Mảnh gốm vỡ - Chương 02

Chương 2

Mộc Nhĩ nhòm qua tán lá cây bào đồng và tỏ ra bối rối. Đã mấy ngày trôi qua kể từ lần cuối cùng nó ghé nhà bác Min. Theo tính toán của nó thì đã đến kì nặn xương gốm tiếp theo. Nhưng không hề thấy người thợ cả dưới mái hiên, cũng chẳng có chút đất sét ướt nào trên bàn xoay. Xưởng gốm gọn gàng sạch sẽ nhưng hoàn toàn vắng lặng chỉ có vài con gà quanh quẩn trong sân.

Không khí yên ắng khiến Mộc Nhĩ bạo dạn hơn. Nó chui ra khỏi chỗ nấp, rón rén bước đến gần ngôi nhà. Tựa lưng vào tường là một dãy kệ đứng chứa những món đồ gốm mới nhất của bác thợ Min. Chúng đang ở công đoạn mà thợ gốm gọi là “hàng mộc” - đã được hong khô nhưng chưa được quét lớp men để đem nung. Vì chúng chưa có lớp áo ngoài, nên bọn trộm chẳng thèm để ý.

Những tác phẩm hoàn chỉnh chắc đã được khóa kĩ đâu đó trong nhà.

Mộc Nhĩ dừng lại bên rìa một lùm cây, dỏng tai nghe ngóng từ đầu đến cuối. Một chị gà mái hãnh diện đang cục tác. Mộc Nhĩ bật cười - hẳn bác Min sẽ có trứng tươi cho bữa tối. Nhưng vẫn không thấy bóng dáng ông thợ đâu nên Mộc Nhĩ nhón chân đi đến trước dãy kệ.

Đây là lần đầu tiên nó được chiêm ngưỡng sát tậm mắt đồ gốm của bác thợ Min. Một chú vịt nhỏ có thể mằm lọt trong bàn tay với một lỗ nhỏ xíu ở đầu mỏ. Mộc Nhĩ từng thấy con vịt giống như vậy được sử dụng như thế nào. Một họa sĩ ngồi bên bờ sông, vẽ cảnh sông nước. Thỉnh thoảng ông ta lại nhỏ một giọt nước từ mỏ vịt xuống hòn đá bên cạnh để hòa mực.

Mộc Nhĩ ngắm nghía con vịt của bác thợ Min. Dù bây giờ nó chỉ là xương gốm thô, nhưng đường nét của nó được mô tả chi tiết đến nỗi thằng bé ngỡ như vừa được nghe tiếng quạp quạp nho nhỏ. Bác thợ Min tạo hình cho cục đất sét rồi khắc một đường lượn cong thành đôi cánh và cái đầu nghiêng nghiêng. Cái chót đuôi nhỏ cong vểnh lên ngỗ ngược khiến cu cậu phải phì cười.

Mộc Nhĩ rời mắt khỏi con vịt chuyển sang ngắm nghía món đồ bên cạnh - một cái thố có những đường sọc giống trái dưa hấu. Những đường gân đối xứng, cong cong duyên dáng chạy từ miệng xuống đáy khiến Mộc Nhĩ không ngăn nổi ý muốn rê ngón tay dọc theo những đường khía nông trơn nhẵn ấy.

Nắp thố được nặn tuyệt khéo, có hình cuống và lá dưa.

Món cuối cùng trên kệ lại kém hấp dẫn nhất - chiếc hộp chữ nhật có nắp đậy to cỡ hai bàn tay Mộc Nhĩ - còn chưa được trang trí xong. Thất vọng trước vẻ tầm thường của món đồ, Mộc Nhĩ toan quay đi thì một ý nghĩ bừng lên trong đầu nó. Bên ngoài. Chiếc hộp trong đơn sơ vậy, biết đâu bên trong... Cậu bé nín thở, thò tay nhẹ nhàng nhấc nắp hộp lên nhìn vào bên trong.

Nó cười toét miệng vì đã đoán đúng và vì tài nghệ của bác thợ Min. Chiếc hộp đơn sơ ấy chứa năm chiếc hộp nhỏ khác nhau - chiếc hộp tròn nhỏ nằm chính giữa, bốn chiếc hình vành khăn xếp khít xung quanh. Năm chiếc hộp nhỏ tưởng như chèn kín trong cái hộp lớn, nhưng bác thợ Min đã tính toán chính xác chừa những kẽ hở vừa đủ để có thể nhấc bất kì hộp nào ra.

Mộc Nhĩ đặt nắp chiếc hộp lớn sang bên cạnh và nhấc một trong những chiếc hộp nhỏ ra. Mặt dưới của nắp đậy có đường gờ để giữ cho nắp đậy vào đúng chỗ. Mộc Nhĩ hết nhìn những món đồ nhỏ trên tay mình lại nhìn những cái hộp lớn, nhíu mày suy nghĩ.

Làm sao bác ấy có thể ghép chúng với nhau vừa khéo đến thế? Có lẽ bác Min làm chiếc hộp lớn nhất trước, làm cái thứ hai đặt khít vào trong rồi cắt nó ra thành những chiếc hộp nhỏ hơn? Hay bác ấy làm mấy cái hộp nhỏ trước, rồi mới làm chiếc hộp lớn bên ngoài? Cũng có thể bác ấy bắt đầu từ chiếc hộp nhỏ ở chính giữa, rồi tới những hiếc hộp thành cong, rồi... Bỗng có tiếng quát to. Đàn gà hoảng sợ bay lên kêu quang quác. Mộc Nhĩ giật mình đánh rơi món đồ trên tay, chết lặng người trong chốc lát, rồi đưa hai tay ngang mặt chắn đòn - ông thợ gốm đang vụt gậy tới tấp xuống đầu và vai nó.

“Quân trộm cướp!” ông hét lên vang nhà. “Sao mày dám vào đây! Sao mày dám đụng vào đồ của tao!”

Mộc Nhĩ chỉ còn nước quỳ sụp xuống, cúi đầu sát đất.

“Dạ thưa! Dạ, thưa đại nhân, cháu không dám ăn trộm đồ của đại nhân... Cháu... Cháu chỉ đến để ngắm nhìn thôi ạ.”

Bác thợ gốm hơi cúi xuống người thằng bé, cái gậy chống vẫn lơ lửng trên đầu nó, sẵn sàng cho một cú vụt khác.

“Mày từng đến đây rồi phải không, thằng ăn mày kia?”

Bao nhiêu ý nghĩ rối tung trong đầu, nó cố tìm câu trả lời. Nói sự thật xem ra dễ nhất.

“Vâng, thưa đại nhân. Cháu thường đến xem ông làm việc.”

“À, ra thế!”

Mộc Nhĩ vẫn cúi gập người, nhưng qua khóe mắt nó thấy đầu cây gậy đang hạ xuống đất. Bấy giờ nó mới hơi bớt sợ.

“Thế ra chính mày đã làm gẫy cành, dập lá cây bào đồng ở đằng kia, phải không?”

Mộc Nhĩ khe khẽ gật đầu và cảm thấy mặt mũi nóng bừng: cứ tưởng đã xóa sạch dấu vết rồi chứ.

“Mày nói đến đây không phải để ăn trộm? Nhưng mày đã rình xem những lúc tao làm những món đồ quý giá phải không?”

Nghe thế, cậu bé ngẩng đầu nhìn bác Min, nó đáp rất mực lễ phép, lời lẽ đầy tự trọng.

“Cháu không hề ăn cắp. Trộm cắp và ăn xin làm cho người ta không hơn gì một con chó.”

Bác thợ nhìn thằng bé chằm chằm một hồi lâu. Cuối cùng, ông hạ giọng:

“Vậy là mày không ăn cắp, nhưng đối với tao chuyện đó cũng chẳng có gì khác - khi một món bị vỡ, những cái còn lại thành ra vô dụng.” Ông chỉ vào chiếc hộp đất méo mó nằm dưới đất, sứt mẻ thảm hại sau cú rơi. “Thôi, biến đi cho rảnh. Chẳng mong gì cái mặt mày có thể bồi thường món đồ vừa phá hỏng.”

Mộc Nhĩ từ từ đứng dậy, xấu hổ đến mức muốn chui xuống đất. Quả thực nó không bao giờ đền nổi chiếc hộp bị hỏng.

Ông thợ gốm nhặt chiếc hộp lên quăng vào đống rác ở rìa sân. Vẫn tiếp tục càu nhàu, giọng ông bực tức: “Quái quỷ, mất toi những ba ngày công! Giờ thì tao bị chậm đơn hàng mất rồi...”

Mộc Nhĩ đã lết ra khỏi sân được mấy bước. Nghe những lời cằn nhằn của người thợ gốm già, nó ngẩng phắt đầu lên và quay về phía ông thợ.

“Thưa ông, cháu có thể làm việc cho ông để chuộc lỗi không ạ? Có lẽ sẽ thêm một tay giúp ông tiết kiệm chút thời giờ...”

Ông Min lắc đầu nóng nảy. “Mày làm được cái quái gì, cái đồ chẳng được dạy dỗ kia? Tao đâu có thời gian để dạy mày... Mày chỉ gây thêm rắc rối chứ giúp đỡ cái nỗi gì.”

Mộc Nhĩ hăm hở bước lên vài bước. “Thưa, ông sẽ không phải dạy cháu nhiều đâu. Cháu đã xem ông làm việc từ nhiều tháng nay. Cháu biết cách ông trộn đất sét và quay bàn xoay... Cháu đã ngắm ông làm nhiều món đồ...”

Người thợ gốm phẩy tay, cắt ngang lời thằng bé và nói giọng chế nhạo.

“Mày quay bàn xoay đi! A ha ha! Nó nghĩ chỉ cần ngồi xuống bàn xoay là làm ra chiếc bình... Bộ dễ vậy sao?”

Mộc Nhĩ khoanh tay lại bướng bỉnh, quyết không rời mắt khỏi người thợ cả. Ông ta nhặt phần còn lại của chiếc hộp quẳng nốt ra đống rác, vẫn càu nhàu điều gì đó trong họng.

Cuối cùng ông đứng thẳng người lên, đưa mắt nhìn quanh, đầu tiên là dãy kệ, rồi đến cái bàn xoay, cuối cùng ánh mắt dừng lại chỗ thằng nhóc.

“Hừm. Thôi được,” giọng bác Min vẫn còn chút bực dọc. “Sáng sớm mai đến đây. Tao đã mất đứt ba ngày để làm chiếc hộp đó, cho nên mày sẽ phải đền cho tao chín ngày. Tao chẳng thèm nghĩ xem công sức của tao đáng giá hơn của mày gấp bao nhiêu lần, nhưng thôi, ban đầu cứ tạm thỏa thuận như thế.”

Mộc Nhĩ cúi đầu đồng ý rồi phóng như bay ra đường. Về đến gầm cầu, nó sốt ruột chờ bác Sếu về để kể lại mọi chuyện. Lần đầu tiên trong đời mình, Mộc Nhĩ đã có một công việc hẳn hoi để làm.

Ngày hôm sau, khi đến nhận việc, Mộc Nhĩ mới biết tới lượt ông thợ Min chặt củi cho lò nung. Thảo nào hôm qua ông vắng nhà.

Như hầu hết các làng gốm khác, Chulpo có một lò nung chung cho cả làng. Lò nằm bên sườn đồi gần làng, trông giống như một đường hầm thấp và dài xây bằng gạch nung. Thợ gốm trong làng thay phiên nhau dùng lò và tự kiếm củi đốt lò.

Ông Min đưa cho Mộc Nhĩ một cây rìu nhỏ, dẫn nó ra cái chái bên hông nhà lấy xe đẩy.

“Lấy đầy xe củi,” ông quát, “Củi khô, không được ướt. Xe chưa đầy thì đừng có về.”

Mộc Nhĩ cảm thấy hình như mặt trời đột nhiên tối sầm lại. Đêm qua, giấc ngủ đến với nó chẳng dễ dàng gì. Mộc Nhĩ đã tưởng tượng mình ngồi bên bàn xoay, một chiếc bình xinh xắn mọc lên từ cục đất sét trước mặt nó. Bây giờ, Mộc Nhĩ nghĩ, nếu nhanh tay chặt đủ số củi, có lẽ vẫn còn thời gian vào lúc chiều muộn... Nhưng ông Min đã dập tan niềm hi vọng đó: “Phải đi sâu vào trong núi ấy.” Ông nói. “Quá nhiều cây gần làng bị đốn rồi. Mày phải đi thật xa mới mong tìm được nhiều củi.”

Mộc Nhĩ nhẫn nhịn nuốt vào một tiếng thở dài khi đặt cái rìu lên xe. Nắm chặt hai càng, đẩy xe ra đường, nó quay người toan vẫy tay chào. Nhưng người thợ gốm không còn đó nữa. Bài ca quen thuộc lúc ông nặn xương gốm vẳng ra từ phía sau nhà.

Đốn củi hàng giờ mà không có tí gì nhét vào bụng thì thật là nhọc nhằn vô kể. Nhưng khốn khổ nhất là chặng đường dài xuống núi với chiếc xe chất đầy củi.

Con đường núi mấp mô, chằng chịt vết lún bánh xe. Chiếc xe đẩy tự chế lèn đầy củi lắc lư vụng về vì sức nặng. Cứ bước lên một bước, Mộc Nhĩ lại phải dán mắt xuống mặt đường. Dù nó đã rất cẩn thận nhưng hễ bánh xe lọt vào một vết lún sâu thì cả chiếc xe lại nghiêng hẳn về một bên làm củi văng ra. Phải dừng lại để nhặt từng cành, bực hết chỗ nói. Lúc chặt củi nó đã cẩn thận xếp thành từng thanh gọn gàng lên xe, nhưng sau mỗi cú vấp, củi lại xáo tung lên chẳng còn lớp lang gì hết.

Sau bao nỗi nhọc nhằn, Mộc Nhĩ đã đi gần hết con đường núi. Chẳng mấy chốc con đường sẽ rộng và bằng phẳng hơn, hòa vào lối đi dưới chân núi có nhiều người qua lại. Cậu bé ngẩng đầu lên, nôn nóng muốn về đích.

Đúng lúc đó bánh xe bên phải cán vào một hòn đá. Càng xe vuột mạnh khỏi tay Mộc Nhĩ, chiếc xe lật ngang một bên. Đà đẩy tới làm Mộc Nhĩ mất thăng bằng, chiếc xe húc nó ngã lộn nhào, dập đầu xuống đất.

Mộc Nhĩ choáng váng, không biết nên chửi hay nên khóc. Nó cắn chặt môi, lồm cồm bò dậy, dựng chiếc xe cho ngay ngắn và bắt đầu ném củi vào xe trong cơn tức giận.

Khi vừa cúi xuống nhấc một khúc gỗ to và sần sùi, bỗng nó cảm thấy cơn đau nhói như bị một mũi tên xuyên qua lòng bàn tay phải. Nó bật khóc và nắm chặt bàn tay lại hồi lâu. Đến khi cơn đau dịu đi một chút, nó cẩn thận xòe bàn tay ra xem.

Một vết phồng rộp chứa đầy nước mọc trên gan bàn tay sau nhiều giờ đốn củi đã vỡ ra. Máu rỉ ra từ viết thương dính tèm lem bùn đất và những mảnh vụn vỏ cây. Mộc Nhĩ trừng trừng nhìn dòng máu, không sao ngăn nổi giọt nước mắt nóng hổi đang ứa ra.

Nhưng nó cương quyết gạt nước mắt, xé vạt áo lấy một rẻo vải. Xung quanh không có nước nên nó nhổ nước bọt vào lòng bàn tay và nghiến răng chịu đau chùi thật sạch vết thương. Rồi dùng bàn tay còn lại cùng hàm răng, nó cột miếng vải làm thành cái băng tạm thời.

Sau đó, Mộc Nhĩ làm việc chậm hơn và kĩ hơn. Nó xếp củi thành từng lớp gọn ghẽ trên xe. Khi mặt trời xuống gần tới đường chân trời, nó cũng xếp xong củi và cẩn thận đẩy xe theo con đường mòn dẫn tới lối đi dưới chân đồi.

Sẩm tối hôm đó, Mộc Nhĩ mới lết về đến nhà ở dưới gầm cầu. Thay vì bình thản như thường ngày, bác Sếu nhíu mày lo âu khi thấy Mộc Nhĩ lảo đảo bước vào và ngả vật một đống dưới đất.

Bác Sếu không nói gì, chỉ đưa cho nó một cái bát trong đó bác để sẵn ít cơm và nhúm rau luộc. Không ăn nổi vì kiệt sức, Mộc Nhĩ gạt bát cơm qua một bên. Bác Sếu tập tễnh đến bên nó. Tì vào cái nạng, bác thả người ngồi xuống bên cạnh thằng bé. Không nói một lời nhưng với vẻ kiên quyết, bác nhón lấy mấy hạt cơm, bón vào miệng Mộc Nhĩ như thể nó là một đứa trẻ lên ba.

Mộc Nhĩ không nhớ nổi nó ăn hết bát cơm như thế nào, chỉ biết khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, nó nhìn thấy bác Sếu đang bám vào một trong những thanh giằng, đánh đu người nhảy xuống gầm cầu, như ông vẫn thường làm.

Nhỏ thó, gầy gò và hiếm ai biết ông bao nhiêu tuổi, bác Sếu vẫn di chuyển phần thân trên nhẹ nhàng như những người trẻ tuổi; đã nhiều lần Mộc Nhĩ quên phứt cái chân vô dụng của bác. Không biết bác Sếu đi đâu mà về sớm thế nhỉ?

Mộc Nhĩ khó nhọc ngồi dậy, lấy tay dụi mắt. Trong lúc đưa bàn tay phải lên mặt, nó chợt trông thấy miếng gạc thô kệch. Mảnh giẻ đông cứng lại vì lớp máu khô.

“Phải, đấy là điều ta định làm,” bác Sếu nói. “Bây giờ cần phải xem nó ra sao.”

Mộc Nhĩ chìa tay ra. Bác Sếu gỡ nút buộc và bắt đầu tháo băng.

“Ai da!” Mộc Nhĩ rít lên vì đau và rụt bàn tay lại. Lớp vải cuối cùng ngoan cố bám chặt vào vết thương, bác Sếu cố gỡ nó ra.

“Thôi đi nào, khỉ con,” bác Sếu nói giọng ân cần nhưng kiên quyết. “Phải gỡ ra mới làm sạch được vết thương chứ. Nó mà làm độc thì khốn.”

Mộc Nhĩ nhổm dậy, lết ra bờ sông. Nó cúi rạp người nhúng tay vào dòng nước. Làn nước mát lạnh làm dịu cơn đau và nới lỏng miếng vải đang dính chặt vào vết thương. Mặt nhăn mày nhó, nó từ từ lột mảnh vải cũ ra.

Trong lúc Mộc Nhĩ làm sạch vết thương, bác Sếu nhặt miếng vải đem giặt kĩ bằng nước đựng trong quả bầu khô, rồi chà vải lên hòn đá phẳng ở mép sông. Sau đó bác vắt kiệt nước và đưa cho Mộc Nhĩ, lúc này đã trở lại gầm cầu; nó treo mảnh vải lên một thanh giằng để phơi cho khô.

Bác Sếu mở chiếc túi nhỏ đeo ở thắt lưng lấy ra một nắm lá xanh vừa hái từ trong rừng từ sáng sớm. Bác nghiền nát nắm lá bằng hai hòn đá, rồi dùng hai ngón tay quết một ít lá tán nhuyễn vào lòng bàn tay Mộc Nhĩ.

“Nắm tay lại,” bác Sếu nói như ra lệnh. “Bóp chặt lại, để thuốc ngấm vào vết thương.”

Hai bác cháu ăn bữa sáng bằng số gạo quý báu còn lại. Mộc Nhĩ một tay nắm chặt miếng thuốc, tay kia nhón cơm ăn. Sau đó bác Sếu băng lại vết thương bằng rẻo vải lúc này đã được hong khô.

“Thế,” bác Sếu bảo. “Sau vài ngày nghỉ ngơi, con sẽ có bàn tay lành lặn như mới,” bác nghiêm nghị nhìn thằng bé.

Mộc Nhĩ không nói gì. Nó biết bác Sếu đã đoán được hôm nay nó sẽ chẳng được nghỉ ngơi đâu. Vẫn còn tám ngày công phải làm trả nợ cho ông thợ Min.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3