Putin - Từ trung tá KGB đến Tổng thống Liên Bang Nga - Chương 06 - Phần 1

NỔI DANH TRÊN CHÍNH TRƯỜNG - TỪ SAINT PETERSBURG ĐẾN MÁTXCƠVA

Một quân nhân chuyển ngành có thể nhanh chóng nổi tiếng ở Saint Petersburg, là Chủ tịch Uỷ ban quan hệ đối ngoại của thành phố, Phó Thị truởng thứ nhất, Putin có quan hệ thế nào với Thị trưởng. Tại sao sau khi Sovchak thất bại trong cuộc tranh cử thị trưởng. Putin lại từ chối hợp tác với thị trưởng mới, thà “về vườn đuổi gà”? Trong lúc nguy nan tại sao Tshubai lại ra sức tiến cử Putin làm Phó Cục trưởng Cục quản lý sự vụ Tổng thống? Tại sao ba năm ở Mátxcơva Putin được thăng liền bốn cấp lên đến chức Bí thư Hội đồng An ninh Liên bang Nga? Năng lực ư? Ô dù ư? Hay là sự lựa chọn của lịch sử?

Sự cân nhắc của ân sư

Từ nước Đức trở về, Putin nhập luôn vào phái cải cách ở Saint Petersburg quê hương. Trong đời sống chính trị của ông, có ba người đóng vai trò hết sức quan trọng, đó là: Sovchak, Tshubai và Yelsin. Ở trong những thời kỳ quan trọng nhất trong cuộc đời Putin, họ đã giúp đỡ có tính chất quan trọng đối với Putin.

Dẫn dắt Putin bước vào chính trường là Sovchak. Ông ta là người ủng hộ kiên định “Tư duy mới” của Gorbachov, cũng là nhân sĩ phái dân chủ nổi tiếng của Liên Xô ở thời kỳ cuối những năm tám mươi đến thời kỳ đầu những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi. Nơi đầu tiên kết nối số mệnh của họ với nhau là phố số 4 trên đảo Vaxiliepxki Khoa Luật Đại họcLeningrad. Giữa những năm bảy mươi, giáo sư Sovchak phụ trách giảng bài cho sinh viên Khoa Luật, Putin đã được nghe ông giảng bài. Nhưng họ thật sự quan hệ mật thiết với nhau là cuối những năm bảy mươi. Nghe nói Mekhuriev hiệu trưởng Đại học Leningrad, đã tiến cử Putin với Sovchak.

Putin thừa nhận, việc chọn đề mục cho luận án tốt nghiệp đại học của mình là theo gợi ý của Sovchak, lúc đó ông ta là Giáo sư chỉ đạo môn học và là thầy hướng dẫn bảo vệ luận án tốt nghiệp của Putin. Lúc đó, Putin muốn viết luận án “Tư pháp quốc tế mà tôi hiểu biết nhất", thậm chí còn chủ động nói với hiệu trưởng về suy nghĩ đó của mình. Nhưng về sau theo lời khuyên của Sovchak, Putin không viết luận án đó nữa mà đổi sang “Nguyên tắc tối huệ quốc trong luật quốc tế”, và đạt ưu tú. Vị chủ nhiệm khoa thời đó khi trả lời phỏng vấn của phóng viên có nói, năm đó Putin chọn vấn đề nhạy cảm “Nguyên tắc tối huệ quốc trong Luật quốc tế” làm đề tài cho luận án tốt nghiệp, bản thân việc chọn đề đã chứng tỏ Putin có đầu óc suy luận, dám đi sâu nghiên cứu. Phải nhớ rằng, Liên Xô những năm bảy mươi, tư tưởng bị phóng bế, quan niệm bảo thủ, vấn đề dân tộc không được nhà cầm quyền coi trọng đúng mực, mà trong luận án tốt nghiệp của mình Putin lại mạnh dạn nêu lên quan điểm bình đẳng tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc.

Thời gian mười năm sau đó, Putin đã không phụ sự tiến bộ đó, ông luôn như hình với bóng cùng Sovchak không những trong những trường hợp chính thức mà còn theo Sovchak tham dự các hoạt động như buổi biểu diễn ca hát của Ala Pugachova. Trong lúc rỗi rãi Putin cũng rất thích xem biểu diễn ở nhà hát ở Malinxki.

Putin sau khi trút bộ quân phục trở về Saint Petersburg tìm được việc làm trợ lý Hiệu trưởng ở Đại học Saint Petersburg, phụ trách công tác ngoại vụ. Lúc đó, để cải thiện tình trạng tài chính, nhà trường có mở một số xí nghiệp hợp doanh, để quản lý những xí nghiệp đó, Putin thường phải chạy khắp nơi. Tuy bận rộn với rất nhiều việc vụn vặt, nhưng ông lại được rèn luyện trong môi trường kinh tế thị trường hiện thực. Putin đã làm chức vụ này một năm rưỡi. Nhưng đó chỉ là cái vỏ bọc ngoài, còn thực tế Putin vẫn làm cho KGB. Nhiệm vụ của ông là theo dõi phong trào cải cách dân tộc dân chủ đang phát triển mạnh mẽ ở thành phố Leningrad. Putin không phủ nhận điều này, ông giải thích rằng, sở dĩ mình không có cơ hội thăng tiến hơn nữa ở KGB là vì không muốn chuyển nhà về Mátxcơva. Putin nói: “Tôi có hai con và bố mẹ già đều đã ngoài tám mươi tuổi, chúng tôi vẫn chung sống với nhau. Các cụ là những người đã sống qua cuộc chiến tranh, các cụ đã sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, nói gì cũng không chịu rời đây, mà tôi lại không thể bỏ mặc họ.”

Tháng 3/1990, Liên Xô thực hiện cuộc tổng tuyển của đầu tiên sau hơn bảy mươi năm thành lập nước. Trong số các thị trưởng Mátxcơva, Leningrad, Kiev... do Đảng Cộng sản Liên Xô cử ra, có đến 1/3 không trúng cử đại biểu nhân dân, các viên tư lệnh quân khu Mátxcơva, tư lệnh hạm đội phương Bắc và trùm KGB ở Estonia đều bị rớt trong cuộc tranh cử. Nhưng những người bị KGB theo dõi như Yeltsin lại trúng cử với số phiếu cao. Yeltsin sau đó được bầu làm Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Bang Nga. Năm sau tranh cử được bầu làm Tổng thống Liên Bang Nga, trở lại vũ đài chính trị Liên Xô. Chức Thị trưởng các thành phố chủ yếu của Liên Xô như Mátxcơva và Leningrad cũng lần lượt vào tay Popov và Sovchak thuộc phái dân chủ.

Một ngày sau khi trở thành Chủ tịch Xô Viết thành phố Leningrad, Sovchak đã gặp Putin ở hành lang Đại học Leningrad. Thầy trò gặp nhau, sau một hồi hàn huyên, Sovchak nói với người học trò yêu: “Mình bây giờ là Chủ tịch Xô Viết thành phố, cậu đến công tác với mình nhé.” Gặp lại thầy, Putin rất mừng, được thầy mời mình làm việc trong chính quyền, Putin vui vẻ nhận lời. Ai biết đâu rằng, buổi trùng phùng đó đã dắt chàng trai trẻ Putin bước vào “Con đường cao tốc quan trường”.

Nhận lời với Sovchak, Putin đến Xô Viết thành phố làm cố vấn về vấn đề quốc tế, thực ra là trợ lý cho Sovchak.

Ngày 12/6/1991, thể chế hành chính của Leningrad có biến động lớn, Sovchak lại trở thành Thị trưởng đầu tiên của thành phố được đổi tên thành Saint Petersburg. Putin làm Chủ tịch Uỷ ban quan hệ đối ngoại của thành phố. Hiển nhiên là Sovchak không hề có chuẩn bị gì về tâm lý để làm Thị trưởng, nên thường xuyên va chạm với những nghị sĩ mới của Duma. Mỗi lần như vậy, Sovchak lại cử Putin đứng ra hòa giải, mọi việc đều được dẹp yên, chứng tỏ khả năng phối hợp hiệp đồng rất tốt.

Nếu Putin chỉ bình thản ngồi ở vị trí này, có thể sẽ trở thành Tổng thống Liên bang Nga như ngày nay. Vĩ nhân luôn nắm được cơ hội đến bên mình, nhất là vào những thời kỳ đặc biệt.

Cuộc thử thách của “Sự kiện 19 tháng 8”

Tháng 8/1991, khi phái cứng rắn Liên Xô phát động cuộc đảo chính, Putin đã đóng vai trò quan trọng bên cạnh Sovchak.

Liên Xô - quốc gia Xã hội Chủ nghĩa từ khi thành lập và trưởng thành với một môi trường trong nước và ngoài nước cực kỳ phức tạp, nhiều dân tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau, đất đai rộng lớn các quốc gia xung quanh thường dòm ngó với cặp mắt cú vọ. Trước đây có Đức và Nhật, sau đại chiến thế giới lần thứ hai các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ đều có cái nhìn thù địch, thậm chí còn muốn lật đổ. Cho nên việc Liên Xô tồn tại và phát triển, không thể không thừa nhận “Che ka” trước kia và KGB sau này đã phát huy tác dụng quan trọng, thậm chí có khi còn có tính quyết định. Đặc biệt KGB là quốc gia trong quốc gia, luôn coi việc bảo vệ an ninh Liên Xô là nhiệm vụ của mình, các nhà bình luận nước ngoài cũng coi KGB là hòn đá tảng chủ yếu nhất của Liên Xô.

Năm 1985, Gorbachov lên nắm quyền, với cương vị Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nhìn thấy những khủng hoảng của Liên Xô, muốn tiến hành cải cách, nhưng “hắt chậu nước bẩn lại hắt luôn cả đứa con”, kết quả là gây hỗn loạn mọi mặt cho xã hội Liên Xô. Trước tình hình đó, Gorbachov lại ảo tưởng dựa vào lực lượng KGB, giúp ông vượt khỏi khó khăn trong thời kỳ bước ngoặt của xã hội. Gorbachov yêu cầu KGB phải đấu tranh với hiện tượng lãn công kinh tế, giám sát việc phân phối sản phẩm, chống “chợ đen” và “kinh tế cái bóng”. Để tăng thêm khả năng của KGB ngăn ngừa những xáo động xã hội và những hoạt động ly khai dân tộc, ông ta còn giao thêm quyền chỉ huy sư đoàn dù cho KGB. Năm 1998, khi Chebulikov với hàm Nguyên soái, Chủ tịch của KGB phê phán những cải cách của Gorbachov gây nên hàng loạt hỗn loạn, Gorbachov chơi đòn công khai là thăng chức nhưng lại ngầm hạ bệ đối với Chebulikov, ngoài mặt là giao cho làm Bí thư Trung ương chủ quản công tác chính pháp Liên Xô, nhưng thực tế là giao chức Chủ tịch KGB nắm thực quyền cho Khliuchikov, một người đã từng ra nước ngoài và có tư tưởng thoáng hơn. Khliuchkov đã từng công tác ở nước ngoài nhiều năm, giải quyết công việc rất trơn tru, được mọi người gọi là “Tướng cười mỉm”. Ý định đầu tiên của Gorbachov tiếp quản KGB, mong ông ta có thể làm cho KGB thích ứng được với thay đổi của cải cách, lại có thể bảo vệ được công cuộc cải cách phát triển thuận lợi. Mấu chốt sự thành bại của một nhà chính trị thường ở chỗ biết dùng người tốt hay không, còn Gorbachov đã bị hiện tượng bề ngoài của Khliuchikov mê hoặc.

Khliuchikov sau khi nhận chức đã có một số cải cách đối với KGB, tuyên bố phải “công khai hóa”, phải hợp tác với bộ máy tình báo phương Tây như Cục tình báo Trung ương Mỹ, chống Chủ nghĩa khủng bố quốc tế v.v... Vì thế tháng 2/1990, Khliuchikov lại được giữ chức thành viên Hội đồng Tổng thống, hội đồng này lúc đó mới được thành lập là hạt nhân quyết sách tối cao của Liên Xô.

Đồng thời với việc tiếp quản KGB, Khliuchikov còn sắp xếp cho họ hàng bà con một số “ghế” tốt. Con trai của Khliuchikov là Sergei từng làm sĩ quan tình báo nước ngoài của KGB với vỏ bọc là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên Xô ở Pháp, em rể Dorovik là Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Liên Xô, chức vụ này do KGB bổ nhiệm; gả cháu gái cho con trai của Tướng KGB Yaks, Yaks lại là trưởng phòng 1, tổng cục 1, phụ trách công tác tình báo bí mật của KGB ở Bắc Mỹ. Cả họ Khliuchikov đều sống khá giả. Nhưng cải cách ngày càng tiến thì tập đoàn được lợi ngày càng trở thành lực cản của cải cách. Khliuchikov cho rằng cuộc cải cách của Gorbachov đã đi vào ngõ cụt, cho nên KGB không những muốn trùm lên trên Đảng, chính quyền, quân đội, mà còn muốn trùm lên cả Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Tổng Thống Liên Xô, triết để chuyển hướng cải cách của Gorbachov, để ổn định tình hình Liên Xô.

Bốn giờ chiều ngày 17/8/1991, tại một cứ điểm bí mật của KGB ở ngoại ô Mátxcơva có mật danh là “ABC”, Khliuchikov đã mời cơm Thủ tướng chính phủ Pavlov, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Senhin, Bộ trưởng Quốc phòng Yadov và mấy vị tướng dưới quyền. Tại “bữa ăn uống công việc” đó, Khliuchikov đã công kích thẳng vào cuộc cải cách của Gorbachov, Khliuchikov nói: “Tôi thường xuyên thông báo cục diện khó khăn cho Gorbachov, nhưng ông ta không có phản ứng, lại thường xuyên ngắt lời, lái sang việc khác, ông ta không tin tình hình mà tôi thông báo...” Cuối cùng Khliuchikov với giọng tin tưởng đề nghị thành lập Uỷ ban tình trạng khẩn cấp, cử một đoàn đại biểu đi gặp Gorbachov đang nghỉ tại Crưm, sau đó tuyên bố Gorbachov bị bệnh, để Phó Tổng thống Yanaev giữ chức Tổng thống. Khliuchikov còn bổ sung, ông ta có thể được sự phê chuẩn của Xô Viết tối cao. Sau đó những người khác bổ sung ý kiến, vụ việc coi như đã quyết định.

Chiều ngày 18/1/1991, Khliuchikov chỉ thị cho Plekhanov, Cục trưởng cảnh bị KGB, Chủ nhiệm văn phòng Tổng thống Bonkin, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng Bakhlanov cùng một số người mang theo xe bọc thép và lính đặc nhiệm đến nơi nghỉ mát ở Biển Đen, yêu cầu Gorbachov đang nghỉ mát ở đó phải chuyển giao quyền Tổng thống cho Phó tổng thống Yanaev. Khi yêu cầu này bị Gorbachov kiên quyết từ chối, năm người này đã hạ lệnh bao vây chặt biệt thự của Tổng thống và bắt đi phụ tá của Metvechev, để lại Phó Cục trưởng Cục cảnh bị KGB là Xlekhanov chỉ huy. Khliuchikov, đặt bộ đội biên phòng trên biển dưới quyền chỉ huy của Plekhanov và cấp phó là Klekhanov, phong tỏa sân bay Belibech có chuyên cơ của Tổng thống, cử người trên đài quan sát bờ biển dùng kính viễn vọng giám sát nhất cử nhất động của mọi người trong biệt thự Tổng thống. Quân lính thuộc Cục thông tin KGB kiểm soát mọi thiết bị thông tin của Gorbachov, không liên lạc với bên ngoài. Trong tình cảnh đó, Tổng thống chỉ còn dựa vào mỗi một máy thu thanh sóng ngắn nghe “Đài tiếng nói Hoa Kỳ” để biết sự việc diễn ra ba ngày sau đó tại Liên Xô.

Sáu giờ năm phút sáng ngày 19 tháng 8, thông tấn xã TASS của Nga phát đi một tin quan trọng, tuyên bố Gorbachov do tình hình sức khỏe không thể thực hiện được chức trách Tổng thống, căn cứ vào khoản 7 Điều 127 của Hiến pháp Liên Xô được đặt trong tình trạng khẩn cấp sáu tháng và tổ chức ra "Uỷ ban tình trạng khẩn cấp" gồm tám người. Các thành viên là Phó Tổng thống Yanaev, Thủ tướng Pavlov, Chủ tịch KGB Khliuchikov, Bộ trưởng quốc phòng Yadov, Bộ trưởng Nội vụ Purk, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng quốc phòng Bakhlanov, Chủ tịch Liên minh nông dân Liên Xô Xtaldubusev và Hội trưởng Hội Liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh Liên Xô Dichiakov. Sau đó "Uỷ ban tình trạng khẩn cấp" còn phái lính đặc nhiệm KGB và quân đội tiếp quản các bộ máy thông tin, tin tức như Đài Truyền hình Liên Xô, Đài Phát thanh, tòa báo...

Tiếp đó Khliuchikov ra lệnh bắt Yeltsin, lúc đó Yeltsin đang nghỉ tại biệt thự Akkhanghesk ở ngoại ô Mátxcơva, trong tay không có quân đội, cũng chẳng có quân đội truyền tin. Ông ta hóa trang thành người câu cá, sau đó lên xe bí mật quay về Mátxcơva, vào Bạch Cung tức Cung đại hội Nga. Đó là một tòa kiến trúc lớn hơn mười tầng màu trắng, người vệ sĩ tiếp cận của Yeltsin là Konchakov, bố trí nơi này thành “tổng hành dinh” cho Yeltsin, tổ chức thành trung tâm đối phó với “Uỷ ban tình trạng khẩn cấp”, còn anh ta tổ chức đội vũ trang bảo vệ tòa lầu.

Lúc đó Sovchak cũng ở Mátxcơva, ông ta thề bảo vệ Yeltsin. Putin đề nghị ông ta lập tức quay về Leningrad, bảo đảm Leningrad ủng hộ Yeltsin, phản đối đảo chính. Sovchak mạo hiểm đang đêm bay về Leningrad. Lúc đó Tổng thống KGB đã ra lệnh cho KGB Leningrad bắt Sovchak ở sân bay. Tình hình hết sức nguy cấp, Putin vốn giữ quan hệ tốt với ngành an ninh địa phương đã không quản tình hình phức tạp lúc đó, tự dẫn đội cảnh vệ vũ trang đến sân bay Leningrad đón Sochak, bảo đảm an toàn cho Sovchak. Lúc này trên sân bay toàn KGB, Putin ra lệnh cho xe ô tô đến thẳng chân cầu thang máy bay. Nhân viên KGB thấy đối phương có vũ trang, khí thế hùng mạnh, không dám đến bắt Sovchak, để ông ta trở về tòa thị chính an toàn, phát động quần chúng địa phương phản đối đảo chính bảo vệ Yeltsin. Mấy ngày đó, Sovchak một mặt lo phát động quần chúng, một mặt lo đàm phán với Uỷ ban An ninh quốc gia Leningrad và người lãnh đạo quân khu Leningrad, cố gắng làm cho quân đội trú đóng tại Leningrad từ chối chấp hành mệnh lệnh của "Uỷ ban tình trạng khẩn cấp", giữ thế trung lập. Putin đã đóng vai trò rất quan trọng trong các cuộc đàm phán ấy. Ủy

Yeltsin thông qua các kênh tin tức được biết quân đội và phái cải cách dân chủ ở các nơi đều phản đối đảo chính, chỉ thiếu một người lãnh đạo có sức mạnh, thiếu một ngọn cờ. Yeltsin đã lao ra đường cho vệ sĩ thuyết phục chiếc xe tăng số hiệu 110 của sư đoàn Taman nổi tiếng, quay nòng pháo trở lại, Yeltsin đứng trên tháp pháp xe tăng, thẳng người trước ống kính các máy ghi hình truyền hình Nga và nước ngoài với danh nghĩa Tổng Thống dõng dạc đọc lời kêu gọi bãi công phản đối đảo chính.

Đó là một độc chiêu quan trọng nhất để đập tan “Uỷ ban tình trạng khẩn cấp”, toàn Nga và toàn thể thế giới đều nhìn thấy cho dù bị kiểm soát thông tin, người Nga cũng thông qua mạng truyền hình hữu tuyến của Mỹ và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ để xem và thu nghe. Nhân dân và cả nhiều tướng lĩnh quân sự cũng nhanh chóng biểu thị ủng hộ Yeltsin, nhiều nơi đã bắt đầu bãi công. Đó cũng là những giờ phút huy hoàng nhất trong cuộc đời của Yeltsin, hình tượng giơ tay hô lớn đã làm ông trở thành một ngọn cờ, một vị anh hùng, một nhân vật có thực quyền lớn nhất của nước Nga và Liên Xô. Sau đó Yadov lệnh lính dù Krachov điều động lính dù, nhưng Krachov lúc đó đã “thân tại Tào doanh tâm tại Hán”, sư đoàn trưởng lính dù Lebet lại càng công khai từ chối chấp hành mệnh lệnh của “Uỷ ban tình trạng khẩn cấp”. Lúc đó Khliuchikov ra lệnh cho đội đột kích “Alpha” đã quyết định tập thể từ chối chấp hành lệnh.

Như vậy, “Uỷ ban tình trạng khẩn cấp” đã dùng hết “át chủ bài”, cuộc đảo chính đã kết thúc thất bại. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Purk tự sát. Khliuchikov lại hiện rõ bản chất trơn tru giảo hoạt, tự thân đi đón Gorbachov từ Biển Đen về Mátxcơva.

Trải qua thử thách của cuộc đảo chính, Yeltsin lúc này đã thực quyền, ông cử người nhanh chóng đi bắt những người phụ trách có liên quan đến đảo chính. Khliuchikov cùng những người của “Uỷ ban tình trạng khẩn cấp” bị bắt giam mấy năm trong nhà tù “Thủy binh tĩnh lặng” sau này tuy được thả ra, nhưng đã thành những nhân vật suốt ngày ăn tục nói phét, không còn được coi ra gì nữa. Để cải thiện cuộc sống những năm cuối đời, Khliuchikov có viết một cuốn hồi ký có tên "Hồ sơ riêng", loại sách này bán khá chạy ở trong và ngoài nước Nga.

Sự kiện “19 tháng 8” đối với Sovchak hay đối với Putin đều là một cuộc sát hạch nghiêm khắc và đã nộp bài trả lời đúng. Có khác chăng là tên tuổi Sovchak thì nổi danh tiếng, còn Putin thì vẫn lặng lẽ như không. Thực ra mọi việc mà Putin đã làm trong sự kiện này, lúc đó Sovchak không hề biết, sau này từ miệng người khác mới biết vai trò quan trọng của Putin. Khi nghĩ lại sự việc này, Sovchak nói: “Putin là một con người không muốn khoe thành tích của mình, trong anh ta thấm đẫm tinh thần tự tin, trung thành, đáng tin cậy, tôi đã cùng Putin làm việc với nhau sáu năm trời, chưa bao giờ anh ta chìa tay đòi hỏi vinh dự, địa vị tiền tài.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3