Bốn Mươi Năm Nói Láo - Phần IV - Chương 6

ĐÀN ÁP PHẬT GIAO: BÁO GIỚI KHÔNG HO HE MỘT TIẾNG

Hai năm 1962 và 1963 là hai năm xui xẻo nhất của Ngô Đình Diệm. Dinh Độc Lập bị hai phi cơ Việt Nam ném bom và bắn phá làm hư phía tay trái, gây tổn thất nặng cho tư thất của cố vấn Ngô Đình Nhu, và phòng giấy của bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần. Trong khi bộ Ngoại giao Hoa Kì vẫn gia công tuyên bố tình hình Việt Nam vẫn vững; trong khi nhà Ngô làm ra bộ phớt tỉnh và tiếp tục đàn áp các nhà ái quốc tiến bộ, thì kinh tế trong nước bắt đầu suy sụp: gạo tăng giá, thịt heo khan tăng từ 30 lên 50 đồng một ký mỡ, từ 60 lên 90 đồng một ký nạc, dân chúng bắt đầu thấy reo neo; nhưng toàn dân, không phân biệt giai cấp, phải góp tiền để tái thiết dinh Độc Lập. Số Kiến Thiết từ 1.600.000 in tăng lên 3 triệu.

Báo chí không lúc nào ngưng suy tôn Ngô tổng thống. Mọi việc đều trơn tru, êm đẹp. Nếu không có Ngô tổng thống thì toàn dân chết không còn một mống. Muôn năm, muôn năm. Hơn 300 căn nhà cháy ở Xóm Chiếu; 100 nóc nhà khác bị kéo sập; không ngày nào không bắt được những tên châm lửa đốt nhà. Một ngàn rưỡi căn nhà cháy rụi ở đường Trần Quốc Toản; 30 nhà khác ra tro ở đường Trương Minh Giảng; lại ba vụ khác nữa gây thiệt hại không nhỏ ở Khánh Hội; đó cũng là nhờ ơn đức của Ngô Đình Diệm nữa. Muôn năm, muôn năm. Nhưng báo chí bắt đầu tăng cường muôn năm, muôn năm Ngô Đình Diệm dữ dội nhất từ lúc cảnh sát hạ cờ Phật giáo ở Huế nhân ngày Phật Đản, các lực lượng an ninh giải tán các cuộc tụ họp của Phật giáo ở Huế cũng như ở Sài Gòn.

Một phái đoàn gồm sáu thượng tọa và đại đức yết kiến Ngô Đình Diệm đưa ra năm nguyện vọng: bãi bỏ lịnh cấm treo cờ Phật giáo; cho Phật giáo hưởng chế độ ngang hàng với các hội truyền giáo Thiên chúa; chấm dứt khủng bố và bắt bớ phật tử; để tăng ni và phật tử tự do truyền đạo và hành đạo; bồi thường cho các gia đình nạn nhân và trừng trị những nhân viên có lỗi làm đổ máu.

Cuộc tranh chấp bắt đầu găng từ đó. Nay, phật tử biểu tình ở Huế. Có xô xát. Một số lớn bị thương. Mai, phật tử biểu tình ở Sài Gòn. Hơi cay xịt ra tứ tung làm cho dân chúng sưng cả mắt. Mốt, ruồng bắt các chùa chiền, cảnh sát cho biết là bắt được nhiều lựu đạn và súng ống. Thế rồi, trước một số đông tăng ni, tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng, Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu bằng dầu xăng. Cả thế giới rung động. Có nhiều người khóc. Lòng căm thù oán trách Ngô Đình Diệm bay cao thấu trời. Việt Nam Cộng Hòa, như nhà có tang, một mặt phải lo chống Cộng, một mặt phải đối phó với cao trào Phật giáo mỗi ngày một găng hơn: Ngô Đình Diệm gửi thông điệp kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Paulus Hiếu - cũng nhận là họ Ngô thề bán sống bán chết không tuyên bố điều gì vu khống hay công kích Phật giáo; Nguyễn Ngọc Thơ mời Hòa thượng Thích Tịnh Khiết tới họp với Ủy ban liên độ, nhưng tất cả đều vô ích.

Tăng ni biểu tình trước nhà đại sứ Hoa Kì, Phật tử, đại đức thi đua tự thiêu ở khắp nơi. Sự công phẫn tràn lan khắp nước. Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ bù đầu - tuy đầu hói - về việc lập ủy ban hỗn hợp để thi hành thông cáo chung. Bà Ngô Đình Nhu chửi bố là Trần Văn Chương, vì đại sứ Chương đã trách bà “thiếu lễ độ” đối với Phật giáo. Lịnh giới nghiêm được ban hành. Các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Kì Viên Tự bị khám xét. Máu của Phật tử đổ khắp nơi. Hội Đồng Chính Phủ họp lúc gần sáng. Sài Gòn và Gia Định cũng thi hành lịnh giới nghiêm, cấm đi lại ban đêm từ 9 giờ đến 5 giờ sáng. Nhà họ Ngô khát máu tiếp tục thi hành chính sách cường hào ác bá, giết kì hết những người phản đối họ. Trong khi đó thì có tin Việt Cộng sắp tràn ngập thủ đô, Ngô Đình Diệm đặt thiếu tướng Tôn Thất Đính làm tổng trấn Sài Gòn - Gia Định và giao cho quân đội bảo vệ an ninh, trật tự, phật tử nào biểu tình, trí thức nào chống đối cho phơ tuốt. May cho bố bà Nhu là Trần Văn Chương không bị phơ, mà chỉ bị chấm dứt nhiệm vụ đại sứ thôi.

Trong suốt một thời gian kéo dài từ tháng 5 năm 1963 cho đến tháng 11 cùng năm đó, tràn đầy máu lửa và nước mắt, tàn sát phật tử không khác gì phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong thế chiến thứ nhì, không có một tờ báo chánh thức nào dám ho he một lời can ngăn - chớ đừng nói cảnh cáo hay đả kích - Ngô Đình Diệm và gia đình ông ta. Được lịnh của cố vấn Ngô Đình Nhu, Tổng giám đốc Thông Tin mỗi ngày ra một chỉ thị cho các báo. Báo nào báo nấy theo răm rắp, nhưng cũng chưa yên; đến lúc đưa kiểm duyệt, lại thay đổi ý kiến, có tin cấm lại cho ra, có tin không nói đến, tới giờ cuối cùng lại cấm. Báo nào báo nấy cứ điên lên, không biết phải làm ăn ra thế nào. Lúc ấy, tôi là tổng thư ký của nhựt báo “Báo Mới” do Huỳnh Văn Phẩm đứng ra làm, mà măng xét thì của Văn Giang. Lúc chưa ra, báo này nhằm làm việc về ấp chiến lược, mở một mục đặc biệt về ấp, vì Nhu cho đó là quốc sách, bao nhiêu tiền đổ dồn cả về việc xây dựng ấp. Tiền tái thiết dinh Độc Lập thu được 19 triệu, thì bỏ vào ấp chiến lược 10 triệu, quỹ chống Cộng thu được 30 triệu, đem dùng hết cả vào việc ấp. Dù đã được chỉ thị riêng rồi, “Báo Mới” cũng bị xóa lên xóa xuống vì những tin Phật giáo, nói xấu chính phủ không được mà nói tốt cũng không được nữa. Rút cục, người làm báo phải tự hỏi không biết nhà Ngô muốn gì, muốn sống hay muốn tự tử. Lập ra ủy ban liên bộ, ủy ban liên phái, ra thông cáo chung, cấm đăng; Thượng tọa Thích Thiện Minh gửi thư cho Ngô Đình Diệm vì thông cáo chung chưa được thi hành, cấm đăng; nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam uống thuốc ngủ tự tử để phản đối chính sách độc tài, đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm, cấm đăng; tăng ni và phật tử biểu tình ở trước nhà đại sứ Hoa Kỳ, trước chùa Giác Minh, bị đánh đập tàn nhẫn, bị bắn, bị giết, bị giam, lại có nơi bị xe tăng nghiền nát ra, cấm đăng; ni cô Diệu Quang, đại đức Thích Tiêu Diêu, Thích Quang Hương, Thích Thanh Tuệ và hàng trăm đại đức, ni cô khác tự thiêu hoặc bị đâm, chém, bắt cóc mang đi mất xác, cấm đăng. Về sau, thông bạch của nhà chùa gửi đến báo (đăng trả tiền) mời phật tử đến chùa lễ Phật, kiểm duyệt cũng bắt phải bỏ; bộ trưởng Vũ Văn Mẫu xuống tóc, bỏ; phái đoàn tăng ni và báo giới tới thăm Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, bỏ; sinh viên, học sinh biểu tình ở chợ Bến Thành, Quách Thị Trang bị bắn nát đầu, 1.300 người bị trói giật cánh khuỷu, đưa xuống trại huấn luyện Quang Trung, bỏ luôn. Có tin ở ngoài phố Ngô Đình Nhu muốn điên, chích nha phiến trắng cả ngày đêm trong khi vợ gia công gia sức hiệu triệu Phụ Nữ Bán Quân Sự khóa III và lên án những vụ tranh đấu về tôn giáo: báo chí tuyệt đối không được nói tới như: ảnh Ngô Đình Diệm bị tháo gỡ ở vài nơi công sở và thay bằng ảnh cố vấn Tổng lãnh tụ Thanh Niên Cộng Hòa; Nhu sắp đảo chính, lên cầm quyền để thi hành một chánh sách độc tài đanh thép hơn; bà Nhu tới La Mã bị nhiều người đón đường phản đối, qua Balê bị ném trứng thối vào đầu, qua Hoa Kì diễn thuyết phủ nhận sự đàn áp Phật Giáo, không được Tổng thống Kennedy tiếp kiến; Trần Văn Chương công kích chính sách Ngô Đình Diệm; Diệm Nhu tung tin sẽ phá tòa đại sứ Mỹ, ám sát nhân viên ngoại giao Mỹ và cả đại sứ Cabot Lodge.

Tất cả những tin tức liên quan đến vấn đề tàn sát phật tử, đàn áp Phật giáo, kể cả những mánh lới bỉ ổi mà vợ chồng Nhu đưa ra để “mua” phái đoàn điều tra về vụ Phật giáo do Liên Hiệp Quốc cử sang, nhà báo có thể đem ra viết mười năm không hết, khả dĩ làm cho thế giới biết suy nghĩ phải khóc ròng trước những khổ ải đắng cay của dân tộc Việt Nam, nhưng rút cục không có một tờ báo chính thức nào dám viết, vì Nhu, Diệm và tất cả các tay sai của họ lúc nào cũng sẵn sàng cho nhà báo phản đối xuống hầm kín hay bắn một phát vào đầu, cán xe hơi, bịt mắt đem đi rồi đâm hàng trăm nhát, chất thành một đống, cho xuống bè thả ra sông. Nhưng...

Nhưng, hỡi các người vẫn kêu nhà báo là những kẻ nói láo ăn tiền! Những người mạt sát ký giả, phóng viên, trợ bút báo chí là đồ ăn hại đái nát! Những người từng chửi người miền Nam Việt Nam ngu dốt, không điều hành nổi một tờ báo! Các ông chớ vội mừng! Không có tờ báo nào lên tiếng chống đối hay hiệu triệu toàn dân nổi lên chống độc tài, các ông đừng tưởng là họ nhát, chỉ biết đấu võ mồm, chỉ ăn hại đái nát hay là tại họ là đồ chết dẫm. Họ nuốt căm thù, im lặng chỉ vì họ “biết” hơn nhiều người khác: họ biết sứ mạng của họ, nhưng họ cũng biết thời cơ; họ biết phải làm gì, nhưng biết rằng phải hành động sáng suốt, không thể như những con thiêu thân cứ va vào lửa đỏ để mà chết oan chết uổng; họ biết là phải tiêu diệt độc tài, cũng như đã tiêu diệt phát xít, nhưng lại biết lượng sức mình với sức người, lùi bước khi cần và nhảy vọt khi thời cơ tới... Mà lúc ấy thì chưa có cách gì lấy ngòi bút - và chỉ có ngòi bút không thôi - để công khai vạch tội nhà Ngô, vì tuy rằng Ngô gia liều quá mất khôn, nhưng ít ra ba bốn lực lượng núp ở đàng sau vẫn ủng hộ Ngô gia để làm tròn những nhiệm vụ mà họ tự dành cho họ!

Phải, nhà báo là những người nói láo ăn tiền thực đấy, nhưng mà họ không trốn sứ mạng của họ lúc cần; họ nghèo nhưng hiên ngang nhìn thẳng vào các thử thách mà không sợ hãi; họ nhịn nhục mọi thứ ở đời để ngấm ngầm tranh thủ một thứ quý nhất ở đời này là tự do không phải cho bản thân họ, nhưng cho đồng bào của họ, mặc dầu không ai biết họ là ai, không ai biết họ là gì và mặc dầu có bao nhiêu người vẫn mạt sát họ, khinh khi họ, bởi vì họ có cần ai biết họ đâu! Bởi vì họ có cần ai biết họ sướng, khổ, sống, chết, no, đói, rách, lành đâu!

Xã hội ta lúc đó y như thể nước đại dương: bên trên thì êm ả, nhưng sóng ngầm bủa giăng ở dưới. Trong khi dân chúng rên siết trong máu lửa và nước mắt; trong khi bọn Nhu Diệm giết hết, đốt hết những cái gì liên quan đến Phật giáo; trong khi bọn tay sai của Nhu Diệm thừa nước đục thả câu, ăn cướp công khai cả vật chất lẫn tinh thần người dân, thì chính ở bên trong các báo chính thức xuất bản, và cả ở ngoài làng báo, một số lớn bọn người “nói láo ăn tiền” vẫn bí mật hoạt động chống Nhu Diệm và kết hợp các từng lớp nhân dân để chờ một ngày quyết định. Mà khí giới của họ vẫn là ngòi bút! Ngòi bút cùn, nhưng có tác động vô song là động viên được tinh thần bất khuất của người Việt Nam đúng giờ, đúng khắc thì vươn lên, không sợ chết, không sợ gian khổ, không sợ võ khí tối tân và khoa học nhất.

Hòa mình với phật tử, sinh viên, học sinh, các người “nói láo ăn tiền” đó không uống uýt ky nhưng uống nước lạnh, không ở nhà lầu nhưng chui vào những ổ chuột, không ăn đồ ăn Pháp nhưng ăn cơm nguội, muối mè và nhiều khi nhịn đói để làm báo lậu, những truyền đơn, những cuốn sách bỏ túi để phát đi trong quảng đại quần chúng, hô hào dân chúng nổi lên chống độc tài, áp bức, tranh thủ tự do, dân chủ thực sự. Ông lái buôn no đủ, ông bộ trưởng, giám đốc thừa tiêu, ông tích trữ đầu cơ, có mèo, chó, vợ con phè phỡn, một hôm, tự nhiên thấy người làm bưu điện gửi tới một bao thư: giở ra coi thì là báo lậu. Có khi báo lậu, truyền đơn, sách bỏ túi, chui qua kẽ cửa vào trong nhà cô nữ sinh; có khi ông công chức đến sở vừa mở hộc bàn ra để lấy sổ sách ra làm việc thì đã thấy lù lù một tập, lại cũng có khi đi nhận hàng ở máy bay về, mở hộp ra thì đã có một đống truyền đơn báo lậu. Mật vụ Dương Văn Hiếu, quả đã trải một thời gian điêu đứng, bắt “phiến loạn” không thể nào xuể: chưa xong bọn này đã đến bọn kia thóa mạ và kêu gọi lật Ngô Đình Diệm để mau chấm dứt Phật nạn và chận đứng cuộc tàn sát dã man, vô đạo.

Tôi không biết có bao nhiêu báo lậu, truyền đơn, sách bỏ túi tung ra thời ấy, nhưng tôi nhớ trong số đó có mấy tờ viết vô cùng thống thiết: đó là tờ “Vạc Dầu”, tờ “Nhị Thập Bát Tú”, tờ “Tin Tức Phật Giáo”, còn sách thì phổ biến rộng rãi nhất là loại “Những Vấn Đề Cấp Thiết” xuất bản “vào giờ giới nghiêm”. Vì nghề nghiệp, tôi được biết một vài người bạn trẻ đứng ra làm những tờ báo đó. Phần nhiều những báo ấy viết bài ở một chỗ, thâu thập để sửa chữa ở một chỗ, chia nhau đánh máy ở nhiều chỗ khác nhau rồi đem quay ronéo ở những chỗ thay đổi luôn luôn, không bọn nào biết bọn nào. Cố nhiên làm báo như thế thì không hòng có một xu dính túi, nhiều khi lại phải bỏ tiền của mình ra là khác; nhưng các ký giả, sinh viên, học sinh, phật tử làm việc say sưa, mê mệt, làm việc như điên, người thường trông thấy phát ớn lên, vì không hiểu tại sao con người lại có thể có sức sống tuyệt vời đến thế. Có một ký giả người Pháp được giải nhất cuộc thi phóng sự “Politzer” viết về chiến tranh ở Việt Nam, thuật lại một cuộc ném bom tại một làng kia ở miền Nam nước Việt. Bom giội xuống hàng vạn tấn làm cho người dân không kịp chạy, ngồi đâu chết nguyên ở đấy: có bà cụ đương nằm võng ẵm cháu, chết mà tay vẫn ẵm thằng nhỏ; chỗ khác, có hai em bé chơi với một con mèo mới đẻ chết gục lên nhau, một đứa băng mất đầu, một đứa lòi ruột; còn chung quanh thì máu thịt bầy nhầy, hôi thối chất đống lên, tung tóe, văng lên cao, dính vào gạch ngói, lọt vào các hang hốc làm cho một nhiếp ảnh viên người Nhật vừa quay phim, vừa ròng ròng nước mắt, vừa ói mửa - không phải ói mửa vì máu thịt hôi thối, nhưng ói mửa lên sự tàn ác của những võ khí giết người...

Tôi cũng được chứng kiến một vài cảnh tương tự. Giữa sự sôi sục của nhà Ngô, vang lên tiếng oán than của những cô hồn đêm đêm lê những bộ xương cóc ca cóc cách về đòi Ngô gia thường mạng; giữa những tiếng khóc thê thảm của trăm họ, mất chồng mất con vì bị bắt cóc, vì bị bắn nát xác ra, vì bị xe tăng nghiến nát bét ra như tờ giấy, xen vào những tiếng hò reo của quỷ Lucifer đắc chí vì tưởng là thành công, tôi đã thấy những ký giả chong một ngọn đèn dầu, ánh sáng chỉ bằng hạt đậu, vừa viết truyền đơn, báo lậu, vừa chảy nước mắt ròng ròng, chảy nước mắt không phải vì hèn, vì yếu, nhưng vì uất hận trăm đường ngàn nỗi, nhất là uất vì sao lại có thể có thứ người kì thị tôn giáo đến có thể tàn sát đồng bào như tàn sát trâu chó, mà lại có thể có thứ người vô đạo, bạc ác, đến ủng hộ loại người nói trên và xúi giục chúng tàn ác thêm nữa, thêm nhiều nữa...

Nhưng Phật nạn không phải chỉ có lần này là lần chót. Sau khi cách mạng lên hương, hết đảo chánh này đến chỉnh lý khác, Phật còn lâm nạn nữa và Phật giáo càng bị đàn áp thì phong trào chống đối càng hăng: phật tử lại chết, máu lại chảy, thịt lại rơi, tiếng khóc miền Trung chưa dứt thì tiếng kêu thương của miền Nam lại vang lên khắp nước, đâu đâu cũng chỉ thấy khăn tang - không phải vì nước ngoài giết chóc mình nhưng lại chính người mình giết người mình chỉ vì người ta không ưa Phật giáo. Đến giai đoạn này, báo mật mới đạt tới hồi cực thịnh. Báo chính thức không được phép nói thì các báo mật lên tiếng, thay thế rủa xả những hành động tàn ác của những kẻ thù Phật giáo làm tay sai cho bọn ngoại lai. Thị trường báo chí tràn ngập những tờ báo nhỏ, in ronéo, xấu xí, có khi lem nhem đọc không rõ chữ, nhưng được người ta giành đọc như đọc “Cứu Quốc” lúc Việt Minh một mặt chống Nhật, một mặt chống Pháp, hoạt động bí mật để chờ ngày khởi nghĩa. Lúc đó, có mấy tờ đáng kể: “Sinh Viên”, “Cứu Nạn” và “Lập Trường”, nhất là tờ “Lập Trường” thì quả đã phá kỷ lục báo mật dưới chính thể Cộng hòa... Báo này vừa phát không, vừa bán, bán chạy đến nỗi người ta tìm mua gấp năm, gấp sáu giá đề trên mặt báo mà cũng không mua được, thế rồi phải mướn mà đọc, trả mỗi lần năm chục, một trăm đồng, xem xong trả lại để cho người khác đọc. Lúc đó, phe cách mạng cầm quyền bính, trăm công ngàn việc không biết đàng nào mà đối phó. Mật vụ, dĩ độc trị độc, cũng bí mật cho ra hai tờ “Cảnh Tỉnh” và tờ “Cứu Khổ” để chống lại “Lập Trường”, nhưng rút cục, chẳng ai buồn đọc, nên ra được vài số thì thôi, để đổi chiến lược, là cho tiền mấy tờ báo chính thức, có tiếng là chạy, để đả kích nhóm “Lập Trường” và bôi xấu mấy ký giả trí thức mà họ nghi là cầm đầu nhóm ấy, như Lê Tuyên, Tôn Thất Hạnh, Cao Văn Thuấn...