Viết Dưới Ánh Đèn Dầu - Phần 1

1. Tôi cho rằng ở Việt Nam loại tranh "moderne" chưa rõ hình.

Tôi buồn khi thấy một số tranh mệnh danh là vẽ moderne (hiện đại) mà không có giá trị gì về nghệ thuật. Tôi cho rằng đó là loại faux moderne (giả hiện đại), cũng như bảo những người vẽ chân phương kém là faux classique (giả cổ điển). Tôi thường phàn nàn với Nguyễn Sáng* là chính mấy tay modeme non làm nhiều người hiểu nhầm tranh moderne là bịp bợm. Quan niệm về tranh moderne tôi thấy không thể dễ dãi được. Cái dễ dãi là cái nên tránh trong nghệ thuật. Nó hời hợt, non yếu. Không đủ sức truyền cảm cho người xem tranh.

2. Khi vẽ xong một bức tranh thì tôi thấy nó "cũ" mất rồi. Hình như tôi muốn phải vẽ "hay" hơn thế bằng một lối tự do hơn hoặc kém tự do hơn miễn là hay hơn.

3. Picasso* thường hay vẽ đi vẽ lại một đề tài cho đến cực đẹp, cực nhuyễn. Thanh thoát vô cùng. Ông ta có cách nhìn nhạy cảm và bàn tay điêu luyện. Có lẽ cả hai là một.

4. Ở chúng ta nhiều khi hiểu đấy, biết đẹp, xấu đấy nhưng lại không làm được là tại thiếu điêu luyện hay lực bất tòng tâm?

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

5. Tìm cái đẹp qua thiên nhiên, hiểu kỹ thiên nhiên để thấy cái cốt lõi. Vẽ bịa là đi vào cái hời hợt, dễ dãi.

6. Xem con bò, con ngựa của Picasso vẽ chấm phá mới thấy ông này thuộc bò, ngựa rất ghê, phá mà vẫn thực.

7. Dựa vào thiên nhiên để mà làm tranh. Nếu chỉ ghi chép thiên nhiên thì không đáng kể về mặt sáng tạo. Một cái máy ảnh làm công việc đó tốt hơn.

8. Người xem tranh đáng tiếc là không phân biệt rõ giữa vẽ nghiên cứu, vẽ máy móc, vẽ theo ảnh với vẽ sáng tạo nghệ thuật. Đúng nghĩa của nghệ thuật là sáng tạo - tạo ra một cái gì Mới - Đẹp.

9. Càng ngày hội họa càng xa dần cái vỏ thực tế vì sợ giống ảnh, ảnh ghi chép thực tế nhanh và chính xác. Người họa sĩ dùng trí tuệ và tình cảm để phân tích thực tế và chuyển sang phần hội họa trong đó có óc tưởng tượng hoạt động.

10. Đừng băn khoăn nhiều trong lúc vẽ. Đừng đặt ra một tiêu chuẩn gì về cái đẹp. Cứ vẽ như người không biết vẽ cũng được chứ sao? Mà lại khó nữa nếu lại cố tình làm ra không biết vẽ! Chính cái hồn nhiên mới đem lại cái tươi mát trong tranh.

11. Tôi không còn nghĩ gì về nghệ thuật nữa thì tôi mới tự do được mà vẽ.

12. Một thế giới riêng. Một cái nhìn riêng. Nghệ thuật làm người xem thú vị ở chỗ đó.

13. Tranh của một ông bạn nọ có cái gì làm tôi phát chán. Nó êm ả quá, óng chuốt quá, sạch sẽ khéo léo quá... Đúng, nghệ thuật nên tránh mọi sự cẩu thả, dễ dãi tùy tiện, lười biếng... nhưng đừng đi vào cái "đẹp" thiếu chất hội họa, nếu là vẽ tranh. Hội họa trước hết đã - nghĩa là Nghệ thuật có không đã.

14. Vẽ giống người khác không có gì đáng chú ý vì đó là một "họa sĩ" không có gì.

15. Họa sĩ phái mới phá bỏ trật tự của nền hội họa cũ, trong khi đó những họa sĩ bảo thủ duy trì và ca tụng những cái cũ. Tất nhiên trong những môn phái cũ (cổ điển) có nhiều cái rất đẹp, rất quý. Nhưng làm lại để làm gì để thành một cái bóng mờ nhạt, một sự vô duyên lạc điệu.

16. Tiến lên một bước trong nghệ thuật đâu phải chuyện dễ. Ờ, nếu chỉ là câu chuyện chịu khó!

17. Vẽ không phải là chép, không phải là đo cho đúng, ghi cho chính xác. Nếu chỉ có thế thì mới là đang học vẽ, còn nếu muốn bước lên nữa, tiến tới ngưỡng cửa của nghệ thuật thì còn phải nhiều gian khổ rèn luyện lao động nghệ thuật thật sự... con đường sáng tác không dễ dàng, không có một lối tắt nào nếu anh muốn nhanh chóng để trở nên xuất chúng? Chỉ có một con đường rất là dài, rất là vất vả và cũng dễ thất bại, đau khổ.

18. Vượt lên trên những cái làm hỏng nghệ thuật. Nghĩ đến một sự nghiệp lớn lao của cả một đời nghệ thuật. Đừng để chính bản thân mình phải ân hận đã làm những bức tranh không ra gì, không đáng kể. Chính những bức tranh tồi, tranh dở tranh xoàng sẽ làm hại uy tín của mình đó.

19. Cứ xem họ đánh giá hoặc hiểu tranh ra sao thì có thể biết họ vẽ ra sao. Cái đẹp không nhìn thấy thì vẽ thế nào được tranh đẹp. Cái đẹp mới không phải là sự quen thuộc nữa, nó sẽ đòi hỏi một sự bỡ ngỡ. Trước lạ sau quen dần dần thấy đẹp. Cái đẹp tồn tại được có lẽ lúc nào nó cũng mới.

20. Vẽ nên có mẫu (modele) hay không?

Điều đó còn tùy theo quan niệm của người vẽ. Nếu vẽ theo lối cổ điển, ấn tượng, tả thực... thì nhất định là cần phải có mẫu. Nhưng cũng không nên nệ mẫu. Có những cái đẹp mà ở mẫu không đáp ứng được. Vậy, không nhất thiết phải luôn luôn có mẫu.

21. Cần đi vào chuyên môn thì mới có thể hay được. Nhưng chuyên môn không thấy chuyên môn thì mới thoát được.

22. Không rơi vào bệnh hình thức, nhưng nên là một hình thức nghệ thuật, rung cảm.

23. Hình như nghệ thuật (nói với nghĩa đặc biệt của nó) là một điều gì bí ẩn? Ở một số người này có thể làm được và ở một số người khác không làm được dù có cố sức rèn luyện cũng chỉ đi đến mức tầm thường mà thôi.

24. Suy nghĩ nhiều, ghi chép nhiều, nắm cho chắc những tài liệu về cuộc sống. Không làm những cái hời hợt, rẻ tiền. Cái đẹp đến hay không đến là do người vẽ nhìn thấy.

25. Vấn đề nghệ thuật tôi đặt lên hàng đầu. Vẽ cho hay đó là nhiệm vụ trước tiên. Tất nhiên cái hay là cái có ích cho mọi người (cũng có cái hay vô ích nhưng mình không vẽ cái đó).

26. Vẽ dễ hay khó? Tùy theo quan niệm mà thôi. Vẽ chiều theo quan niệm người khác không giống quan niệm của mình thì thật là khó. Vẽ vô trách nhiệm thì không khó.

27. Không ngại gì làm đi làm lại để tìm ra cái hay hơn nâng mình lên, không hài lòng với những cái dễ dãi. Đừng sợ không được quần chúng thích mà đi tìm lối này lối nọ. Chính cái hay nhất của anh mới làm quần chúng thích được. (Tôi không nói quần chúng ở mức độ kém).

28. Vẽ chân dung trước hết là có nghệ thuật chứ không phải là giống. Không phải là cố vẽ cho đúng, cho giống, cho đầy đủ. Mà giống như thế nào? Phải giống theo quan niệm của người vẽ chứ không phải theo quan niệm của người xem.

29. Vẽ chân dung ký họa, làm sao vẽ cho thoát mà vẫn giữ được nghệ thuật. Nghệ thuật vẽ chân dung đòi hỏi một sự quan sát sâu sắc dung mạo con người kết hợp với sự rung cảm tạo hình thành một tác phẩm hội họa. Đừng vội hài lòng khi chưa hiểu, chưa nắm được người trong tranh. Không cần giống nhưng cần ra, không giống nhưng mà ra, thế là được rồi đối với một chân dung.

Đừng gò bó - Đừng lo không giống - Đừng rụt rè. Vẽ hỏng thì bỏ đi, không sao cả.

Càng vẽ nhiều càng nhiều kinh nghiệm. Đáng buồn khi người vẽ không nhìn thấy thất bại, thành công ở mức nào. Cần làm việc rất nghiêm túc và thoải mái.

(1) Có một anh nhà giàu (vốn là một người sưu tầm cây và chim cảnh) có ý muốn nhờ Bùi Xuân Phái vẽ cho mình một bức chân dung, anh này đi lại nhiều lần, hối thúc Bùi Xuân Phái vẽ. Sau đó Bùi Xuân Phái đã nói:

- Nếu vẽ chỉ để cho một mình ông thích tôi thì tôi có thể vẽ xong cho ông xong ngay bây giờ, nhưng để vẽ cho nhiều người khác xem bức chân dung đó cũng thích được thì lại là chuyện khác.

30. Tác phẩm hội họa được xây dựng theo một kiểu riêng của nó. Nó không giống như cách xây dựng tác phẩm của một nhà văn hoặc của một ngành khác và cuối cùng mỗi con người nghệ sĩ lại có một lối riêng để hoàn thành tác phẩm.

31. Hà Nội có rất nhiều vẻ đẹp mà mỗi vẻ đẹp lại thích hợp với mỗi người*. Có những cái đẹp mới và lại có cả những cái đẹp cũ, thí dụ những căn nhà cổ Việt Nam.

Phố cổ, những căn nhà cổ vào tranh rất dễ đẹp. Nhịp điệu của nó không đều đều như những căn nhà cao tầng, nhà lắp ghép.

Chúng ta thấy có cái cao, cái thấp, cái to, cái nhỏ, cái lùi vào, cái nhô ra. Người vẽ về mặt tạo hình và bố cục có rất nhiều thuận lợi.

Về màu sắc nó mang nhiều màu thời gian. Có nhiều mảng tường tưởng như là bẩn, không phải đâu. Nó rất đẹp đối với những đối tượng biết nhìn thấy, biết khám phá những loang lổ, những dấu vết thời gian ấy thêm vào óc tưởng tượng của người nghệ sĩ sẽ tạo ra những cái đẹp bất ngờ.

Vẽ phố cổ, nhà cổ Hà Nội mà quá nặng về ghi chép cho đúng thì tranh sẽ mang ít chất hội họa, về phần này nên nhường chỗ cho nhiếp ảnh hoặc điện ảnh. Chúng ta đều biết cái đẹp của tranh, phần cốt yếu vẫn là phần sáng tạo của nghệ sĩ.

32. Đừng thừa. Cứ lải nhải vẽ mãi thì nhất định là sẽ có nhiều cái thừa. Nên tránh đi thì hơn. Vẽ lâu cũng được nhưng cốt để đi sâu vào cái đẹp, cái cần, chứ không phải để thấy cần cù nhiều quá của bàn tay. Càng ngắn càng khó (tất nhiên là ngắn hay). Càng ít nét, càng giản dị, càng khó. Cái tinh chất mới thực là cái đáng quý.

33. Giữ lại cái gì đẹp, mất đi cái gì xấu. Xóa cái xấu đi không thương tiếc. Điều đáng chú ý là phân biệt cho hay cái đẹp và cái xấu, không lẫn lộn. Xóa đi mất cái đẹp thì thật là buồn cho anh. Mà giữ lại cái xấu thì lại càng đáng buồn hơn!

34. Cái khó vẫn là cái xa nay ít vẽ đến hoặc không vẽ đến. Làm sao mà nhớ mà thuộc được. Kém trí nhớ mà tài liệu thì không có, hoặc thiếu. Hỏi dù có minh họa một cái tranh nhỏ trên báo cũng thấy gay.

35, Muốn vẽ thoát thì phải thuộc rất tinh tường, hiểu biết đến nơi đến chốn thực tế có trong tranh. Vẽ theo trí nhớ thì không gọi là vẽ bịa. Cái đáng ghét là vẽ bịa, vẽ liều trong khi không nhớ, không có tài liệu tham khảo, trường hợp này dễ làm tài năng (nếu có) sút kém và hư hỏng.

36. Cái nghề vẽ báo: minh họa, tranh vui v.v... nếu làm ít ít thôi thì cũng không hại. Nếu bập vào và làm nhiều thì cũng dễ hại. Nó quen tay đi, nó dễ đi đến chỗ hời hợt dễ dãi, nhiều khi do yêu cầu cấp bách phải "cố rặn" ra cho được, rất dễ đi vào con đường bịa. Phải coi chừng?

37. Chất hiện đại là chất trẻ, nghệ thuật càng tiến lên càng trẻ, trừ phi những người muốn lùi (bảo thủ thì nghệ thuật ôi thôi già khô.

38. Không phải cái cũ, cái cổ không hay, không có giá trị. Nó tuyệt vời với những tác phẩm bất tử đã có. Nhưng cái đó không phải để anh bắt chước.

39. Cứ vẽ đi, thiên nhiên là một nguồn cảm hứng vô tận. Đừng sợ không làm nổi, cứ là mình mà vẽ, bằng lòng với "tài năng" dù còn kém của mình.

40. Vẽ nhiều bạn sẽ cảm thấy những cái tranh nào của bạn có cái đẹp. Hãy nghiên cứu trong khi xem tranh của mình, hãy để riêng ra loại đẹp và loại xấu. Một khi tranh đã được rồi, đẹp rồi (có bao quát tốt) thì cũng đừng nên chữa nữa, có thể đi đến chỗ xấu đi. Đẩy lên là tốt nhưng hãy coi chừng, cũng có khi không phải là đẩy lên mà lại là đẩy xuống!

41. Chữa tranh là một điều rất gay, rất khó. Bởi lẽ rất dễ làm mất bao quát (ensemble) nhiều khi gần như phải làm lại, vẽ lại tất thì mới cứu vãn được. Nên thận trọng.

42. Vấn đề vật liệu đóng một vai quan trọng trong nghệ thuật. Thiếu vật liệu, đồ dùng tốt người nghệ sĩ bị hạn chế rất nhiều. Anh ta không thể làm theo ý muốn, không thể nâng cao tác phẩm do dùng những chất liệu kém, tác phẩm dễ bị hư hỏng đem lại sự đáng tiếc cho người xem.

52. Cứ vẽ đi đã. Nghệ thuật làm sao có chuyện biết trước hay dở! Đừng nghĩ đến sự thành công sớm - Có thể như một tay nào đó: tôi không biết tranh của tôi có đẹp hay không nữa! ít nhất cái tranh đem lại cho mình thú nhiều hay ít, hay không thú. Thế thôi!

53. Nói đến phong cách là phải có nghệ thuật rồi. Chứ vẽ biết ngay là ai vẽ mà kém nghệ thuật thì cũng chán.

54. Không nên đi tìm cái "riêng" để tỏ ra mình có chất độc đáo. Rất dễ rơi vào con đường lập dị hoặc hình thức.

55. Phong cách là nói chung nên hội đủ cả phần nội dung lẫn hình thức.

56. Ai vẽ mà không muốn tranh của mình đẹp - Nhưng điều đó có phải là dễ đâu. Ai thấy đẹp, ai thấy không đẹp? Lôi thôi lắm chứ! Cái chủ quan cũng dễ đánh lừa ngay cả bản thân người vẽ.

57. Ông bạn làm nghệ thuật cứ tưởng như mình là "ghê gớm" lắm. Có biết đâu cái kém, cái dở, cái dễ dãi vẫn thòi ra mà mình không nhìn thấy, cũng có thể cả người xem cũng không nhìn thấy.

58. Nhà văn không ngày nào không viết thì trong ngành họa cũng vậy thôi. Phải vẽ hàng ngày. Hình như không vẽ luôn tay nó "cứng" ra. Vẽ nhiều, vẽ cho thuần tay để lúc nào cũng thành điêu luyện và thoải mái, ông Hen ri Matisse* vẽ như chơi là vì ông vẽ rất nhiều. Nên hiểu vẽ với tâm hồn nghệ thuật, chứ không phải vẽ nhiều để kiếm tiền nhiều!

59. Có thể có những người rất chịu khó vẽ nhưng không có tâm hồn nghệ thuật thành ra họ chỉ giữ những kỹ thuật, những công thức, những luật lệ. Bởi thế tranh của họ dù có kỹ xảo đến mấy đi nữa vẫn cứ khô khan, tầm thường. Những họa sĩ dân gian vẽ thường rất hồn nhiên và thoải mái. Họ không bị lúng túng bởi những khó khăn của kỹ thuật.

60. Văn là người thì vẽ cũng là người thôi, người làm sao thì vẽ làm nấy (thế nấy). Nếu cố tình bắt chước người khác thì cũng chỉ thành đồ giả thôi. Cần phải vẽ một cách chân thành. Không giả tạo, đừng vay mượn để che đậy cái... kém của mình mà cũng có người đi làm cái giả tầm thường, trong khi chính bản thân mình có cái hay thì lại không khai thác! Thế có đáng tiếc không cơ chứ!

61. Làm việc cho có khoa học để tránh vấp váp những cái có thể tránh được. Thí dụ như để cháy nhà mới rút kinh nghiệm thì tai hại quá. Từ cái nhỏ nhặt đều làm cho hoàn chỉnh, làm cho thật tốt. Thí dụ như làm một khung vải để vẽ (préparer toile), "căng vải" như thế nào? Kỹ thuật đòi hỏi để khi vẽ ta có một cái "toile" rất đẹp và tốt. Cái đó cũng gây hào hứng nhiều trong khi vẽ nữa.

62. Cứ vẽ đi, nó đến thì đến mà không đến thì thôi? Vẽ cái khác và vẽ cái khác nữa. Vẽ là một nhu cầu thỏa mãn tình cảm với cái đẹp hội họa. Nếu chỉ vì mục đích "kiếm tiền" thì nó sẽ xa rời cái đẹp hội họa mà sang cái đẹp tầm thường! Mà chết nỗi cái "đẹp" tầm thường lại được nhiều vị tầm thường ưa thích! Các vị đó lại hay có tiền, nên mấy ông họa sĩ khéo tay kiếm rất dễ. Tranh chỉ cần nuột nà khéo léo sạch sẽ, tươi tắn, xinh xắn. Đề tài thường trên con đường mòn, kỹ thuật cũng trên con đường mòn! Sự hiểu biết, sự thưởng thức cũng thuộc dễ dãi người xem sợ sự mới lạ, bỡ ngỡ trước những tìm tòi, nên chỉ đòi hỏi những cái “đẹp cũ” cái quen thuộc mà thôi. Không, người nghệ sĩ của thời đại mới không đi vào con đường mòn như thế. Họ lao vào cái hiện đại, cái mới dù vấp váp dù gian lao nguy hiểm. Họ tiêu biểu cho những tài năng mới mà ta thấy rất hiếm trong đời sống.

63. Tất nhiên nghệ thuật rất là phong phú, nói riêng nghệ thuật hội họa - đừng thắc mắc quá nhiều về những nét đẹp trong hình thức. Đúng là nên đi vào hình thức có nội dung, đi vào lối vẽ thích hợp với tâm hồn, khả năng của mình nhất.

64. Đừng làm xiếc với nghệ thuật - nó thành ra một thứ tiểu xảo tầm thường - nếu anh muốn rõ ra là anh thì anh cứ việc vẽ theo ý thích của anh.

65. Tìm hiểu thực tế. Nghiên cứu sâu thực tế từ đó mới đi sâu vào được nghệ thuật. Vẽ đi vẽ lại nhiều lần một cảnh, một người nào đó cũng tốt vì như thế mình sẽ thuộc và hiểu lấy cái mình vẽ. Và vẽ khi thuộc nét sẽ được thanh thoát hơn khi chưa thuộc.

66. Có ai đó nói: Cần nhìn giỏi chứ không phải cần vẽ giỏi! Có lẽ nên nói cần nhìn giỏi hơn vẽ giỏi. Tất nhiên hai điều này thường là đi đôi nếu không thì vẽ giỏi làm sao được. Vẽ giỏi mà không nhìn ra cái đẹp thì mới chỉ là vẽ khéo tay, chỉ là một công trình thủ công mà thôi. Nhưng nhìn giỏi mà với bàn tay thiếu rèn luyện, bàn tay quá vụng về thì cũng loay hoay rồi rút cục cũng đành bó tay, cũng ví như nhà phê bình nghệ thuật có cặp mắt sành sỏi nhưng nào ông ta có vẽ được!

67. Cái đẹp đến hay không đến là do người vẽ nhìn thấy. "Cái nhìn" cho hay để vẽ cho hay. Cả hai đều khó cả. Phải khổ công rèn luyện để bớt khó.

68. Trong hội họa chữ học hành đúng là cần thiết, học phải đi đôi với hành. Hành mà thiếu học cũng không phát triển được. Càng học nhiều thì càng phải vẽ nhiều. Bạo dạn lên mà vẽ. Hỏng hay được chưa vội quan tâm. Tất nhiên không có ai vẽ mà lại muốn hỏng bao giờ. Đừng chủ quan cho rằng mình đã có trình độ! Mà đã có trình độ thì vẽ là phải được? Không đâu có trình độ mà tranh vẫn có thể tồi được chứ? Thí dụ như vẽ phải một đề tài khó, thí dụ như thiếu phương tiện vv... Mà cái "cảm hứng" lạnh nhạt nữa thì khó có thể ra tranh hay được.

69. Thiếu không khí nghệ thuật làm việc cũng khó thật. Nhưng cũng cần tìm thấy không khí hoặc tạo ra. Nếu không ông bạn sẽ giải nghệ mất thôi. (1)

(1)Từ năm 1980, Bùi Xuân Phái có nhiều khách mua tranh. Có tiền, ông thường mùa nhiều họa phẩm. Có người khuyên ông dùng hết mới mua tiếp, Bùi Xuân Phái giải thích: "Vật liệu luôn bày ra trước mắt nó có tác dụng là gây ra cho tôi không khí hứng thú làm việc, hết rồi mới đi mua có khi lại ngại."

70. Đừng tiếc thì giờ mất đi cho một cái tranh, càng mất nhiều thì giờ, bức tranh càng xem được lâu.

71. Cái khó là trong hoàn cảnh nào cũng đều vẽ được cả. Thiếu sơn? Thì ông bạn đừng vẽ sơn dầu nữa. Thiếu bột màu? Thì ông bạn đừng vẽ bột màu nữa. Giấy và bút chì, bút mực thì chắc ít khi thiếu. Đừng nên đổ tại thiếu thứ này thiếu thứ nọ để không vẽ! Tất cả tùy thuộc vào người nghệ sĩ.

Cái nguy nhất là: Không thiết vẽ.

72. Đừng ép buộc người nghệ sĩ phải làm việc. Sao lại phải? Anh ta không thích làm việc nữa tức là anh ta muốn giải nghệ rồi còn gì? Anh ta không xứng đáng gì với danh từ nghệ sĩ nữa.

73. Trong lúc vẽ nghệ thuật chỉ đến chập chờn, đôi khi như một ánh chớp phải nhạy cảm để nhìn cho tinh, để mà thấy, để mà tiến thoái, để mà biết đúng chỗ. Hãy hiểu biết cho nhiều để tự mình nhìn nhận cho công bằng. Thường thì hay tưởng là mình hay!

74. Hãy vẽ. Vẽ để thấy cái non kém của mình. Không dấu kém. Vẽ tốt nhất là trong khi vẽ học thêm đươc một cái gì bổ ích. Đáng buồn là cái tầm thường. Vẽ không phải là để trổ tài, càng muốn trổ tài càng đi đến chỗ tầm thường!

75. Thế kỷ đã qua đã vẽ Thế kỷ ngày nay đang vẽ và những thế kỷ ngày mai sẽ vẽ. Vẽ mãi. Và cái đáng kể là để nghệ thuật cứ tiến lên mãi. Thời đại nào nghệ thuật nấy. Con người bao giờ cũng muốn vươn tới cái mới nhất cái đẹp nhất.

76. Đẹp thay một cái atelier bừa bãi (tiếc thay hiện nay không có). (2) Khi nào cái atelier của tôi gọn gàng sạch sẽ là lúc tôi lười đấy.

(2) Cho đến khi mất (1988) Bùi Xuân Phái vẫn sống, làm việc và sinh hoạt chung và cùng với gia đình trong căn phòng chật chội hai mươi mét vuông ở 87 Thuốc Bắc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3