Putin - Từ trung tá KGB đến Tổng thống Liên Bang Nga - Chương 11 - Phần 6
Phần lớn những người vỗ tay là dân nói tiếng Nga, theo sự giới thiệu của phụ trách Cục di dân khu Guemes là ông Albeto Mezoev thì có khoảng ba nghìn dân nói tiếng Nga sinh sống ở khu vực này. Tôi đến gần hai chị phụ nữ trông bề ngoài có vẻ như người Slavơ và đề nghị họ nói qua về bản thân. Một chị nói “từ khi lọt lòng mẹ chúng tôi đã sinh sống ở Guemes này rồi. Mồ mả bố mẹ tôi cũng ở đây. Trong vòng ba năm nay, khi không nhận được tiền lương, chúng tôi sống nhờ vào cách bán những vật dụng mà mình có. Những người dân hàng xóm thuộc dân tộc Chechnya thỉnh thoảng tiếp tế cho chúng tôi bột mì hoặc một vài thứ khác, chúng tôi chung sống với nhau trong tình cảm bạn bè thân ái. Trước đây người Nga ở đây chiếm đến 90%, còn dân Chechnya đại đa số là người tốt. Tuy nhiên bọn thổ phỉ không hề phân biệt dân tộc nào, mấy năm gần đây bọn chúng ngang nhiên cướp của, giết người, chiếm đoạt nhà ở của người Nga làm cho cuộc sống ở đây trở nên đáng sợ. Ai có thể đi được đã bỏ đi cả, còn chúng tôi chẳng biết đi đâu con cái đều đã trưởng thành và đều sinh sống ở Nga, tuy nhiên nhà ở trở thành vấn đề nan giải. Cầu trời từ nay trở đi có thể sinh sống bình thường. Dường như hầu hết mọi người đều tỏ ra chán nản đối với vấn đề độc lập của Chechnya. Kẻ lớn tiếng hò hét về chuyện này nhất, thì đã sớm cuốn gọi, y như con chuột ta miếng mồi vớ được trốn đi nơi khác”. Trong khi chúng tôi trao đổi, một số kẻ tò mò đã vây kín xung quanh mà phần đông họ là người Chechnya. Họ tỏ ra hoàn toàn tán đồng quan điểm của hai chị phụ nữ Nga, có người còn góp chuyện.
Khi trời chạng vạng tối, thì xuất hiện một đội quân do Thượng tá Giennadi Phumenco lữ đoàn trưởng đội cảnh vệ chỉ huy. Vị sĩ quan này cho biết “cuộc truy quét cho đến này tạm thời chưa xảy ra đụng độ, tuy nhiên tình hình đã đổi khác, khi chiến dịch mới mở màn, thì chủ lực quân của chúng tôi là bộ đội cảnh vệ đặc nhiệm, tập kết ở vùng phía bắc thành phố, còn các mũi cơ động thì bắt đầu hành động từ phía nam thành phố. Sau khi cánh quân chủ lực vượt qua tuyến đường sắt thì các chiến sĩ phát hiện thấy một số ổ đề kháng được xây cất rất tinh vi, bọn phiến loạn ra đầu hàng không nhiều, vì rất nhiều tên đã khôn khéo cải trang thành thường dân ngay sau khi quân đội Nga xuất hiện rồi lẩn lút trong mọi ngõ ngách của thành phố. Trên đường tiến quân chúng tôi đã gỡ được bốn quả bom hẹn giờ do bọn thổ phỉ cài lại, có một quả được đặt ngay trên xe cam nhông của chúng tôi phát nổ làm hai chiến sĩ bị hy sinh. Có một số người rất đáng nghi, vài ngày nữa sẽ tiến hành rà soát lại, còn phải niêm phong tất cả các kho vũ khí bí mật do dân tố giác."
Cuối cùng chúng tôi đã đề cập với Tư lệnh cảnh vệ thành phố Storianov về vấn đề vũ khí trong tay dân binh, thì nhận được câu trả lời của ông: “Tôi cho rằng, những người tốt có vũ khí trong tay sẽ được thu hút vào lực lượng bảo vệ do thành phố tổ chức và một số khác sẽ vào làm việc ở cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương sắp sửa thành lập.”
Khi trời tối hẳn chúng tôi đi xe rời khỏi thành phố Guemes nhìn ra xa thấy nhiều chấm sáng, đó chính là những ánh lửa phát ra từ loại xe chạy bằng dầu Diezen của quân Nga - những người chẳng cần đánh chác gì nhiều mà chiếm được thành phố Guemes. Sự kiện thành phố lớn thứ hai Guemes không đánh mà đầu hàng là điều báo trước rằng ngày tận số của lực lượng vũ trang bất hợp pháp.
Ngày 20/11, nhân dân ở khu vực Akikhoit - Mantan chuẩn bị giao nộp vũ khí đạn dược cho quân đội Liên bang, để biểu thị lòng trung thành của họ với quân Nga.
Chính quyền khu cũng như các vị bô lão đã bày tỏ là dân chúng cũng sẵn sàng gia nhập đội quân do Kantamilov lãnh đạo để đánh nhau với quân phiến loạn Chechnya. Mặt khác, theo nguồn tin từ trung tâm thông tin của quân đội Liên bang Nga cho hay, cho dù Groznui cố tìm mọi cách để xoay chuyển tình thế, nhưng tư tưởng bất bình chống đối trong hàng ngũ lực lượng vũ trang của họ đang ngày càng tăng lên. Do sinh lực và trang bị của phần tử vũ trang bị tổn thất nặng nề nên đã lâm vào tình trạng thiếu đạn dược, lương thực, nước uống và thuốc chữa bệnh.
Cùng ngày hôm đó, một số nhân vật quan trọng sẽ đến Guemes để giải quyết những vấn đề hết sức cấp thiết về mặt đời sống xã hội, đó là Kosman đại diện toàn quyền của chính phủ Nga tại Chechnya, Tsubai Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần hệ thống điện lực số 1 thống nhất toàn Nga. Atmat Codorov chức sắc cao cấp trong giáo hội Islam ở Chechnya.
Tính đến ngày 20/11, ở Chechnya đã có hơn bốn mươi điểm dân cư vừa giải phóng hồi phục việc cung ứng điện, một số khu khác như Sakovxkaia và Naon thì được cung cấp điện hạn chế theo thời gian. Tuy nhiên đó là một đóng góp đáng kể tạo điều kiện cho công việc khôi phục đô thị lớn thứ nhì Guemes.
Chiến sự phát triển đến bước đó, đã làm cho giới thông tin phương Tây phải thừa nhận rằng việc gây sức ép với Nga xung quanh vấn đề Chechnya đã không đạt được kết quả.
Mặc dù trong hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng An ninh châu Âu, có nhiều vấn đề quốc tế quan trọng cần phải giải quyết, nhưng giới truyền thông phương Tây bắt buộc thừa nhận rằng, nhân vật chóp bu trong hội nghị này không ai khác là Tổng thống Yeltsin của Nga. Chương trình nghị sự chủ yếu chính là lập trường của Nga và phương án giải quyết của họ về vấn đề Chechnya. Giới truyền thông các nước khi bình luận về hội nghị thượng đỉnh Itxơtambun đều tập trung vào một điểm nóng, đó là việc thúc ép Nga thay đổi thái độ cứng rắn đối với vấn đề Chechnya đã không đạt được kết quả. Tờ báo Tổng Hối của Đức đã bình luận rằng rất nhiều lời chỉ trích nhằm vào Nga trong vấn đề Chechnya đã không thể làm lay chuyển lập trường cứng rắn của họ ở vùng Bắc Kapkaz. Một tờ báo khác của Đức lại nói: “Đứng trước tình hình hết sức rối ren ở Chechnya thì biểu thị thái độ với Nga là biện pháp quá nhẹ nhàng”, báo này còn nói thêm Chechnya là cửa ngõ lớn ở phía đông châu Âu, tại đây đã xảy ra cuộc đối đầu nảy lửa giữa quyền lợi của Mỹ và Nga. Tờ báo Figaro của nước Pháp là quốc gia vẫn giữ thái độ trung lập của người quan sát thì viết: Mâu thuẫn chính yếu giữa Nga và Mỹ có liên quan chặt chẽ đến lợi ích kinh tế, vùng Bắc Kapkaz đã trở thành “con tin” để các nước siêu cường tranh chấp tài nguyên giàu có đặc biệt là dầu mỏ ở vùng biển Kaspia.
Các nhà lãnh đạo một số nước phương Tây nhất trí chủ trương rằng cần phải đối thoại với Chechnya và mở đường cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo. Tuy vậy, giới truyền thông ở các nước đó cũng phải thừa nhận rằng hiện chưa có nhiều cách thức gây sức ép với Nga, do đó chưa tạo được sức mạnh chế áp đối với Nga vì điều này, không những chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền an ninh của Nga và bóp chết “nền dân chủ còn non trẻ”, mà còn có khả năng đưa thế giới một lần nữa rơi vào thời kỳ chiến tranh lạnh. Còn như cuộc xung đột ở Chechnya nếu nhìn nhận từ một góc độ khác, có thể đánh giá rằng thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của thời kỳ chiến tranh lạnh mới, điều này chống lại luật pháp quốc tế, chống đối nhân quyền. Hầu như tất cả các báo phương Tây đều ít nhiều đề cập đến quan điểm này, nhưng sau khi được tin Nga không hề tỏ ra một chút nhượng bộ nào trong hội nghị Itxơtambun, thì giới báo chí phương Tây đành cho rằng một chút thành tích của Paris, London và Washington chính là đưa được vấn đề Chechnya vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh.
Giới báo chí Mỹ nhìn chung đều giữ thái độ cứng rắn. Quan điểm của họ là, chính vấn đề này đã làm mất uy tín của tổ chức An ninh châu Âu. Tờ Thời Báo NewYork bình luận rằng tổ chức này tự đặt cho mình sứ mệnh bảo đảm việc xóa bỏ các mầm mống xung đột và là người bảo vệ nhân quyền.
Nhật Bản cũng không hề né tránh vấn đề này, mặc dù Nhật không hề là thành viên trong tổ chức An ninh châu Âu, nhưng Nhật là siêu cường kinh tế thứ hai trên thế giới, vì vậy ý kiến của Nhật cũng có sức nặng nhất định trên trường quốc tế. Chính kiến của Chính phủ Nhật là nhanh chóng giải quyết vấn đề lãnh thổ ở miền Bắc một cách có lợi nhất, mong mỏi sẽ ký được hiệp định trước đợt bầu cử tổng thống vào tháng 7 năm sau. Dư luận trong giới truyền thống Nhật Bản là đừng để một lần nữa rơi vào tình trạng chiến tranh lạnh, họ cho rằng xét về mặt nội chính và kinh tế thì Nga không thể chấm dứt được cuộc chiến tranh ở Chechnya được, tuy rằng quá trình cải cách dân chủ tiến triển chậm chạp, nhưng vẫn đang được tiến hành.
Ngày 21/11, một lần nữa quân đội Nga lại siết chặt thêm gọng kìm, áp sát vào Groznui, đồng thời Matxcơva tuyên bố cự tuyệt mọi cuộc hòa giải.
Quân đội Liên bang Nga đã ép đến khoảng cách dưới 2 km với vùng ngoại vi Groznui, một sĩ quan Chechnya cho biết, giới lãnh đạo Chechnya vẫn sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với nhà cầm quyền Matxcơva.
Thủ tướng Nga Putin tuyên bố, trước khi quân đội Nga dẹp tan các phần tử phản loạn ở Chechnya, thì nhà đương cục Matxcơva không thể tiến hành bất kỳ cuộc thương lượng nào với Chechnya cả. Sau khi xin ý kiến của Tổng thống Yeltsin, Putin trả lời phỏng vấn của đài truyền hình ORT như sau: “Chúng tôi quyết không buông lỏng nhịp độ tiến công, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh”. Yeltsin đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt ở điện Kremlin gồm Putin, Ngoại trưởng Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và một số nhân vật cao cấp khác để trao đổi ý kiến về hội nghị thượng đỉnh do tổ chức An ninh châu Âu sắp sửa nhóm họp ở Itxơtambun. Lãnh tụ các nước phương Tây đã ra sức công kích Nga một lần nữa tung quân đội vào Chechnya.
Putin nói: “Hành động quân sự truy quét bọn khủng bố ở Chechnya của chúng tôi nhằm vào kẻ thù của chúng tôi là những phần tử khủng bố quốc tế, chúng tôi không thể tưởng tượng là mình lại có thể tiến hành mặc cả chính trị với bọn khủng bố quốc tế được.”
Giới quân sự ở Chechnya cho biết, quân đội Liên bang Nga đã áp sát vùng ngoại ô phía tây Groznui với cự ly bằng dàn hỏa tiễn nhiều ống phóng. Người phát ngôn của sở tổng chỉ huy quân đội Nga ở vùng Bắc Kapkaz không những đã thừa nhận nguồn tin đó mà còn cho biết thêm, trên đường rút lui vào thành phố Groznui, quân phiến loạn đã gài mìn vào các công trình xây dựng. Lần này quân đội Nga áp sát vào Groznui với cự ly gần nhất kể từ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Chechnya năm 1994-1996.
Giới quân sự Chechnya còn cho biết, quân Nga đã tiến gần sân bay quốc tế duy nhất ở vùng ngoại ô phía bắc thành phố Groznui không đầy hai cây số và họ đã bắt đầu bắn phá dữ dội vào vùng ngoại ô phía tây nam Groznui. Hiện nhà cầm quyền Chechnya đang khẩn trương huy động lực lượng dự bị ra chi viện cho tiền chiến tuyến.
Giới quân sự Chechnya cũng thừa nhận rằng đã bố trí xong trận địa phòng ngự gồm khoảng ba ngàn năm trăm lính trang bị tên lửa phòng không, súng phóng lựu, súng máy đại liên.
Ngày 24/11, giới quân sự Nga tiết lộ rằng trong bọn cầm đầu quân phiến loạn đang xảy ra mâu thuẫn gay gắt về vấn đề đánh giá tình hình và vạch kế hoạch đối phó với tình thế. Trong đó Basaev và Chatav kiên quyết yêu cầu áp dụng chiến thuật hoạt động khủng bố phá hoại, còn Matxkhadov và Udugov thì lại chủ trương dựa vào sự giúp đỡ và hỗ trợ của quốc tế, tức là giành thắng lợi bằng biện pháp chính trị.
Còn có nguồn tin nói rằng, bọn cầm đầu lực lượng thổ phỉ vũ trang ở Chechnya lại đặt nhiều hy vọng vào tầng lớp thiếu niên tuổi 15-16 tuổi, vì lứa tuổi này trở thành nguồn bổ sung chủ yếu cho lực lượng ly khai. Theo nguồn tin của giới quân sự Nga, bọn phiến loạn Chechnya đang khẩn trương xây dựng một hệ thống thông tin vệ tinh đồ sộ tại khu vực lãnh thổ Gruzia nhằm hiệp đồng quân sự giữa các nhóm phỉ. Sở dĩ họ chọn địa điểm này vì nó nằm ngay gần Chechnya, nhưng quân đội Nga lại không thể sử dụng tên lửa để uy hiếp hoặc có các hành động quân sự tương tự khác để hủy diệt nó. Bộ Ngoại giao Nga đã thông báo tình hình này cho Bộ Ngoại giao Gruzia.
Đến lúc này Putin cho rằng thời cơ đã chín muồi và đề nghị đặc xá có điều kiện đối với một số phần tử phản loạn Chechnya. Trong bài trả lời phỏng vấn nhân dịp một trăm ngày ông nhận chức trên truyền hình, ông nói “khi cần thì chúng ta sẽ yêu cầu hạ nghị viện phê chuẩn lệnh đặc xá”. Ông nói: “Đối với những người không tàn sát thường dân một cách bừa bãi, thì không trở thành mục tiêu truy quét”. Khi được hỏi về vấn đề quân đội Nga có mở cuộc tấn công cuối cùng vào Groznui thủ phủ của Chechnya hay không, ông trả lời rằng mọi chuyện sẽ tùy theo tình hình để xác định mấy khả năng đều có thể lựa chọn, nhưng tốt nhất là để chính những người ở đó hiểu rằng họ cần phải hạ vũ khí” vì thực tế là Groznui đã bị quân đội Nga bao vây đến 80% rồi.
Ông bày tỏ: “Dân chúng ở Groznui đã trở thành lá chắn che chở cho quân phiến loạn, vậy thì nhân dân nên tìm cách đi khỏi thành phố và chúng tôi sẵn sàng hoan nghênh họ và sẽ cung cấp sự giúp đỡ cần thiết cho họ.”
Có điều ông cũng cảnh báo: “Nếu như (ở trong thành phố Groznui) còn có căn cứ và kho chứa vũ khí của quân phiến loạn, thì chúng tôi sẽ không còn cách lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt nó.”
Putin là con người đã nói là làm. Pháo binh Nga được bố trí ở các vùng Alkhaklut đã liên tục mấy ngày phóng tên lửa vào thủ phủ Groznui của Chechnya biến nhiều khu vực của Groznui thành biển lửa.
Một thị trấn quan trọng cách Groznui 20 km là Ulso Mantan cũng bị quân Nga pháo kích dữ dội. Tổng tư lệnh tiền phương của quân đội vũ trang Chechnya là Samali Basaev trong khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Groznui vào ngày 26 đã nói: “Lực lượng vũ trang Chechnya đang chuẩn bị một cuộc tổng phản công quân đội Nga, Basaep cho biết cuộc chiến ở Chechnya đã bước sang giai đoạn quyết định, “điều kiện chín muồi cho phép” đến lúc quân đội Chechnya và quân đội Nga mở cuộc giao tranh trên mặt đất, quân vũ trang Chechnya sẽ triệt để lợi dụng địa thế do địa hình phức tạp cản trở quân đội Nga triển khai bộ đội cơ giới, để phản công mạnh mẽ vào quân Nga.
Ngày 27/11, Tổng Tham mưu phó thứ nhất lực lượng vũ trang, Thượng tướng Manilov tuyên bố rằng không hề có kế hoạch về một cuộc tấn công chính diện quy mô lớn vào Groznui như mọi người dự đoán, nhưng nhất định sẽ giải phóng Groznui, việc giải phóng Groznui hiện đang được tiến hành và sẽ theo đúng kế hoạch và giành thắng lợi theo thời gian dự định. Hiện quân đội Nga đang vạch kế hoạch tác chiến tỉ mỉ cho giai đoạn 3 rồi trình kế hoạch đó lên Tổng thống phê chuẩn.
Cùng ngày quân Nga xuất kích máy bay, pháo hạng nặng đồng loạt tấn công vào các cứ điểm quân phiến loạn nằm trong 35 khu vực trong đó có cả thành phố Groznui. Quân đội Liên bang đang tích cực chuẩn bị để triển khai hành động trong điều kiện địa hình đồi núi phức tạp, tiến hành điều chỉnh từng phần trong quân đội, củng cố trận địa đồng thời tăng cường trinh sát.
Trung tâm thông tin của Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, có bốn người cầm đầu quân ly khai Chechnya là: Amadaev, Abuev, Mutaibov và Uvaixt (nguyên là thị trưởng thành phố Guemes) chuẩn bị hạ vũ khí. Rất nhiều người cầm đầu các nhóm quân đã nhận ra rằng họ không còn lối thoát, tiếp tục kháng cự chỉ là vô ích, do đó họ sẵn sàng chấm dứt mọi hoạt động.
Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy rằng, tính đến thời điểm đó, lực lượng vũ trang ly khai Chechnya đã bắt giữ năm mươi sáu người nước ngoài làm con tin, trong đó có mười hai người nước ngoài không thuộc Liên Xô cũ. Bắt giữ con tin trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của lực lượng vũ trang ly khai.
Ngày 28/11, xe tăng và bộ binh Nga dưới sự yểm trợ của máy bay chiến đấu, nỗ lực cắt đứt tuyến tiếp tế cuối cùng giữa Groznui nối liền với các khu vực khác thuộc Chechnya mà phiến quân đang chiếm giữ, mở cuộc chiến đầu kéo dài mấy tiếng đồng hồ với khoảng năm trăm tên ngoan cố và cuối cùng đã giành được quyền kiểm soát đối với tuyến đường nối liền Groznui với Ulus - Mantan. Ngày 1/12, thành phố Alkon nằm cách Groznui về phía đông khoảng 10 km bị bao vây. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, quân Liên bang cần khống chế thành phố này trong vòng hai - ba ngày. Igor Sergeiev còn nói thêm với các nhà báo, các biện pháp áp dụng đối với Chechnya sẽ kết thúc trong vòng một - ba tháng tới. Trong trận đánh này, trong chín xác chết được đưa đến vị trí đóng quân của trung đoàn cường kích đường không của quân đội Liên bang, có ba xác lính đánh thuê là người Ảrập, từ dáng vẻ bề ngoài của thi thể cũng như tiền tệ họ đem theo đã chứng minh điều này.
Bộ đội Liên bang tiếp tục bao vây Groznui, trong vòng một ngày đêm vừa qua đã tiến hành tập kích năm mươi điểm mà bọn phiến quân đang đồn trú.
Đại diện toàn quyền về Chechnya của Chính phủ Nga Kosmal tuyên bố Guemes thành phố lớn thứ nhì sắp tới sẽ trở thành thủ phủ mới của Chechnya.
Đến ngày 4/12, Tư lệnh cụm tập đoàn liên hợp quân đội vùng Bắc Kapkaz, Thượng tướng Kadalsev tuyên bố: “Tính đến ngày hôm đó, quân đội Liên bang đã hoàn thành chiến dịch bao vây Groznui.”
Như vậy giải phóng Groznui chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhổ cỏ tận gốc - trận quyết chiến cuối cùng của Putin
Ngày 6/12, một lần nữa máy bay chiến đấu của không quân Nga lại bay vào vùng trời thành phố Groznui. Lần này họ không ném bom mà là ném truyền đơn, nội dung truyền đơn không phải là tài liệu tuyên truyền tâm lý chiến mà là thông điệp “dọn sạch thành phố” do Bộ chỉ huy quân sự Nga công bố.
Nội dung của truyền đơn đề cập: Nếu cư dân của thành phố không chịu rời bỏ thành phố trước ngày 11 theo hành lang an toàn qua thôn “1 tháng 5”, thì sẽ bị coi là “phần tử khủng bố” và sẽ bị tiêu diệt.
Kể từ ngày 1/11 khi quân Nga tiến quân vào Chechnya, thì đây là lần đầu họ ra “thông điệp tối hậu”. Một nhà báo có mặt ở Groznui nói, đại bộ phận dân thường Chechnya không có cách gì rời khỏi thành phố Groznui đã bị quân Nga bao vây.