế này: ở trường Albert Sarraut, học trò có thể cứ tự động nghỉ, không cần xin phép trước. Vài hôm sau đi học, chỉ cần biên một lá thư, ký tên bố mẹ rồi trình cho “săng sơ” là được. Thấy ngon như thế, mỗi tháng tôi lại nghỉ một hai lần, và mỗi lần nghỉ xong lại làm một đơn, ký tên bố mẹ, nói là “con tôi ốm”.

“Nghề báo đưa người ta đến bất cứ đâu”. Thì quả như thế thật: nghề báo đưa tôi đến chỗ trốn học, nói dối, nhưng chưa đủ; nó còn đưa tôi đi xa hơn nữa. Nguyên hồi ấy biến động ở Yên Bái diễn ra thất lợi, Tây bắt giữ các nhà ái quốc và đầy ải nhiều thanh niên. Một sự chán chường mông mênh tràn lan trên đất nước. Cũng như ai, tôi mắc phải cái bệnh của thời đại, nghĩa là tự cho mình “sinh bất phùng thời”.

Nhà tôi là nhà bán sách và buôn giấy. Vì giao thiệp với Pháp, mẹ tôi nuôi cái mộng là tôi thi đỗ Tú tài, rồi nhờ một hai người Pháp quen thuộc nhận làm con nuôi đưa sang học thuốc ở Ba Lê. Tội nghiệp, chính mẹ tôi không nhận biết tôi đã chớm nghiện và tiếng là đi học chớ tôi vẫn trốn đi chơi. Thảng hoặc có đến lớp thì thể xác ngồi đó mà hồn thì phiêu diêu tận đâu đâu: tôi nghĩ đến cuốn “Cours de journalisme par correspondance” và nung nấu một kịch ngắn hay một tiểu thuyết viết cho báo An Nam Tạp Chí của Nguyễn Khắc Hiếu (bí danh Tản Đà Nguyễn Khặc Khừ). Nói đến quá trình báo chí ở Bắc Việt, theo tôi, các nhà văn lão thành như Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Đỗ Mục, Đinh Gia Thuyết, Phạm Duy Tốn, Nhượng Tống... đều có công đóng góp rất lớn lao, nhưng phải đợi đến lúc Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh bút chiến về vấn đề lập hiến thì ta mới thấy một thứ nhựa mới làm cho làng báo mạnh hơn lên. Tuy nhiên, mạnh không có nghĩa là tiến bộ. Tôi còn nhớ lúc đó báo hàng ngày có ba tờ: Thực Nghiệp của ông Mai Du Lân, Trung Bắc của ông Nguyễn Văn Vĩnh và Khai Hóa của ông Bạch Thái Bưởi. Tin tức do Sở Cẩm Hàng Đậu và Hàng Trống cung cấp, còn xã thuyết thì Trung Bắc bao giờ cũng kết luận: “Quốc dân đồng bào nghĩ sao?” Ông Đỗ Thận, râu một đống, viết xã thuyết cho báo Khai Hóa, cứ tết mồng năm thì có một bài xã thuyết mồng 5 tháng 5, tết Nguyên Đán thì không bao giờ thay đổi, mở đầu bài xã thuyết bằng hai câu (có dấu than): “Tết đến rồi! Tết đến rồi!” Còn ông Mai Du Lân thì mặc cho Trúc Khê Ngô Văn Triện và cụ cử Mai Đăng Đệ viết gì thì viết, việc chính của chủ báo là nhận đồ về in, lấy tiền ăn chắc hơn là bán báo.

Tôi đọc Hữu Thanh, Nam Phong và các báo hàng ngày không ham mấy, nhưng đọc đều đều để xem có tiểu thuyết nào hay thì học thuộc mấy câu mở đầu “biền ngẫu”. Phải đợi đến lúc lên “sơ gông” ở trường, tôi mới thật thích nghề viết báo. Nhà báo tôi gặp đầu tiên là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Những bài tôi viết ở An Nam Tạp Chí là những tư tưởng của một ông cụ non, may đã tam sao thất bản rồi, chớ không mà phải đọc lại thì xấu hổ mà chết mất. Tôi nói: “thích nghề viết báo.” Chớ thực ra thì chưa ham viết.

Tôi còn nhớ rõ ràng tôi bắt đầu ham viết báo là kể từ ngày các ông Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Vũ Đình Chí làm tờ Ngọ Báo của ông Bùi Xuân Học. Cho đến bây giờ và mãi mãi tôi vẫn nhận rằng Hoàng Tích Chu đã làm được một kì tích: viết Nam Phong ký tên Kế Thương, đọc chán như cơm nếp nát, thế mà đi Pháp mấy năm về, làm được một phát rất “trì” là làm sôi động cả ngành báo chí, đem lại cho tờ báo một bộ mặt mới, một hơi thở mới, một sinh lực mới. Ngọ Báo một xu bán chạy không chê được. Đọc không bỏ một chữ. Văn hay không chịu được, cái lớp tiểu yêu như tôi lúc đó đều công nhận như thế, nhưng các ông lớn tuổi thì dường như không tán thành.

PHONG TRÀO ĐÔNG TÂY

Nhưng thời gian đem tiến bộ đến cho người ta sức mấy mà chờ đợi những người ngồi bình luận suông. Ông phản đối ư? Thì xin mời ông hành động. Chỉ “tri” mà không “hành” như Vương Dương Minh đã nói, thì... tiêu! Làn sóng Hoàng Tích Chu và tập đoàn đánh ào các bố già đi, không có gì lạ hết. Và người ta sẽ không lạ là một khi cao trào đã phát khởi rồi thì chỉ có tiến mà không có lùi, chỉ có lên mà không có xuống.

Tôi không thể tả được sự khâm phục của tôi lúc thấy ở các bức tường đầu Hàng Trống, Hàng Bông dán những bức quảng cáo to bằng cái chiếu vẽ một ông quỳ xuống đội quả địa cầu ở trên vai. Mới quá, cao cấp quá! Báo Đông Tây của Hoàng Tích Chu ra đời, sau khi ly khai với cụ Bùi Xuân Thành, thân phụ ông Bùi Xuân Học. Phải nói rằng bốn mươi năm đã trôi qua, tôi chưa thấy có một quảng cáo nào làm cho tôi say mê như thế, hấp dẫn như thế, kể cả những tờ báo bây giờ có nhiều phương tiện mà cũng có nhiều tiền hơn tờ Đông Tây!

Tôi còn nhớ có chiều đi học về, đỗ xe đạp lại, tôi đứng xem từng nét vẽ cái ông Atlas ôm quả địa cầu và quả thực tôi đã đợi từng ngày để mua Đông Tây số 1. Phải nói thực: đẹp thì tờ báo có đẹp thực, nhưng bài ít quá, và không có gì xuất sắc, trừ vài câu thơ in ở những chỗ thiếu bài như:“trên chiếc ô tô con chó ngồi - dưới cái xe bò thằng người lôi”... Chính lúc này, bọn người “nghịch” với Hoàng Tích Chu mới đưa ra luận điệu tấn công: “Chu học dở chết đi, rỗng như đít bụt” hay “Chu thì chữ nho một vốc, chữ Tây ba xí ba tu chớ có xôm gì!”.

Muốn nói gì, mặc; người ta vẫn theo đọc Đông Tây và đến lúc ra hàng tuần (khổ báo 60x80), rồi từ hàng tuần ra hàng ngày (khổ báo như tờ Monde bây giờ) hầu hết đều nhận thấy Đông Tây là tờ báo số dách ở Hà thành. Ngoài mục “Chuyện đâu” của Văn Tôi mà lúc đó tôi coi là “siêu văn nghệ”, tôi còn nhớ mãi mấy cái truyện ngắn mà tôi lấy làm kiểu mẫu viết văn, như “Gò Cô Mít” của Hoàng Ngọc Phách (ký tên là Hoàng Tung) truyện “Trương Chi” của Phùng Tất Đắc, kể lại câu chuyện cũ anh lái đò mê con quan thừa tướng, lúc chết, nhập hồn vào một cây bạch đàn, và truyện “Bích Mã Lương” (cũng của Phùng Tất Đắc) nhắc lại chuyện nhà nghệ sĩ mê chính bức tượng mà mình đã tạo ra...

Đọc những truyện đó, tôi thán phục các tác giả, rồi từ đó, tôi coi tất cả những người nào đã cộng tác, đã giao du với Hoàng Tích Chu đều là những bậc tài ba lỗi lạc, và có nhiều lúc tôi mơ ước nếu được “biết” các vị này, có một bài đăng lên báo cùng với họ thì “bô” hết sức. Thèm quá đâm ra liều. Một ngày mùa thu của một năm mà bây giờ tôi cũng không còn nhớ nữa, người học trò dốt toán nhứt Lýt Sê là tôi đã đánh liều gửi ba truyện ngắn đến cho báo Đông Tây, yêu cầu “phủ chính” và “nếu có thể được thì đăng tải”.

Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng tôi đã may hết sức, là vì bài của tôi gửi đến nhà báo lại được nhà báo vui lòng giở ra để đọc. Tôi nói “may” là vì sau này vào hẳn nghề rồi, làm chủ bút, thư ký tòa soạn cho nhiều tuần báo và nhựt báo, tôi biết có nhiều bài vở, truyện tích rất hay của bạn đọc gửi tới mà không được chủ nhiệm, chủ bút mó tới hay mở ra coi, hoặc coi sơ sơ rồi bỏ, làm cho phí mất bao nhiêu mầm non, có nhiều hi vọng nẩy nở sau này. Tôi may là vì ba truyện của tôi gửi lại, được ông chủ bút báo Đông Tây lúc đó là Phùng Tất Đắc lưu ý sửa chữa và cho đăng tải (vào đúng chỗ đã đăng truyện “Gò Cô Mít” của Hoàng Tùng). Truyện thứ nhất của tôi đăng Đông Tây là truyện “Con Ngựa Già” mà ông Phùng Tất Đắc cho đặt dưới một tít-ruy-bờ rích làBút Mới”. Được sự khuyến khích vô giá đó, tôi biếng học; hết ngày ấy sang ngày khác, chỉ lo viết “Bút Mới”. Rồi, để mở rộng phạm vi, tôi lại đề nghị mở thêm một mục mới ở trang nhất: mục “Cuốn film” vẽ lại những nhân vật thời đại như “ông Phòng Phành”, “ông Tò Toe”.

Khỏi phải nói, được đứng tên bên cạnh các bậc đàn anh, tôi “vây” hết chỗ nói, nhưng hãnh diện nhất cho tôi, ấy là ngày tôi nhận được một cái thiếp của Hoàng Tích Chu mời tôi đến tòa báo ở phố Nhà Thờ nói chuyện.